Vấn nạn xâm hại tình dục: Những định kiến tai hại

MAI THẢO YÊN 13/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Đứng trên góc độ xã hội học, thực trạng xâm hại tình dục ở Việt Nam hiện tại không thể hiểu đơn giản đến từ sự tha hóa cá nhân, mà còn là biểu hiện của những định kiến xã hội về nạn nhân lẫn hung thủ xâm hại tình dục.

Minh họa
Những vết bầm tím rồi sẽ mờ đi nhưng nỗi đau sẽ ở lại mãi.

Trong một thời cuộc có rất nhiều thay đổi chóng vánh như hiện nay, cần định nghĩa xâm hại tình dục như thế nào? Cách chúng ta dán nhãn về “yêu râu xanh” ảnh hưởng đến nạn nhân như thế nào? Và một nền văn hóa chịu nhiều sức nặng từ Khổng giáo đã góp phần cô lập nạn nhân của xâm hại tình dục ra sao?

Định nghĩa về xâm hại tình dục

Thế nào là xâm hại tình dục? Để trả lời câu hỏi này, ta buộc phải nhìn về quan niệm của xã hội đối với sự riêng tư và bảo toàn cơ thể. Khi định nghĩa này còn lập lờ, rất khó hình dung ra những giới hạn, chẳng hạn xác định thế nào là “nựng” hay “đùa cho vui” và thế nào là sự xâm phạm.

Theo một nghiên cứu tổng quát của bác sĩ Peter Cameron và đồng nghiệp, xâm hại tình dục được định nghĩa là: Một hành động trong đó một người đụng chạm tới người khác mà không có sự đồng thuận của người đó, hoặc ép buộc tinh thần hoặc dùng sức mạnh ép một người tham gia vào hành vi tình dục trái ngược với nguyện vọng. Xâm hại tình dục bao gồm cưỡng hiếp, hành hung tình dục (sử dụng vũ khí gây thương tích), ép quan hệ bằng miệng, sờ nắn bộ phận sinh dục hoặc dùng vật dụng để thâm nhập vào cơ thể nạn nhân.

Điều đáng chú ý trong định nghĩa này là xâm hại tình dục không nhất thiết cần có sự thâm nhập cơ thể, mà từ khóa ở đây là sự đồng thuận. Việc xâm hại tình dục một người đi liền với sự thiếu đồng thuận. Nạn nhân có thể không đưa ra sự đồng thuận, vì sợ hãi mà đồng thuận hoặc không đủ tuổi pháp lý hoặc khả năng nhận thức để đồng thuận.

Khi chúng ta mở rộng cách hiểu về đồng thuận, có thể thấy xã hội Việt Nam vẫn còn khá dễ dãi đối với vấn đề đồng thuận và tiếp xúc cơ thể, đặc biệt là với trẻ em. Ví dụ, việc ôm hôn một đứa trẻ, mặc dù không đi với ý muốn làm hại trẻ, cũng là điều không nên nếu bản thân đứa trẻ không cảm thấy thoải mái hay không muốn được hôn.

Những nhãn dán về hung thủ xâm hại tình dục

Trong ngôn ngữ ngày thường, cụm từ “yêu râu xanh” gắn liền với vấn đề xâm hại tình dục. Cách dán nhãn này tạo nên một khuôn mẫu trong ý niệm về tội phạm tình dục: một “kẻ xấu” (thường mặc định là đàn ông) chuyên gạ gẫm và xâm hại cơ thể nạn nhân (thường được mặc định là phụ nữ và trẻ em) để “thỏa mãn thú tính”.

Thông qua cách dán nhãn này, vấn đề xâm hại tình dục thường được xem là vấn đề của việc kiểm soát ham muốn (tạo nên cách hiểu rằng đàn ông không biết cách kiểm soát dục vọng), vấn đề do nạn nhân khơi dậy “ham muốn” ở hung thủ (tạo nên sự đổ lỗi cho nạn nhân), và vấn đề nạn nhân thiếu cảnh giác với những kẻ lạ/nguy hiểm, đặc biệt là những đối tượng vướng vào các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cướp bóc.

Những nhãn dán này khiến xã hội không khỏi bàng hoàng khi nhiều “yêu râu xanh” hóa ra lại chính là những người vẫn được coi là “hiền lành”, đạo mạo, có vị thế trong xã hội. Một nghiên cứu của Đại học Masschusetts Boston (Hoa Kỳ), thông qua khảo sát và phỏng vấn, đã tìm ra 120 kẻ cưỡng hiếp ngoài vòng pháp luật. Tiến sĩ David Lisak, người phụ trách nghiên cứu này, gọi đây là những kẻ cưỡng hiếp ẩn mình (undetected rapists) và họ hoàn toàn khác xa khuôn mẫu mặc định về “yêu râu xanh”. Phần đông những kẻ này có quen biết với nạn nhân, có học vấn và nghề nghiệp ổn định, hành động có tính toán trước, không sử dụng vũ khí mà dùng đòn tâm lý (như đe dọa, thao túng) để kiểm soát nạn nhân và không chỉ hành động một lần. 76 người trong con số 120 này đã gây ra 439 vụ cưỡng hiếp, 277 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 214 vụ hành hung người bạn tình của mình.

Một nghiên cứu khác về xâm hại tình dục tại Anh cũng cho thấy chỉ có 10% hung thủ các vụ tấn công tình dục là người lạ, còn lại 56% chính là người yêu của nạn nhân, 33% còn lại là bạn, người quen hoặc người thân trong gia đình. Điều này phần nào lý giải vì sao 2/3 số vụ xâm hại không hề được thông báo với các cơ quan chức năng. Theo bà Nicole Westmarland - viện trưởng Viện Nghiên cứu về bạo lực và bạo hành ở Durham (Anh), nhiều nạn nhân không báo với chính quyền vì sợ rằng hung thủ (thường là người yêu hoặc người thân của họ) phải vào tù.

Theo một số nghiên cứu về trẻ em bị xâm hại tình dục, 60% những kẻ xâm hại trẻ em chính là những người mà gia đình trẻ tin tưởng. Con số cho thấy cách dán nhãn “người tốt” hay “kẻ xấu” không phản ánh được những nguy cơ đe dọa sự an toàn của trẻ, mà ngược lại khiến việc bảo vệ trẻ khó khăn hơn. Cũng chính những nhãn dán này có thể khiến trẻ không biết mình đang bị lạm dụng và cũng không kể về sự việc với ai khác (trong nhiều trường hợp hung thủ dặn dò trẻ rằng đây là một “trò chơi” cần được giữ bí mật).

Niềm tin về “người tốt”, “người hiền lành” không thể nào có hành động xấu cũng là lý do vì sao nhiều người lớn khi nghe trẻ kể về chuyện bị xâm hại không tin lời trẻ hoặc chọn giải pháp im lặng thay vì can thiệp. Chính niềm tin vào những khuôn mẫu tốt/xấu khiến họ vô tình bảo vệ cho hung thủ thay vì bảo vệ nạn nhân.

Minh họa
 

Khổng Giáo, định chuẩn xã hội và ngôn ngữ tự vệ

Xã hội Việt Nam hiện tại vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Tam giáo, trong đó Khổng giáo đưa ra những quy chuẩn về thứ bậc xã hội, nam quyền và sự phục tùng. Một nghiên cứu năm 2009 của Fuhua Zhai và Qin Gao cho thấy triết lý Khổng giáo có liên hệ mật thiết tới sự ngược đãi trẻ trong cách nuôi dạy của nhiều gia đình châu Á, vốn đòi hỏi trẻ tuân phục người lớn hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc Khổng giáo coi trọng hòa khí, “dĩ hòa vi quý”, có thể lý giải tại sao nhiều trường hợp ngược đãi phụ nữ và trẻ em thường không được xử lý hay nhắc tới mà giữ trong im lặng, nhằm bảo vệ thể diện của gia đình.

Những định chuẩn xã hội dựa trên tuổi tác và giới tính cũng góp phần khiến phụ nữ và trẻ em dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục hơn. Hình mẫu phụ nữ Việt chuẩn mực đòi hỏi người phụ nữ phải biết vâng lời, tuân phục, sẵn sàng hi sinh vì người thân, gia đình. Cách xã hội Việt đặt nặng vấn đề “trinh tiết” của người phụ nữ cũng tạo nên định kiến rằng người phụ nữ khi đã bị xâm hại thì đã mất đi “giá trị”, làm cho nạn nhân càng trở nên yếu thế và cô lập.

Cũng như giới tính, tuổi tác cũng tạo nên những tương quan về quyền lực và khiến trẻ em trở nên dễ tổn thương hơn trước nguy cơ xâm hại tình dục. Những định kiến về tuổi tác cho rằng trẻ em thiếu chín chắn và thiếu khả năng nhận thức đã khiến tiếng nói của trẻ không được lắng nghe thấu đáo. Một câu nói chúng ta vẫn thường nghe thấy, “trẻ con thì biết gì mà nói” thể hiện rõ định kiến này.

Trước những định kiến về giới tính và tuổi tác của xã hội Việt Nam, có thể hiểu vì sao phần đông phụ nữ và trẻ em Việt vẫn chưa được dạy một loại ngôn ngữ để tự vệ trước xâm hại tình dục, đặc biệt là sự xâm hại đến từ người yêu hay người thân trong gia đình. Phụ nữ Việt đã được dạy để hi sinh và sẵn sàng đặt hạnh phúc của người khác lên trên chính mình, điều này gây thêm sức ép tâm lý khiến nạn nhân khó có thể lên tiếng khi bị xâm hại. Trẻ em Việt đã được dạy để không được hỗn hay cãi lại người lớn và không được bày tỏ chính kiến, vì vậy các nạn nhân khó có thể nói “không” trước những hành vi của người lớn khiến trẻ không thoải mái. Ngoài ra, văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân cũng góp phần khiến nhiều ca xâm hại tình dục tiếp tục ẩn mình trong bóng tối.

Không thể xử lý triệt để vấn nạn xâm hại tình dục khi vẫn còn nhiều hiểu lầm và khúc mắc trong cách xã hội định nghĩa, dán nhãn vấn đề cũng như cách chúng ta vô tình cô lập nạn nhân thông qua các định kiến về giới tính và tuổi tác. Vì vậy, việc ngăn ngừa xâm hại tình dục phải đến từ những cách tiếp cận đa chiều.

Bên cạnh việc phát triển một nền văn hóa và một hệ thống giáo dục nhấn mạnh sự trân trọng thân thể, phẩm giá con người và không xem việc gây tổn thương người khác đơn thuần là một “trò đùa”, chúng ta cũng cần gạt bỏ những định chuẩn quá đơn giản về “người tốt/kẻ xấu”, từ bỏ những đòi hỏi văn hóa về sự hi sinh và phục tùng của người phụ nữ, dạy cho trẻ em phát triển khả năng tự lập và cách nói “không”. Cũng cần lưu ý rằng nạn nhân của xâm hại tình dục có thể là bất cứ ai, bao gồm cả nam giới, người lớn tuổi và người khuyết tật.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sang chấn đến từ việc bị xâm hại, đặc biệt là ở trẻ em, có thể đi theo nạn nhân suốt cuộc đời và làm nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Vì vậy, song song với việc xây dựng một hệ thống luật nghiêm khắc và rõ ràng đối với tội phạm tình dục, chúng ta cũng cần tạo nên một không gian an toàn để nạn nhân lên tiếng, tìm được sự đồng cảm và những hỗ trợ tâm lý thích hợp, kịp lúc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận