Vì đâu vua dầu lửa phật ý?

NGUYỄN NGỌC HÙNG 30/10/2013 11:10 GMT+7

TTCT - Ngày 18-10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Vương quốc Saudi Arabia ra tuyên bố từ chối nhận chiếc ghế thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc mà nước này vừa được bầu chọn (cùng với Chile, Nigeria, CH Tchad và Lithuania) cho nhiệm kỳ hai năm 2014-2015.

Đây là sự kiện chưa từng xảy ra kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945.

Phóng to
Dù Saudi Arabia vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, nhưng Nhà vua Abdullah Bin Abdul Aziz (phải) bất bình với chính quyền ông Obama trong nhiều vấn đề - Ảnh: theaustralian.com

Hành động của vương quốc dầu lửa khiến công luận toàn cầu ngỡ ngàng, nhưng nó không hoàn toàn ngẫu nhiên. Saudi Arabia đã có những động thái dạo đầu cho quyết định của mình ít nhất là từ năm 2012.

Bất mãn với “sự yếu kém” của HĐBA

Báo Asharq al-Awsat phát hành tại London ngày 20-10 đưa ra những dẫn chứng cụ thể: ngày 10-2-2012, khi phát biểu khai mạc một sự kiện quốc tế tại al-Janaderiya, nhà vua Abdullah Bin Abdul Aziz nói: “Chúng ta từng tin rằng LHQ công bằng. Nhưng những gì đã diễn ra không mấy tốt đẹp. Niềm tin của thế giới đối với LHQ đã lung lay”.

Ngày 7-2-2013, phát biểu thay mặt Nhà vua Abdullah tại Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo lần thứ 12 họp tại Cairo (Ai Cập), Hoàng thái tử Sulaiman Bin Abdu Aziz nói: “HĐBA là thực thể quốc tế có trách nhiệm bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới. Nếu chúng ta không thể thúc đẩy thực thể này hoạt động theo hướng ủng hộ an ninh và hòa bình thế giới tại Syria và Palestine, và không chấm dứt được các hành động bạo lực đang diễn ra chống lại nhân dân ở hai nơi này, thì chúng ta nên quay lưng lại với thực thể ấy và hãy hành động để kiến tạo khả năng tự giải quyết những vấn đề của mình”.

Cuối tháng 9 vừa qua, khi dự hoạt động khai mạc niên khóa 2013-2014 của Đại hội đồng LHQ tại New York, Ngoại trưởng Saoud al-Faysal đã từ chối phát biểu chính thức trên diễn đàn “để phản đối việc HĐBA không có hành động thích đáng về vấn đề Syria và Palestine”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 18-10 nêu rõ: “Saudi Arabia thấy rằng cách thức cùng cơ chế làm việc và các tiêu chuẩn kép của HĐBA hiện nay đang cản trở hội đồng thực thi các nghĩa vụ và gánh vác các trọng trách của mình đối với việc bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới như được đòi hỏi. Điều này khiến cho tình trạng bất ổn liên tục diễn ra, mở rộng phạm vi bất công đối với các dân tộc, các quyền chính đáng bị tước đoạt, tranh chấp và chiến tranh tràn lan khắp nơi”.

Những vấn đề trọng yếu mà Saudi Arabia nêu ra trong tuyên bố của mình để minh chứng cho sự yếu kém của HĐBA tại khu vực Trung Đông không chỉ khoanh gọn trong cuộc xung đột dai dẳng Palestine - Israel và cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria. Saudi Arabia còn bất bình về việc HĐBA không hành động đầy đủ để thực hiện ý nguyện biến Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về nội dung này, theo aawsat.com, Saudi Arabia ám chỉ sự bất lực của HĐBA đối với cả Israel - nước được cho là đã có vũ khí nguyên tử - và Iran với chương trình hạt nhân vẫn gây nhiều tranh cãi.

Phản ứng với chính quyền Mỹ

Giới phân tích Ả Rập cho rằng bức xúc của Nhà vua Abdullah chính là những biểu hiện của Mỹ và phương Tây theo hướng thỏa mãn với thái độ cởi mở khác thường từ phía chính quyền mới của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Saudi Arabia và các đồng minh Ả Rập không chỉ lo ngại tham vọng hạt nhân của Iran, mà còn luôn dè chừng sự bành trướng thế lực Iran đối với khu vực Đông Ả Rập và vùng Vịnh Persic.

Trên aawsat.com ngày 20-10, nhà bình luận Abdullah Bin Bejad phê phán Mỹ “muốn làm lành với Iran” mà không đếm xỉa tới việc này sẽ tác động tiêu cực ra sao đến lợi ích của Saudi Arabia và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Khối Ả Rập cho rằng từ khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã thể hiện rõ chủ đích mà họ cho là “phủi tay” khỏi các cuộc xung đột tại Trung Đông. Họ ghi sổ những “bằng chứng” về sự “phủi tay” này: việc Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq cuối năm 2011 bị cho là đã “biếu không” đất nước tiền đồn phía đông của thế giới Ả Rập cho Iran, rồi việc Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm sau cũng bị cho là “mở cửa” để Iran bành trướng thế lực dòng Hồi giáo Shi’a sang Nam Á.

Saudi Arabia còn bất bình gay gắt với các ứng xử của chính quyền Obama đối với những diễn biến “mùa xuân Ả Rập” tại Syria và Ai Cập từ đầu năm 2011 đến nay.

Là một trong những quốc gia Ả Rập đi đầu trợ giúp mọi mặt cho phe đối lập Syria trong cuộc nội chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Saudi Arabia cho rằng Washington “không hành động đầy đủ” để chấm dứt cuộc nội chiến tương tàn tại quốc gia này. Saudi Arabia và các đồng minh Ả Rập cho rằng việc HĐBA ra nghị quyết loại bỏ vũ khí hóa học tại Syria là không đủ, bởi người Ả Rập không ủng hộ chính quyền al-Assad.

Saudi Arabia cũng rất bất bình trước việc ngày 9-10, chính quyền Mỹ tuyên bố ngưng viện trợ quân sự và tài chính cho chính quyền lâm thời Ai Cập hiện nay. Nhà vua Abdullah đã hơn một lần công khai tuyên bố nước ông bù đắp tất cả những thiệt hại kinh tế - tài chính mà Ai Cập gánh chịu do bị Mỹ “trừng phạt”!

Ngày 12-10, ngoại trưởng Saudi Arabia đã có chuyến công du tới Paris mà trang mạng alarabiya.net nhận xét là nhằm tìm “sự tương đồng” của chính quyền Pháp đối với lập trường của Saudi Arabia về các diễn biến tại Ai Cập và các vấn đề nóng khác như Syria, Iran...

Đồng cảm, ngạc nhiên…

Theo alarabiya.net ngày 18-10, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố đồng cảm với nỗi thất vọng của Saudi Arabia về việc HĐBA bất lực trong thừa hành sứ mệnh của mình. Trước đó, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ cuối tháng 9, Tổng thống Pháp François Hollande đã nêu ý tưởng không để các thành viên thường trực HĐBA dùng quyền phủ quyết khi xảy ra các vụ thảm sát quy mô lớn.

Pháp đề xuất trong trường hợp này, nếu có 50 thành viên LHQ đề nghị thì Tổng thư ký LHQ sẽ quyết định một phản ứng quốc tế mà không cần HĐBA phải ra nghị quyết. Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh (Qatar, UAE, Bahrain, Kuwait, Oman), Palestine và Liên đoàn Ả Rập cũng đưa ra những tuyên bố đồng tình với Saudi Arabia phê phán sự bất lực của HĐBA và đòi cải tổ cơ chế này.

Từ Matxcơva, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “rất ngạc nhiên trước quyết định chưa từng có của Saudi Arabia” và nhận định rằng “những lập luận của vương quốc này làm khuấy động sự hoang mang và việc chỉ trích HĐBA trong bối cảnh xung đột ở Syria là đặc biệt lạ lùng”, bởi “HĐBA vừa đồng lòng thông qua nghị quyết 2118 vốn hình thành khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết vấn đề Syria” rồi.

Với quyết định trên, Nga cho rằng Saudi Arabia đã tự loại mình khỏi các nỗ lực chung trong khuôn khổ HĐBA nhằm duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Bình luận trên aawsat.com ngày 20-10, cây bút Tareq al-Hameed cho rằng Saudi Arabia nay đã ý thức đầy đủ về vai trò và uy tín của mình trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Nhà vua Abdullah vẫn là đồng minh rất quan trọng của Mỹ ở khu vực này, nhưng hoàn toàn không lệ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị.

Đầu tuần này tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Ngoại trưởng Saoud al-Faysal để tìm cách làm dịu căng thẳng khi cho rằng cả hai quốc gia đều chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân ở Iran, chấm dứt cuộc chiến ở Syria và ổn định ở Ai Cập.

Trước đó, ngày 19-10 các đại sứ của nhóm các nước Ả Rập tại LHQ đã kêu gọi Saudi Arabia thay đổi ý để “bảo vệ quyền lợi (của họ)”. Đầu tuần này, phát ngôn viên của LHQ Martin Nesirky cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về quyết định của Saudi Arabia.

Trong trường hợp đây là quyết định cuối cùng, nhóm các nước Ả Rập sẽ phải tìm một ứng viên khác. Nhiều khả năng đó sẽ là Kuwait, dù quốc gia này chỉ dự định làm ứng viên của nhóm các nước Ả Rập tại HĐBA cho nhiệm kỳ 2018-2019, theo Reuters ngày 23-10.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận