Virus corona xếp lại bàn cờ EU?

LÊ QUANG 22/04/2020 08:04 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều đảo lộn trên khắp thế giới, bao gồm việc khắc sâu thêm những mối bất hòa vốn đã âm ỉ trong Liên minh châu Âu (EU).

Chẳng cần có tài tiên tri, chỉ cần ngó quanh nơi mình sống (hoặc bị cầm chân) cũng thấy nhiều thứ rục rịch biến chuyển. Người lớn làm việc từ nhà, trẻ con học trực tuyến, nhiều cơ quan trao đổi chuyên môn với nước ngoài qua hội thảo video... Rất nhiều kỹ thuật đã có từ lâu, chỉ đợi một cú hích để con người thoát khỏi quán tính trì trệ và nắm lấy dùng.

Nhưng thế giới hậu corona không chỉ chờ đón ta với những hình ảnh tích cực. Kinh tế được dự đoán sẽ suy thoái hơn khủng hoảng tài chính năm 2007. Cơ cấu chính trị cũng vẹo vọ bởi thử thách nghiệt ngã này, ngay cả ở châu Âu sau 75 năm hòa bình để hướng tới thịnh vượng cũng lao đao vì con virus nhỏ như vô hình. Đại dịch bắt đầu cùng với Brexit, liệu nó có thành mồi lửa châm vào các suy tính ly khai khác khỏi EU?

Chiếc ủng khó xỏ chân

EU ở hình thái hiện tại mới chưa đầy ba chục tuổi, dù vậy đã là minh chứng cho sự hiệp lực để thành đối trọng đáng nể của Bắc Mỹ. Tuy nhiên trong ngót ba thập kỷ qua, nó phải trải qua vài cơn sốt nặng nhẹ: từ những khó khăn bởi đường biên giới nội bộ bị xóa bỏ đến sự vật vã của khối đồng tiền chung giữa các quốc gia thành viên giàu nghèo khác nhau, từ suy tính hơn thiệt để cùng đứng trong NATO đến chành chọe về phân chia trách nhiệm khi đối đầu làn sóng tị nạn ào ạt từ Trung Đông và Bắc Phi. Rồi mỗi khủng hoảng lớn bé lại xuất hiện vài thành viên so đo, đòi ly khai.


Từ hậu Thế chiến II, ý tưởng về một cộng đồng châu Âu được nhen nhóm và quảng bá bởi Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman. Đức, Pháp và Ý đều có chân trong cộng đồng này từ ngày khai sơn phá thạch. Trong đó, mối bang giao Đức - Ý đặc biệt lâu đời, tuy thoáng bị phủ bóng đen bởi sự kiện Ý gia nhập phe Trục phát xít và trở thành chiến trường có nhiều người chết nhất Tây Âu từ 1943 - 1945. 

Sau chiến tranh, đất nước hình chiếc ủng giẫm xuống đại dương trở thành điểm du lịch ưa thích của người Đức suốt bốn mùa - ở đấy họ có biển xanh ấm áp Địa Trung Hải và tuyết trắng vùng Nam Tirol. Cả hai cùng trong NATO, G7, Tổ chức OECD, khu vực đồng euro. Người Ý là một trong những cộng đồng ngoại kiều lâu đời và lớn nhất ở Đức, chung tay tạo nên cái gọi là “phép mầu kinh tế” made in Germany.

Khi đại dịch corona lấp ló từ phía Vũ Hán, những xích mích lịch sử lại có cơ trỗi dậy. Đầu tháng 1-2020, Đức và Pháp lo xa vì không tự sản xuất khẩu trang nên ban lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng đó sang Ý. Tuy biện pháp này được dỡ bỏ sau vài tuần, nhiều người Ý cho đó là một trong những nguyên nhân khiến nước họ bỏ lỡ những “ngày vàng” chống chọi và trở thành chấn tâm corona của châu Âu, tính theo số bệnh nhân tử vong (hơn 23.000, tính đến ngày 20-4).

Ngôi nhà chung sẽ ra sao?

Ở giai đoạn chưa nhận diện được sát thủ nham hiểm corona, dễ hiểu là mỗi quốc gia theo đuổi triết lý riêng về dập dịch, tùy thuộc sức mạnh y tế và cơ chế bảo hiểm, an sinh xã hội của từng nước. Cho đến nay dường như Đức chọn được hướng đi may mắn nhất ở châu Âu. Các dữ liệu được cập nhật từng ngày cho thấy họ sẽ sớm tới đỉnh dịch nhất và từ đó có thể khẽ thở phào. Đằng sau hậu trường, người Đức còn một con chủ bài dự phòng: Đức là nước sớm nhất thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và có cái đệm kinh tế khá dày.

Trong khi đó, biểu tượng của khủng hoảng ở Ý vẫn là hình ảnh từng đoàn xe tải quân sự nối đuôi nhau chở xác chết từ bệnh viện dã chiến Bergamo đến đài hóa thân chạy suốt đêm ngày. Người ta phải chở các thi hài đến các địa phương bao quanh thành phố Bergamo 120.000 dân này. Ở đây ai cũng đã thấy rõ hậu quả kinh hoàng, khi những người có trách nhiệm chờ đợi quá lâu và đánh giá nguy cơ quá thấp. 

Trước tình hình đó, từ ngày 28-3, Đức cho máy bay quân sự chở các bệnh nhân nặng nhất của Ý và Pháp, vốn sớm quá tải và hết máy thở, về Đức điều trị. Những chiếc Airbus A310 MedEvac được gọi là phòng điều trị tích cực di động, có thể chở 44 bệnh nhân cấp cứu cùng lúc. “Khi thảm họa đến, tất nhiên là chúng tôi sát cánh với những người bạn - nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói - Do đó máy bay cấp cứu trong không lực của chúng tôi đi đón các bệnh nhân nặng nhất về Đức. Đây là một chỉ dấu quan trọng của tình đoàn kết. Châu Âu phải gắn chặt với nhau”.

Trớ trêu thay, chính giữa khủng hoảng lớn nhất từ sau Thế chiến II, báo chí Ý tung ra một tín hiệu báo động không thể tệ hơn: Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, vốn được coi là có năng khiếu đầu cơ chính trị xuất sắc, nhận ra Ý là quốc gia duy nhất trong EU bị tổn hại nặng bởi hai đòn cùng lúc là khủng hoảng kinh tế và làn sóng tị nạn ập đến từ Địa Trung Hải, đã khéo léo kết hợp cả hai bóng ma ấy để rỉ tai người dân: giải quyết vấn đề không khó! 

Thông điệp của Salvini quá dễ hiểu để không nhận ra tính mị dân: “Tị nạn? Ta đóng hết hải cảng! Nạn thất nghiệp? Thì Nhà nước phải cho thêm tiền! Song cả hai giải pháp đều bị bộ máy quan liêu của EU ngáng trở”.

Cùng liên minh với Salvini là Phong trào 5 sao (M5S), và ngài bộ trưởng chỉ còn mục tiêu duy nhất là tranh và thắng cử trong đợt tới. Không ngày nào ông không lên tivi hay trả lời phỏng vấn, nhật báo La Repubblica tính ra rằng trong 5 tháng gần đây ông Salvini chỉ về văn phòng của mình ở Bộ Nội vụ có 12 ngày.

Đến ngày 14-4, EU nhận tin sốc: Thứ trưởng Bộ Tài chính Ý Antonio Misiani tuyên bố không nhận 39 tỉ euro từ Quỹ cứu trợ corona ESM của EU dành cho công tác y tế, mặc dù hội nghị bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU phải đấu tranh quyết liệt với Hà Lan mới ra được nghị quyết có lợi cho Ý này.

Thì ra đây là đòi hỏi của M5S, nếu không thì M5S dọa rút khỏi chính phủ liên minh, phá vỡ thế đa số của chính phủ, tức mất khả năng lập pháp.

Nhưng không cánh hữu ở Ý mới chỉ trích nước Đức. Dân Ý nói chung cảm thấy bị đối xử bất công trong EU. “Sau khi đưa đồng Euro vào sử dụng, nước Đức mạnh hẳn lên trong khi Ý giậm chân tại chỗ và cứ thế tiếp tục sa sút so với các nước châu Âu khác”, giáo sư chính trị học Giovanni Orsina từ Đại học LUISS (Roma) nhận xét. Mấy năm qua, người Ý phải chấp nhận những cắt xén đau đớn để giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Không có gì lạ khi chẳng ai đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay y tế, và bây giờ là hậu quả nhãn tiền.

“Tất nhiên”, giáo sư Orsina công nhận, “chính khách Đức hành động vì lợi ích của Đức, họ khó giải thích cho cử tri của mình vì sao bị tăng lãi suất vay ngân hàng để lấy tiền mua trang thiết bị giúp đỡ Ý. Nhưng có lẽ cần nhận ra rằng một phần vấn đề của Ý là do sai lầm trong cấu trúc của đồng euro”.

Ngoại giao thọc sườn

Thời của corona là thời của những sự kiện đuổi nhau như sóng thần. Mới đây, Ý thông báo kết quả thăm dò dư luận của Viện Tecnè Poll - cứ như họ không còn lo lắng nào khác giữa tình hình tang tóc: giả sử ngày mai đi bỏ phiếu thì 49% người Ý muốn Italexit. Vẫn Viện Tecnè Poll này hồi tháng 11-2018, trong một cuộc thăm dò tương tự, đã thu được kết quả là 30% dân Ý muốn chia tay với châu Âu. 

Nếu đọc kỹ phần giải trình đi kèm, sẽ nhận ra mũi dùi chĩa vào Đức và Pháp là chính. Họ đi hỏi người dân sau lễ Phục sinh, khi các bộ trưởng tài chính vừa ra nghị quyết về số tiền hỗ trợ các thành viên lao đao nhất trong dịch corona, theo đó Ý có thể được nhận 36 tỉ euro hỗ trợ, kèm 300 tỉ cho các doanh nghiệp vay tín dụng.

Trong cuộc tranh luận này, đề nghị của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte bị Đức và Pháp bác bỏ, vì Ý muốn vay tiền ở các thị trường tài chính khác và chi tiêu ngoài các ràng buộc của EU. “Nhiều người Ý có cảm giác là EU, đặc biệt là Đức, xử sự thiếu tình đoàn kết với Ý trong đại dịch này”, giáo sư Orsina nhận xét. “Cảm giác này đã có từ khi khủng hoảng mới chớm, cũng liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu vật tư y tế của các nước thành viên EU khác”.

Thực tế cho thấy, Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên bị corona tấn công, và cùng Tây Ban Nha là hai nước thiệt hại nặng nhất. Mọi lực lượng cứu trợ tập trung vào đây, nhưng trên mặt báo không hề thấy nhắc đến hàng viện trợ từ Đức, các chuyến bay cấp cứu về Đức và nhóm bác sĩ Đức sang làm việc tại Ý.


Bù lại thì Ngoại trưởng Luigi Di Maio tưng bừng khoe trên Facebook tin nhóm bác sĩ Cuba mới sang, báo chí khen hết lời các chuyến viện trợ từ Nga, Trung Quốc, Albania... Trong khi Brussels còn loay hoay họp hành thì các bệnh viện Ý đã dùng bộ xét nghiệm COVID-19 và máy thở của Trung Quốc, mặc áo bảo hộ từ Trung Quốc và làm việc cùng 300 bác sĩ Trung Quốc. 

Trung Quốc chuyển hàng hóa hỗ trợ Ý chống dịch. Ảnh: The Atlantic Council

Ngoài đường phố Milan rầm rập đoàn xe phun thuốc khử trùng của Nga được chở đến bằng phi đội 10 vận tải cơ Ilyushin khổng lồ cùng 100 lính hóa học Nga. Trên sườn xe căng tấm biển vẽ hai trái tim với màu cờ Nga - Ý và dòng chữ From Russia With Love (Tình yêu từ nước Nga), nhại một tựa phim 007.

“Nước láng giềng Albania nghèo rớt không quên các bạn mình”, thủ tướng Albania tiễn 30 bác sĩ và điều dưỡng viên sang giúp Ý và phát biểu bằng tiếng Ý trước rừng ống kính quay phim - mấy mẹo nhỏ mà hữu hiệu này thì tiến sĩ vật lý Angela Merkel còn lâu mới học được... ■

Ký ức u tối

Trước đại dịch corona, Ý có tổng nợ công bằng 135% GDP, con số dự tính sẽ lên tới 160% vào cuối năm 2020, theo tính toán của Viện Chính sách ngân sách thuộc Đại học Università Cattolica. 

Nỗi sợ vỡ nợ quốc gia đánh thức trong dân chúng những ký ức kinh hoàng từ cuộc khủng hoảng khối đồng euro năm 2008, khi Hi Lạp, theo cảm nhận của nhiều người Ý, bị EU ép phải thắt lưng buộc bụng quá sức chịu đựng. Cũng chính vì thế mà dư luận Ý theo dõi rất kỹ kết quả thương lượng về tiền hỗ trợ từ EU. 

Trong không khí này, những phát biểu như của Georgia Melona, chủ tịch Đảng Dân tộc chủ nghĩa thiên hữu Fratelli d’Italia, rằng Đức chủ ý để Ý vỡ nợ nhằm mua rẻ các doanh nghiệp Ý, như hạt giống thù hận gieo vào một mảnh đất màu mỡ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận