500 ngày nương náu tâm hồn

TRẦN NGUYÊN 13/03/2017 20:03 GMT+7

TTCT - Ở đó, người ta quen biết từ đầu làng tới cuối xóm, không như Sài Gòn, cách một bức tường cũng chẳng biết chào nhau.

Xứ ấy, cún hay người thì cũng luôn coi khách như người thân xa nhà quay lại -Cosmo H.Mahal
Xứ ấy, cún hay người thì cũng luôn coi khách như người thân xa nhà quay lại -Cosmo H.Mahal

 Ở đó, người ta ăn bữa cơm theo quyết định của cây trái trong vườn, chẳng có cái túi nilông nào rơi ra làm ô nhiễm môi trường. Và ở đó, người ta không dùng máy lạnh làm mát gian nhà của mình mà lại phà hơi nóng vào cộng đồng. Đó là thôn Trảng Kèo, một góc nhà quê thiệt là quê của Hội An, nơi chúng mình đi nương náu tâm hồn…

Cô Hai

Cô Hai là người đến giúp những việc này kia trong nhà: rửa chén, chăm sóc vườn và... phân loại rác. Hội An tiến bộ vô ngần, mỗi ngày chỉ chấp nhận một loại rác.

Hữu cơ thì gọi là rác dễ, nói tắt của dễ phân hủy. Còn lại là rác khó. Phân loại không đúng thì sẽ bị trả lại nguyên cả túi rác. Dân Sài Gòn vụng về và lười biếng, nên cô Hai luôn phải ra tay giúp đỡ chuyện này.

Vì vậy cô Hai rất có quyền hành trong nhà. Mỗi tuần cô đến hai lần. Cô đạp xe một chặng đường dài hơn một tiếng đồng hồ trên cái xe mini màu tím.

Cô mất hơn mười phút để tháo găng, vớ và các dụng cụ chống nắng. Sau đó cô sẽ vào nhà, lúc nào cũng lủng lẳng món đồ ăn gì đó mà cô hái từ vườn nhà cô. Cô ở phía bờ biển của xã Cẩm Nam, có một vườn bắp và nuôi vịt.

Bởi vậy món thường có nhất là bắp. Cô hái bắp xuống, biết mấy đứa nhỏ lười nên cẩn thận tách hạt, bỏ thêm mấy cọng hành lá để xào, đem tới và dặn dò cẩn thận. Mình hay dạ dạ xong tót đi chơi, quên mất. Hôm sau vợ chồng nhìn thấy túi bắp, lè lưỡi.

Cô Hai sẽ cất giọng cao vút kiểu dân xứ biển, la mắng một tràng dài về cái tội vì sao không ăn bắp đi, để qua ngày thì nó khô lại, mất nước, còn gì ngon lành mà ăn nữa.

Đó cũng là tiết mục rất thường xảy ra, vì cô hay dặn dò bữa nay phải ăn trái cà này, bữa sau phải ăn mớ cải kia trong vườn. Mà nhằm hôm thèm pizza thì đi ăn pizza, quên mất mớ bắp hay trái cà hay mớ cải, thế là bị la.

Hai vợ chồng nhìn nhau lấm lét, khèo khèo cái chân, cười rổn rảng trong bụng. Xưa giờ xông pha giang hồ quá chừng, đâu có ai la mắng gì mình, nhưng nghe cô Hai la, thấy vui trong bụng dữ lắm.

Nghe một hồi thì ù té chạy, cũng ráng ghi nhớ rằng trời đất có thương thì mới cho cây cho trái, phải biết quý trọng mà ăn cho đúng lúc đúng giờ thì nó mới ngon mới lành. Ôi chao...

Có cô Hai ở nhà, giống như cô Tấm trong quả thị hiện ra vậy. Nhà cửa tinh tươm, ngăn nắp. Có điều cô hay bận rộn các việc giỗ chạp làng trên xóm dưới bà con bốn đời truyền lại quá, nên thỉnh thoảng lại phải đi vắng, cử một người em tới, tự dưng thấy nhà thiếu vắng gì đó...

Ngày rời Hội An, tụi mình hỏi nhau, đi rồi sẽ nhớ ai nhất? A, đó chính là nhớ dáng điệu oai vệ của cô Hai...

Chị Trinh

Chị Trinh bán tạp hóa, tức là bán từ cây kim cho tới cái máy bay, cách nhà khoảng cách của hai cái trứng gà. Vì sao khoảng cách lại đo bằng trứng gà thì sẽ kể sau.

Tuy tên Trinh nhưng chị đã có chồng, một ông chồng làm thợ mộc hiền y như khúc gỗ mà mỗi ngày ông vẫn tiện, vẫn bào. Mình hay nói vui, ông chồng chị đúng là “tiện nhân”, chị cười khanh khách, tỏ vẻ khoái chí lắm.

Mình quen chị Trinh ngay sau khi dọn về thôn. Tất nhiên rồi, nếu bạn muốn hiểu một vùng đất thì thổ địa chính là bà tạp hóa. Chị Trinh đang bán hàng, có vẻ bận rộn, nhưng thấy mình thì yêu cầu bà khách hàng ngừng nói để chị tiếp khách mới dọn về.

Ba bà khách ngừng nói thiệt, xong tới dò xét mình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nhột muốn chết. Xong chị Trinh hỏi một câu trớt quớt: “Ủa, biết đi giày hả, tưởng toàn đi chân không như thằng trước đây!”.

Xong chị hỏi một bảng câu hỏi dài và đầy đặn hơn bất kỳ bản hỏi cung nào trên thế giới từng nghĩ ra. Xong chị kết luận: “Chưa có xe máy là không được, làm sao mà đi đứng. Vô dắt chiếc xe của tui mà đi cho có tay có chân”.

Xong chị tất tả vô nhà để lấy chiếc xe ra mà cho mượn, xong từ chối qua từ chối lại cả buổi, mệt muốn xỉu. Quay về nhà mới kịp nhớ ra là chưa mua bán gì cả. Xong giờ nghĩ lại, đúng là mình rất tội lỗi khi nghĩ rằng chị Trinh muốn gì ở chuyện cho mượn xe. Đơn giản là hàng xóm thì cho mượn xe để đi thôi, sao lại phải có ý đồ hay suy nghĩ gì...

Nhà chị Trinh còn có má chị nữa. Bà má thì nuôi gà. Đàn gà mỗi ngày vẫn dắt díu nhau đi kiếm ăn ở các khu vườn kế bên.

Có hôm cả đám vô vườn nhà mình đào đào bới bới, mình nghịch nên đóng cổng lại. Ôi chao là các bà gà mái các ông gà trống la lối ỏm tỏi phản đối, mình sợ quá bèn mở cổng ra ngay. Ghi vào bộ nhớ: ở quê thì nhà không được đóng cổng, đến con gà nó còn mắng cho nữa là mọi người.

À, đang nói chuyện má chị Trinh nuôi gà là để bán trứng gà. Mỗi lần qua mua, bà lại lụi cụi vô ổ coi có thêm cái trứng nào không. Nếu không thì bà sẽ mở cái thùng gạo ra, lụm mớ trứng đã cất sẵn trong thùng mà bán.

Lâu lâu là phải nhịn ăn trứng gà vài tháng, vì mấy con gà mẹ phải ấp trứng, rồi phải chăm con, nên sẽ ngưng sản xuất trứng một thời gian.

Có lần, vợ mình đi mua trứng gà, bà gói vô cái túi nilông cũ. Xách toòng teng về. Về tới nhà thì phát hiện cái túi bị lủng, mua nửa chục sáu trứng mà còn có ba cái. Đang ngồi tiếc thì thấy chị Trinh gõ cửa, cầm theo ba cái trứng gà.

Hóa ra, vợ vừa đi thì chị thấy một cái trứng bị rớt, bèn ngồi suy nghĩ xem với khoảng cách từ nhà chị tới nhà mình thì sẽ bị rớt thêm mấy cái nữa để đem qua bồi thường. Và có lẽ trên đời này, chỉ có siêu nhân bán hàng như chị Trinh mới có thể tính ra đoạn đường đó dài bằng đúng hai cái trứng gà...

Chuyện ở khu vườn gần bờ biển

Người Hội An có câu “Thượng chùa Cầu - Hạ Âm Bổn”. Đó là giới hạn địa lý của phố cổ, cũng đồng thời là phong cách sống của Hội An: có chuyện gì, dù bé bằng hạt gạo, diễn ra ở chùa Cầu thì ở dưới chùa Âm Bổn biết ngay.

Đó chính là chuyện vợ chồng mình đi ăn sáng, chị con dâu bà chủ khách sạn đi ngang nhìn thấy bèn về kể cho chồng nghe. Ông chồng lại kể cho bà mẹ nghe. Bà mẹ, dĩ nhiên là phải kể cho cậu lái taxi đang đứng chờ khách rồi.

Đến chiều, cậu taxi chờ mãi không thấy mình gọi đi ra biển bèn phải gọi hỏi thăm: “Sáng nay anh chị đi ăn mì gà xong giờ có đi biển không ạ?”. Mình nghĩ, chuyện hai vợ chồng đi ăn mì gà thì có gì mà hấp dẫn để kể lòng vòng vậy trời.

Nhưng vợ mình thích lắm, yên tâm là nếu mình có đi đâu với ai thì cũng được biết ngay. Đó chính là Hội An, nhỏ xíu và ai cũng biết nhau, thậm chí ai cũng có một chút bà con cô bác gì đó với nhau...

Mình hay ra biển mỗi chiều. Đi taxi thì nhanh nhưng tốn tiền. Đi bộ thì thích nhưng hơi lâu. Đi xe đạp là vừa nhất, lại được đạp xuyên qua làng rau Trà Quế, nghe mọi người í ới gọi, kêu đem mớ rau về ăn.

Sau này thì mình tin rằng họ cho mình rau là vì họ quý mình mà cho, chẳng có ý định gì phía sau cả. Làng biển An Bàng cũng vậy, họ thích gọi mình là “ông thầy”, dù mình chỉ dạy ít hôm cho vui ở một ngôi trường làng, và thích dúi vào balô mình món này món nọ họ có được trong vườn.

À, còn có làng gốm Thanh Hà nữa. Mỗi lần mình vào làng chơi, mà toàn đi ngõ bờ sông để khỏi bị chặn lại bắt mua vé, phải trình bày dài vô cùng, thì đều có mấy con chó và mấy thằng cu chạy ra mừng.

Bao lâu rồi mới có cảm giác là có ai mừng vui khi thấy mình đến chơi, dù biết chắc rằng mình chẳng mua bán gì cả. Người trong làng họ đâu cần, vì con tò he hai ngàn đồng hay cái bình đất nung thử nghiệm đều được dúi vào tay mình một cách đầy tự hào...

500 ngày ở Hội An, tập sống chậm, tập nói chậm, tập không kiểm tra email mỗi ngày, tập nhận quà mà chẳng lo lắng “của biếu là của lo...”, tập mở lòng mình ra để được yêu thương ở một vùng đất xa lạ... Tử tế, đó không phải là một tính từ, đó là một cách sống, ở một vùng đất tử tế...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận