Afrobeats: Làn gió lạ từ lục địa đen

XUÂN TÙNG 17/05/2022 22:05 GMT+7

TTCT - Afrobeats - một dòng nhạc pop độc đáo đến từ Tây Phi - đang tận dụng sự chuyển mình của mạng xã hội và dịch vụ streaming để trở thành từ khóa hot nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc đương đại.

 
 Fireboy DML (phải) và Ed Sheeran phối hợp trong bản phối mới của Peru. Ảnh: YouTube

Sau khi các nghệ sĩ Mỹ gốc Phi khẳng định vị thế của mình trong làng nhạc quốc tế, giờ đến lượt châu Phi lên tiếng với afrobeats. Có thể thấy rõ ràng từ con số kỷ lục 9 đề cử Grammy mà các nghệ sĩ châu Phi giành được trong năm 2022, afrobeats đóng góp quá nửa lượng tác phẩm trong thành tích này. Trong năm 2021, Burna Boy và Wizkid - hai cái tên sáng giá nhất của afrobeats - cũng đã kịp ẵm về hai tượng vàng Grammy cho riêng mình.

Trong số các trào lưu âm nhạc TikTok đình đám nhất trong năm 2021, người nghe cũng dễ dàng nhận ra Love Nwantiti của Ckay và Peru của Fireboy DML - hai ca khúc afrobeats hát theo phương ngữ pidgin của đất nước Nigeria. Nửa tiếng Anh nửa phương ngữ, nhưng hai ca khúc này vẫn khiến hàng triệu người dùng phương Tây mê đắm. Trong giai đoạn cao điểm giữa năm 2021, hai nền tảng TikTok và Instagram ghi nhận tới 10 triệu video cài nhạc Love Nwantiti mỗi tuần.

Cả thế giới đu đưa cùng nhịp đập châu Phi

Với Rema, nghệ sĩ afrobeats với 56 triệu lượt nghe cho EP đầu tay Dumebi, thành công của thể loại nhạc này không phải ngẫu nhiên. “Giai đoạn này của afrobeats đang gây ảnh hưởng trên toàn cầu. Mỗi thế hệ đi trước đã đóng góp [vào thành công này]. Mục tiêu trên sân khấu của chúng tôi là đem thanh âm này đến toàn cầu, khiến mọi lục địa đu đưa theo” - Rema nói với tờ The Guardian.

Quả thực vậy, sự phất lên của âm nhạc châu Phi không phải một hiện tượng sớm nở chóng tàn mà đã xuất phát từ nhiều thế kỷ trước. Có thể truy về sự ra đời của afrobeat (không có đuôi “s”) - thể loại pha trộn giữa funk, jazz, salsa và âm nhạc truyền thống châu Phi - được nhạc sĩ, ca sĩ gạo cội người Nigeria Fela Anikulapo-Kuti sáng tạo nên từ những năm 1960.

Lấy afrobeat làm cảm hứng tinh thần, afrobeats cũng sử dụng các môtip hòa âm và giai điệu, cấu trúc “gọi - đáp” cũng như tiết tấu đảo phách đặc trưng. Tuy vậy, các nghệ sĩ afrobeats cũng đưa vào các yếu tố bên ngoài châu Phi như hiphop, R&B, pop hay dancehall, đồng thời từ bỏ các nội dung phản kháng cường quyền, giải phóng người da đen của Anikulapo-Kuti để tạo ra một công thức hoàn hảo cho các cuộc vui trong không gian club.

Nói vậy không có nghĩa là afrobeats nằm ngoài chuyện thế sự. Theo Christian Adofo, tác giả cuốn sách A Quick Ting on Afrobeats, dòng nhạc này sinh ra từ những dòng người di cư và trở về tại Ghana và Nigeria. Cụ thể hơn: cộng đồng hải ngoại của hai nước này có tinh thần dân tộc cao, đi bất cứ đâu cũng trung thành với ẩm thực, phim ảnh và âm nhạc của quê hương. Họ cũng có lệ về thăm gia đình hằng năm, từ đó mang theo các ảnh hưởng văn hóa Anh/Mỹ về giao lưu cùng nghệ sĩ bản địa. “Các nghệ sĩ từ Tây Phi được đứng chung sân khấu với cộng đồng hải ngoại, tạo ra một môi trường sáng tạo vượt khỏi biên giới quốc gia” - Adofo nhận định.

Trong thời của nghe nhạc streaming và các trào lưu TikTok, afrobeats cũng có nhiều lợi thế bởi người dùng gen Z không ngại nghe nhạc “lạ” miễn là đủ bắt tai. Amaarae, ca sĩ người Ghana đang gặt hái thành công với ca khúc Sad Girlz Luv Money hợp tác cùng giọng ca người Mỹ Kali Uchis, cho biết: “Với các nền tảng Apple Music, Spotify và TikTok, thế giới nay đã trở thành một ngôi làng lớn. Miễn là bạn làm nhạc chạm đến khán giả, các nền tảng này sẽ giúp sản phẩm được biết tới”.

 
 Bìa quyển A Quick Ting on Afrobeats của Christian Adofo.

Tìm về với châu Phi

Trong những năm 2000, âm nhạc đương đại châu Phi thường bị gộp chung vào nhiều khu vực đang phát triển dưới cái tên “world music”, vốn chỉ thu hút một lượng nhỏ khán giả ngách. Tuy vậy, với các cải tiến hợp thời đại, trào lưu afrobeats lại đang tìm thấy thành công với tập khán giả trẻ, sành điệu của nhạc pop đại chúng.

Tháng 7-2021, Essence của Wizkid trở thành ca khúc đầu tiên của một nghệ sĩ Nigeria lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100, trong khi Love Nwantiti cũng leo đến hạng 3 trên bản xếp hạng đĩa đơn Anh quốc.

So với tham vọng “toàn cầu”, những con số trên mới chỉ là thành công bước đầu; tuy nhiên, chừng ấy đã là đủ để đánh động sự chú ý của làng giải trí Mỹ. Ngôi sao nhạc rap Drake đã đón đầu xu hướng từ năm 2016 với One Dance - ca khúc kết hợp cùng Wizkid đã leo lên dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Beyonce cũng đưa hàng loạt khách mời từ châu Phi tới phòng thu để mang âm hưởng afrobeats vào album Black is King năm 2020. Justin Bieber tham gia bản remix của Essence, còn Ed Sheeran - giọng ca ballad da trắng tưởng chẳng liên quan đến nhạc châu Phi - cũng đã kịp góp giọng cùng Fireboy DML một đoạn trong bản phối mới của Peru.

Kiểu hợp tác này có vẻ lợi đôi đường: Các nghệ sĩ Âu Mỹ đem lại lượng khán giả mới đến cho afrobeats, đổi lại họ cũng được tiếng “hợp thời” và “chịu làm mới bản thân”.

Thế nhưng, các thành công vang dội của afrobeats thuần chất Phi tính đến nay vẫn hiếm; các ca khúc đột phá như Essence hay Peru đều phải dựa vào ca sĩ Âu Mỹ để thành công. Liệu các nghệ sĩ châu Phi có thể tự làm nên chuyện mà không cần tìm đến sự trợ giúp bên ngoài? Theo ca sĩ người Ghana Amaarae, “chuyện ấy khá khó để trả lời”. Amaarae thừa nhận thành công của mình với Sad Girlz Luv Money có được phần lớn nhờ sự góp giọng của Kali Uchis. “Một khi âm nhạc đủ bắt tai, khán giả sẽ tìm đến. Có một giọng ca da trắng giúp sức chắc chắn cũng giúp “phá băng” trên thị trường. Một khi vượt qua được giai đoạn đó, bạn sẽ dễ tìm đến tập khán giả mà mình muốn hơn” - cô chia sẻ.

Xét trên chiều dài lịch sử của văn hóa đại chúng, afrobeats cũng giống như jazz, salsa, hiphop hay dancehall - đều là những văn hóa gốc Phi đã trở thành nguyên liệu sống còn cho guồng máy của ngành công nghiệp giải trí. Theo ngôi sao afrobeats Davido, mọi thứ đều trở về châu Phi, và vì lẽ đó các nghệ sĩ châu Phi không cần đặt quá nặng mục tiêu vươn tầm thế giới. “Chúng ta đã có những lễ hội của riêng mình, vì thế chúng ta không cần làm quá mọi thứ, chỉ cần bền chí trong cuộc chơi và tôn vinh văn hóa của chính mình. Bạn thấy đấy, mỗi dịp tháng 12, người ta lại đổ về châu Phi để về thăm quê hương và trải nghiệm. Guồng quay đang đảo ngược: cả thế giới giờ đang tìm về với châu Phi”.■

>> Bấm vào đây để nghe album gồm 12 bài hát nổi tiếng và mang tính đại diện của Afrobeats do trang Quartz tuyển chọn.

Ảnh hưởng nơi quê nhà

Không chỉ làm mưa làm gió ở thị trường quốc tế, afrobeats cũng dẫn đầu một làn sóng mới trong làng âm nhạc nội địa Tây Phi - các dịch vụ tải nhạc lậu vốn tràn lan đang dần nhường chỗ cho các lựa chọn tiêu thụ âm nhạc văn minh hơn, giúp giới nghệ sĩ thực sự sống được bằng nghề.

Có thể thấy từ trường hợp của Nigeria - thành trì của afrobeats, quê hương nhiều ngôi sao đang xây dựng tên tuổi tại thị trường Mỹ như Wizkid hay Burna Boy. Là một trong những quốc gia trẻ và năng động với dân số đông nhất châu Phi (trên 200 triệu người), Nigeria hứa hẹn một thị trường âm nhạc với tiềm năng thương mại lớn. Dù vậy, độ phủ Internet thấp và việc thiếu các kênh phân phối âm nhạc chính thống từ nhiều năm qua đã dẫn đến sự lên ngôi của băng đĩa lậu. Không trông chờ được vào tiền bán nhạc, nghệ sĩ Nigeria phụ thuộc vào các ông bầu, hãng đĩa, thậm chí phải bỏ tiền ra để đưa nhạc của mình lên radio với hy vọng nhận được sự chú ý, từ đó kiếm tiền bằng catsê và hợp đồng quảng cáo.

Mọi chuyện thay đổi khi afrobeats bắt đầu bùng nổ tiếng tăm tại thị trường nước ngoài, đồng thời các dịch vụ streaming phổ cập hơn. Thị trường streaming nhạc châu Phi dự kiến đạt doanh thu 271 triệu USD trong năm 2021 và 493 triệu USD trong năm 2025, theo ước tính của kênh thống kê Statista.

Tận dụng cơ hội này, nhiều ngôi sao afrobeats đã vượt khỏi ranh giới Nigeria để ký các hợp đồng béo bở với các hãng đĩa toàn cầu, đồng thời nhận lời tham gia các chuyến lưu diễn quốc tế. Năm vừa rồi, Wizkid và Davido cũng đã gây chú ý tại Anh khi bán cháy vé các show diễn hàng chục nghìn chỗ ngồi tại sân vận động O2 (London).

Bên cạnh đó, các hãng đĩa và ca sĩ Nigeria cũng đang hốt bạc từ một dịch vụ tưởng mới mà không hề mới: nhạc chuông chờ điện thoại. Thị trường này vẫn còn đang đem lại cho các hãng viễn thông Nigeria hơn 100 triệu USD doanh thu mỗi năm. Theo một báo cáo của PwC, “nhạc chuông, nhạc chờ vẫn đang chiếm tới 99% doanh thu nhạc số tại Nigeria và Kenya”, chủ yếu do tốc độ băng thông kém cũng như sự yếu kém của các dịch vụ streaming trong nước ngăn cản sự phát triển của nhạc số.

“Nigeria có một lịch sử âm nhạc phong phú, cũng như sự đa dạng văn hóa và đa ngôn ngữ, dẫn đến một phổ âm nhạc rộng lớn. Điều này yêu cầu các dịch vụ streaming phải nhạy bén để đưa ra các gợi ý âm nhạc chính xác” - Phiona Okumu, giám đốc âm nhạc khu vực châu Phi cận Sahara của Spotify, cho biết. Bên cạnh Spotify, các dịch vụ streaming như YouTube Music, Apple Music hay hãng đĩa lớn như Universal Music cũng đã xác lập sự hiện diện tại Nigeria, một minh chứng cho tiềm năng lớn của afrobeats cũng như thị trường âm nhạc địa phương nói chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận