Bịt “lỗ hổng” dự án BOT

TRẦN VĂN TƯỜNG 19/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Mới đây, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều bất cập trong đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, cụ thể là ở hàng loạt dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 19 thuộc địa phận tỉnh Gia Lai . ảnh TBD


Đầu tư theo hình thức trên là miếng bánh hấp dẫn so với các hình thức đầu tư khác, nhất là trong thời kỳ tăng trưởng nhu cầu giao thông và phát triển phương tiện vận tải. Nhà đầu tư được đề xuất phương án hoàn vốn và tùy theo thỏa thuận với cấp thẩm quyền mà có góp vốn từ ngân sách nhà nước, ít rủi ro.

Lo với chỉ định thầu

Dự án do nhà đầu tư quản lý và tổ chức thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, tính toán tổng mức đầu tư, đề xuất phương án hoàn vốn rồi đến thu phí... Liệu có khách quan nếu thiếu đơn vị chuyên môn độc lập để kiểm tra, thẩm định?

Thực tế hầu hết nhà đầu tư đều đưa phương án vay vốn vào hợp đồng khiến cho suất đầu tư tăng cao vì phải trả lãi vay, kéo dài thời gian thu phí nên nhiều dự án BOT có suất đầu tư cao hơn hẳn các dự án đầu tư khác.

Nhà nước khó khăn mới kêu gọi đầu tư, còn nhà đầu tư lại vay tiền làm dự án. Lãi vay cho một vòng đời dự án có khi lên đến ngàn tỉ đồng, chiếm hàng chục phần trăm tổng mức đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư có thể huy động vốn từ các nhà thầu phụ, không tốn khoản chi phí trả lãi vay trong thời gian thi công.

Thông thường, chi phí đầu tư được tạm xác định trong quá trình thương thảo để ký hợp đồng gồm tổng mức đầu tư dự kiến cho công trình và các chi phí liên quan đến lãi vay trong thi công, tài chính, phát sinh, hoàn vốn, lợi nhuận...

Mục đích với nhà đầu tư vẫn là lợi nhuận, càng cao càng tốt. Các rủi ro cần tránh và thông tin đảm bảo đem đến lợi nhuận sẽ được nhà đầu tư đưa vào hợp đồng, ký kết với cơ quan thẩm quyền. Đó là chi phí cho công trình xây dựng, giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại, chi phí phát sinh.

Về đề xuất dự án BOT, có hai cách: Một là, cho phép nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư do cơ quan nhà nước công bố. Hai là, nhà đầu tư chủ động đề xuất dự án để thực hiện và phải được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.

Lo là hiện nay hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức BOT thường được hướng đến chỉ định thầu ngay từ đầu, dễ thấy nhất là ở lĩnh vực giao thông. Lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu, nghĩa là phải ưu tiên đấu thầu (điều 29 nghị định 15/2015/NĐ-CP).

Dù vậy, hầu hết dự án chỉ định nhà đầu tư thường viện dẫn lý do công trình cấp bách và có liên quan đến sở hữu trí tuệ, công nghệ, đáp ứng yêu cầu và hiệu quả, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký... Chỉ định thầu cho thấy không đảm bảo sự cạnh tranh, dễ xảy ra lợi ích nhóm, rủi ro rình rập, phần thiệt thường thuộc về Nhà nước.

Thực trạng đáng chú ý, nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi thường được chọn thực hiện dự án. Theo quy định, việc giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền gồm bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

Trong đó, thỏa thuận về mục đích, yêu cầu, chi phí có liên quan đến việc lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, nguyên tắc xử lý trong trường hợp nhà đầu tư khác được thực hiện dự án. Như vậy rõ ràng theo quy định, nhà đầu tư được chỉ định lập báo cáo nghiên cứu khả thi không có nghĩa là được giao thực hiện dự án.

Đấu thầu để cạnh tranh

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề xuất đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam dài 1.372km, tốc độ thiết kế 100-120km/h, tổng mức đầu tư gần 230.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Đây là hình thức hợp tác công tư (PPP), cụ thể ở đây là hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Xét kỹ thì đầu tư theo hình thức BOT cũng là đầu tư bằng tài sản nhà nước, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hợp lý. Để hạn chế thất thoát cần minh bạch thông tin, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng, có đơn vị độc lập giám sát và thẩm định tổng mức đầu tư.

Nên chăng ở giai đoạn đề xuất dự án trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi, cần thể hiện thông tin chi tiết (thay vì thông tin cơ bản) về khối lượng công việc, phương án hoàn vốn, chi phí có liên quan...

Đồng thời xác định cụ thể phạm vi quyền hạn, trách nhiệm cơ quan nhà nước và cá nhân được ủy quyền trong chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư.

Đấu thầu là một trong các yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là ở các dự án lớn được đầu tư theo hình thức BOT, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất trên cơ sở đáp ứng chuyên môn và mạnh về tài chính để hạn chế lãi vay cho dự án.

Ngoài ra, việc quy định mẫu hợp đồng chuẩn là cần thiết để áp dụng đồng bộ, công khai thông tin chi tiết. Nhờ đó, các nhà đầu tư dễ tiếp cận, biết rõ cách thức thanh toán, hoàn vốn và có lãi thì sẽ mạnh dạn tham gia.

Cần đơn vị có chức năng và chuyên môn, đại diện cho bên ký hợp đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát về chi phí, tiến độ, chất lượng, khối lượng, phát sinh trong suốt quá trình thực hiện dự án...

Qua đó, mọi thông tin đều được kiểm soát và xác định chính xác tổng mức đầu tư cùng các khoản chi phí có liên quan mà nhà đầu tư đã thật sự bỏ ra cho dự án. Các công việc này hoàn toàn độc lập nên không ảnh hưởng tiến trình thực hiện, thủ tục liên quan đến dự án.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận