Bóng đá nghĩa hiệp: Vì sao Bayer Munich cứu Dortmund?

HUY ĐĂNG 18/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - Giữa bộn bề những nỗi lo tài chính khi mùa giải có nguy cơ hủy bỏ vì đại dịch, các CLB hàng đầu của Anh và Đức vẫn cố gắng chìa ra một bàn tay cho những đội bóng con nhà nghèo!

20 triệu euro là số tiền được 4 CLB tham dự Champions League mùa này của Bundesliga - Bayern Munich, Dortmund, Leipzig và Leverkusen - quyên góp cho các đội bóng hạng thấp.

Kỳ phùng địch thủ vẫn phải giúp nhau

“Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những đội bóng chuyên nghiệp khác nếu vấn đề cuối cùng họ gặp phải trong cơn đại dịch này là tài chính” - ông Hans-Joachim Watzke, giám đốc điều hành của Dortmund, nói. Dù chưa chính thức nhưng ông Watzke khẳng định đội bóng của ông cùng ba đại gia Bundesliga kia sẽ trích tổng cộng 20 triệu euro để giúp đỡ các CLB yếu hơn ở Bundesliga và Giải hạng nhất Đức. 12,5 triệu euro trong số đó là thu nhập từ hợp đồng truyền hình trong nước, và 7,5 triệu euro từ tiền túi của 4 đội này.

20 triệu euro là khoản tiền đáng kể với nhiều đội bóng ở Đức, nếu biết rằng quỹ lương tháng của Paderborn - đội đang xếp chót Bundesliga - chỉ là 1 triệu euro. Những đội bóng ở hạng nhất càng nghèo hơn nữa. Phần chia từ 20 triệu euro có thể giúp họ “lay lắt” qua mùa đại dịch ít nhất vài tuần.

Đó không phải là lần đầu tiên người ta thấy các CLB Bundesliga đùm bọc lẫn nhau. Năm 2005, một câu chuyện khó tin hơn nữa từng xảy ra: Bayern Munich trợ giúp tài chính cho Dortmund khi đội bóng vùng Ruhr lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính đến mức gần như phá sản. Đó là hệ quả của những khoản chi tiêu vô tội vạ trên thị trường chuyển nhượng, với hàng loạt hợp đồng thất bại. Kết thúc mùa giải 2003-2004, Dortmund nợ đến hơn 120 triệu euro.

Thế rồi kỳ phùng địch thủ của họ ra tay nghĩa hiệp: Bayern cho Dortmund vay 2,5 triệu euro không lấy lãi để trả lương cầu thủ. Khoản tiền đó khá nhỏ bé so với món nợ khổng lồ của đội bóng vàng - đen, nhưng thực sự “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trở thành cứu tinh của Dortmund thời điểm đó. Dortmund đến mãi sau này vẫn tri ân Bayern Munich vì nghĩa cử đấy. Cũng nhờ vượt qua giai đoạn khó khăn, một kỷ nguyên rực rỡ với họ mở ra trong tay HLV Jurgen Klopp.

Không chỉ có Bundesliga, cái sự “lá lành đùm lá rách” cũng đang diễn ra ở Premier League. Bóng đá Anh làm điều đó có hệ thống hơn. Trong cuộc họp gần nhất giữa ban tổ chức giải và đại diện các đội bóng, 20 CLB Premier League đã thống nhất sẽ chuyển đến các đội bóng hạng dưới khoản tiền 142 triệu euro nhằm giúp họ vượt qua cảnh khó khăn trong mùa dịch. Trung bình mỗi CLB Premier League góp 7 triệu euro, một con số rất lớn nếu xét đến những vấn đề tài chính của chính họ lúc này.

Mùa giải hiện tại đang đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ hoặc nếu tiếp diễn thì cũng gần như chắc chắn sẽ diễn ra trên sân không khán giả. Dù khả năng nào đi nữa, các đại gia của bóng đá châu Âu vẫn sẽ tổn thất nặng nề về doanh thu. Với nhiều đội bóng Giải ngoại hạng Anh, 7 triệu euro là quỹ lương nguyên một tháng, nhưng họ vẫn sẵn sàng hành động để tránh sự sụp đổ của phần nền “kim tự tháp”.

Trên sân cỏ, Bayern Munich (áo đỏ) với Dortmund là kình địch, nhưng gặp khó khăn chung họ sẵn sàng giúp nhau. Ảnh: Getty Images
Trên sân cỏ, Bayern Munich (áo đỏ) với Dortmund là kình địch, nhưng gặp khó khăn chung họ sẵn sàng giúp nhau. Ảnh: Getty Images

Nỗi lo sụp đổ kim tự tháp

Nhưng khi những đội bóng lớn giúp đỡ tài chính cho các đội bóng nghèo, đó không hẳn là một nghĩa cử xuất phát từ sự tốt bụng thuần túy. Hành động của Bayern Munich, Dortmund hay những đại gia của Giải ngoại hạng Anh còn là minh chứng cho kết cấu bền vững của bóng đá châu Âu. Họ cần giúp đỡ các CLB yếu, trước hết vì chính bản thân họ.

Anh và Đức là hai giải đấu có lượng khán giả đến sân đông nhất châu Âu là có lý do của nó. Thật khó tin, nhưng Freiburg - một CLB làng nhàng ở Đức - nằm trong top 20 đội bóng có doanh thu từ bán vé cao nhất thế giới. Trong top 20 này còn có mặt 5 đội bóng Đức nữa: Stuttgart, Schalke04, Hamburg, Dortmund và Bayern. Còn với các đại diện của Premier League, nhóm 6 đội hàng đầu hiển nhiên hiện diện đủ, nhưng ngoài ra còn có cả Newcastle. Đặc biệt, Dortmund năm nào cũng vô địch về lượng khán giả trung bình (khoảng 80.000 CĐV đến sân mỗi trận). Bóng đá Anh và Đức hấp dẫn nhất thế giới, đơn giản vì các CLB hùng mạnh không bắt chẹt đường sống của kẻ yếu.

Mô hình “kim tự tháp” là cách hình dung về bóng đá châu Âu, đặc biệt là những nền bóng đá có tính cạnh tranh cao như Anh và Đức. Kim tự tháp có nghĩa là phần đỉnh - Giải ngoại hạng Anh hay Bundesliga, dựa trên nền tảng là vô số các CLB ở giải hạng thấp hơn. Càng xuống thấp thì quy mô càng lớn. Giải ngoại hạng Anh có 20 đội, nhưng 3 giải đấu chuyên nghiệp dưới họ thì có 24 đội mỗi giải, giải hạng năm (bán chuyên) có 44 đội, các giải nghiệp dư hạng sáu và hạng bảy lần lượt có 88 và 140 đội, cùng vô số những giải phong trào phủ khắp cả nước.

Trong kết cấu đó, đỉnh của kim tự tháp sẽ không cao nếu phần đáy không đủ lớn. Trong thời buổi khó khăn này, phần đáy đó có nguy cơ sụp đổ, trở thành nỗi lo lớn nhất trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch. “Chúng tôi không giàu như Ronaldo. Nếu đội bóng cắt lương hai tháng, anh ấy cũng chẳng hề gì. Nhưng với chúng tôi, cả tiền thuê nhà cũng không trả nổi” - thủ môn Alberto Paleari đang thi đấu ở Serie B chia sẻ, giữa lúc các giải đấu châu Âu đang tính chuyện cắt lương cầu thủ.

Suốt nhiều tháng qua, các CLB và giải đấu lớn đã bàn bạc với nhau về việc giảm quỹ lương phần “đỉnh kim tự tháp” để giúp cho phần nền. Messi đã chấp nhận giảm đến 70% lương ở Barca để các nhân viên bình thường khác trong đội không phải nghỉ việc. Còn Giải ngoại hạng Anh giúp đỡ Giải hạng nhất Anh hay Bayern Munich, Dortmund giúp Paderborn để họ không bị chênh vênh trên đỉnh tháp.

Điều này không chỉ đúng ở cấp độ CLB, mà cả ở cấp độ cá nhân cầu thủ. Mô hình đáy rộng, đỉnh hẹp giúp các giải đấu chuyên nghiệp châu Âu có sự liên kết chặt chẽ với bóng đá ở quy mô phong trào và địa phương. Messi không chỉ là kết tinh của học viện bóng đá hàng đầu thế giới La Masia, anh còn là người nổi bật xuất hiện từ hàng triệu đứa trẻ chơi bóng ở những giải đấu, những sân bóng cấp độ địa phương.

Hầu hết các đội bóng lớn ở châu Âu cũng có những đội “sân sau” (feeder club), thường ở hạng thấp hơn hoặc một giải kém tên tuổi hơn, mà họ hợp tác chặt chẽ. Đó là nguồn cung cấp và tôi luyện cầu thủ trẻ, nơi để “gửi tạm” những cầu thủ cần tích lũy kinh nghiệm, hoặc các cầu thủ nước ngoài đang chờ đợi giấy phép lao động… Manchester City chẳng hạn, có đến 19 đội sân sau như vậy, rải khắp từ Anh đến Bồ Đào Nha, Úc và cả Thái Lan. Họ tất nhiên không muốn những đội sân sau này phải phá sản, trong khi chính họ đang thừa mứa tiền bạc.■

Bundesliga sẽ trở lại vào tháng 5

Chưa chính thức nhưng giám đốc điều hành Bundesliga, ông Christian Seifert, cho biết giải đấu nhiều khả năng sẽ thi đấu trở lại vào tháng 5 trên sân không khán giả.

Tình trạng này nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hết năm 2020 ngay cả trong trường hợp đại dịch tạm lắng xuống vào thời gian tới, vì các quan chức Bundesliga e ngại việc tụ tập đông người ở các sân bóng có thể khiến dịch bùng phát trở lại.

căCũng trong tuần này, các CLB Bundesliga đã bắt đầu tập luyện trở lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận