Cả gia đình trên đường chạy

HUY ĐĂNG 16/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Có một chiếc bục trao huy chương đặc biệt ở Giải vô địch điền kinh thế giới 2019 - không phải dành cho những VĐV giành huy chương vàng, bạc, đồng, mà là cho bộ ba anh em lừng danh đều mang họ Ingebrigtsen: Henrik, Filip và Jakob.

Từ trái qua: Henrik, Jakob và Filip luôn sát cánh trên đường đua cự ly dài. Ảnh: Yahoo!
Từ trái qua: Henrik, Jakob và Filip luôn sát cánh trên đường đua cự ly dài. Ảnh: Yahoo!

“Đội tuyển gia đình Na Uy” - đó là cách mà truyền thông mô tả về ba anh em họ. Càng đặc biệt hơn, người dẫn dắt họ chính là ông bố Gjert Ingebrigtsen.

Sóng sau đè sóng trước

Hãy điểm sơ qua một chút về sự nghiệp của bộ ba anh em này - những người lần lượt, nối tiếp nhau thống trị làng điền kinh châu Âu ở các nội dung chạy đường dài.

Henrik - người anh lớn nhất - hiển nhiên đến với điền kinh sớm nhất. Tên tuổi Henrik bắt đầu được biết đến nhiều khi anh giành HCV đường chạy 1.500m ở Giải vô địch châu Âu 2012 lúc mới 21 tuổi.

Ở những giải sau đó, Henrik luôn nằm trong top 3 và bắt đầu mở rộng phạm vi thi đấu sang cả nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Ở Giải vô địch châu Âu 2018, anh giành HCB nội dung 5.000m.

Filip - em trai thứ hai - chưa có nhiều huy chương như anh trai nhưng cũng ấn tượng không kém. Filip chọn khởi nghiệp với cự ly ngắn hơn anh trai một chút - 800m, nhưng rồi sau đó bùng nổ cũng trên chính đường đua 1.500m. Năm 2016, anh vượt qua chính Henrik để giành chức vô địch châu Âu nội dung 1.500m. Đến giải thế giới một năm sau đó ở London, Filip giành HCĐ cũng ở nội dung này.

Hai năm gần đây, Filip có dấu hiệu trầm xuống trong sự nghiệp và đó cũng là thời điểm em trai Jakob nổi lên, với vị trí người xuất sắc nhất của “gia đình Na Uy” này. Ở Giải vô địch châu Âu 2018, Jakob thi đấu bùng nổ, giành đến 2 HCV nội dung 1.500m và 5.000m - qua đó trở thành VĐV nam trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải đấu giành được HCV.

Ở cự ly 1.500m, anh bỏ xa hai anh trai (Henrik về thứ 4, còn Filip thứ 12) trong đêm chung kết với thành tích 3 phút 38,1 giây. Còn ở nội dung 5.000m, Henrik chính là người xếp ngay sau Jakob.

Vượt qua “luật Jante”

Liệu đó có phải là một sự nhường nhịn - kiểu như Venus Williams thường không chơi hết sức khi đối đầu em gái Serena Williams trong quần vợt? Có lẽ là không. Điền kinh không phải là một môn thể thao đặt nặng tính đồng đội, tuy hình ảnh ba anh em cùng tham dự và ăn mừng ở một cuộc thi rất xúc động theo góc độ gia đình. Ba anh em nhà Ingebrigtsen đã thành công bởi những nỗ lực riêng biệt của họ.

Người Bắc Âu, mà điển hình nhất chính là người Na Uy, có một khái niệm đặc biệt và không thể hiểu đầy đủ bằng các ngôn ngữ khác: Janteloven, hay “luật Jante”. “Đừng nghĩ mình đặc biệt, tốt hơn người khác, thông minh hơn người khác, hiểu biết nhiều hơn người khác…” - luật Jante phát biểu như vậy.

Bắt nguồn từ một tiểu thuyết trào phúng in năm 1933 của nhà văn Đan Mạch Aksel Sandemose, Janteloven khái quát tinh thần của các xã hội Bắc Âu: đặt tập thể cao hơn cá nhân và không khuyến khích mỗi cá nhân tập luyện không ngừng để đánh bại một ai đó.

Luật Jante xây nên sự phát triển mạnh mẽ của xã hội Bắc Âu - khu vực duy nhất trên thế giới mà toàn bộ các quốc gia đều nằm trong top 20 thế giới gần như mọi mặt. Tuy nhiên, luật Jante có vẻ là một sự cản trở với lĩnh vực thể thao.

Một số VĐV Na Uy từng tuyên bố “chống lại luật Jante”, bao gồm gia đình Ingebrigtsen. Rõ rệt nhất là Jakob - người luôn phát biểu trước báo chí với thái độ cực kỳ tự tin, luôn khẳng định anh là người xuất sắc nhất trong đội “gia đình Na Uy”.

Henrik cùng Filip không có vấn đề gì với sự tự tin đó của em trai. Vì điều đó đúng và họ chấp nhận nỗ lực hơn mỗi ngày để cạnh tranh lẫn nhau, đồng thời làm nên sự tiến bộ không ngừng cho “gia đình Na Uy”.

“Chúng tôi phải đặt ra mục tiêu và làm mọi thứ để đạt được. Nhiều người không thích tâm lý chuyên nghiệp ở Na Uy. Đa số họ nghĩ rằng tất cả đều làm việc giống nhau, nhưng có một người đột ngột trở thành người giỏi nhất” - Filip nói.

Sự tiến bộ không ngừng của… ông bố

Jakob khá ngạo mạn nhưng cũng thẳng thắn: anh xuất sắc hơn Henrik và Filip không hẳn bởi tài năng, mà nhờ ông bố Gjert. Nói riêng về ông Gjert, đó là một câu chuyện vào loại độc nhất vô nhị ở châu Âu.

Thế giới thể thao thường chứng kiến những câu chuyện người cha dẫn dắt con cái vào đường thể thao, huấn luyện chúng và trở thành một nhà quản lý. Đôi khi câu chuyện kiểu vậy cũng có những cái kết tiêu cực, khi bố (hoặc mẹ) tìm cách trục lợi từ tài năng của con cái.

Gjert thì ngược lại. Năm 2018, ông được vinh danh HLV thể thao xuất sắc nhất Na Uy vì thành tích huấn luyện ba cậu con trai tài giỏi. Nhưng Gjert không đưa các con trai đến với thể thao, mà chính họ đã “lôi” ông bố tài năng của mình gia nhập cuộc chơi.

Là dân chơi thể thao từ trẻ, có rất nhiều kiến thức về dinh dưỡng, thể chất, nhưng ông Gjert lại chọn công việc làm kế toán cho… công ty của vợ, bà Eva Tonnensen. Khi con trai lớn Henrik bắt đầu bộc lộ khả năng điền kinh, ông Gjert vẫn không quan tâm lắm.

Phải đến khi Henrik bước vào con đường chuyên nghiệp và cần một người quản lý những dữ liệu tập luyện, Gjert mới nhập cuộc. Henrik kể chính anh là người đã lôi bố vào cuộc đua tìm vàng trên con đường điền kinh.

Đến tuổi trung niên, ông bố của 7 người con (ngoài Henrik, Filip cùng Jakob còn 4 anh chị em khác) mới bộc lộ khả năng huấn luyện của mình. Ông bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về thể thao và lập một chế độ huấn luyện đặc biệt cho Jakob từ khi anh mới lên 9. Theo thời gian, Jakob càng trưởng thành (còn Henrik và Filip càng lớn) thì kinh nghiệm của Gjert cũng càng tăng. Điều này khiến Jakob hưởng lợi nhiều hơn hai anh trai.

“Sau 10-15 năm học hỏi, bố ngày càng giỏi. Henrik đã làm nhiều chuyện ngờ nghệch trong sự nghiệp của anh, Filip cũng có một số, còn tôi thì không. Đó là lý do tại sao tôi chạy nhanh nhất” - Jakob nói, chỉ nửa đùa. Khi Henrik và Filip bắt đầu đến với điền kinh, họ thiếu một nền tảng đào tạo chuyên nghiệp từ ông bố, và đó là lý do họ “làm nhiều chuyện ngờ nghệch” như cách nói của Jakob.

Bất chấp năng lực và thành tích, Gjert khăng khăng bác bỏ việc gọi ông là HLV chuyên nghiệp. “Tôi làm HLV chỉ vì các con. Tôi muốn thấy chúng thành công” - Gjert nói đơn giản khi được phỏng vấn nhiều lần.

Gia đình Na Uy này đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại luôn lẩn tránh truyền thông và không muốn nổi tiếng. Jakob - anh chàng ngôi sao của gia đình - đã sống cùng bạn gái trong… tầng hầm đại gia đình suốt năm qua. Mới đây, Jakob chính thức ra riêng, nhưng nhà anh chỉ cách nhà bố mẹ 300m.

Nếu không có gì thay đổi, “gia đình Na Uy” sẽ mở rộng thêm quân số trên sân đấu điền kinh khi cô bé 13 tuổi Ingrid, con thứ sáu của ông bà Ingebrigtsen, đang ngày càng bộc lộ tài năng. Và đó chắc chắn sẽ là gia đình thú vị nhất trong thế giới điền kinh. ■

Tương lai rộng mở dành cho Jakob

Ở Giải vô địch điền kinh thế giới vừa kết thúc, nhà Ingebrigtsen đi vào lịch sử khi cùng lúc cả ba anh em tham dự nội dung 5.000m. Thậm chí cả ba còn lọt vào vòng chung kết. Đã bước qua giai đoạn đỉnh cao phong độ, Henrik và Filip không thể giành được thành tích nào đáng kể, nhưng Jakob gây ấn tượng mạnh.

Ở nội dung 5.000m, anh về đích thứ 5 với chỉ 1,8 giây kém người hạng 3, còn nội dung 1.500m Jakob chỉ kém tấm HCĐ đúng 0,23 giây. Đó là thành tích đầy hứa hẹn với chàng trai mới 18 tuổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận