TTCT - Nhà văn Victor Slipentruc, tác giả mới được in ở Việt Nam nhưng đã nổi tiếng từ lâu ở Nga, là hội viên Hội Nhà văn Nga từ thời Liên bang Xô viết.

Nhiều thập niên biến động đã trôi qua, Liên Xô không còn nữa, nhưng Victor Slipentrucvẫn ở trung tâm sự kiện, vẫn tinh tế cảm nhận về thời cuộc và đều đặn sáng tác.

Phóng to
Nhà văn Victor Slipentruc - Ảnh: minkultrb.ru

Nhân Cứu tinh vũ trụ (*), một tác phẩm viễn tưởng của ông vừa được giới thiệu với độc giả Việt Nam, TTCT trích giới thiệu trả lời phỏng vấn của ông trên báo Nga về những vấn đề mà ông, với tư cách một nhà văn Nga, quan tâm.

Câu hỏi của mọi câu hỏi

* Vấn đề nào nổi bật nhất của thế giới hiện đại làm ông, như một nhà văn, lo ngại nhất?

- Toàn cầu hóa. Hiểu được những quy luật của nó... Đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc? Tôi quan tâm con người trong thế giới và trong thời gian. Bởi nếu hôm qua những quy luật toàn cầu hóa (đã có mà chúng ta không nghiên cứu) chỉ rõ rệt với các triết gia và một số tầng lớp trên của xã hội thì nay chúng đã trở nên hiển nhiên với tất cả mọi người. Như vụ WikiLeaks và những biến cố ở Bắc Phi đã chứng minh chỉ cần một suy niệm của toàn cầu hóa có thể thay đổi tâm lý con người.

Trong những thập niên gần đây, con người của thế kỷ 21 đã khác đáng kể con người của thế kỷ 20 (dù tay chân họ mỗi bàn cũng chỉ có năm ngón!). Thay đổi cả sự cảm nhận thế giới. Và tôi thấy trong sự thay đổi đó, vai trò của toàn cầu hóa rất lớn. Cái gì đang chờ đợi chúng ta - sự xóa nhòa ranh giới địa lý và chính phủ thế giới? Xã hội sẽ ra sao nếu mỗi con người là một công dân thế giới. Toàn cầu hóa - đó là câu hỏi của những câu hỏi hiện nay.

* Ông dễ dàng đi lại khắp nơi trên thế giới: sinh ra ở Primorie, sống ở Altai, và giờ lúc thì sống ở Matxcơva lúc thì ở Crym, lúc ở châu Âu... Ông cảm thấy chủ yếu mình là ai, người Nga hay là công dân thế giới?

- Anh đặt câu hỏi không đúng rồi...Đúng là thời Xô viết tôi sống phần lớn thời gian ở Liên Xô, một đất nước đóng cửa, toàn trị, nhưng đi lại dễ dàng từ Nga tới Crym, Uzbekistan và bất cứ điểm nào ở Liên Xô cũ... Còn giờ thì đi từ Matxcơva tới vùng đất Vladivostok ruột thịt của tôi sẽ rẻ hơn nếu bay qua... Bắc Kinh... Hơn thế nữa, nếu đứng trên quan điểm hệ tư tưởng của cách mạng thế giới (chủ nghĩa Marx), công dân Liên Xô về mặt cảm giác còn gần với công dân thế giới hơn là người Nga hiện đại...

Mới đây, truyền thông cho biết ở Ý có làng Filettino không muốn sáp nhập với người dân vùng lân cận là Tveri nel Lazio nên đã tuyên bố độc lập (**). Họ tự in tiền (đồng fiorito), một mặt tờ tiền giống tờ đôla Mỹ, còn mặt kia in gương mặt thị trưởng Filettino. Và tiền đã được dân ở đây sử dụng. Dòng người du lịch đổ tới mua tờ tiền địa phương. Tôi tò mò không biết người Filettino cảm thấy họ là công dân như thế nào?

Dù sao thì tôi cũng trả lời câu hỏi của bạn thế này: tôi sinh ra và sống gần 20 năm ở Primorie, 23 năm ở Altai, 11 năm ở Đại Novgorod và đã 15 năm nay sống ở Matxcơva, được nuôi bằng sữa mẹ tiếng Nga... Từ nhỏ, mơ làm nhà văn Nga, tôi thật sự đã ngược xuôi khắp thế giới: lúc làm thủy thủ, lúc là du khách, và hiện nay là bệnh nhân của các bệnh viện phẫu thuật.

Tôi yêu tự do, nhưng sẽ không trở thành người Filettino. Nếu sách của tôi đi theo được con đường đó, dù chỉ một phần, dọc nước Nga và đi ra các đại lục, thì tôi, như một nhà văn, hoàn toàn có thể là công dân thế giới.

* Vậy theo ông, bản chất con người có thay đổi theo toàn cầu hóa? Có xuất hiện chăng một thế hệ mới? Hay mặc cho các tiến bộ, con người vẫn sẽ như họ đã từng, chẳng hạn 4.000 năm trước?

- Toàn cầu hóa - dù là toàn cầu hóa văn hóa, chính trị hay kinh tế - bắt đầu không phải hôm qua hay hôm nay mà từ rất lâu rồi. Tôi ngờ rằng nó đã bắt rễ trong chính bản chất con người chúng ta. Giao thương, chiến tranh, sáng tác văn học và nghệ thuật - tất cả đều nằm trong nền tảng lịch sử nhân loại và là nền tảng của toàn cầu hóa: dù là toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị hay nghệ thuật...

Trái đất vẫn có khối lượng như ở thời người Hi Lạp cổ. Thậm chí tôi không loại trừ nếu chúng ta đem người Hi Lạp cổ ra thử nghiệm, có thể họ còn vượt trội hơn về tri thức so với con người hiện đại. Nhưng dù sao thì cảm nhận của chúng ta về thế giới đã thay đổi. Người Hi Lạp cổ thấy Trái đất quá rộng lớn, không bao quát hết... Còn ta khác họ, thấy quả đất nhỏ bé.

Nhân loại cũng đã biết được sức mạnh của vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể quan sát bằng mắt chuyển động của vệ tinh trên bầu trời, nhờ Internet chúng ta có thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào trong chế độ online. Với thay đổi này, nhận thức của chúng ta về thế giới và chiều sâu động cơ của những hành động chúng ta cũng thay đổi. Nhưng nền tảng của chúng vẫn như trước: tình yêu, sự căm thù, lòng hào hiệp, sự ganh tị, mối đồng cảm... nói tóm lại là tất cả những gì từng có ở người Hi Lạp cổ.

Và có thể có gì đó trong chúng ta nếu không hao mòn thì cũng đang sa sút. Chỉ còn lại những phân mảnh yếu ớt nào đó của các giác quan trước đây. Đôi lúc ngồi xem các sô truyền hình, bạn sẽ bắt gặp mình nghĩ như thế. Nói chung, cùng với sự tiến bộ thì chỉ bối cảnh quanh chúng ta thay đổi, còn sự tiến bộ thu hẹp hay tăng thêm, số vật chất con người trong con người chúng ta, thì hỡi ôi, nó không có khả năng... Đó là đặc quyền của Chúa trời...

Phóng to
Tiểu thuyết giả tưởng Cứu tinh vũ trụ đề cập một đề tài hết sức thời sự: thảm họa của Trái đất, ngày tận thế. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Victor Slipentruc: Hành trình vào hư vô, Genghis Khan, Búp bê trẻ em cười, Chim sơn tước. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Nhật, Trung Quốc, Mông Cổ, Ukraine và Pháp

Không thể thúc gậy bắt người ta làm điều tốt

* Vào những giai đoạn khác nhau, văn học thực hiện những chức năng khác nhau. Thế mục tiêu và nhiệm vụ của văn học giai đoạn này là gì?

- Nếu lấy văn học sáng tác mà nói từ giai đoạn phục hưng tới thời hiện đại, ta thấy nền tảng của bất cứ tác phẩm nào cũng đều là con người. Tính cách của họ, nhất là trong những tình huống sống đặc trưng. Và thấy rõ rằng thời đại chỉ là sự tô điểm, còn con người thì không thay đổi, bởi trong bản chất hành động của anh ta luôn là những động cơ mà ta đã biết. Sự căm thù, độc ác, tình yêu, lẽ công bằng... - tất cả chúng vẫn đang điều khiển hành động của ta, cũng như trước kia.

Đó là lý do vì sao Hamlet hay Romeo và Juliet vẫn có thể làm ta, những con người của thế kỷ 21, thấu cảm đến rơi lệ. Tính cách là điều tiên phong của văn học sáng tác. Thời đại chỉ làm nổi bật tính cách này hay khác của nhân vật. Thể hiện nhân vật trong một sự pha trộn các phẩm chất mới, chưa từng gặp trước đây đó là ước mơ của nhà thơ, hay như người ta hiện nay thường nói là siêu nhiệm vụ của bất cứ một nhà văn nào.

Còn nói về nhiệm vụ và mục tiêu nhà văn thì không khác mục tiêu và nhiệm vụ bất cứ công dân nào: nhà văn cũng như mọi người đều muốn sống trong một đất nước phồn vinh. Lẽ đương nhiên, nhiệm vụ của mỗi chúng ta là sao cho có đủ điều kiện sống cần thiết để mỗi con người có thể phát triển, điều không thể diễn ra nếu thiếu những cuộc bầu cử dân chủ. Không thể dùng gậy thúc người ta làm điều tốt...

* Nếu phải nêu một phẩm chất mà nhà văn cần có thì đó sẽ là gì?

- Là con người. Trong tất cả mọi tình huống. Năm 2007 quyển Búp bê trẻ em cười của tôi được in bằng tiếng Nga và tiếng Nhật. Tại buổi giới thiệu sách, một người Nhật tới gặp tôi và hỏi phẩm chất nào cần thiết nhất cho một nhà văn, tức giống câu hỏi của anh. Tôi đã nói phẩm chất cần nhất là cảm giác - chính là cảm giác chứ không phải khái niệm - luôn là con người.

Người Nhật ấy mới yêu cầu tôi giải thích ý tôi là gì khi nói về cảm giác - luôn là con người. Tôi nói rằng tức là luôn phải theo đuổi xúc cảm cao quý nhất của mình. Thí dụ một kẻ tội phạm tấn công ông nhằm ăn cướp, và khi đã cướp rồi, không giết ông chỉ vì hắn ta gặp phải những đội viên dân phòng đang đuổi theo hắn. Dĩ nhiên, ông, như một nạn nhân, sẽ toàn tâm toàn ý đứng về phía những đội viên đó. Ông sẽ cùng họ đuổi theo tên cướp và khi bắt được rồi sẽ bắt đầu cuộc trừng phạt. \

Tôi tin rằng nhà văn, như một con người với ý nghĩa cao cả nhất của từ này, sẽ phải đứng về phía tội phạm bị truy đuổi, bởi khi đó hắn ta, kẻ tội đồ, đã biến thành nạn nhân. Nhà văn cần phải ngăn chặn các đội viên dân phòng lại, không phải vì kẻ tội phạm, mà vì chính những dân quân đó. Bởi lúc bấy giờ khi kẻ cướp là nạn nhân và các dân phòng trừng phạt hắn ta thì họ sẽ biến thành hắn ta, thành tên tội phạm, khi đánh mất trong mình nhân tính.

Người Nhật ấy đã gật đầu với câu trả lời của tôi, và khi chia tay ông nói đã ra lệnh mua 100 quyển sách của tôi cho các thư viện trên đảo Hokkaido, nơi ông ấy sinh ra. Sau đó tôi hỏi con trai... và biết người Nhật ấy là một trong những doanh nhân giàu nhất Nhật. Tôi không nghĩ rằng một doanh nhân giàu có và thành đạt bỗng nhiên muốn trở thành nhà văn. Nhưng đó đã là đề tài khác.

____________

(*): Quỳnh Hương dịch, Nhà xuất bản Văn Học và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phát hành tháng 4-2013.
(**): Cuộc vận động đòi độc lập của làng Filettino (gần 550 dân, cách Roma 70km về phía đông) bắt đầu từ tháng 8-2011, khi theo một chỉ thị mới của Chính phủ Ý, các làng có dưới 1.000 dân phải sáp nhập với những làng lân cận để giảm bớt chi phí hành chính. Filettino được yêu cầu sáp nhập với làng lân cận là Tveri nel Lazio. (Wikipedia)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận