​Cánh cửa mở rộng cho các VĐV nhập tịch

TRẦN TRỌNG 17/06/2015 20:06 GMT+7

Những người theo dõi bóng đá Đông Nam Á đều biết cuộc nhập tịch ồ ạt đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực ra sao khi Philippines bỗng nhiên là một đội khó chịu, còn Singapore mạnh hơn hẳn nhờ những cầu thủ gốc Anh. Tuy nhiên, việc nhập khẩu VĐV ở những sân chơi khu vực, nhất là SEA Games, không chỉ dừng lại ở bóng đá.

Chỉ là một VĐV bình thường cấp trường đại học ở Mỹ, Caleb Stuart vẫn có thể giành 3 HCV SEA Games về cho Philippines - Ảnh: mb.com.ph

Danny Caluag, một người Mỹ có bố mẹ gốc gác Philippines nhưng đã là thế hệ thứ ba. Caluag sinh ra, lớn lên, sống và tập luyện ở Mỹ. Tay đua xe đạp này thậm chí chưa bao giờ đặt chân tới Philippines và lần đầu anh đến là để nhận khoản tiền thưởng 1,6 triệu peso (35.400 USD) sau khi mang về cho nước này một HCV ở Asian Games 2012. Chỉ vài giờ sau khi nhận tiền, Caluag đã lên máy bay trở về Mỹ!

SINGAPORE ĐI ĐẦU

Là quốc gia thuộc nhóm giàu nhất thế giới, Singapore có đủ nguồn lực để rước về các VĐV đỉnh cao theo một chương trình nhập tịch các tài năng thể thao nước ngoài: Foreign Sports Talent Scheme (FST) từ năm 1993. Bóng bàn đi tiên phong với sự có mặt của hàng loạt tay vợt Trung Quốc vào giai đoạn cuối những năm 1990. Cao Ninh, Phùng Thiên Vi, Lý Giai Vi... chỉ trở thành công dân Singapore sau khi đã thành danh trong làng bóng bàn Trung Quốc và mang về cho Singapore rất nhiều HCV SEA Games và cả Olympic.

Tuy nhiên, cũng có những người Singapore phản đối việc sử dụng VĐV nước ngoài như lính đánh thuê khi họ nhận được quốc tịch và nhiều lợi lộc khác để mang về huy chương cho Singapore. “Khi bạn nhập khẩu tài năng thể thao chỉ để chiến thắng, bạn đã từ bỏ dân tộc mình và thể hiện tinh thần chúng ta không thể làm được... Nó xác nhận rằng bạn không tin ở những tài năng bản địa” - Lucky Tan, một người hâm mộ thể thao, bình luận về chiếc HCĐ môn bóng bàn ở Olympic 2012 của Phùng Thiên Vi - một tay vợt quê ở Hắc Long Giang, Trung Quốc. Với tấm huy chương đó, Phùng nhận được khoản tiền thưởng 250.000 SGD (184.000 USD).

“Tôi hẳn đã thấy tự hào hơn nhiều nếu một người sinh ở Singapore giành tấm huy chương đó. Tôi cảm thấy Phùng không đại diện cho Singapore mà tôi lớn lên, Singapore mà tôi có những gắn bó cảm xúc” - một người viết trên mạng xã hội. Thủ tướng Lý Hiển Long đã cố gắng giải thích về các VĐV nhập tịch khi ông biện minh cho FST: “Trong đoàn dự Olympic của chúng ta có 25 thành viên, một nửa trong số đó là người Singapore mới. Tại sao chúng ta cần họ? Một tính toán đơn giản: Trung Quốc có 1,3 tỉ người, Singapore có 4 triệu người... Nếu chúng ta muốn mang vinh quang về cho Singapore ở nhiều lĩnh vực, chúng ta không thể chỉ có người bản địa”.

TRÌNH ĐỘ KÉM, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRÀN LAN

Nhưng không phải nước nào cũng có quyền được lựa chọn như Singapore. Đoàn Campuchia ở SEA Games 28 trong danh sách đăng ký thi đấu môn marathon có Kuniaki Takizaki, một VĐV người Nhật cao 1,45m, mới chỉ nhập quốc tịch Campuchia năm 2011. Đáng nói hơn, ở Nhật nghề chính của anh là... diễn viên hài, với nghệ danh Neko Hiroshi, tức “Mèo Hiroshi”.

Đã 37 tuổi, Takizaki chỉ về đích thứ sáu trong cuộc chạy thi, kém gần 8 phút so với người giành HCV Soh Rui Yong (người Singapore đang sống ở Mỹ). Thành tích của Takizaki cho thấy trình độ thể thao kém cỏi ở vùng trũng Đông Nam Á, và ngay cả Soh, 23 tuổi, cũng chỉ là một VĐV sinh viên tầm tầm mới có một giải lớn đáng kể là giải quốc tế California hồi năm 2014. Vậy mà với Campuchia, Takizaki tuyên bố anh muốn tham gia Olympic.

Ở các đội ba môn phối hợp của Malaysia và nhiều đội võ judo hay karatedo của các đoàn tham dự SEA Games lần này, có nhiều VĐV gốc Nhật thậm chí không thèm đổi tên. Họ thường là những người thuộc tốp sau ở Nhật Bản, không có cơ hội thành công và dạt sang thi đấu ở Đông Nam Á. Chẳng hạn Rikigoro Shinozuka đã giành HCB ba môn phối hợp nam về cho đoàn Malaysia ngày 5-6.

Với 90 triệu dân, Philippines vẫn nhập tịch VĐV do các tài năng bản địa quá hiếm hoi. Kết quả là Caleb Stuart, một người Mỹ gần như trăm phần trăm với gốc gác Philippines mờ nhạt, đã giành 3 HCV về cho đoàn này ở các nội dung ném búa, ném đĩa và ném tạ xích. Vừa tốt nghiệp Đại học California, Stuart sang thi đấu cho Philippines, quê hương mẹ anh, và đã đẩy ứng viên số một cho HCV của đoàn Malaysia Adi Alifuddin Hussin, cũng như Jackie Wong của Singapore, xuống vị trí thứ hai. Thật buồn cho thể thao khu vực nếu chúng ta biết rằng do đã thất bại trong việc theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp trong những môn bóng bầu dục Mỹ và bóng rổ, Stuart chỉ chuyển sang chơi điền kinh nghiệp dư để giữ dáng! Một người chị của Stuart cũng đang thi đấu cho đội bóng mềm Philippines!

Một trường hợp khác là Marcus Douthit - VĐV bóng rổ Mỹ đã 35 tuổi và sắp về vườn, nhập tịch Philippines năm 2011 và giờ là ngôi sao sáng ở đội tuyển nước này - vốn trước giờ không có đối thủ ở Đông Nam Á. Còn tệ hơn Stuart, Douthit, cao 2,11m và nặng 106kg, là một người Mỹ từ đầu tới chân, không có chút gốc gác Philippines nào mà chỉ chơi bóng ở đây vào giai đoạn cuối sự nghiệp! 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận