Duras, bên kia con đập

Q.THÁI 02/05/2014 07:05 GMT+7

TTCT - Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim ảnh, nhưng hiếm khi được kể lại bằng câu chuyện hội họa. Đó là trường hợp hiếm hoi của Un barrage contre le Pacifique, tiểu thuyết của Marguerite Duras được Betty Clavel thể hiện qua 27 bức tranh sơn dầu tại triển lãm Duras, au delà du barrage (*).

Những bức tranh trừu tượng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của văn sĩ Marguerite Duras được bà Betty Clavel (bìa phải) mang đến triển lãm tại Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ở tuổi lục tuần mà vẫn tràn đầy năng lượng trong cuộc sống, bà Betty Clavel lấy cảm hứng hội họa từ Việt Nam, đất nước mà bà gắn bó từ hơn 20 năm nay thông qua những ký ức vật thể như cái nón lá, đôi dép, lồng đèn, chiếc ghế đẩu, những đứa trẻ…

Đây cũng chính là những tác phẩm hội họa mà Clavel đã giới thiệu với công chúng Pháp thời gian qua tại các triển lãm. Lần này, chính tiểu thuyết của văn sĩ Marguerite Duras trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho Betty Clavel.

Betty Clavel vốn là nhà báo viết về mảng xã hội. Trong gia đình bà, chỉ cô em gái là họa sĩ được đào tạo từ trường lớp, trong khi bà tốt nghiệp ngành thương mại. Nhưng hội họa đến với bà như một đam mê với những đề tài xuất phát từ nội tâm sau những chuyến đi Việt Nam.

Betty Clavel tâm sự: “Tôi đã vẽ lại những hình ảnh đập vào mắt từ các chuyến đi như chiếc nón lá, xe đạp, chiếc đèn lồng, những đứa trẻ... Có lúc tôi chỉ vẽ những đôi dép mà tôi còn nhớ là đã nhìn thấy chúng được đặt trước cửa những ngôi nhà ở miền quê hoặc chùa chiền. Có lúc tôi vẽ đèn lồng dù trước đó chưa từng đặt chân đến Hội An, những chiếc ghế đẩu nhỏ đơn lẻ hoặc gom lại với nhau, những đứa trẻ có cái nhìn dè dặt mà một vài người xem nhận xét là hơi buồn...”.

Lần này, 27 bức tranh sơn dầu kể lại câu chuyện được Duras viết vào thập niên 1940 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong hội họa của Betty Clavel, từ phong cách vẽ hình thể chuyển sang trừu tượng, “tuy không hẳn là trừu tượng đúng nghĩa mà chỉ ở mức khởi đầu” như bà thừa nhận. Dẫu sao, ở thể loại này bà dễ dàng thể hiện được cảm xúc nhiều hơn.

Trong tiểu thuyết của Duras, đó là câu chuyện gia đình một phụ nữ Pháp góa có hai đứa con sống tại một bungalow trong vùng đầm lầy, phải vật lộn để sinh tồn khi miếng đất mua từ tiền tiết kiệm trong 10 năm không thể canh tác được vì biển xâm thực…

Từng bức tranh gồm những mảng màu thể hiện một cách ước lệ những nhân vật, những số phận cùng quan hệ đan xen giữa họ… theo trình tự của câu chuyện. Tất cả được diễn giải bằng những trích đoạn trong tiểu thuyết của Duras mà bà Clavel gần như thuộc nằm lòng và tìm thấy những điểm tương đồng trong câu chuyện đời mình.

Tuyệt vọng vì hi vọng

Tai họa - Ảnh: H.T.V. (chụp lại)

Sau những triển lãm ở Pháp được công chúng yêu thích vì dẫu sau Marguerite Duras đã là một phần trong nội dung văn chương ở nhà trường, lần này bà Clavel hi vọng Duras, bên kia con đập nhận được những phản hồi tích cực từ người xem ở TP.HCM trong năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Marguerite Duras (nữ văn sĩ sinh ngày 4-4-1914 tại Sài Gòn và mất vào ngày 3-3-1996 tại Paris).

Betty Clavel còn “phải lòng” Việt Nam thông qua đứa con nuôi Margot Xuân Dung đã nhận ở Gò Vấp cách nay 20 năm. Thêm một lý do để nữ họa sĩ yêu cuộc sống đơn giản và dễ chịu ở Việt Nam, dù đối với bà được sống và sáng tác ở quê hương con gái nuôi là điều không dễ thực hiện vào lúc này, khi bà còn cha mẹ già phải chăm sóc và ba đứa con.

(*): Triển lãm Duras, bên kia con đập kéo dài từ ngày 21-4 đến 2-5 tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận