Giám khảo cũng phải hầu tòa

ĐĂNG BẨY (Theo kommersant.ru) 03/08/2011 11:08 GMT+7

TTCT - Giám khảo một cuộc thi tương tự thẩm phán chốn pháp đình, nếu làm việc thiếu nghiêm túc và công tâm, sớm muộn cũng không thoát được sự phán xét của công lý. Vụ “giải thưởng quốc gia năm 2006 trong lĩnh vực điện ảnh” ở Ý vừa được xử là một ví dụ.

Phóng to

M. Placido lẫy lừng từ phim Bạch tuộc trong phim Những đóa hồng giữa sa mạc - Ảnh: episode39.it

Một giải thưởng quốc gia gây kiện cáo

Sau năm năm thụ lý, Tòa hành chính tỉnh Lazio phải phân xử lại “Premi Qualità 2006” - giải thưởng chất lượng điện ảnh quốc gia Ý - và thượng tuần tháng 7-2011 đã công bố kết luận.

Xuất phát từ đơn kiện của Hãng sản xuất phim Luna Rossa: đại diện của hãng này đòi công khai hết lộ trình xét giải, làm rõ vì sao ban giám khảo gạt khỏi giải bộ phim của họ làm - Những đóa hồng giữa sa mạc (đạo diễn: Mario Monicelli - người được coi là “cha đẻ của loại hài kịch mang đậm chất Ý”). Ông đã nhảy lầu tự vẫn ngày 29-11-2010 khi 95 tuổi).

Phim Những đóa hồng giữa sa mạc kể về mùa hạ năm 1941 ở Libya, thuộc địa của Ý từ năm 1911. Ngày ấy, trên một ốc đảo sa mạc, phong cảnh hữu tình, đội quân thực dân chuyển sang thi hành sứ mệnh nhân đạo. Nhóm bác sĩ quân y Ý đang chờ tiếp nhận thương binh nên chẳng có việc gì làm: viên thiếu tá ngày nào cũng viết thư cho vợ chưa cưới ở quê nhà, còn anh trung úy trẻ mê mải săn ảnh - tất cả tưởng chừng ngưng đọng để đón lệnh ngày mai ngừng bắn, nào ngờ chỉ ít lâu sau...

Đội quân đang ở thế chẻ tre đột nhiên tháo chạy tán loạn, phải cầu viện người Đức đến vãn hồi trật tự và đưa cuộc hành binh trở lại nhịp cũ. Tới tấp những chuyện bất ngờ, bi lẫn hài, khốc liệt lẫn hào hùng. Diễn xuất của những ngôi sao thượng thặng Giorgio Pasotti, Alessandro Haber, Moran Atias... đặc biệt là Mikele Placido - vai tu sĩ Simeone - giành được cảm tình không thua hồi ông đóng phim Bạch tuộc.

Phim Những đóa hồng giữa sa mạc được công luận đánh giá là “một trong những kiệt tác điện ảnh không của riêng Ý mà của cả thế giới”, nhưng không được Bộ Văn hóa đưa vào diện tặng giải thưởng của Chính phủ Ý.

Những phim đã nhận giải và dính hệ lụy

Đó là Người đàn bà xa lạ của Giuseppe Tornatore, kể chuyện một người đàn bà từ Ukraine nhập cư tại một thị xã miền bắc nước Ý, có tiền đủ tiêu nhưng lại làm người đi ở. Hóa ra cô từng làm gái bao cho một tay trùm buôn bán trẻ sơ sinh là con đẻ của nô lệ tình dục, đã phải đổ máu mới thoát vòng kềm kẹp nhưng nhất quyết không chịu trở về cố hương mà đến làm vú em cho chính gia đình đang nuôi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, ngõ hầu tìm thời cơ đổi thay số phận.

Bộ phim này đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và giành một số giải như “Đạo diễn xuất sắc” (Matxcơva 2007), “Cảm tình của khán giả” (tại lễ trao giải điện ảnh châu Âu 2007)...

Hoặc Caimano II của Nanni Moretti, kể về một nhà sản xuất phim một thời lừng lẫy nhưng bị thời gian thanh lọc, đang muốn tìm lại hào quang. Có một đạo diễn trẻ chào mời kịch bản Caimano II với lời đề tặng Thủ tướng kiêm ông trùm truyền thông Silvio Berlusconi. Tất nhiên với lời đề tựa như thế, chẳng hãng nào chịu nhận. Một mình đơn độc vì vợ đòi bỏ và nhà băng đòi nợ, ông quyết làm bộ phim “năm ăn năm thua” đó bởi khát vọng lấy lại thanh danh mạnh mẽ hơn tất cả trên đời...

Hoặc Người bạn của gia đình của Paolo Sorrentino - câu chuyện một ông già muốn quyến rũ một cô gái trẻ là con của kẻ đã vay tiền ông để làm đám cưới cho con gái, cho thấy đồng tiền cần như thế nào cho mỗi gia đình. Hai bộ phim vừa kể từng được đưa sang Cannes 2006 dự thi chính thức, nhưng rốt cuộc không được giải nào.

Ngoài ra, còn phim Đạo diễn đám cưới của Marco Bellocchio và một số phim khác. Dẫu đó là những tác phẩm có ít nhiều thành công, song khi chúng làm nên bình diện giải thưởng chất lượng của chính phủ, người quan sát kỹ mới thắc mắc vì sao các giám khảo chỉ chăm chăm vào “bó đũa” mà lại quên mất “cột cờ”?

Tòa hành chính Lazio kết luận: giải thưởng chất lượng của chính phủ năm 2006 đã bị hỏng vì có vi phạm trong quá trình chấm thi, một số giám khảo đã thú nhận không dự khán các buổi chiếu phim chính thức như điều lệ quy định mà ngồi nhà xem lớt phớt qua DVD. Do đó 10 nhà điện ảnh đã nhận giải phải trả lại nhà nước số tiền thưởng họ đã nhận, tổng cộng 250 triệu euro - số tiền Bộ Văn hóa Ý năm đó đã chi trong khuôn khổ chấm và trao giải.

Quả thật, người trao giải chất lượng 2006 là thủ tướng hồi đó Romano Prodi, và không ít nhà điện ảnh đứng đắn đã phải gánh chịu hệ lụy từ sự tắc trách của giám khảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận