Hành trình từ YXINEFF đến Busan

CÁT KHUÊ 14/09/2015 19:09 GMT+7

TTCT- Họ cùng 25 tuổi, có nhiều điểm chung: cùng là thủ khoa, cùng đoạt nhiều giải thưởng phim ngắn và cùng… chưa bao giờ làm phim dài.

Đỗ Quốc Trung -Ảnh nhân vật cung cấp
Đỗ Quốc Trung (Ảnh nhân vật cung cấp): (sinh năm 1990), thủ khoa đầu vào và đầu ra chuyên ngành đạo diễn điện ảnh ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Các phim đã làm: Cá chuối (giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất cuộc thi phim ngắn Chatomuk - Campuchia 2013 và nhiều giải khác), Ngày đầu tiên của mùa thu (giải bạc, giải đạo diễn xuất sắc nhất, giải sử dụng đạo cụ hiệu quả nhất cuộc thi làm phim 48h 2011), Trực nhật với Thư Kỳ (giải Trái tim hồng YxineFF 2012), Đóng vào, Mở ra... (giải Golden Award - LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014)...

Là 2 trong số 30 người được liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn nhất châu Á là Busan tuyển chọn dự án để đến Hàn Quốc mùa thu này, Đỗ Quốc Trung và Trần Dũng Thanh Huy đang đến gần hơn với cơ hội làm phim truyện dài. Bởi Busan từng mở cánh cửa cho rất nhiều nhà làm phim “từng trẻ” của VN như Nguyễn Phan Quang Bình, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp…

Đi gõ những cánh cửa

Từ cái thuở phim ngắn YxineFF rồi Gặp gỡ mùa thu, rồi đến Busan, con đường ấy có dài và có trải... toàn hoa hồng?

- ĐỖ QUỐC TRUNG (ĐQT): Đã ba năm từ ngày tốt nghiệp, tôi thấy mình là người may mắn và có thể khẳng định là toàn hoa hồng. YxineFF, Gặp gỡ mùa thu... tôi nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những anh chị đi trước trong nghề để tôi thấy rõ ràng hơn bao giờ hết con đường mình chọn. Rồi cứ thế mà đi. Đôi khi có vài cái gai nhưng thú vị và cần thiết cho sự chắc chắn của bộ phim dài trong tương lai.

TRẦN DŨNG THANH HUY (TDTH): Sau phim ngắn 16:30, mọi thứ với tôi đã thay đổi hoàn toàn với nhiều giải thưởng và đặc biệt nhất là đến LHP Cannes 2013... Nhưng thành công nhanh quá với những kỳ vọng, ưu ái quá lớn của mọi người làm đôi lúc tôi mất phương hướng. May mà còn có Gặp gỡ mùa thu, Hà Nội mùa xuân giúp tôi nhìn rõ hơn con đường đã chọn.

Dự án phim dài mang đến Busan, có rất nhiều người muốn biết hai bạn sẽ nói gì để kiếm được giải hoặc kiếm được nhà đầu tư cho cơ hội lớn này?

ĐQT: Tôi từng thuyết trình dự án này năm ngoái ở Gặp gỡ mùa thu, nó có tên Cha Cha Cha. Sau một năm, kịch bản đã tương đối hoàn chỉnh, tôi hiểu và hình dung rõ ràng hơn. Đây chính là những điều tôi quan tâm và ám ảnh suốt tuổi trẻ của mình: người già, người trẻ, nỗi cô đơn và sự nổi loạn.

Tôi sẽ phải cố gắng để các nhà đầu tư thấy được tính độc đáo của dự án, của ngôn ngữ điện ảnh mình sẽ sử dụng, của câu chuyện VN mình kể. Để người ta nhớ được dự án của mình khi đặt giữa hàng loạt dự án quốc tế khác, để họ tin rằng mình thấu hiểu và hình dung rất rõ về bộ phim của mình... Nhưng cũng cần cả sự may mắn nữa, và kết quả có thế nào thì mình vẫn sẽ tiếp tục đi gõ những cánh cửa khác.

TDTH: Tôi đã có cuộc nói chuyện dài với thầy Trần Anh Hùng ở Cannes 2013, thầy có nói: “Muốn làm được phim phải tự cắt đuổi mình, dồn mình vào thế chân tường mới mong có phim tốt”. Và tôi đã bỏ lại những công việc có rất nhiều tiền, tập trung viết kịch bản.

Đó cũng là khi tôi phải chứng kiến mẹ tôi buôn bán nặng nhọc hi vọng giúp con trai mình đạt được ước mơ, cũng là khi các bạn thân và là cộng sự của tôi phải làm những thính giả bất đắc dĩ suốt ngày nghe câu chuyện dở dang tôi đang viết. Tất cả điều đó là động lực để tôi được mang Ròm đến Busan tháng 10 và Hollywood tháng 11 năm nay.

Tôi sẽ nói cho họ biết và hiểu về văn hóa, về con người VN, cho họ thấy sự quyết tâm rất đặc trưng chỉ có ở dự án Ròm mà tôi chắc họ chưa bao giờ biết. Giải thưởng hay nhà đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi vẫn sẽ đi tiếp dù có thế nào...

Khi “điện ảnh thế giới không có tên chúng ta”!

Là người làm phim trẻ, lại chưa từng làm phim dài, các bạn thấy điện ảnh Việt hiện tại ra sao, kể cả điện ảnh thị trường và điện ảnh độc lập?

Trần Dũng Thanh Huy (ảnh nhân vật cung cấp): (sinh năm 1990) từng tham gia lớp đạo diễn nhí do Viện Phim VN phối hợp với Thụy Sĩ tổ chức năm 16 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa đạo diễn điện ảnh ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Đã làm các phim: Chìa khóa cuộc đời, Sự sống, Chuyện ba người, The Pursuit, Đường bi (giải phim xuất sắc nhất - đạo diễn xuất sắc nhất - quay phim xuất sắc nhất - thiết kế xuất sắc nhất dự án làm phim 48h TP.HCM), 16:30 (giải phim ngắn xuất sắc nhất - giải Cánh diều vàng 2011, giải bạc LHP Ong vàng 2012, giải Trái tim trẻ, Trái tim Việt Nam, diễn viên xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất Yxineff 2012, tham dự LHP Cannes 2013 hạng mục Short film Corner...). Kịch bản Ròm của Huy sẽ tham gia The Asian Project Market (Chợ dự án châu Á - APM) thuộc LHP quốc tế Busan 2015.

ĐQT: Tôi thấy chưa bao giờ khán giả có nhiều lựa chọn như hiện nay. Các phim Việt được trình chiếu quanh năm với đa dạng đề tài. Cũng có nhiều phim chất lượng không cao nhưng không sao cả, vì dần dần khán giả sẽ nâng cao gu thẩm mỹ và lựa chọn những bộ phim được làm nghiêm túc. Các nhà làm phim vì thế cũng sẽ cần nâng cao tay nghề vì phải cạnh tranh.

Từ ngày các đạo diễn Việt kiều về nước mang theo công nghệ chuyên nghiệp, tư duy kể chuyện thu hút khán giả thì các đạo diễn trong nước cũng đã bị đánh động cần phải chuyển mình. Không thể phủ nhận sự phát triển của điện ảnh thương mại trong những năm qua. Các đạo diễn trẻ tài năng được đào tạo bài bản sắp tới có thể mang đến nhiều hơi thở mới cho phim Việt.

Nói chung tôi luôn giữ cái nhìn lạc quan, dù thỉnh thoảng cũng phải bỏ ra khỏi rạp vì phim quá nhảm. Đành phải chờ đợi.

Điều đáng tiếc là điện ảnh độc lập không có nhiều phim, nhưng quan trọng là một cộng đồng đang được hình thành, không còn là một hai người lò dò tìm đường như cách đây 10 năm. Những sự kiện điện ảnh như YxineFF, Gặp gỡ mùa thu hay Hà Nội mùa xuân là những điểm xuất phát tốt cho những nhà làm phim trẻ theo con đường làm phim độc lập.

Việc Ròm của Trần Dũng Thanh Huy cùng Cha Cha Cha của tôi dắt tay nhau đến Busan sắp tới đánh dấu sự kiện lần đầu tiên VN có hai dự án cùng được chọn trong một năm, cũng là kết quả của cộng đồng người làm phim độc lập đang được hình thành.

TDTH: Tôi thì thấy điện ảnh thị trường ở ta vẫn còn quá ít đề tài và thể loại vì hầu hết chỉ tập trung ở những phim hài, hay đôi khi hài lại lai với ma hay hành động dù số lượng phim thị trường hiện nay rất nhiều. Tôi biết một số nhà làm phim viết kịch bản một tuần, quay phim 20 ngày và làm hậu kỳ một tháng rồi phim đến với khán giả...

Đó là hệ quả của tư duy kiếm tiền bằng mọi giá và nhà làm phim trở thành những con buôn thực thụ. Không ít khán giả đến rạp rồi thất vọng ra về, họ nói sẽ không bao giờ xem phim VN nữa! Ngay lúc này đúng là một nốt trầm của điện ảnh thị trường VN. May thay, điện ảnh độc lập đang có một cộng đồng làm phim trẻ, từ chối làm những phim thị trường rẻ tiền để tìm đến sự tự do, sự tôn trọng của sáng tạo...

Nói như đạo diễn Phan Đăng Di lúc đang say: “Phải cố lên, vì chúng ta quá yếu đuối, quá nhu nhược, điện ảnh thế giới không có tên chúng ta...”.

Vậy nền điện ảnh nào với các bạn là đáng ngưỡng mộ để học hỏi?

ĐQT: Tôi đặc biệt ngưỡng mộ điện ảnh Nhật với đại diện bậc thầy Yasujirõ Ozu. Bởi tôi vốn thích những bộ phim giản dị, không phô trương, không nhiều kỹ thuật nhưng vẫn lay động người xem bằng sự tinh tế. Không đao to búa lớn, cứ rù rà rù rì và ta thì chẳng thể rời mắt khỏi từng khuôn hình. Tôi thấy các nhà làm phim Nhật có một sự thấu hiểu sâu sắc với xã hội họ đang sống, thông qua những hình thức kể độc đáo, họ mang đến những câu chuyện vừa lạ vừa quen...

TDTH: Tôi thì chỉ thích phim hay, cách kể ấn tượng và những lối suy nghĩ mới mẻ cũng như mang đậm tiếng nói cá nhân. Tôi không đặc biệt thích nền điện ảnh nào cả. Bởi vì nền điện ảnh nào cũng có phim dở và phim hay nên tôi sẽ chọn phim tốt để xem và học hỏi, đặc biệt những phim về các vấn đề xã hội vì đó là dòng phim tôi đang hướng đến.

Hai bạn sẽ đi con đường của mình theo cách nào, đến với khán giả hoặc đơn giản (mà không đơn giản) thỏa mãn mình?

ĐQT: Tôi muốn làm phim độc lập, vì độc lập có nghĩa là tự do. Tôi không nghĩ mình có thể sáng tạo được gì ra hồn mà không có tự do. Trong chừng mực nào đó, dòng phim độc lập cho phép tôi tự do hơn dù chẳng bao giờ có sự tuyệt đối. Hơi ích kỷ, nhưng tôi nghĩ làm phim trước hết là cho bản thân. Sau đó có một hai người xem ở đâu đó, cảm nhận và chia sẻ được với mình cũng là quý rồi.

TDTH: Khi làm phim là phải thỏa mãn và mình phải yêu rồi sau đó hãy nghĩ phim đi theo hướng nào, tham gia các LHP hay đến với công chúng... Tôi nghĩ cách tốt nhất để định hướng chính là nghe theo con tim mình, vì chỉ có cảm xúc và tình yêu mới giúp mình đi đúng hướng.

Sẽ có một triết lý điện ảnh mà các bạn đặc biệt tâm đắc? Nó đến từ ai? Từ phim nào? Tại sao?

ĐQT: Trần Anh Hùng có nói: “Điện ảnh không có biểu tượng, quan trọng là những cái nhìn thấy, cái diễn ra trên hình”. Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó, về việc mình có thể lẫn lộn giữa làm nghệ thuật và làm văn hóa, về việc có thể mình sẽ làm ra một thứ phim minh họa, thứ phim chung chung.

TDTH: Lúc tôi 15 tuổi, thầy Nguyễn Tường Phương đã nói: “Điện ảnh là một con đường khó đi, đạo diễn điện ảnh là nghề chỉ tay năm ngón, tức là trên năm ngón tay người đạo diễn là một quá trình trải nghiệm và học hỏi không ngừng để có những tác phẩm hay. Càng đi sâu vào điện ảnh tôi càng thấu hiểu câu nói của thầy ngày xưa...

Cảm ơn và chúc hai bạn thành công ở Busan.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận