Ly kỳ chuyện tìm diệt ong sát thủ

TRÚC ANH 12/11/2020 04:11 GMT+7

TTCT- Chiến dịch triệt phá hang ổ một loài côn trùng nguy hiểm ở bang Washington (Mỹ) hồi tháng 10 khiến báo chí chú ý không chỉ vì tính quan trọng mà còn vì mọi thứ diễn ra ly kỳ, kịch tính và mang màu sắc phim khoa học viễn tưởng.

Một chuyên gia trong trang phục
Một chuyên gia trong trang phục "như phim viễn tưởng" và ống chứa ong đã hút được. Ảnh: AFP

Những hình ảnh công bố được báo The Guardian (Anh) ngày 31-10 mô tả là giống cảnh người ngoài hành tinh vừa đổ bộ xuống Trái đất: một nhóm chuyên gia của chính phủ, mặc đồ bảo hộ trắng như của phi hành gia, tiếp cận đối tượng - những con ong bắp cày khổng lồ châu Á - và hút chúng vào máy hút bụi cầm tay trông như một thứ vũ khí của tương lai.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á, có biệt danh ong “sát thủ”, là giống ong bắp cày lớn nhất thế giới, phổ biến ở châu Á. Loài ong này chưa từng xuất hiện ở Bắc Mỹ đến tháng 12-2019, khi người nuôi ong ở tây bắc bang Washington và cả tỉnh bang British Columbia (Canada) cho biết đã trông thấy loài ong sát thủ này. Vì đây là lần đầu tiên loài côn trùng nguy hại này xuất hiện ở Mỹ, các nhà khoa học ngay lập tức khởi động một cuộc săn lùng ổ của chúng, trước khi chúng kịp sinh sôi đến mức khó có thể tiêu diệt được.

Việc lùng và diệt ong bắp cày khổng lồ chủ yếu để bảo vệ lợi ích của người nuôi ong, chứ không phải vì sợ chúng chích chết người. Thực tế là số người chết vì ong sát thủ tấn công rất hiếm; biệt danh chết chóc này xuất phát từ việc loài ong này chuyên phá tổ và tàn sát ong mật. 

Theo The Guardian, một quần thể ong mật có thể bị tiêu diệt trong vòng vài giờ; ong sát thủ sẽ cắn đứt đầu ong mật, rồi lấy các bộ phận của “nạn nhân” mang về cho ong con ăn. Nếu hành động trễ, ong sát thủ có thể sẽ an cư ở Mỹ, tàn phá nghề nuôi ong nơi đây, ảnh hưởng không chỉ người nuôi ong mà còn chủ các trang trại vốn cần ong giúp thụ phấn.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Dù liên tục có thông tin trình báo ong sát thủ xuất hiện ở nơi này nơi kia, song phải cần tới công nghệ và nhiều nỗ lực mới truy được đến tận hang ổ của chúng vì ong sát thủ thường xây tổ ẩn trong các thân cây sâu trong rừng hay các hốc dưới lòng đất. Giải pháp được các nhà côn trùng học thuộc Sở Nông nghiệp Washington nghĩ ra là bắt sống vài con ong, cột thẻ định vị vào chúng bằng chỉ nha khoa rồi thả đi, sau đó lần theo dấu vết để tìm ra hang ổ.

Sau nhiều lần thất bại - mất dấu con ong làm “mồi” hoặc thẻ bị rơi ra khi ong chui vào tổ, các nhà khoa học cuối cùng cũng thành công vào ngày 24-10, khi lần đầu phát hiện tổ ong sát thủ trong một hốc trên cây đã chết ở thị trấn Blaine. 

Nhưng không thể ngang nhiên thò tay vào tổ, các chuyên gia phải chui vào những bộ đồ bảo hộ trắng toát, che kín từ đầu đến chân như phi hành gia rồi mới tiếp cận tổ ong, lăm lăm máy hút trên tay.

 Theo Chris Looney - chuyên gia côn trùng thuộc Sở Nông nghiệp Washington, cần phải bảo vệ kín bưng như thế vì ong không chỉ chích mà nọc độc chúng phun ra khi bị bắt có thể gây tổn hại thần kinh vĩnh viễn nếu tiếp xúc với mắt người.

Yên tâm trong bộ đồ bảo hộ đặc biệt, Looney và nhóm chuyên gia đưa máy hút bụi cầm tay vào lỗ trên thân cây và hút lũ ong vào ống. Tổng cộng có 85 con bị “hút” và 13 con khác bị bắt bằng lưới. 

Vài ngày sau khi triệt phá thành công, nhóm chuyên gia tiếp tục cắt sâu vào đoạn cây nơi ong làm tổ và “thu hoạch” thêm hai con ong chúa, nhiều ong thợ, ấu trùng và cả ong sắp rời khỏi kén. Tất cả chỗ ong này đều được mang về nghiên cứu.

Dù chiến dịch đầu tiên đã thành công, nhóm chuyên gia cho rằng cuộc chiến với ong bắp cày khổng lồ châu Á trên đất Mỹ sẽ còn kéo dài nhiều năm. Có thể lũ ong “nhập cảnh” Hoa Kỳ từ các kiện hàng được nhập khẩu theo đường biển hay hàng không và các nhà khoa học chưa biết được có bao nhiêu tổ ong như thế, và liệu lũ ong đã bắt đầu “di cư” từ bang Washington ra các vùng khác hay chưa.

“Thật khó để nói lũ ong [trên đất Mỹ] có hành xử như đồng bọn ở nơi chúng xuất phát không, nhưng điều đáng sợ là vẫn còn có nhiều bầy ong đang nằm chờ thời ngoài kia, hoặc chúng có thể tiếp tục sinh sôi khi di chuyển về phương nam, nơi có thời tiết ấm hơn” - Looney nói.

Nhà khoa học này cũng cho rằng dân Mỹ không nên thêm “bị ong bắp cày chích” vào danh sách các mối lo vì họ vốn đã có đủ thứ để lo - đại dịch, các cuộc biểu tình, thảm họa kinh tế. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức đến khi nào hết kinh phí hay cuộc chiến này thành bại ngã ngũ. Sẽ không vui nếu chúng tôi thua, nhưng vẫn còn nhiều thứ đáng lo hơn ngay lúc này” - Looney nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận