“Nam sinh Nickel”: Dựng mồ quá khứ dậy

ZÉT NGUYỄN 24/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Cuốn sách phô bày những sự thật trần trụi, khiến độc giả rúng động bàng hoàng vì những hành vi bạo lực và tội ác đối với người da đen, vạch trần sự phân biệt chủng tộc ngấm sâu vào từng hành vi của con người và cách nó được thực thi một cách khốc liệt trong chính môi trường giáo dục được coi là cao quý... Và hơn thế nữa.

Trong bài giảng năm 1962 ở nhà thờ Baptist Zion Hill, mục sư Martin Luther King nhắc đến tình cảnh của những người da đen trên đất Mỹ: vào năm 1619, những người da đen đầu tiên đã bị đưa đến đất nước này từ châu Phi và buộc phải sống đời nô lệ suốt 244 năm, “họ là một thứ đồ vật bị sử dụng chứ không phải một con người được kính trọng”.

Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ thì người da đen giờ đây phải đối mặt với một dạng nô lệ mới, bởi vì “phân biệt chủng tộc chả là gì khác ngoài tình trạng nô lệ được che đậy bằng những điều tế vi phức tạp”.

Năm 2020 đánh dấu một mốc lớn trong sự nghiệp của nhà văn Mỹ gốc Phi Colson Whitehead, tiểu thuyết Nam sinh Nickel (The Nickel Boys) của ông được trao giải Pulitzer, đưa ông vào câu lạc bộ những người giành được giải Pulitzer hai lần cho hạng mục hư cấu, cùng với Booth Tarkington, William Faulkner và John Updike.

bìa sách
 

Luôn trở đi trở lại với đề tài chủng tộc, Whitehead đi sâu khắc họa số phận người da đen trong cả hai thời kỳ mà mục sư King nhắc đến: Nếu tác phẩm Tuyến hỏa xa ngầm miêu tả những khốn khổ mà người da màu phải chịu đựng dưới thời kỳ nô lệ (câu chuyện kể về tuyến đường ray ngầm dưới lòng đất giúp nô lệ trốn thoát từ miền Nam tới miền Bắc nước Mỹ vào giữa thế kỷ thứ 19 với nữ nhân vật chính tên là Cora) thì Nam sinh Nickel lại tập trung vào thân phận của Elwood Curtis, một cậu bé da đen sống dưới không khí nghẹt thở của những năm 1960 khi chính sách phân biệt chủng tộc vẫn còn được thực thi, phải kinh qua những bất công tàn bạo khi bị đưa vào một ngôi trường cải tạo trẻ vị thành niên.

Bị bố mẹ bỏ rơi, Elwood được người bà nghiêm khắc nuôi dưỡng và lớn lên ở Florida. Cậu sáng dạ, ngoan ngoãn, chăm chỉ, và quan trọng hơn hết, đầy niềm tin vào tương lai. Cậu thuộc lòng bài giảng nói trên của mục sư King. Cậu tin rằng dù không được đến công viên giải trí Fun Town vì là người da màu (theo luật Jim Crow, người da đen phải sống tách biệt, không được sử dụng không gian công cộng chung với người da trắng), nhưng cậu cũng “xuất sắc như mọi người khác”.

Cậu tâm niệm nếu học giỏi, cậu sẽ được vào đại học, nếu biết tự tôn với những chuẩn mực đạo đức cao, rồi sẽ có ngày cậu và những người cùng màu da với cậu được coi trọng. Những ước vọng cao cả ấy chấm dứt đột ngột khi chỉ vì đi quá giang trên một chiếc xe ăn cắp mà Elwood bị tống vào trường nam sinh Nickel. Ngôi trường này được xây dựng dựa trên nguyên mẫu có thật là Trường Nam sinh Florida (có tên gọi khác là Trường Nam sinh Arthur G. Dozier School), hoạt động từ năm 1900 để cải tạo các thanh thiếu niên hư hỏng. Đến tận năm 2011, ngôi trường này mới bị đóng cửa khi những vụ tra tấn, hành hạ, giết hại rồi vứt xác các nam sinh lần lượt bị phanh phui.

Nguyên mẫu có thực cho trường Nickel là ngôi trường nam sinh Arthur G. Dozier này, bị đóng cửa năm 2011 sau khi những vụ hành hạ, tra tấn và giết các nam sinh bị phanh phui. -Ảnh: daily.bhaskar.com
Nguyên mẫu có thực cho trường Nickel là ngôi trường nam sinh Arthur G. Dozier này, bị đóng cửa năm 2011 sau khi những vụ hành hạ, tra tấn và giết các nam sinh bị phanh phui. -Ảnh: daily.bhaskar.com

Ý tưởng thành lập ngôi trường vốn tốt lành: giúp những thanh thiếu niên phạm lỗi được học hành và lao động, học lấy kỹ năng kiếm sống, rồi khi rèn luyện và tu thân xuất sắc, họ được trở lại với xã hội, thành công dân lương thiện. Nhưng thực tế hồi những năm 1960 khi Elwood vào trường thì trái ngược hoàn toàn: cơ sở vật chất tồi tàn, học sinh không được học hành mà chủ yếu phải lao động chân tay, ăn ở tồi tệ, sản phẩm họ làm ra thì bị lén đem bán ra ngoài để chia chác lợi nhuận.

Mà hóa ra những tiêu cực ấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Những thanh thiếu niên ấy chỉ cần phạm một lỗi nhỏ, thậm chí chỉ cần không vừa ý quản lý, liền bị trừng phạt dã man. Hằng đêm, những nam sinh phạm lỗi bị đem tới căn nhà mang tên “Nhà trắng” khét tiếng, bị quất bằng roi da cho đến khi ngất lịm, cho đến khi da thịt nát bấy lẫn vào quần áo, cây quạt công nghiệp chạy phần phật trên đầu để những tiếng thét đau đớn bị bóp nghẹt đi. Có một nơi đặc biệt dành cho nam sinh da màu phạm lỗi nặng, được gọi là “ở đằng sau”, nơi họ bị cùm chân, đứng dang tay, bị quật roi ngựa đến nát bét, và bỏ mặc cho chết.

Trong tấm màn đen kịt ấy ở ngôi trường mới, Elwood va chạm đủ loại người và cảnh huống khác nhau, thử thách lý tưởng sống của cậu, mà sự va đập mạnh mẽ nhất được thể hiện qua cậu bé mồ côi Jack Turner, người mà Elwood đánh bạn cùng.

Elwood và Turner, hai nhân vật chính của truyện, như đại diện cho hai quan điểm sống hoàn toàn trái ngược, một lạc quan tin rằng hệ thống này rồi có thể sẽ tốt hơn, sẽ được cải thiện; một bi quan yếm thế, rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi, vẫn dày đặc tàn bạo và bất công, và phải khôn ngoan, đừng ảo tưởng để rồi chết vì mù quáng.

Nam sinh Nickel được mở đầu bằng một câu báo hiệu đầy điềm gở: “Dù đã chết, bọn nam sinh vẫn là rắc rối”, theo sau nó là một loạt xác chết trong nghĩa địa bí mật được khai quật một cách tình cờ. Dòng tự sự của tiểu thuyết dần thọc sâu lớp đất, đào lên, trưng bày một cách đầy quái đản những thân thể biến mất, những cái chết không ai hay biết. Dựa trên sự thật để tưởng tượng ra câu chuyện cho các nhân vật của chính mình, Whitehead muốn độc giả thấy “những góc khuất của nước Mỹ mà chúng ta chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghĩ tới và chưa bao giờ nghe tới”.

Được đánh giá là “một khám phá về chủ đề ngược đãi đầy thô mộc nhưng lại mang sức công phá lớn”, Nam sinh Nickel là một tác phẩm phô bày những sự thật trần trụi. Không chỉ làm độc giả rúng động bàng hoàng vì những hành vi bạo lực và tội ác mà những nam sinh trong ngôi trường ấy phải chịu đựng, không chỉ vạch trần sự phân biệt chủng tộc ngấm sâu vào từng hành vi của con người và cách nó được thực thi một cách khốc liệt trong chính môi trường giáo dục được coi là cao quý, cuốn tiểu thuyết còn khiến chúng ta phải phản tư về những lẽ sống mà ta lựa chọn để sống sót, về niềm hi vọng vào sự thay đổi của thể chế, mà ta rất có thể trở thành nạn nhân, trước khi có bất kỳ sự biến chuyển nào.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận