Putin đối thoại với các nhà văn: Tự do với lương tâm trong sạch

DARYA DONTSOVA 14/10/2011 04:10 GMT+7

TTCT - Đưa tin về cuộc gặp của Thủ tướng Nga V. Putin với các nhà văn tại Đại hội liên minh sách Nga ngày 28-9 ở Matxcơva, các báo Nga đều thống nhất trong nhận định: ông V. Putin đã lần nữa chứng minh sự sắc sảo và khả năng “thoát hiểm“ trong những tình thế khó khăn. Cuộc gặp cho thấy không khí tranh luận cởi mở, thẳng thắn nhưng cũng không thiếu sự hài hước đặc trưng của người Nga. TTCT trích giới thiệu.

Thủ tướng Vladimir Putin và nữ nhà văn Tachiana V. Ustinova - Ảnh: AP

Nguyên thủ và… sách

Darya Dontsova (D.D., nữ nhà văn Nga nổi tiếng với hàng trăm đầu sách trinh thám hài hước, tỏ vẻ phật ý vì có lần ông V. Putin đã gọi sách của bà là “những thứ đọc dễ dãi”*): Vladimir Vladimirovich, tôi từng thấy ngài ngồi sau tay lái máy bay, trong tàu ngầm với súng trường, với cần câu, chỉ không lần nào thấy ngài dự khai trương nhà sách, không bao giờ cả.

V. Putin: Tôi có chứ.

D.D.: Nhưng tôi không thấy. Tôi đã cố tìm trên mạng và chỉ thấy có một cuộc phỏng vấn, nơi ngài bảo ngài thích Turgenev và Hemingway, nếu tôi không nhầm. Vậy thôi. Ngài tới Hội chợ sách Matxcơva có một lần. Tôi có cảm tưởng rằng nếu các công chức cao cấp của ngài lấy ngài làm gương (dù là để nịnh thôi) và cũng cầm sách trên tay… Không thể buộc người ta đọc, nhưng nếu thủ trưởng đọc thì cấp dưới ông ta cũng sẽ đọc. Vì vậy không quan trọng là văn học Nga hay Xô viết, ngài hãy đọc bất kỳ quyển sách nào, hãy cầm trong tay bất cứ quyển sách nào và đọ

Thứ hai, đấy, ngồi đây tại đại hội này có Tachiana Ustinova (nữ nhà văn chuyên thể loại trinh thám), Alexandra Marinina  (nữ nhà văn nổi tiếng với thể loại hình sự tâm lý, một số đầu sách đã được dịch sang tiếng Việt), Sergei Minaev (tác giả trẻ nổi tiếng từ tiểu thuyết Vô hồn bán được 700.000 bản trong năm đầu tiên, đã được dịch sang tiếng Việt), tất cả chúng tôi là đại diện của cái gọi là thể loại giải trí…

Alexandra Marinina (nhắc): Cái mà ngài gọi là những thứ đọc dễ dãi.

D.D.: Vâng, cái mà ngài gọi là những thứ đọc dễ dãi. Chúng tôi rất bực mình. Thành thật mà nói, tôi rất không hài lòng bởi sau lưng chúng tôi là hàng triệu độc giả. Nói như vậy về chúng tôi cũng có nghĩa ngài nói thế về những người đọc chúng tôi…Ngài biết đó, người ta bắt đầu từ Dontsova sau đó sẽ chuyển sang Puskin. Có phải ngài đã quen chia độc giả ra trắng và đen, trong sạch và không trong sạch, loại tốt và loại đọc dễ dãi? Phải không?

V. Putin: Không. Vào thời của mình Alexandre Dumas cũng bị coi là tác giả viết loại sách dễ đọc, nhưng điều đó không có nghĩa ngày mai người ta sẽ quên ông ấy. Chúng ta vẫn đọc ông ấy. Hồi nhỏ tôi cũng mê phát rồ Ba người lính ngự lâm, nhưng tôi không có ý nói nó là loại văn học kém cỏi. Tôi muốn nói chúng ta cần làm sao để người dân không mất đi sự quan tâm tới văn học cổ điển Nga, tới những thứ sâu sắc và minh triết. Ý tôi là vậy. Tôi hoàn toàn không đặt vào khái niệm “sách dễ đọc” ý gì xấu cả. Tại sao bà lại cho tên gọi đó là sự hạ thấp?

D.D.: Bởi vì nó nghe như thế...

V. Putin: Nếu nó làm bà cảm thấy thế thì tôi xin lỗi... Nhưng xin cho tôi nói, những nhà sản xuất sữa cũng đề nghị tôi xuất hiện thường xuyên hơn với ly sữa trên tay. Nhà sản xuất thịt muốn người ta thấy tôi ăn thịt chăn nuôi trong nước nhiều hơn… Các ngài cười, nhưng nói thật người ta đã đề nghị thế đấy... Một tấm gương tích cực rõ là hữu ích, nhưng nên suy nghĩ về khía cạnh khác của vấn đề - khía cạnh kinh tế. 

Hiện nay sách in giá khoảng 400 rúp, sách điện tử 70-80 rúp. Tương quan ở Mỹ cũng khoảng đó. Nhưng tôi và các ngài cần phải làm sao cho sản phẩm in của chúng ta rẻ hơn cả sách điện tử, khi đó mới có lợi về kinh tế. Đó là thực tế đời sống của chúng ta. Và khi đó sách của các ngài sẽ được mua nhiều hơn.

 “Tôi có cảm tưởng rằng nếu các công chức cao cấp của ngài lấy ngài làm gương (dù là để nịnh thôi) và cũng cầm sách trên tay… 

Không thể buộc người ta đọc, nhưng nếu thủ trưởng đọc thì cấp dưới ông ta cũng sẽ đọc...”

Darya Dontsova 

Những anh hùng thời đại đâu rồi?

A.M. Kondakov (tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục, đặt vấn đề về việc để hình thành rõ ràng hơn hệ thống giá trị trong xã hội Nga, cần tài trợ cho một số hội đoàn)… Ngày nay, nếu nói về tài trợ, tôi nghĩ nhà nước cần phải tài trợ các nhà văn nào, nhà hát nào, nền điện ảnh nào tạo điều kiện hình thành hệ thống các giá trị đạo đức, chủ nghĩa yêu nước, những giá trị gia đình... trong nhân dân, đặc biệt trong thế hệ mới lớn. 

Hệ thống giá trị của chúng ta hiện nay hình thành chưa được rõ ràng, chúng tôi đang cố làm điều đó trong giáo dục. Đã vang lên câu hỏi: Đâu rồi những anh hùng thời đại?...

Tôi nhớ cha tôi 30 năm trước từng đặt câu hỏi cho chủ tịch Hội Họa sĩ Liên Xô: Vì sao các ngài nuôi hàng chục nghìn tên ăn bám nhưng không xuất hiện được một Rembrandt (**) nào? 

Câu trả lời lại cực kỳ đơn giản: Ông có biết để có được chỉ một Rembrandt, cần phải nuôi hàng chục nghìn kẻ ăn bám trong 500 năm không? Hiện nay, thật tiếc đã mất đi những hội nhà văn hoạt động thật sự. Tôi  không biết hội sách có bao nhiêu thành viên hả ông Stepashin? Chúng ta đã kết nạp được bao nhiêu?

S. Stepashin: Cần họ làm gì chứ? Để cấp nhà nghỉ à?

A.M. Kondakov: Ông có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng chúng (các hội đoàn) cũng là những thành phần cần sự hỗ trợ...

Sergei Minaev: Xin lỗi các ngài, các ngài nói gì về chủ nghĩa yêu nước? Này các chàng trai, cứ viết những quyển sách bán được không dưới 200.000 bản đi... Khi đó thì không cần thủ tướng lẫn hội nhà văn, ngay hôm sau thôi những tay công chức ranh ma sẽ lòn qua hàng đống kẻ môi giới để đặt lên bàn các bạn dự án nhà nước “Đất nhỏ - 2” với số tiền tài trợ 1 triệu đôla bởi họ rất cần chủ nghĩa yêu nước đấy! 

Xin cho tôi nói thật: giữa nhà văn và nhà nước không thể có mối quan hệ tương hỗ, không cần nuôi sống nhà văn, chúng ta đã qua giai đoạn đó rồi, cần phải bảo vệ các nhà xuất bản của chúng ta thôi, những người tạo cho chúng ta công ăn việc làm…

... Vladimir Vladimirovich, tôi xin nói lần cuối về những người hùng thời đại chúng ta. Ngài biết đấy, không nghi ngờ gì, chúng ta có những người trung thực khắp nơi và cần loại trừ ngay tư tưởng bi quan rằng tất cả chúng ta đều là kẻ cắp và bịp bợm, bởi thật sự vẫn có những con người trung thực. Vấn đề chỉ là ở chỗ họ đang bị nhấn chìm trên nền hào nhoáng ngự trị khắp nơi. 

Tôi cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết vào năm sau, năm bầu cử tổng thống. Những năm sau các ngài phải làm sao để giới trẻ khi được hỏi: “Sau này muốn làm gì?” sẽ không bao giờ đáp: “Muốn trở thành viên chức nhà nước” để dễ dàng ăn cắp... Cần phải trừng phạt những kẻ (cắp) như thế, khi đó chúng tôi sẽ viết về lòng yêu nước.

Đừng vận động tranh cử vô ích

R.V. Zlotnikov (nhà văn nổi tiếng với thể loại khoa học giả tưởng): Vladimir Vladimirovich, xin cho biết cuộc gặp này có nhằm chuẩn bị cho bầu cử?

V. Putin: Không. Chúng ta vẫn chưa tới bầu cử, mọi việc còn ở phía trước.

R.V. Zlotnikov: Thì sao? Đã bắt đầu cuộc vận động tranh cử rồi mà. Tại sao tôi đặt câu hỏi này? Là vì nếu ngài gặp chúng tôi nhằm mục đích tranh cử thì chỉ mất thời gian vô ích.

V. Putin: Ông biết không, Roman Valerievich, tôi không muốn bất nhã, nhưng những cuộc gặp thế này không cần cho bầu cử. Tôi đồng ý tới cuộc gặp chỉ vì có những vấn đề liên quan đến việc xuất bản sách. Chúng vừa có tính thời sự vừa có tính thương mại. Tôi muốn đưa ra những quyết định vừa có thể giúp những người tham gia thị trường vừa không ảnh hưởng đến lợi ích của kẻ khác. Thứ hai, liên quan đến vấn đề bản quyền... Tôi nghĩ rất cần lắng nghe các bạn để trong khả năng của mình chỉnh đốn tình hình.

Tự do của nhà văn

Tachiana Vialievna Ustinova: Nói về tự do, tôi xin có đôi lời bởi nó quả thật thú vị. Thực tế đã hơn 20 năm hiện hữu nước Nga mới và một nền văn học Nga mới hoàn toàn tự do, tức chúng tôi có thể viết gì mình muốn, không bị kiểm duyệt gì. Tôi không biết những người khác thì sao? Minaev?

S. Minaev: Trong đời tôi chưa bao giờ bị.

D. D.: Tôi cũng không.

T.V. Ustinova: Chúng ta không bị ai kiểm tra và kiểm soát, câu chuyện kiểm duyệt đáng sợ đã rời khỏi chúng ta rồi. Tôi rất muốn mọi thứ cứ tiếp tục như thế để chúng tôi có thể tự do làm việc. Nó còn quan trọng hơn bất cứ hội sáng tạo nào.

Về Dumas, tôi rất thích câu chuyện về chủ một hiệu sách muốn làm vui lòng ông. Chuẩn bị chuyến thăm của nhà văn, chủ hiệu cho bày trên các kệ đầy sách Dumas. Thế nên khi Dumas tới, nhà văn ngạc nhiên hỏi những cuốn khác đâu hết rồi. 

Chủ hiệu sách đáp: “Tất cả được bán hết rồi”! Đó là câu chuyện mà tôi muốn đứng về phía Sergei Minaev và Darya Dontsova: Chúng tôi không cần giúp, mà ngành xuất bản mới cần vì họ bán sách cho chúng tôi. Tôi đấu tranh cho tự do với một lương tâm trong sạch, cho việc thay đổi chương trình đọc, cho việc đọc có tính hệ thống và cho việc truyền hình có những chương trình khuyến đọc.

V. Putin: …Trong phần kết, tôi muốn nói… chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ ở trường học, phải dạy giới trẻ đọc, phải in ấn những điều tốt. Tachiana Vitalievna đã kết luận rất đẹp rằng cô ấy ủng hộ tự do với lương tâm trong sạch. Hãy để tất cả chúng ta được tự do tối đa, nhưng đừng bao giờ quên lương tâm mình…

__________

(*): Các tít nhỏ và chú thích in nghiêng trong ngoặc là của TTCT.

(**) Rembrandt Harmenszoon van Rijn (1606-1669) là họa sĩ và nghệ sĩ khắc bản in nổi tiếng người Hà Lan, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận