​Sách, truyện cho trẻ em: Chuẩn nào cho cỡ chữ?

PHAN SÔNG NGÂN 30/01/2015 20:01 GMT+7

Cận thị là “bệnh học đường” đã có rất nhiều cảnh báo. Bởi, tỉ lệ trẻ em phải đeo kính ngày càng tăng nhiều trong trường. Chữ và sách là hai trong những công cụ có nhiều khả năng gây bệnh học đường ấy. Thế nhưng hiện nay có rất nhiều sách, truyện dành cho trẻ em lại đang thiếu sự quan tâm đến “chuẩn chữ” để phòng bệnh cho trẻ thơ...

Truyện tranh cho trẻ em, cỡ chữ, kiểu chữ chưa được “chuẩn hóa”, tác hại không nhỏ cho đôi mắt trẻ thơ - P.S.N.

Đối với các văn bản hành chính (thường dành cho người lớn đọc) đã có cả thông tư quy định rất cụ thể về kiểu chữ, cỡ chữ, khoảng cách giữa các dòng... Trong khi chữ trong sách, truyện dành cho bạn đọc nhỏ tuổi dường như đang “loạn” các kiểu, kích cỡ chữ.       

Nhờ sự phát triển của ngành xuất bản, hiện nay những người ham mê đọc sách ở mọi lứa tuổi đều có rất nhiều điều kiện để tìm kiếm, lựa chọn được các thể loại sách cho sở thích của mình. Sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cũng được rất nhiều nhà xuất bản (NXB) tham gia ấn hành với đủ thể loại, rất phong phú.

Chất lượng sách nói chung và sách dành cho thiếu niên, nhi đồng nói riêng, trong đó có thể loại truyện tranh, ngày càng được các NXB chăm chút, in ấn rất đẹp. Tuy nhiên có một điều đáng quan tâm là chữ in kèm tranh trong sách truyện tranh của không ít NXB dường như chưa được quan tâm cải tiến để đỡ “nhọc sức, nhức mắt” cho những bạn đọc nhỏ tuổi. 

Đến các nhà sách và mở xem nhiều sách truyện tranh dành cho thiếu nhi thì phần lớn các chữ in kèm theo tranh trong các sách của không ít NXB, cả “NXB nhỏ” lẫn “NXB lớn”, đều có nét “truyền thống”, giống như lối viết tay từ thời mấy mươi năm trước.

Kiểu chữ cũng khá đủ dạng, tùy... người làm sách. Có truyện thì in chữ kèm tranh theo kiểu chữ in thường nhưng phần nhiều là theo kiểu chữ in hoa. Cỡ chữ trong nhiều truyện tranh cũng vậy, chữ to hay chữ nhỏ, nét đậm hay nét rong, rồi khoảng cách nhặt/thưa giữa các chữ, các dòng... xem ra “muôn hình vạn trạng”, tùy theo khổ tranh, khổ sách khác nhau của mỗi NXB.

Chữ viết theo tranh như vừa nêu trong các sách truyện tranh được in màu thì khi xem cũng có phần đỡ khổ. Thế nhưng có rất nhiều sách chỉ in cả chữ lẫn tranh theo hai màu đen - trắng, nên nhìn cả trang sách trông sít rịt, rậm ri, rất nặng nề, khó chịu, nhất là những truyện tranh được in theo khổ sách nhỏ.

Do đó, gặp những em ham đọc, đọc một lèo nhiều trang, nhiều truyện trong những cuốn sách có chữ như thế e rằng quá sức cho đôi mắt ở tuổi còn nhỏ của các em.

Thực tế lâu nay, hầu hết tờ báo trong, ngoài nước đều có sự chọn lựa rất kỹ các kiểu chữ, cỡ chữ in trong báo của mình. Thậm chí, việc lựa chọn giữa kiểu chữ có chân hay không chân cũng được cân nhắc khá kỹ lưỡng. Sự kỹ lưỡng ấy có mục đích chính là nhằm giúp người đọc - phần đông là người lớn - dễ đọc, “dễ chịu cho con mắt” hơn.

Ngay việc trình bày trong các văn bản hành chính cũng được quy định chuẩn mực theo một nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Nội vụ (thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19-1-2011, hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính).

Trong đó có quy định rất cụ thể về kiểu chữ, cỡ chữ, khoảng cách giữa các dòng chữ… Còn thực tế cũng đã có nhiều sách truyện tranh dành cho thiếu nhi của một số NXB (NXB Đồng Nai, Thanh Niên...) in chữ kèm tranh bằng kiểu chữ in thường như trong các loại sách bình thường khác (chứ không phải kiểu chữ in hoa mà lại còn theo lối như viết tay đã nêu), nhờ đó trông rất rõ ràng, dễ đọc và dễ chịu cho mắt của  trẻ em.

Vậy, liệu các cơ quan quản lý xuất bản và các NXB khác có quan tâm, quy định về chuẩn chữ cho phù hợp theo từng độ tuổi, trong các ấn phẩm (sách, truyện và cả báo chí) dành cho trẻ em hay không? Bởi có quy định như thế sẽ tránh những kiểu tùy tiện như đã nêu.

Điều đó cũng có thể góp phần hạn chế khả năng gia tăng cận thị ở trẻ em - một bệnh học đường có tỉ lệ trẻ em mắc phải khá cao hiện nay.            

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận