The Hu và Hanggai - cựu đế quốc và bản dạng dân tộc

DU LÊ 18/08/2019 21:08 GMT+7

TTCT - The Hu là một ban nhạc chơi heavy metal xuất thân từ Mông Cổ, thành lập năm 2016, sử dụng gần như những bản sắc “bắt buộc” của âm nhạc vùng thảo nguyên: lối hát đồng song thanh, hòa âm cuống họng (Tuvan, Khoomei, hay Hooliin Chor) - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009, với Mã đầu cầm tức morin khuur, guitar tovshuur và khèn tumur khuur.

Mã đầu cầm tức morin khuur - một biểu tượng âm nhạc Mông Cổ kiêm di sản UNESCO 2008, bên cạnh guitar tovshuur và khèn tumur khuur.

Nhưng cái tên nhóm dùng cũng đậm chất Mông Cổ: “Hu” là gốc của từ “con người” trong tiếng Mông Cổ và cũng là “hunnu”, Hung Nô, chỉ những sắc dân ở vùng mạc bắc Trung Hoa chuyên sống trên lưng ngựa.

Album sắp phát hành vào tháng 9 của họ là Gereg, tức tấm “hộ chiếu ngoại giao” của đế quốc Mông Cổ suốt từ thời Thành Cát Tư Hãn tới các con cháu ông. Có dạng một tấm thẻ bài kim loại, đó là giấy thông hành để các sứ thần của đại hãn xác lập uy quyền và đặc quyền trên khắp đế quốc trải dài từ Á sang Âu. “Ta là sứ thần của khả hãn. Kẻ nào chống lại ta phải chết” là dòng chữ trên một tấm thẻ bài như thế thời Kublai Khan (Đại Hãn Hốt Tất Liệt), cai trị từ 1260 tới 1294.

Tìm dư ba quá khứ

Trong khi đó, Hanggai là nhóm nhạc folk xuất thân Nội Mông Cổ (nay thuộc Trung Quốc), chuyên pha trộn âm nhạc dân gian Mông Cổ với những phong cách hiện đại hơn, phần lời hoặc vay mượn hoặc tự sáng tác, hát bằng cả tiếng Mông Cổ và tiếng Hoa.

Tên gọi Hanggai, hay Hàng Cái, theo bách khoa mở Wikipedia, “ý chỉ khung cảnh thiên nhiên lý tưởng với đồng cỏ, núi sông, cây cối và bầu trời xanh trải dài bất tận”.

Hanggai ra đời từ 2004, hoạt động 15 năm qua với 7 album đã phát hành, và từng hợp tác với nhiều tên tuổi âm nhạc trong và ngoài Hoa ngữ, bao gồm nhà soạn nhạc cách tân Tan Dun (Đàm Thuẫn), hay Dàn nhạc giao hưởng Melbourne, và rất thành công trên phiên bản The Voice của Trung Quốc - Sing my song. Năm 2019, họ sẽ lần đầu lưu diễn tại Mỹ.

The Hu là những anh chàng Mông Cổ thế hệ millennial được nhà sản xuất nội địa Dashondog Bayarmagnai, biệt danh Dashka, tìm thấy và tập hợp ngay giữa lòng thủ đô Ulan Bator. Các thành viên mang lịch sử đất nước mình vào âm nhạc, và khăng khăng gọi âm thanh của họ là "hunnu rock" thay vì cách gọi đại khái, có phần hống hách “folk metal (hoặc rock)” (đại ý “nhạc rock nặng âm hưởng dân gian”) hay “pagan metal (hoặc rock)” (“nhạc rock của dân đa thần”?) của những nhà báo âm nhạc da trắng.

The Hu tìm lại những bản sắc Mông Cổ và muốn một phân loại riêng cho âm nhạc của họ. Ảnh: downloadfestival.co.uk
The Hu tìm lại những bản sắc Mông Cổ và muốn một phân loại riêng cho âm nhạc của họ. Ảnh: downloadfestival.co.uk

“Chúng tôi là ban nhạc đầu tiên chơi theo phong cách này, và thật sự hi vọng không phải ban nhạc cuối cùng làm điều đó”. Gala, giọng hát và nghệ sĩ mã đầu cầm của The Hu, không đồng tình việc so sánh The Hu với các nhóm nhạc châu Âu. Gala đã học lên cao học về âm nhạc truyền thống và trình diễn morin khuur trong biên chế Dàn nhạc quốc gia Mông Cổ.

Ilchi, sáng lập viên Hanggai, từng chơi trong một nhóm nhạc punk tên T9, và các thành viên khác có thể nhắc tên đủ những nghệ sĩ âm nhạc đình đám trên thế giới ảnh hưởng lên họ như Pink Floyd, Radiohead và cả… Neil Diamond, nghệ sĩ nhạc country kỳ cựu.

Trong một thế giới bị áp đảo và áp đặt bởi một vài nền văn minh lớn, là một người Mông Cổ, Ilchi phải học lại ngôn ngữ cội nguồn của chính mình để có thể hát, và bên cạnh những sáng tác ngợi ca đời sống thảo nguyên đã bạc thếch mai một, âm thanh bức bối của phố xá Bắc Kinh cũng xuất hiện trong các ca khúc, mà theo lời anh, để thể hiện những khó khăn khi tìm về bản dạng văn hóa của chính mình trước một nền văn hóa Hán chủ lưu đã được áp đặt từ rất lâu tại Nội Mông Cổ, tỉnh có quy chế tự trị ở cực bắc Trung Quốc, mà các điều kiện văn hóa, địa lý, và lịch sử, gần gũi hơn nhiều với quốc gia Mông Cổ.

“Rất nhiều người Mông Cổ chúng tôi đã rời bỏ lối sống trước kia. Sau khi chuyển sang định cư ở thành phố, nhiều người đã chịu tác động từ sự xâm lăng của một nền văn hóa mang tính áp đặt”.

Dashka, trong khi đó, là một nhà sản xuất kỳ cựu với hơn 300 album âm nhạc qua tay trong 30 năm theo nghề. Đích thân Bộ Văn hóa Mông Cổ, rất thức thời (hoặc ngược lại, quá dễ dãi, tùy theo đánh giá cá nhân), đã mời The Hu trở thành đại sứ âm nhạc đại diện quốc gia với mong muốn “mọi người hứng thú với lịch sử Mông Cổ”, theo lời Gala.

The Hu muốn du lịch đến mọi đất nước khác và giới thiệu văn hóa Mông Cổ bằng tấm giấy thông hành âm nhạc - Gereg của họ ở thời hiện đại. Nó có thể không uy quyền bằng tấm hộ chiếu của những Đại Hãn cai trị các đế quốc mênh mông, nhưng với sự trợ sức của công nghệ hiện đại, không hề kém phần thuyết phục và hấp dẫn.

The Hu muốn âm nhạc của họ được nghe thấy mọi nơi, và cảm thấy sung sướng mỗi khi fan quốc tế bày tỏ mong mỏi được xem họ trình diễn trên sân khấu xa nhà.

Giải quyết cho kỳ vọng khấp khởi này, chuyên gia PR âm nhạc kỳ cựu Alan Edwards, từng cộng tác với các tượng đài David Bowie, Led Zeppelin, The Cure, đã gia nhập đạo quân chinh phục thế giới mới khởi đi từ Mông Cổ.

Trong khi đó, Hanggai được thành lập khi trưởng nhóm Ilchi bị quyến rũ bởi những âm thanh của lối hát giọng cổ họng (throat singing) và muốn tìm lại di sản dân tộc mình, quyết định tới vùng Nội Mông Cổ để theo học về nghệ thuật.

Truy về lịch sử, nhóm nhạc Mông Cổ có tính quốc tế đầu tiên mang tên Soyol Erdene, thành lập năm 1971, với khát vọng trở thành "Beatles của Mông Cổ". Cũng phải nhắc tới nhóm hát đồng song thanh Yat-Kha, thành lập năm 2005 với gốc gác Tuva (Nga), bên kia biên giới phía bắc Mông Cổ, vốn đã chu du khắp thế giới từ nhiều năm qua.

Nhóm hát đồng song thanh Yat Kha

Đế quốc ngày xưa đã suy tàn từ lâu, nhưng những di sản của nó 700 năm sau vẫn còn đọng lại trong tiếng mã đầu cầm, ở vùng thảo nguyên rộng lớn một thời hằn vó ngựa đạo quân bách thắng. Và cũng như các tổ tiên của họ, các nhạc sĩ Mông Cổ, dù có ở Mông Cổ hay không, đang mơ về một cuộc chinh phục toàn cầu nữa.

Giữa bản sắc và toàn cầu

Công thức mò mẫm với cảm hứng của họ từ lịch sử và bản sắc, cũng có thể thỉnh thoảng thấy được trong làng nhạc, và ngành giải trí - văn hóa nói chung, của Việt Nam. Một ví dụ là hiện tượng chóng nổi chóng tàn ban nhạc An Nam (chương trình Ban nhạc Việt 2017), hay những nhóm nhạc (cũng chơi rock) người Việt tìm âm hưởng từ những dân tộc ít người để nhuận vị cho âm nhạc, với liều lượng không khỏi tính toán, chừng mực, xen lẫn sự vô tư, hết lòng của người nghệ sĩ.

Có lẽ cũng không cần hỏi âm nhạc của ai “Việt” hơn, hay “Mông Cổ” hơn, khi mà ảnh hưởng văn hóa phương Tây đã lan tới gần như mọi ngóc ngách các xứ sở Á Đông.

Âm thanh heavy metal kết hợp những truyền thống mang tính cội rễ, dù không có thống kê, chiếm một liều lượng khá cao trong nền âm nhạc đương đại. Có thể tạm kể Finntroll, Korpiklaani, Moonsorrow, Turisas (một thế giới văn hóa dân gian và thần thoại bản địa Phần Lan phong phú nằm ngoài tầm mắt và tầm hiểu biết của hầu hết thế giới đã toàn cầu hóa, bởi ngôn ngữ dị biệt), Amorphis (Thụy Điển), Melechesh (Israel, nhưng nhấn mạnh vào những truyền thống Mesopotamia, tức Lưỡng Hà, xa xưa), Rudra (Singapore, nhưng tìm về cội rễ Ấn Độ), Rotting Christ (Hi Lạp), Chthonic (Đài Loan, nhưng định vị bằng văn hóa bản địa của hòn đảo này trước khi Hán hóa), và còn nhiều, nhiều nữa.

Họ mang yếu tố bản sắc, nguồn cội, gốc gác xa xưa vào âm nhạc bằng niềm tự hào, nhưng rồi khi họ thực sự lớn lên, hiếm người thoát được vòi bạch tuộc của một thế giới âm nhạc đã toàn cầu hóa và công nghệ hóa cao độ. Âm nhạc của họ rốt cuộc đều đi tới điểm chung: ở tuổi đời dưới 45, đó là mọi thứ nằm giữa Beatles và âm thanh đầu tiên họ đích thân tạo ra.

Cá nhân người nghệ sĩ không ai giống ai, nhưng sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm nghệ sĩ Âu và Á thường nằm ở thông điệp chuyển tải - trong một thế giới vị Âu (eurocentric), mọi sản phẩm tạo ra đều phải xoay quanh hệ thống giá trị đã được áp đặt khoảng 300 năm trở lại đây.

Dễ hiểu là sự thành thật, vô tư trong âm nhạc trở nên chông chênh khi đặt cạnh các yếu tố như kỹ thuật trình diễn, tính thương mại và cả các thông điệp cài cắm nằm ngoài cốt lõi âm nhạc, giữa một thế giới vừa tôn vinh vừa hắt hủi những nền văn hóa ngách, vừa tụng xưng vừa chà đạp sự đa dạng, và những va chạm văn hóa không thể tránh khỏi diễn ra hằng ngày hằng giờ hiện nay.

Những khám phá mới nói trên cũng không thể đặt ngoài không gian khán giả - người thụ hưởng. Ở xứ sở này, có lẽ cũng là một nền văn hóa ngách, nhiều tiết mục tưởng như đậm đà chất dân tộc, rối nước hay đờn ca tài tử chẳng hạn, đang dần có nguy cơ trở thành món đặc sản chỉ dành riêng cho… khách du lịch nước ngoài.

Kinh tế tất nhiên là có vai trò. Đối tượng thụ hưởng không thể mọc lên từ mặt đất như nấm sau mưa. Bao người còn phải canh cánh những lo toan thường nhật, thay vì bận tâm về bản dạng dân tộc. Nhưng người nghệ sĩ cũng có trách nhiệm: sự nỗ lực đủ thường xuyên từ họ (hi vọng) góp phần quyết định vào việc nâng trình độ thưởng thức nói chung lên.

Trong một thế giới lý tưởng, âm nhạc và nghệ thuật nói chung phải dành cho tất cả mọi người, bất kể màu da, quốc tịch, và địa vị xã hội. Thế giới lý tưởng đó còn rất xa, nhưng hành trình tìm về bản dạng sẽ là bắt buộc để bước tiếp một bước nữa trên con đường đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận