Tranh dân gian Việt Nam: đa dạng, tinh tế và độc đáo

QUANG THÁI CHUYỂN NGỮ 23/03/2013 19:03 GMT+7

TTCT - Triển lãm tranh dân gian Việt Nam (tại Idecaf, 32 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM đến hết ngày 6-4) thu hút không ít người xem. Từ Paris, giáo sư Philippe Papin đã viết riêng cho TTCT đánh giá của ông về dòng tranh này qua những công bố mới nhất.

Phóng to
GS Philippe Papin mô tả “màu xanh Việt Nam” không thấy ở nơi khác trong bức tranh Voi và bụi chuối - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Trong suốt thời gian dài, nói đến tranh dân gian Việt Nam là người ta liên tưởng đến một thể loại mang tính khuôn mẫu vì hai nguyên nhân. Đầu tiên là tình trạng khan hiếm các nguồn tranh gốc: những bộ sưu tập hiện có chủ yếu là từ sau thế kỷ 18, và riêng đối với thời kỳ cận đại thì chỉ giới hạn ở các dòng tranh có tiếng như tranh Đông Hồ, trong khi theo tôi tranh Đông Hồ chỉ chiếm một số lượng nhỏ và vốn không phải tiêu biểu cho toàn bộ số lượng tranh sản xuất ra.

Sự khan hiếm này được giải thích qua đặc tính của những bức tranh: được dùng trong một thời gian ngắn và khi thấy tranh cũ người ta thường bỏ đi, thay bằng tranh mới. Thế nhưng, tính tạm thời lại là một đặc điểm của tranh dân gian.

Dân gian còn hàm chứa nhiều khác biệt

Nhưng cũng chính đặc điểm này lại là nguyên nhân thứ hai khiến trong thời gian dài chúng ta có cái nhìn sai lệch. Cụm từ dân gian đã tạo ra một chu vi hạn hẹp cho dòng tranh này, coi đó là những sản phẩm quá đơn điệu, nhàm chán và dân dã. Trong khi đó, theo tôi, tranh dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng và tinh tế hơn nhiều so với những hình ảnh thường được dùng để minh họa cho cái gọi là “tranh dân gian” này.

Nói đến tranh dân gian, không thể không nói đến điểm khởi đầu: sở dĩ gần đây chúng ta lại quan tâm nghiên cứu về đề tài này chính là nhờ các công trình tiên phong từ nhiều thập niên qua của một số giáo sư Việt Nam, đặc biệt là của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Họ đã đi trước một bước trong việc nắm bắt được tranh dân gian là một di sản không chỉ thể hiện giá trị thẩm mỹ cao, mà còn phản ảnh những đặc điểm riêng của nền văn minh Việt Nam.

Bộ sưu tập gần 400 bức tranh do Maurice Durand thu thập được càng cho phép chúng ta thấy rõ trực cảm của các giáo sư này là hoàn toàn đúng. Những bức tranh mang rõ đặc tính dân gian ở chỗ nó có nhiều phiên bản và mang tính tạm thời, nhưng cụm từ “dân gian” còn hàm chứa biết bao điều khác biệt! Chẳng hạn có một khoảng cách rất lớn giữa những bức tranh mô tả công việc đồng áng được vẽ vội trên nền màu sặc sỡ so với những bức tranh thể hiện các nhạc công hoặc phong cảnh.

Loại thứ nhất thường được vẽ nhanh và có giá rẻ, trong khi loại thứ hai được vẽ công phu hơn để phục vụ những người khá giả. Sở dĩ tranh dân gian đa dạng về chất lượng là vì người mua cũng đa dạng về túi tiền. Điểm chung của họ là thích phong cách tranh thuần túy Việt Nam. Nó phù hợp với văn hóa, môi trường và tính thẩm mỹ của họ. Những bức tranh bán chạy nhất không phải là những bức về đề tài tôn giáo cao cả hoặc văn chương bóng bẩy, mà chủ yếu là tranh về cuộc sống thường nhật hay thể loại tranh trang trí.

Một đặc điểm nổi bật khác là việc sử dụng màu sắc hết sức độc đáo mà không một nước nào khác ở Đông Á có được, chẳng hạn nền màu xanh và hồng. Có những thời kỳ trong lịch sử nghệ thuật được đánh dấu bởi những màu sắc đặc biệt, chẳng hạn như “màu xanh Chartres” (bleu de Chartres) tuyệt vời trên các tấm kính màu của nhà thờ lớn ở thành phố này mà sau này người ta không bao giờ tái tạo được. Tương tự như vậy, tôi nghĩ người ta cũng có thể nói đến “màu xanh Việt Nam” và “màu hồng Việt Nam”. Nó hoàn toàn xứng đáng được thừa nhận như thế bởi sự tinh tế, nét độc đáo và vẻ đẹp có một không hai.

Đặc điểm nổi bật cuối cùng là cách thể hiện nhân vật. Trong tất cả các tranh hiện còn được lưu giữ, nghĩa là các tranh từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20, các nhân vật thường được nhận ra từ cái nhìn đầu tiên. Nó không được vẽ theo kiểu hiện thực như của Trung Quốc, và cũng không mang phong cách trào phúng như của Nhật. Nó được vẽ theo phong cách “ngây thơ” trong tranh của Hà Lan, vừa trọn trịa, vừa hình tượng mà vẫn giản dị. Những nét mặt chỉ được thể hiện bằng vài nét vẽ. Những nhân vật chỉ được thể hiện vừa đủ để người xem nhận ra được đó là ai, nhưng đồng thời vẫn để không gian cho công chúng vận dụng trí tưởng tượng của mình.

Tính phúng dụ và hình tượng

Tất nhiên cũng có những bức tranh mang phong cách Trung Hoa. Nhưng điều đáng ghi nhận là tất cả những bức tranh đều được vẽ để phục vụ cho mong ước ngày tết. Chúng thuộc về một thể loại có thể gọi là “quốc tế” bởi được phổ biến ở châu Á như một “thông lệ”.

Nếu thử suy ngẫm, hẳn chúng ta sẽ thấy rằng việc người Việt Nam sử dụng hình ảnh những đứa trẻ má phúng phính ôm trái đào hoặc những con cóc ba chân, những ông quan giàu có, chim phượng hoàng và cá chép chẳng khác nào ở nam châu Âu người ta sử dụng hình tượng cây thông và đàn tuần lộc kéo xe vào dịp lễ Giáng sinh, cho dù chúng không hề tồn tại ở nơi này mà chỉ là những hình ảnh vay mượn theo “thông lệ”. Mà đã là thông lệ thì không tránh khỏi sự khập khễnh, dù ở Việt Nam hay nước nào cũng vậy.

Ngoại trừ những bức tranh ngày tết một điều nữa giúp khẳng định tính độc đáo của tranh dân gian Việt Nam chính là dòng tranh thời kỳ cận đại. Những bức tranh cổ động hoàn toàn không giống loại tranh do Trung Quốc sản xuất cùng thời điểm. Trong khi tranh cổ động Trung Quốc mang tính hiện thực, thậm chí gần với ảnh chụp, thì tranh cổ động Việt Nam vẫn trung thành với truyền thống, thể hiện các đề tài mang tính phúng dụ và hình tượng trên nền khổ lớn đồng màu.

Những người quen tôi đều biết tôi say mê lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng mình rất khách quan khi khẳng định rằng tranh dân gian Việt Nam, tuy khác nhau về chất lượng và được vẽ vào những thời kỳ khác nhau, đều thể hiện sự tinh tế, thanh lịch và duyên dáng hoàn toàn độc đáo. Với sự trợ giúp của các đồng nghiệp Việt Nam, những người đã được nêu tên trên đây và nhiều người khác nữa, kể từ nay chúng tôi có nghĩa vụ làm cho dòng tranh này được biết đến nhiều hơn.

PHILIPPE PAPIN (giáo sư sử học)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận