Vinh danh những người phá vỡ im lặng 

HẠNH NGUYÊN 20/12/2017 22:12 GMT+7

TTCT - Time vừa bình chọn tất cả những người đứng lên phản đối tình trạng tấn công tình dục là “Nhân vật của năm” 2017. Phong trào #MeToo (Tôi cũng thế) đã và sẽ tạo ra những thay đổi gì?

.
.

 Tạp chí TIME đã tôn vinh những người đứng lên công khai chống các hành vi quấy rối tình dục bằng cách đặt tên họ là “Những người phá vỡ sự im lặng” (The Silence Breakers). Năm đại diện nổi bật của phong trào đã xuất hiện trên trang bìa của TIME, sau khi hàng triệu câu chuyện về tình trạng bị tấn công tình dục đã được chia sẻ.

Trong một căn phòng không có cửa sổ tại Mission District (San Francisco, Mỹ), một nhóm phụ nữ từ nhiều nơi trên thế giới lần đầu tiên gặp nhau. Ngôi sao điện ảnh Ashley Judd, một trong những phụ nữ đầu tiên cáo buộc Harvey Weinstein về hành vi quấy rối tình dục, bắt tay Isabel Pascual, người phụ nữ làm nghề hái dâu đến từ Mexico (và yêu cầu sử dụng bí danh để bảo vệ gia đình).

Cạnh đó là Susan Fowler, cựu kỹ sư Uber, đã viết nhiều bài trên blog về tình trạng phân biệt giới tính ở Thung lũng Silicon khiến CEO Travis Kalanick ra đi. Cô đang mang bầu 8 tháng, nói chuyện nhẹ nhàng với Adama Iwu, chuyên viên vận động hành lang doanh nghiệp ở Sacramento, người đã truyền can đảm cho hàng chục phụ nữ cùng đứng lên công khai những vụ quấy rối tình dục ở trụ sở chính quyền bang California.

Một nhân viên bệnh viện bay đến từ Texas tham gia buổi chụp. Cô cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục nhưng xuất hiện ở đó vô danh, xem như một hành động để thể hiện sự đoàn kết, đại diện cho tất cả những phụ nữ chưa thể nói điều họ muốn.

Tổng biên tập TIME Edward Felsenthal nhấn mạnh những người đó có thể đang phải vật lộn với suy nghĩ liệu họ có nên xuất hiện hay không vì sợ hậu quả.

Điều quan trọng họ cần hiểu là họ không cô độc. Đây là sự thay đổi xã hội nhanh chóng nhất mà chúng ta đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ, và nó bắt đầu với những hành động dũng cảm đơn lẻ của hàng trăm phụ nữ và cả nam giới - những người đã bước ra ánh sáng để kể câu chuyện của mình” - Felsenthal nói trên NBC News về “Những người phá vỡ sự im lặng”.

Khởi đầu của phong trào

TIME viết: “Những cá nhân này đã bắt đầu cuộc cách mạng về sự từ chối chấp nhận điều vốn vẫn xảy ra từ trước tới nay, tập trung sức mạnh mỗi ngày...

Cơn giận tập thể của họ đã tạo ra những kết quả gây sốc ngay lập tức: gần như mỗi ngày đều có lãnh đạo các công ty bị sa thải, những ông trùm bị lật đổ, những biểu tượng bị phỉ nhổ. Trong một số trường hợp còn có cả cáo buộc hình sự”.

Rất nhiều lĩnh vực và trung tâm quyền lực khắp thế giới vẫn đang tiếp tục rung chuyển bởi dư chấn chưa từng thấy liên quan tới những cáo buộc quấy rối và lạm dụng tình dục, sau hàng loạt tiết lộ động trời về ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein hồi tháng 10-2017.

Weinstein đang đối mặt vụ kiện từ 6 người phụ nữ. Và một nhóm nhà làm luật Mỹ là nữ đã công khai yêu cầu thượng nghị sĩ Al Franken từ chức sau cáo buộc rằng ông đã sờ soạng các cử tri và đồng nghiệp của mình.

Tarana Burke, người phụ nữ hoạt động vì nữ quyền và khởi đầu phong trào #MeToo, đã đưa ra cụm từ này khi làm việc với những người sống sót sau các vụ bạo lực tình dục hơn 10 năm trước. “Tôi đã nói từ đầu là đây không phải là thời điểm (moment), đây là phong trào (movement) - bà nói - Giờ đây, công việc mới thực sự bắt đầu”.

TIME cho biết giải thưởng này không chỉ được dành tặng cho những phụ nữ đã khởi động phong trào #MeToo trên mạng xã hội mà còn cả cho vô số phụ nữ và nam giới đã có những hành động cá nhân và cả sự dũng cảm tập thể để thúc đẩy phong trào này đến đỉnh điểm.

Phong trào này không có lãnh đạo, hay một giáo lý riêng thống nhất - TIME viết - Những phụ nữ và nam giới đã phá vỡ sự yên lặng ở mọi chủng tộc, tầng lớp, nghề nghiệp, và gần như tất cả các ngóc ngách của quả địa cầu này. 

Họ có thể lao động vất vả trên những cánh đồng California, đằng sau bàn lễ tân ở khách sạn tại New York City hay trong quốc hội châu Âu. Họ là một phần của phong trào không có tên chính thức. Nhưng giờ đây họ đã có một tiếng nói”.

Hashtag #MeToo bắt đầu vào tháng 10 khi diễn viên Alyssa Milano khích lệ phụ nữ từng bị đối xử tồi tệ về tình dục nói ra điều đó dưới biểu ngữ “me too”. Trong vòng 48 tiếng sau đó, gần 1 triệu người dùng hashtag #MeToo. “Điều thiết yếu với tôi là chúng ta thực sự đưa ra những chiến lược có thể hành động được để tiếp tục đà tiến này” - Milano nói trong chương trình Today with Burke sau đó.

 “Quấy rối tình dục thực sự đem lại sự xấu hổ. Và tôi nghĩ những chuyển đổi (xã hội) hiện nay đang diễn ra rất mạnh mẽ: phụ nữ không chỉ có thể chia sẻ về sự xấu hổ của mình, và còn đặt sự xấu hổ đó vào đúng vị trí mà nó thuộc về: chính là thủ phạm gây ra” - Tarana Burke.

Thế giới lắng nghe, rồi sao?

Những tiết lộ và cáo buộc đã khiến hàng chục người đàn ông đầy quyền lực và ánh hào quang mất chức.

Những nhà hoạt động cho biết phép thử thực sự của phong trào là liệu có thể tạo ra những phản hồi tương tự nếu đại diện của hàng triệu nạn nhân rất ít được nhận biết hay có rất ít quyền lực lên tiếng hay không.

Phong trào đã thực sự lan truyền rộng năm nay sau khi diễn viên Alyssa Milano sử dụng hashtag #MeToo. 

 Khảo sát của ĐH Quinnipiac (Mỹ) cho biết gần 1/2 phụ nữ Mỹ nói họ đã từng bị tấn công tình dục. Trong số 1.747 người Mỹ trưởng thành được khảo sát, 17% nam giới và 47% nữ giới nói họ đã từng bị lạm dụng, theo kết quả khảo sát (có tỉ lệ sai số khoảng 2,8 điểm phần trăm).

Năm 1997, Ashley Judd, vào thời điểm sự nghiệp bắt đầu tiến triển, đã bị Harvey Weinstein - chủ của studio Miramax chuyên sản xuất ra các ngôi sao - tấn công tình dục khi họ gặp nhau ở một khách sạn tại Beverly Hills.

Ashley không im lặng, mà ngay lập tức kể điều đó với cha mình, với mọi người ngay sau khi thoát khỏi cuộc tấn công đó. Sau này, Judd nói gì về hành động đó?

Chúng ta cần hình thành chính thức mạng lưới “rỉ tai nhau”. Đó là cách đầy mưu trí mà chúng tôi đã thử làm để giữ cho mình an toàn. Tất cả những giọng nói đều có thể trở nên to hơn. Đó là lời khuyên của tôi với phụ nữ. 

Là khi bạn cảm thấy có điều gì đó sai sai, thì điều đó đúng là sai thật. Nó sai theo định nghĩa của mình và không nhất thiết là giống định nghĩa của ai đó”.

Nhưng dù cách hành xử của Weinstein đã là bí mật mà ai trong giới ở Hollywood cũng biết từ lâu, không có cách nào dừng hành vi của ông ta được, vì: “Không có chỗ nào để chúng tôi báo về những gì mà chúng tôi đã trải qua”.

30 năm sau, vào tháng 10-2017, Judd đã xuất hiện để nói về hành vi của Weinstein trên tờ New York Times, và là ngôi sao đầu tiên làm việc đó - cả thế giới lắng nghe.

Khi ngay cả các ngôi sao điện ảnh không biết phải đi chỗ nào để báo, thì hi vọng ở đâu cho những người bình thường? Hi vọng ở đâu cho một người bảo vệ bị đồng nghiệp quấy rối nhưng giữ yên lặng do sợ mất việc trong khi cần phải nuôi dạy cả một bầy con?

Hi vọng ở đâu cho một trợ lý thường xuyên bị cấp trên tấn công? Hay một người phục vụ phòng khách sạn có thể bị khách tấn công? Vấn nạn này đã âm ỉ trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ. Những phụ nữ đã phải chịu đựng khi là nạn nhân của những ông chủ và đồng nghiệp.

Họ sợ bị trả đũa, bị cô lập, bị sa thải. Khi một diễn viên điện ảnh nói #MeToo, thì công chúng dễ tin hơn so với một người đầu bếp nói ra điều đó sau khi đã chịu đựng nhiều năm trời.

Nhìn bề ngoài, những phụ nữ trên trang bìa của TIME và cả những người tham gia phỏng vấn này rất khác nhau, về tuổi tác, gia đình, tôn giáo, chủng tộc... Thu nhập của họ cũng một trời một vực: Iwu trả tiền thuê nhà một tháng nhiều hơn lương của Pascual nhận được trong hai tháng. Nhưng sự khác biệt của họ ít quan trọng hơn điểm chung đưa họ đến với nhau.

Trong 6 tuần, TIME đã phỏng vấn khoảng 20 người ở nhiều ngành. Hầu hết họ đều có những câu chuyện tương tự để kể, đều mô tả về sự thô bỉ của hành động quấy rối, như nhiều năm đưa ra những lời bình luận dâm dật, cưỡng hôn, những cái sờ mó cơ hội, và cả những sự bức bối về mặt tâm lý và thể chất của họ từ những điều đó.

Các nạn nhân đều mô tả sự dằn vặt của cảm giác xấu hổ: Liệu mình có đưa ra tín hiệu gì đó khiến đối phương nghĩ rằng mình muốn thế hay không?

Hầu hết những người mà TIME phỏng vấn về trải nghiệm đều lo sợ về hậu quả có thể xảy đến với mình, gia đình hay công việc nếu họ nói ra. Với vài người, sự sợ hãi đó đến từ đe dọa bạo lực thể chất.

Pascual cảm thấy bị bế tắc và sợ hãi khi kẻ quấy rối theo dõi cô ở nhà, nhưng cảm thấy mình không có sức mạnh nào để ngăn cản. Nếu cô nói cho ai thì kẻ lạm dụng đó cảnh báo sẽ tính sổ với cô hay các con cô?

Đó là những người yếu đuối nhất trong xã hội - những người nhập cư, da màu, khiếm khuyết cơ thể và LGBTQ. Nếu họ lên tiếng, họ có bị sa thải không, có bị cả cộng đồng xung quanh kỳ thị, quay lưng không, có bị giết không?

Theo khảo sát năm 2015 của Trung tâm quốc gia vì sự bình đẳng cho người chuyển giới của Mỹ (National Center for Transgender Equality), 47% người chuyển giới cho biết họ bị tấn công tình dục ở một thời điểm nào đó trong đời, cả ở trong và ngoài nơi làm việc.

Phong trào của Burke từ năm 2006 để khích lệ phụ nữ trẻ thể hiện sự đoàn kết với nhau đã thực sự lan truyền rộng năm nay sau khi diễn viên Alyssa Milano sử dụng hashtag #MeToo.

Ban đầu, những người lên tiếng hầu hết đến từ thế giới truyền thông và giải trí, nhưng hashtag đã nhanh chóng lan tỏa. “Chúng tôi phải tập trung vào những người ở các tầng lớp và chủng tộc, giới tính khác nhau” - Burke, người đã kết thân với Milano qua tin nhắn, cho biết.

Vào tháng 11, các công nhân nông trại ở California, trong đó có Pascual, đã tuần hành trên đường phố Hollywood để thể hiện sự đoàn kết với các ngôi sao. Phụ nữ không còn cô đơn. “Chuyện đứng lên để bảo vệ điều mình cho là đúng đắn thực sự tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khác” - Fowler nói.■

Trên Facebook, hashtag #MeToo được hơn 4,7 triệu người dùng trong 12 triệu post trong 24 giờ đầu tiên. Twitter cho biết đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ và đàn ông dùng hashtag này ở ít nhất 85 nước. Nhiều biến thể địa phương của cụm từ đã được dùng ở Pháp, Ý, Philippines, Tây Ban Nha, Israel, Thụy Điển.

Quốc hội châu Âu đã khởi động một phiên họp để giải quyết riêng các vấn đề trong chiến dịch Me Too, sau khi có cáo buộc lạm dụng trong quốc hội và trong các văn phòng của EU ở Brussels.

Tại Vương quốc Anh, văn phòng nội các đã điều tra cáo buộc thành viên quốc hội Mark Garnier ra lệnh cho thư ký mua đồ chơi tình dục cho vợ và bồ nhí.

Ở Trung Quốc, cư dân mạng đã giận dữ sau khi trên truyền thông nước này cho rằng tình trạng quấy rối như thế là chuyện “ngoại quốc”.

Ở Hong Kong, vận động viên chạy Vera Lui Lai-Yiu đã quyết định đăng tải câu chuyện bị lạm dụng tình dục của mình sử dụng #MeToo trên Facebook vào sinh nhật thứ 23, sau khi có chuyện tương tự xảy ra với cựu vận động viên Mỹ McKayla Maroney.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận