Vấn nạn môi trường vẫn thiếu giải pháp then chốt

GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ 04/07/2011 01:07 GMT+7

TTCT - Bộ Tài nguyên - môi trường vừa công bố báo cáo môi trường quốc gia năm 2010. Đúng theo Luật môi trường, bản báo cáo này được thực hiện năm năm một lần, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, làm cơ sở quyết định các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 được thực hiện vào thời điểm nước ta đang có những bức xúc kịch liệt về môi trường, phát triển nhanh đang làm chất lượng môi trường suy giảm đáng kể, biến đổi khí hậu đã có những tác động cụ thể vào Việt Nam.

Từ ô nhiễm môi trường nước

Môi trường nước của ba lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay, quản lý nhà nước đã rất bức xúc động đến đó với rất nhiều cuộc họp. Câu chuyện ô nhiễm một vài hệ thống sông đã làm ra một báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia năm 2006.

Thế rồi Công ty Vedan đã bị bắt quả tang xả thẳng nước thải xuống sông, được coi như một hành vi có yếu tố hình sự. Báo chí ồn ã một hồi, những người bị hại lên tiếng, cơ quan quản lý các cấp đưa ra giải pháp và dòng sông Đồng Nai ô nhiễm rất nặng vẫn chảy tự nhiên, những người dân sống nhờ vào dòng sông vẫn tiếp tục nghèo đói.

Từ đây rút ra một điều: tại sao mọi việc đã rõ mà vẫn không có cách gì khắc phục. Câu chuyện ô nhiễm ba con sông nói trên đã đạt tới độ bức xúc rất cao từ năm năm nay mà tới giờ mức ô nhiễm vẫn chưa hề được cải thiện.

Mặt nước đối với đô thị có tầm quan trọng không kém gì cây xanh. Quá trình phát triển đô thị đã lấp dần hồ, ao vốn vẫn là không gian làm mát đô thị, đồng thời lại là túi đựng nước khi đô thị bị ngập lụt. Chất thải sinh hoạt từ đô thị luôn xả thẳng xuống các sông đô thị, thậm chí cả các hồ quan trọng gắn với hồn văn hóa, lịch sử của đô thị đó.

Ở Hà Nội, ai đi dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ... đều thấy sông đang hóa thành cống nổi. Đô thị ngày một rộng ra, những dòng người nghèo đổ về các đô thị vì sinh kế ngày càng nhiều, nhà ở ngày càng nhiều mà hạ tầng phát triển không kịp, ô nhiễm tất yếu sẽ xảy ra.

Vấn đề ô nhiễm ở các khu dân cư nói chung, ô nhiễm ở các đô thị lớn nói riêng ngày càng tăng. Ô nhiễm cả đất, nước mặt, nước ngầm, không khí. Ai cũng biết là như vậy nhưng sao tình hình ô nhiễm khu dân cư vẫn không hề được cải thiện.

Đến ô nhiễm do khai thác khoáng sản

Vấn đề môi trường ở nước ta hiện nay có bản chất kinh tế (lấy trách nhiệm khắc phục ô nhiễm môi trường làm lợi nhuận cho mình). Việc trốn tránh trách nhiệm xử lý ô nhiễm là một hành vi tham nhũng. Không nhận rõ bản chất này thì ô nhiễm vẫn tiếp tục, tài nguyên vẫn bị đánh cắp.

Nhu cầu phát triển kinh tế để tìm kiếm sự giàu sang đã làm mọi chủ thể muốn xông vào vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trước đây là cuộc chạy đua chiếm giữ đất đai. Nay là chiếm giữ các mỏ khoáng sản. Khai thác thật nhanh, xuất thô để vòng quay vốn ngắn lại, đóng cửa mỏ sớm để lại ô nhiễm môi trường rồi đi chiếm giữ mỏ khác.

Có những địa phương miền núi trước đây vẫn nằm im thì nay cho các doanh nghiệp lật tung lên để đào bới quặng làm mất rừng, bồi lắng đất ngập nước, ô nhiễm nước mặt, cạn kiệt nước ngầm.

Ai cũng nhìn thấy như vậy nhưng phong trào doanh nghiệp khai thác mỏ hiện nay ầm ĩ không kém gì phong trào đào vàng ở những năm bắt đầu đổi mới. Mọi người dân biết, cơ quan quản lý biết nhưng ô nhiễm nặng do khai thác khoáng sản vẫn cứ tiếp diễn ở nhiều nơi.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 đưa ra con số tổng thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường gây ra trong những năm qua khoảng từ 1,5-3% GDP. GDP năm 2009 của nước ta là 1.658 nghìn tỉ đồng, lấy trung bình thiệt hại là 2,25% thì tổng thiệt hại là 37,3 nghìn tỉ đồng. Có lẽ con số này cũng chỉ là ước tính mà chưa có cơ sở chắc chắn.

Chúng ta hãy đặt vấn đề là mất bao nhiêu tiền để có thể làm sạch ô nhiễm của sông Cầu, sông Đáy - Nhuệ và sông Đồng Nai, chắc sử dụng 37,3 nghìn tỉ cũng không làm nổi. Nếu người gây ra ô nhiễm không khắc phục ngay thì không có tiền ngân sách nào chịu đựng nổi để xử lý trong vài năm tiếp theo. Sự tích lũy ô nhiễm còn gây tác hại nhiều hơn ô nhiễm khi mới xuất hiện.

Một khung cảnh chung về môi trường nước ta tại thời điểm 2010 cũng được nêu ra với những số liệu xác thực. Ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và biến đổi khí hậu đã được khắc họa khá chi tiết cùng với các thể hiện tại các đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và các tác động vào kinh tế - xã hội, sức khỏe con người, đa dạng sinh học.

Bức tranh này khá quen thuộc giống như các sách về môi trường có kèm theo số liệu minh họa ở Việt Nam. Một điểm nhấn quan trọng về tình trạng môi trường ở nước ta hiện nay là do khai thác khoáng sản. Tiếc là tính nghiêm trọng của ô nhiễm loại này chưa được nêu, thiếu số liệu, thiệt hại do ô nhiễm chưa chi tiết.

Nhiều đề xuất, thiếu giải pháp then chốt

Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị khá nhiều giải pháp như hoàn thiện pháp luật, tăng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường, tăng cường giám sát thực thi pháp luật, giải quyết kịp thời các bức xúc, kiện toàn bộ máy quản lý nhất là cấp cơ sở, xã hội hóa và huy động sự tham gia của cộng đồng, tăng cường triển khai các dự án, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Các đề xuất này chưa làm rõ được giải pháp nào đóng vai trò then chốt, sử dụng nó thì tạo được những bước đột biến để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sự thật, giải pháp cho tình trạng này không khó. Đó chính là xây dựng một hệ thống quản trị tốt.

Một là công khai, minh bạch các loại thông tin liên quan tới quản lý, hoạt động của các dự án đầu tư, trách nhiệm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư.

Hai là cán bộ quản lý phải có trách nhiệm giải trình về mọi quyết định, hành vi của mình.

Ba là động viên sự tham gia của cộng đồng, người dân vào giám sát mọi quá trình có liên quan tới đầu tư phát triển và ô nhiễm môi trường.

Bốn là buộc thực hiện trách nhiệm bồi thường kinh tế đối với người gây ra thiệt hại về môi trường và thực hiện trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.

Hãy đẩy các giải pháp bản lề này lên hàng ưu tiên thì mới có cơ hội cải thiện tình trạng môi trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận