TTCT - Cùng dãy phố lèo tèo có ông Bảy ghe hàng là lưu dân nhập cư hồi nảo hồi nao. Trước ông có chiếc ghe nhỏ chia làm hai, phần sau làm chỗ ăn ngủ, phần trước chứa một ít đồ tạp hóa. Phóng to Ảnh: Trịnh Tuân Ông sợ cô vợ trẻ bị nắng ăn nên cho ngồi trong mui, ông ở đằng sau chèo, người ngợm đen như khúc tràm cháy. Bên phải cán guốc chèo ông gắn cây kèn kêu “tò... tí... te”, bóp nó kêu xong ông còn la ngược lại “te... tí... tò”. Ai cần thì gọi “bớ ghé”, vậy là ông kiếm được vài đồng lời. Lúc ế hàng, cái kèn bị hư, ông lỏng tay chèo làm vài câu mời khách. Lúc ấy cả xóm nghèo như nín thở lắng nghe ông hát hò, đại loại: Bớ, bớ bà con nghe tôi hò đây.Hò ơi, làm người xin nhớ chớ quên.Nhớ rằng... Công cha như núi Thái SơnNghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... ơi... hò. Nội dung văn nghệ của ông không có gì lạ nhưng xóm nghèo của tôi vốn cô tịch và đói chữ nên ông Bảy được mấy đám nhậu í ới: - Ông Bảy làm ơn “văn nghệ” vài câu nữa cho tụi tui có đà nhậu chơi, ông Bảy! Dạo ấy tôi nghe được từ “văn nghệ” lần đầu, với tôi nó đồng nghĩa với ca hát hò vè. Lên 11 tuổi, tôi lủi thủi bỏ con sông quê ra tỉnh xa kiếm chữ nghĩa. Năm 20 tuổi, tía bắt về cưới vợ nối nghiệp tổ tông. Đời sống gầy gò quá, tôi xin gia đình lên chợ mua một căn nhà nhỏ. Ai ngờ căn nhà tôi đầu phố thì căn của ông Bảy ghe hàng ở cuối phố. Phố toàn dân tứ xứ mua bán đầu tắt mặt tối, lo kiếm đồng lời bỏ lỗ miệng, mấy ai rảnh rang ca sang mà “văn nghệ” như hồi ông còn sống với ghe hàng. Vợ buôn bán, tôi làm hiệu phó trường làng. Một chiều, ông Bảy đến tìm, ông nói: “Nghe cậu lên đây mấy tháng mà tôi bận không có dịp đến chơi”. Thế là tôi với ông thành bạn vong niên vì ông lớn hơn tôi tới ba mươi tuổi. Ở khu phố, nhờ sông nước trải đời và nhờ bộ tóc bạc phếu mà ông được coi là trưởng lão. Mọi việc nhỏ việc lớn trong chợ đều phải nhờ đến ông phân giải. Một ngày tháng năm mây đen là là, sấm phóng lửa điện đì ầm vang trời và khu phố lan truyền một tin giật gân làm bàng hoàng hết cả. Vợ chú Sân, một người đẹp nết na của xóm chợ, đang yên ổn với quán cà phê cùng chồng và ba đứa con bỗng bỏ quán khăn gói ra đi cùng thằng Giá mổ heo xấu còn hơn quỷ. Trước khi thím bỏ đi có báo cho chồng con đàng hoàng. Nguồn tin tung ra, tức thì dân phố ùn ùn kéo lại căn nhà rộng rãi của ông Bảy. - Ông Bảy, theo ông, bà Sân bỏ chồng đi theo thằng Giá là nguyên nhân nào? Một người hỏi, lập tức một người khác độp lời ngay: - Nguyên nhân cái con khỉ! Gái nạ dòng mê trai sung sức, do hứng tình mà thôi! Một người đứng tuổi gãi gãi đầu: - Tôi nghĩ khác, chú Sân có sức khỏe, có học, lại mình dây bậc thầy khoản đó, thím bỏ đi với thằng Giá chắc chắn phải có lý do khác, phải không ông Bảy? Là một trong nhóm ái mộ nhiệt tình nhan sắc và đức hạnh thím Sân, tôi góp: - Theo tôi, tình yêu khó nói lắm, nó có đường đi riêng không theo quy luật nào. Đợi ý kiến bà con khen chê vừa đủ, ông Bảy chậm rãi lấy cái lược tém mái tóc bạc đơn sơ, chậm rãi: - Thôi bà con về đậy hàng hóa lại, trời sắp mưa lớn kìa. Chuyện này theo tôi thì thím Sân văn nghệ chút thôi mà. Có gì ghê gớm, có làm hại tới ai đâu. Tối đến, tôi lật cuốn tự điển tiếng Việt, xuất bản năm 1988 của Viện Ngôn ngữ học, bắt nó nói về mấy từ “văn nghệ” mà ông Bảy vừa nói lúc trưa, bửu bối để ông gỡ chuyện thím Sân ra một cách nhẹ hều. Cuốn tự điển trả lời: Văn nghệ: 1. Văn học nghệ thuật (nói tắt). Thí dụ: hội văn nghệ, tác phẩm văn nghệ. 2. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Chuyện thím Sân đi với thằng Giá đâu dính líu với chuyện văn nghệ nghiêm chỉnh của đất nước? Tại sao ông Bảy kéo nó vào làm bình phong để giải quyết chuyện thím Sân? Hay nó đã nhảy ra khỏi cuốn tự điển để lang thang với dân gian và mang ý nghĩa khác? Một trưa vắng khác, nắng dát kiếng lấp lóa trên mấy vũng nước ngoài sân chợ, ba con sẻ nâu lẹt đẹt vài tiếng kêu, khua động đám không khí im ắng giữa hai khu phố. Tôi ngồi giữ tiệm tạp hóa cho vợ và đang thiu thiu ngủ gục thì một gã du thủ du thực ở đâu xộc vào tiệm hỏi mua hai điếu Samit. Chợt bên kia phố, thằng Tới bị một người cùng phố lôi xềnh xệch ra giữa chợ: - Bà con cô bác nghĩ coi, nó mua chịu hoài tôi không cho, hồi nãy thừa lúc tôi tranh thủ làm chén cơm, nó nhẫn tâm vạch cu đái đầy mấy ly nước cúng thần tài ở góc tường nhà. Tôi lôi nó qua công an cho nó biết! Gã trai đang mua thuốc hút ở tiệm tôi đứng nhìn rồi nói tỉnh bơ: - Người ta văn nghệ chút mà, làm gì lôi vô công an, lớn chuyện! Mọi người tản ra hết, riêng tôi thì bần thần mãi với mấy từ “văn nghệ chút mà” của dân gian. Lẽ nào văn nghệ thì là như vậy?
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Bụi mù mịt trên công trường cao tốc, sao lại dùng 'kỹ thuật' thổi bụi từ chỗ này sang chỗ khác? ĐOÀN CƯỜNG 16/07/2025 Nhiều bạn đọc bày tỏ sự lo ngại cho sức khỏe người dân khi gặp cảnh làm đường bụi mù mịt do dùng máy thổi bụi.
Xác minh thông tin bánh mì của một thương hiệu lớn ở Đà Nẵng có dòi bò lúc nhúc TRƯỜNG TRUNG 16/07/2025 Một du khách phản ánh trên mạng xã hội thông tin bánh mì của một thương hiệu lớn ở Đà Nẵng có dòi bò lúc nhúc, ngay lập tức chính quyền đã kiểm tra, xác minh.
Đóng một phần cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong 30 ngày, người dân chú ý đi lại THU DUNG 16/07/2025 Các đơn vị sẽ rào chắn một phần trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để sửa chữa khe co giãn, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh.
Phẫu thuật lấy búi tóc nặng nửa ký khỏi dạ dày bệnh nhi 5 tuổi ĐỨC CƯỜNG 16/07/2025 Bé trai 5 tuổi ở xã Liên Hương (tỉnh Lâm Đồng) nhập Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận (tỉnh Khánh Hòa) trong tình trạng đau bụng, nôn ói và suy kiệt. Các bác sĩ đã phẫu thuật và gắp thành công búi tóc nặng nửa ký từ dạ dày bé.