Ví dụ độc đáo của kiến trúc Sài Gòn xưa

QUỲNH NGUYỄN 06/12/2018 02:12 GMT+7

TTCT- Là trưởng nhóm nghiên cứu công trình biệt thự 110-112 Võ Văn Tần trong suốt hai năm qua, kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste kể cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần nghe những “chuyện nhỏ” thú vị nhưng cũng mang đến nhiều thách thức trong việc khôi phục, bảo tồn căn biệt thự trăm tuổi này.

KTS Nicolas Viste giới thiệu quy trình bóc tách từng lớp sơn của bức tranh tường trong biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, Q.3. Với 10 lớp bóc tách, có thể xác định bức tranh đã được vẽ từ thời kỳ đầu của biệt thự. Ảnh: Q.N.
KTS Nicolas Viste giới thiệu quy trình bóc tách từng lớp sơn của bức tranh tường trong biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, Q.3. Với 10 lớp bóc tách, có thể xác định bức tranh đã được vẽ từ thời kỳ đầu của biệt thự. Ảnh: Q.N.

 

Với biệt thự này, điều gì mang lại ấn tượng mạnh mẽ nhất cho ông?

- Trong suốt quá trình nghiên cứu, các vẻ đẹp tiềm ẩn của biệt thự dần hiển lộ. Cứ sau mỗi khám phá, đội ngũ của chúng tôi lại thu thập thêm nhiều thông tin khẳng định rằng đây là một báu vật quốc gia nhờ các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam, đã bị bỏ quên theo thời gian.

Những đặc trưng chủ đạo của biệt thự được tóm gọn thành các điểm sau đây: kỹ thuật xây dựng sử dụng các yếu tố đương đại; nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài có chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng; nhiều bức tranh trang trí lộng lẫy (trên tường và trần nhà); và các yếu tố bố cục, hình thức trang trí dựa trên phong thủy.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính thức về chủ nhân đầu tiên - người bỏ tiền ra xây ngôi nhà này - và kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà là ai. Chỉ biết rằng phong cách của ngôi nhà không phải là phong cách điển hình của kiến trúc thuộc địa Pháp. Ngôi nhà là sự kết hợp đầy chọn lọc, rất đặc sắc của kiến trúc Á - Âu.

Phong cách kiến trúc của biệt thự không thể được phân loại dựa theo bất kỳ một xu hướng kiến trúc nào do sự đa dạng của các chi tiết thiết kế. Tòa nhà cho thấy có sự hiện diện của phong cách Art Deco và Art Nouveau, nhưng không theo một quy luật chung nào.

Công trình là một ví dụ độc đáo của kiến trúc Sài Gòn, nhờ ảnh hưởng của các kỹ thuật hiện đại châu Âu, nhưng với tinh thần, ý nghĩa thiết kế và các chi tiết trang trí đặc trưng Việt Nam.

Tôi thật sự ấn tượng với cách chọn gạch trong nhà. Mỗi phòng là một loại gạch với màu sắc khác nhau nhưng tuân thủ theo tông màu chủ đạo của từng phòng, được chọn lựa theo ngũ hành của phong thủy.

Ngay cả kính trang trí ở các cửa cũng theo những màu sắc phong thủy này. Một căn phòng phụ với diện tích 66,23m2 phía sau tòa nhà mà chúng tôi tạm gọi là “hội trường âm nhạc” (music hall) bởi cách sử dụng những vật liệu ốp trần... cũng là một điều đáng chú ý của ngôi nhà. Chúng tôi tin rằng nó là một phần của thiết kế cách âm cho căn phòng.

Tôi đặc biệt chú tâm những yếu tố tiện nghi hiện đại của biệt thự, trong đó hệ thống nhà vệ sinh rất đáng kinh ngạc. Ngay cả ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX, người ta cũng không đặt nhà vệ sinh/phòng tắm trong nhà, liền kề hay thông với phòng ngủ. Nhà vệ sinh hay bếp ở thời đại đó vẫn được coi là công trình phụ và thường được thiết kế bên ngoài ngôi nhà.

Nhưng với biệt thự Võ Văn Tần, các phòng vệ sinh đều được thiết kế rất tiện nghi, trang trí ốp gạch sang trọng và tinh tế ngay trong nhà. Bốn phòng tắm được cung cấp đầy đủ hệ thống cấp nước, bao gồm bể nước và ống dẫn được giấu trên tầng gác mái.

Hệ thống nước thải rất hiện đại và chi tiết, cùng hệ thống thông gió trên cao, tất cả đều được giấu dưới các kết cấu mái. Những thiết bị này hiện vẫn đang được sử dụng bình thường, cho thấy đây thực sự là một tiến bộ vượt bậc vào thời điểm đó.

Một hệ thống xử lý nước mưa hoàn thiện được xây dựng ngầm cho toàn bộ khuôn viên, nhờ một mạng lưới đường hầm phức hợp bằng gạch, thoát nước từ mái và các khu vực xung quanh.

Và những bức tranh tường thật sự là điểm nhấn vô cùng đặc biệt của ngôi nhà này.

Một vài mảng tranh tường vừa được bóc
Một vài mảng tranh tường vừa được bóc

 

Chúng đặc biệt ra sao, thưa ông? Và có gì khác biệt với tranh tường ở những biệt thự khác?

- Hầu hết các phòng đều có tranh tường và tranh trần. Đó là điều đặc biệt nhất vì ở nhiều ngôi nhà cổ khác, đa phần người ta vẽ tranh tường hay tranh trần ở những không gian sinh hoạt chung. Với biệt thự Võ Văn Tần, bạn có thể tìm thấy những bức tranh tường và tranh trần ở hầu hết các phòng riêng, phòng chung bên cạnh những bức ở khu vực cầu thang...

Theo quan sát ban đầu, hầu hết các hình vẽ đều mang câu chuyện, chất liệu Á Đông như bức tranh trần Thập nhị tiên cô ở căn phòng màu đen, thuộc hành thủy của ngôi nhà. Hoa quả bí, lục anh túc, hoàng lan tha... là những loại hoa được tìm thấy ở những bức tranh tường bên cạnh những hoa văn trang trí đậm chất Á Đông khác.

Họa tiết hoa văn cầu thang và nền đá non nước Đà Nẵng. Ảnh: M.C.
Họa tiết hoa văn cầu thang và nền đá non nước Đà Nẵng. Ảnh: M.C.

 

Theo ông, việc trùng tu tranh tường có khả quan không khi ngôi nhà sau nhiều đời chủ đã được sơn phết, thậm chí cạo xóa trên tường khá nhiều?

- Chúng tôi đã nhờ các chuyên gia từ Việt Nam, Đức, Ý... đến để đánh giá và đưa ra các giải pháp. Mỗi nhóm chuyên gia đều đã đưa ra những phương cách phục chế khác nhau. Cuối cùng chúng tôi chọn nhóm chuyên gia thuộc Cơ sở nghệ thuật và phục hồi Palazzo Spinelli của Ý đảm nhận công việc này.

So với trang trí trên tường, các họa tiết trang trí trên trần còn được bảo lưu rõ nét hơn bởi vì việc tẩy xóa trên trần khó khăn hơn trên tường. Đến nay, đường nét và màu sắc trang trí đã bị phai mờ nhiều do từng bị cố ý tẩy xóa, tuy nhiên vẫn đủ cơ sở để phục hồi trên tường và trần.

Dẫu vậy, việc phục hồi và phục hồi được đến đâu còn tùy thuộc quá trình làm việc cụ thể. Chúng tôi đã thống nhất rằng sẽ nỗ lực tối đa để phục hồi đầy đủ và tốt nhất có thể cho những bức tranh này. Thật ra, với kỹ thuật vẽ ướt bằng màu bột pha với keo da động vật thời đó, lớp màu của họa tiết trang trí nguyên gốc bám rất chắc vào phôi tường và trần.

Mặc dù đã bị tẩy xóa trong một lần trùng tu quy mô (có thể vào năm 1954) để sơn mới lại ngôi nhà nhưng các họa tiết trang trí đã thấm sâu vào phôi tường và trần nên không thể tẩy xóa hết được. Điều này thật may mắn!

Kết cấu của tòa nhà có gì đặc biệt khiến nó bền vững với thời gian vậy, thưa ông?

- Về cơ bản, kết cấu hoàn toàn được làm từ khung thép, từ mái đến sàn. Các sàn cũng được xây dựng từ các khung thép và gạch lỗ. Các cột bên ngoài được làm từ trụ thép, bêtông trộn đá dăm nên rất vững bền. Đó là kết cấu Eiffel (được đặt theo tên người kỹ sư thiết kế công trình tháp nổi tiếng cùng tên tại Paris).

Những ví dụ khác về xu hướng xây dựng này ở TP.HCM có Bưu điện thành phố, nhà thờ Đức Bà... nhưng hiếm khi được tìm thấy trong một công trình tư nhân như biệt thự này. Các khung kết cấu mái cũng được làm từ thép và gỗ (với mục đích trang trí là chính).

Một đóng góp cho vẻ đẹp của biệt thự là phần thiết kế ấn tượng của lan can cầu thang bằng sắt. Các catalog của lan can sắt từ những năm đầu thế kỷ XX cho thấy các hoa văn tương tự tại ngôi biệt thự, và chúng được sản xuất hàng loạt tại Pháp, Đức vào thời điểm đó, được nhập khẩu và thi công tại công trường.

Rất cảm ơn ông.■

Họa tiết kính màu theo phong thủy phương Đông. Ảnh: LaurentWeyl
Họa tiết kính màu theo phong thủy phương Đông. Ảnh: LaurentWeyl
Ảnh: LaurentWeyl
Ảnh: LaurentWeyl
Ảnh: LaurentWeyl
Ảnh: LaurentWeyl

Ảnh: Nhật Hoàng

 

 

 

Gạch bông trong biệt thự.  Ảnh: LaurentWeyl
Gạch bông trong biệt thự. Ảnh: LaurentWeyl

 

Một trong những phần tinh tế nhất của việc trang trí biệt thự chắc chắn là gạch lát sàn. Có đến 92 loại gạch khác nhau được sử dụng. Ngôi nhà được xác định là xây dựng hoàn tất vào cuối những năm 1920 nên vật liệu sử dụng trong nhà đều được sản xuất trong giai đoạn đó (với vật liệu thông dụng nhất lúc bấy giờ là gạch ximăng).

Mục tiêu của chúng tôi là giữ nguyên trạng những gì chưa hư hỏng nên chúng tôi đã không cạy bất cứ viên gạch còn nguyên nào lên. Chúng tôi chỉ động vào những viên đã mẻ, bể và xem bên dưới nó thông tin về năm và công ty sản xuất.

Rất may mắn là chúng tôi đã tìm được gần như đầy đủ gạch lót sàn đúng của giai đoạn đó để phục vụ cho việc bảo tồn ngôi nhà. Tuy nhiên, với gạch trang trí tường, có những loại mà chúng tôi chỉ thấy duy nhất một nơi ở Việt Nam sử dụng tương tự là dinh Bảo Đại ở Đà Lạt thì vẫn chưa thể thu thập đủ.

Dù hầu hết vật liệu xây dựng, trang trí cho ngôi nhà là nhập từ nước ngoài nhưng sàn cầu thang của ngôi nhà lại sử dụng đá non nước của Đà Nẵng, đến nay vẫn y nguyên, không hư hại gì.

Kiến trúc sư Nicolas Viste

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận