TTCT - Lý Sơn (Quảng Ngãi) từng oằn mình với rác thải. Mỗi lần mẹ biển khơi nổi giận, những gì con người thải ra được dòng thủy triều đẩy vào trả lại. Nhưng giờ đây, một Lý Sơn trong xanh đang trở lại... Rác thải nhựa được thu lượm, gom đi bỏ đúng nơi quy định. Ảnh: L.X.T. Lấy lại ký ức đẹp của một người già Cuộc đời của ông Phạm Thoại Tuyền, tuổi đã ngoài thất tuần, hậu duệ cai đội hùng binh Hoàng Sa - Phạm Hữu Nhật, đầy những nỗi trăn trở cho Lý Sơn. Với ông, hòn đảo này chứa đựng cả dặm dài lịch sử vệ hải của dân tộc. Những ngày tháng nhìn hòn đảo đầy rác thải, ông Tuyền mang trong mình nỗi buồn thăm thẳm. “Đâu đâu cũng rác, toàn chai nhựa với túi nilông. Riết rồi sống ở biển mà chẳng ai ra biển tắm” - ông xót xa nhớ lại. Khi ông Tuyền còn là đứa trẻ, quanh đảo Lý Sơn là những bãi cát tuyệt đẹp. Trò chơi thuở bé của lũ trẻ Lý Sơn thời ông là với rùa biển. Những chú rùa to lớn vào đẻ khắp nơi, người dân xem chúng là bạn. Nhưng rồi Lý Sơn hòa vào sự phát triển, bêtông cốt thép mọc lên ngày một nhiều, kéo theo rác thải nhựa, rùa dần bỏ đi và giờ biến mất, chúng không trở lại đảo đẻ trứng nữa. Những năm trước, Lý Sơn ngập rác thải nhựa, chúng lẫn dưới lòng biển, giết chết động thực vật, sản vật cạn kiệt theo thời gian. Ba năm trở lại đây, khi nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động, rác trên bờ được xử lý. Nhưng dưới biển thì vẫn còn, mỗi lần gió tây nam trở mình, cốc nhựa, chai nước và bao nilông dạt vào đầy đảo. “Có những lần ra cảng tôi thấy rác mà ngợp, nguyên một mảng lớn dài khoảng 500m. Mình thấy thì du khách cũng thấy, họ thất vọng về đảo là điều đương nhiên” - ông Tuyền nói. Chính quyền đau đầu tìm cách giải quyết. Bốn tháng qua, họ bắt tay vào nhiều việc, rác dưới lòng biển được bới lên. Mùa gió tây nam, khi biển đẩy rác lại cho đảo, lập tức có những người trẻ lao ra biển dọn sạch. Chỉ cần vào trang Facebook Vì Lý Sơn phát triển bền vững sẽ thấy rõ “biệt đội dọn rác” này. Những lời kêu gọi dọn rác thải thường trực mỗi tuần. Chẳng ai bảo ai, thanh niên trên đảo chủ động ra bờ biển dọn rác. Mới đây, khi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chuẩn bị tổ chức nhưng khu vực biển trước đình làng An Vĩnh, nơi tổ chức lễ, ngập trong rác, những hình ảnh túi nilông, chai nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển được chụp hình gửi lên trang Facebook này kêu gọi. Ngay sau đó, thanh niên trên đảo và du khách ra tay dọn sạch. Sau đó, người ta thấy được những hình ảnh mới: rác được kéo lên khỏi biển, làn nước xanh trong trở lại. Anh Lê Xuân Thọ (30 tuổi), một công dân đất đảo, đã đưa hình ảnh ấy lên với lời chia sẻ: “Thật tuyệt vời là cảm giác của mình ngay sau khi công việc hoàn thành. Anh em trong nhóm “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa”, cùng thanh niên xã An Vĩnh và học sinh trường cấp 3 đã cùng nhau nhặt rác, lặn vớt rác và dọn vệ sinh khu vực quanh nơi sẽ tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Thay mặt nhóm, cảm ơn tất cả, yêu thương đong đầy!”. Không chỉ lượm rác trên bờ biển, những người trẻ thường xuyên ngụp lặn dưới nước lượm rác rưởi lâu năm. Ảnh: L.X.T. Hành động cho đổi thay Anh Trần Văn Quỳnh, một người Hà Nội đang sinh sống và làm việc tại Lý Sơn, cho biết lúc quyết định vào đảo, nhìn thấy biển trong xanh, Quỳnh lao xuống tắm. Vướng vào chân anh là túi nilông ngổn ngang; lặn xuống nước, anh hãi hùng nhận ra rạn san hô bị phủ kín bởi rác thải nhựa. Anh cùng hai chàng trai trẻ Lý Sơn phát động phong trào Vì Lý Sơn không rác thải nhựa. Ở đâu có rác, hình ảnh lập tức được đăng lên trang Facebook của nhóm và hàng chục, thậm chí cả trăm người ra biển dọn dẹp. Khu vực cảng Lý Sơn luôn là điểm nóng của rác thải nhựa chìm nổi, những thứ do chính người dân kinh doanh vứt xuống bừa bãi. Nhưng chứng kiến sự kiên trì dọn rác của những người trẻ, những hộ kinh doanh ở đây đã thay đổi nhận thức. Anh Khánh, chủ một cơ sở kinh doanh, nói: “Trước khi các bạn dọn rác, người ta hay vứt bừa xuống biển lắm. Từ ngày người ta đổ xuống, các bạn dọn lên, chẳng thấy ai vứt nữa”. Tỏa đi nếp sống văn minh, Vì Lý Sơn không rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở đảo Lớn. Tại đảo Bé, một nhánh của nhóm Vì Lý Sơn không rác thải nhựa quy tụ thanh niên trên đảo Bé cùng nhau góp tiền tạo quỹ mua bao tay, túi đựng rác ra biển dọn rác mỗi chiều cuối tuần. Từ hốc đá đến lòng biển, bãi biển... ở đâu có rác thải, ở đó đều được dọn sạch. Những điểm nhiều du khách như hang Kẻ Cướp, nhóm đi dọn rác ngay vào lúc du khách đang tắm biển, mong muốn du khách nhìn thấy sẽ tự hiểu phải bỏ rác thải đúng nơi quy định. Anh Nguyễn Văn Được (27 tuổi, đảo Bé), một trong ba thành viên chủ chốt của nhóm, nói: “Tuy tụi tôi chỉ có ba người chủ chốt nhưng số người dọn rác cuối tuần lúc nào cũng lên đến vài chục người, họ là thanh niên địa phương và du khách”.■ Lắp camera chống đổ rác trộm Ông Nguyễn Viết Vy, bí thư Huyện ủy Lý Sơn, cho biết chính quyền đã lắp camera dọc khu vực biển đông đúc, sắp tới sẽ lắp quanh đảo. "Không để tình trạng người cố gắng, người phá bỏ được. Từ ngày lắp camera giám sát đã có những trường hợp lén lút xả rác trong đêm bị xử phạt. Chính quyền đảo muốn cảm ơn những người trẻ đã chung tay giúp Lý Sơn sạch đẹp”. Anh Harri A Hakala (người Phần Lan, sống ở Na Uy): Tự xử lý rác để thấy rõ gánh nặng của rác thải Khi tôi đến sống ở Na Uy 13 năm trước, việc phân loại rác đã diễn ra khá bài bản. Mọi người được khuyến khích phân loại đồ nhựa, giấy, chất thải sinh học và các loại rác khác. Việc này không bắt buộc đối với hộ gia đình mà chỉ bắt buộc với các công ty đủ lớn theo quy định của nhà chức trách. Chúng tôi có các loại túi màu khác nhau cho từng loại rác. Người dân quan tâm đến phân loại rác có thể nhận túi miễn phí ở các công ty xử lý rác. Tôi sống một mình, nhiều khi lười quá chẳng phân loại rác gì cả. Nếu việc phân loại rác là bắt buộc đối với hộ gia đình, có thể tôi sẽ nỗ lực hơn. Tuy nhiên, tôi khá cố gắng phân loại các loại chai và lon vì Na Uy có trả lại một số tiền nhỏ cho loại này. Dù là nhỏ nhưng rõ ràng có tác dụng khuyến khích rất lớn. Có nhiều điểm bỏ rác dành riêng cho đồ thủy tinh, đồ kim loại, đồ điện tử, dầu ăn đã qua sử dụng và pin. Na Uy có rất nhiều đảo và thu gom rác 2 tuần/lần nên bạn phải giữ rác của mình chờ đến kỳ thu gom. Điều này cũng giúp người dân ý thức hơn về việc hạn chế tạo ra rác và tầm quan trọng của xử lý rác. Ngày nay, trẻ em Na Uy thấy bố mẹ mình thực hành phân loại rác ở nhà ngay từ nhỏ. Các em cũng học về phân loại rác ở trường. Tôi biết chúng tôi cũng xuất khẩu khá nhiều rác đến các nước khác. Tôi cho rằng chúng ta phải tự xử lý rác thải của mình, do mình tạo ra thì mới thấy rõ gánh nặng của rác thải đến xã hội và môi trường. HỒNG VÂN (ghi) Chị Linh Verwer (Việt kiều Hà Lan): Rác không phân loại phải trả nhiều phí hơn Tôi sống ở quê chồng (Hà Lan) đã được 4 năm. Mỗi lần mang túi, giỏ và đẩy xe đi siêu thị gần nhà, tôi đều mang theo những chai dầu đã sử dụng để bỏ vào thùng tái chế ở siêu thị. Ở Hà Lan, trách nhiệm phân loại rác tại nguồn được giao cho chính quyền địa phương. Chi phí quản lý rác từ tiền phí thu của người dân. Tuy nhiên, để khuyến khích, tiền phí các gia đình sẽ rẻ hơn rất nhiều, thậm chí là miễn phí nếu rác được phân loại. Giấy, thủy tinh, sắt là một trong số các loại rác có giá trị, dễ tái chế. Chính quyền thành phố cấp cho các gia đình nhiều loại thùng đựng rác. Thùng xanh lá cây đựng rác hữu cơ (thức ăn, thực phẩm). Thùng xanh dương đựng giấy. Giấy hay hộp bằng nhựa đựng trong các túi đặc biệt được phát miễn phí ở siêu thị... Những loại rác không thể tái chế bỏ vào thùng màu xám. Người khuyết tật có thể đặt hẹn để nhân viên thu gom rác đến tận nhà lấy rác. Mỗi nơi có quy định riêng trong việc phân loại rác, một số nơi có thể phạt những gia đình không phân loại rác. Xử lý rác chưa phân loại đắt hơn xử lý rác đã phân loại. Ở nơi tôi sống, tôi trả 11,30 euro/thùng rác chưa phân loại. Một thùng rác hữu cơ (thực phẩm, đồ ăn thừa) là 5,65 euro. Rác nhựa, thủy tinh và giấy được miễn phí. HỒNG VÂN (ghi) Tags: Lý SơnQuảng NgãiRác nhựaChống đổ rác trộm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.