Vì sao học sinh dân tộc thiểu số bỏ học?

LÊ MINH TIẾN 22/01/2008 19:01 GMT+7

TTCT - Có thể nói rằng một trong những nét ưu việt nhất trong chính sách giáo dục của chúng ta đó là chính sách giáo dục miễn phí cho học sinh thuộc đồng bào dân tộc ít người. Chúng ta hiện đang không thu học phí và cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho nhóm học sinh này.

Tuy nhiên, dù được miễn học phí và được cung cấp sách giáo khoa miễn phí, nhưng tỉ lệ học sinh dân tộc bỏ học gần như không giảm trong nhiều năm qua. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu?

Có thể thấy một trong những nguyên nhân chính nằm ở chỗ chúng ta mới chỉ có chính sách giúp học sinh dân tộc “được đi học”, mà thiếu hoặc chưa có những chính sách giúp các em “học được”, theo được chương trình học ở nhà trường.

Có thể dễ dàng nhận thấy một trong những bất lợi lớn của các em học sinh dân tộc thiểu số so với học sinh người Kinh đó là vấn đề ngôn ngữ. Phần lớn các em chỉ được thực hành tiếng Kinh trong trường học, còn khi rời khỏi trường về nhà, các em lại sống trong không gian ngôn ngữ của dân tộc mình nên chắc chắn vốn ngôn ngữ học đường (tiếng Kinh) của các em sẽ không được gia tăng, vì thế sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài vở ở trường.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng gần như không trợ giúp gì được về chuyên môn cho các em do không biết tiếng Kinh, hoặc biết nhưng không đủ kiến thức nên khi gặp những bài, những nội dung khó hiểu ở trường, các em cũng không thể trông chờ vào sự trợ giúp của cha mẹ được.

Chính vì vậy dần dần các em bị tụt hậu trong việc học, không hiểu được bài học, không theo kịp chương trình và từ đây nảy sinh tâm lý chán nản, không yêu thích việc học nên tất yếu dẫn đến việc bỏ học của các em.

Vì vậy bên cạnh các chính sách giúp các em được đi học, chúng ta cần phải suy nghĩ về giải pháp để giúp các em học được và hội nhập môi trường học đường. Có thể cần phải bắt đầu việc dạy tiếng Kinh cho các em sớm hơn, cụ thể là ngay ở bậc học mầm non để khi vào lớp 1, các em có được vốn tiếng Kinh đủ để theo học và hiểu nội dung được dạy.

Bên cạnh đó cần phải có cách để làm sao giúp các em được tiếp xúc với ngôn ngữ Kinh ngoài môi trường học đường nhiều hơn. Ở một số nước phương Tây, mỗi quận đều lập ra một thiết chế gọi là “community house” (nhà cộng đồng) để giúp trẻ em nhập cư. Khi học xong một buổi ở trường, các em không về nhà mà vào nhà cộng đồng này.

Ở đây có thầy cô hướng dẫn thêm cho các em về mặt ngôn ngữ thông qua việc giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, Pháp chẳng hạn, các em cũng được giải đáp những gì không hiểu trong nội dung học ở trường...

Đây là một mô hình có lẽ cần được tham khảo như một cách thức giúp học sinh dân tộc thiểu số hội nhập tốt hơn vào môi trường học đường, dù lý tưởng nhất là giảng dạy cho các em hoàn toàn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của các em, hoặc là dạy song ngữ trong tất cả môn học ở tất cả cấp học, nhưng trong bối cảnh nguồn lực về tài chính và nhân lực như hiện nay thì khó mà giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ cho tất cả 54 dân tộc được.

Dù gì thì chúng ta cũng phải có các giải pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số “học được” chứ không chỉ có “được học” như hiện nay, bởi giáo dục là một trong những phương tiện chính yếu giúp rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các nhóm người trong xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận