Vì sao Mỹ nghiên cứu gấp tiền số quốc gia?

NGUYỄN VŨ 24/03/2022 17:30 GMT+7

TTCT - 9 quốc gia đã phát hành tiền số, gần 100 nước khác đang nghiên cứu tiền số của quốc gia, và nước Mỹ đang vội vã đi về hướng này. Vì sao và có những gì cần biết thêm về một tương lai rất gần của tiền số quốc gia?

 
 Ảnh: coincu.com

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan trong Chính phủ Mỹ bắt tay nghiên cứu “khẩn cấp” một phiên bản số của đồng đôla, thường được gọi dưới cái tên chính thức CBDC (đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành).

Cuộc đua ráo riết

Sắc lệnh dùng từ “khẩn cấp” là bởi Mỹ tỏ ra đã chậm chân trong lãnh vực này khi đã có gần 100 nước đang nghiên cứu và trong đó nhiều nước đã thí điểm phát hành tiền số quốc gia. Hiện đã có 9 nước phát hành CBCD (gần đây nhất là Nigeria với đồng e-Naira), 14 nước đang sử dụng CBDC ở dạng thí điểm (quy mô lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc).

Thật ra, văn bản do ông Biden ký còn đề cập đến các “tài sản số” khác như tiền mã hóa bởi Chính phủ Mỹ không thể bỏ qua hiện tượng bùng nổ của các loại tài sản này (tính đến cuối năm ngoái đã có tổng trị giá lên đến 3.000 tỉ USD) và đang tìm cách quản lý, giám sát chúng. Tuy nhiên bài này chỉ đề cập đến CBDC vì nó sẽ có tác động to lớn đến hệ thống tài chính quốc tế về lâu về dài.

Mỹ đang thừa hưởng những đặc quyền to lớn kéo dài từ sau Thế chiến thứ hai đến nay do đồng đôla Mỹ được sử dụng làm đồng tiền chủ yếu trong giao thương quốc tế và từ đó được nhiều nước sử dụng làm dự trữ ngoại hối cho nước mình. Thiếu tiền, họ cứ phát hành trái phiếu, tức in tiền đưa cho thế giới lấy hàng hóa về tiêu dùng mà không phải lo lắng gì về cán cân thanh toán, thâm hụt thương mại.

Nhưng đặc quyền này có thể giảm sút nhanh chóng nếu các nước đưa vào sử dụng CBDC hay thế giới đồng thuận với nhau một cơ chế thanh toán bằng một số CBDC của các nước hợp tác với nhau. Hàng loạt dự án thí điểm một cơ chế thanh toán như thế đang được tiến hành với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế.

Với người dân bình thường, đã quen với tiền nằm trong tài khoản ngân hàng hay chứa trong các ứng dụng thanh toán thì tương lai khi nắm CBDC trong ví điện tử cũng không có gì khác cho lắm. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, điểm khác biệt to lớn là tiền số quốc gia giống y tiền giấy – cả hai là do ngân hàng trung ương phát hành và chịu trách nhiệm chi trả nên được xem là không có rủi ro. Tiền nằm trong tài khoản ngân hàng nào, ngược lại, là phụ thuộc vào ngân hàng đó, ngân hàng mất khả năng chi trả xem như mất tiền, ngân hàng bị phá sản, tiền biến thành mây khói. Chuyện ngân hàng phá sản hiếm khi xảy ra nên tiền trong tài khoản gần giống tiền giấy cầm trong tay, nhưng với thương mại quốc tế, CBDC với sự bảo lãnh trực tiếp của ngân hàng trung ương đứng đằng sau sẽ được các bên tham gia dễ dàng chấp nhận hơn, chẳng khác gì sự bảo chứng hiện nay của đồng đôla Mỹ.

CBDC với ưu điểm thanh toán tức thời, không cần qua trung gian, không cần qua các mạng thông tin kiểu SWIFT, không tốn phí hay phí không đáng kể như các dự án thí điểm cho thấy… sẽ làm đôla Mỹ mất dần ưu thế trong ngoại thương.

Vì thế, thay cho thái độ dè dặt lưỡng lự trước đây, nay Nhà Trắng bơm thêm tính cấp bách vào dự án nghiên cứu phát hành CBDC cho đôla Mỹ. Trong tài liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ thăm dò ý kiến dư luận, một trong những ưu điểm của CBDC được xác định là “duy trì vai trò quốc tế của đồng đôla”.

Trong các loại tiền mã hóa hiện nay, chính phủ các nước ngại nhất là các đồng stablecoin, có giá trị tương đối ổn định vì được các nơi phát hành dựa trên một tài sản khác làm vật thế chấp, chủ yếu là dựa vào đồng đôla Mỹ. Các nơi phát hành cam kết một đồng stablecoin đưa ra thì có một đôla Mỹ được đưa vào lưu trữ làm vật bảo đảm, nhưng thực tế mức lưu trữ thấp hơn nhiều lần. Như thế nơi phát hành đã hút lấy đặc quyền phát hành tiền về cho mình, phá vỡ thế độc quyền của chính phủ. Nhanh chóng phát hành CBDC mới chiếm lại vai trò này và vô hiệu hóa các stablecoin.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements) hiện đang hỗ trợ nhiều sáng kiến sử dụng CBDC trong thanh toán qua biên giới, trong đó có dự án Multiple CBDC Bridge (gồm Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và dự án Project Dunbar (gồm Úc, Malaysia, Singapore và Nam Phi). Các dự án này nghiên cứu việc sử dụng CBDC làm cơ sở hạ tầng tài chính phục vụ việc thanh toán sử dụng nhiều đồng tiền qua biên giới, bỏ qua hệ thống ngân hàng đại lý phức tạp và kém hiệu quả.

Những rủi ro cần biết

Câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ có sự chậm trễ trong nghiên cứu, thí điểm CBDC dù sự chậm chân có thể gây rủi ro cho vị thế đặc quyền của đôla Mỹ? Đó là bởi CBDC, nếu phát hành vội vã, cũng có những rủi ro cho nền tài chính khó lường trước.

Rủi ro đầu tiên và khá rõ: một khi tiền số quốc gia được phát hành và được sử dụng rộng rãi, không sớm thì muộn người dân sẽ so sánh và nhận ra sự ưu việt của CBDC so với tiền để trong tài khoản ngân hàng. Hệ quả dễ thấy nhất là sự dịch chuyển tiền từ hệ thống ngân hàng truyền thống chạy ra hệ thống CBDC, có khả năng làm xáo trộn cơ chế ngân hàng thương mại đã hình thành bấy lâu. Đó là điều không nước nào muốn. CBDC trong tài khoản mà có hưởng lãi sẽ làm trái phiếu chính phủ không ai mua. Chính vì thế trong báo cáo các dự án CBDC thí điểm, có nhiều đề nghị hạn chế hạn mức CBDC người dân được quyền sở hữu.

Một rủi ro khác: do CBDC là đồng tiền kỹ thuật số nên mọi giao dịch sẽ được ghi nhận, mọi động thái chi tiêu của người dân sẽ bị ghi lại. Nếu không có kỹ thuật bảo vệ sự riêng tư của người dân, rủi ro tiết lộ mọi chi tiêu của họ là rất lớn. Trong khi với giới chức trách, đây là đặc điểm họ mong đợi để giúp chống rửa tiền, chặn dòng tiền khủng bố, các chiêu thức né lệnh cấm vận. Với người bình thường không ai muốn bày ra cho thiên hạ, đặc biệt cho giới chức trách bảng kê chi tiêu của mình. Vì thế chưa chắc tiền số quốc gia được người dân đón nhận như kỳ vọng.

Chính vì các ưu điểm và rủi ro này mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã khẳng định nguyên tắc đồng tiền số quốc gia nếu được xây dựng phải đem lại lợi ích nhiều hơn chi phí và rủi ro, bổ sung chứ không thay thế cho các hình thức tiền tệ hiện tại. Có thể hình dung CBDC mà Mỹ muốn phát hành chưa chắc đã dùng công nghệ blockchain vì họ nhấn mạnh đồng tiền số tương lai không được làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Một trong những phê phán dai dẳng đối với các loại tiền mã hóa chạy trên nền tảng blockchain như Bitcoin là quá tốn kém năng lượng, gây hại cho môi trường mà khả năng xử lý số lượng giao dịch lại hạn chế.

Mặc dù tiền số quốc gia do ngân hàng trung ương phát hành nhưng người dân ắt sẽ không mở tài khoản trực tiếp với FED mà nơi này sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để mở ví tiền số cho người dân (điểm khác biệt là tiền số này sẽ không nằm trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng). Có thể sẽ có mức hạn định tối đa số tiền CBDC mỗi người được sở hữu để tránh sự dịch chuyển toàn bộ tiền gởi từ ngân hàng sang tiền số; tài khoản tiền số sẽ không hưởng lãi.

Cũng có thể giai đoạn đầu Mỹ sẽ chỉ phát hành CBDC “bán buôn”, tức loại CBDC sẽ giúp duy trì tính thống lĩnh trên thị trường thế giới của đồng đôla Mỹ chứ không phải CBDC “bán lẻ” cho mọi người dân. Tài liệu do Nhà Trắng phát hành đi kèm với tuyên bố của Tổng thống Biden cho biết việc nghiên cứu phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ “ưu tiên cho việc Hoa Kỳ hợp tác với nhiều nước khác trong thí điểm”.

Chưa biết tương lai CBDC của Mỹ có tồn tại hay không, ở dạng nào, có giúp Mỹ duy trì vị thế tài chính của họ không. Nhưng một điều chắc chắn là thế giới tiền tệ đang dịch chuyển, khác trước rất nhiều – không thay đổi sẽ không bắt kịp với xu hướng của thời đại. 

Trung Quốc đẩy mạnh tiền số

Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu và sử dụng đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn thí điểm, tính đến cuối năm 2021, đã có một lượng giao dịch bằng đồng tiền này tương đương 13,8 tỉ USD diễn ra giữa 261 triệu người dùng.

Tại Thế vận hội mùa đông vừa qua, nhân dân tệ số (e-CNY) là một trong những phương tiện thanh toán chính thức tại làng Thế vận hội. Hiện nay có ít nhất 11 thành phố ở Trung Quốc tham gia thí điểm e-CNY; tiền số có thể dùng để mua sắm (đã có hơn 8 triệu nhà bán lẻ chấp nhận thanh toán bằng tiền số); chi trả các loại hóa đơn điện nước và phí dịch vụ công.

Tuy nhiên cho đến nay Alipay và WeChat Pay, hai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt hàng đầu ở Trung Quốc, vẫn được người dân ưa chuộng, chiếm đến 90% lượng giao dịch qua thiết bị di động.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận