Vì sao Trung Quốc vẫn quyết “zero Covid”?

CẢNH CHÁNH 29/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Trước làn sóng dịch COVID-19 với biến chủng Omicron toàn cầu, thời gian gần đây số ca nhiễm cộng đồng ở Trung Quốc không ngừng tăng, có hôm đạt kỷ lục 5.000 ca, liên tục giữ mức trung bình 1.000 ca/ngày trong nhiều tuần liền.

Đỉnh điểm là thành phố Thâm Quyến đã phải phong tỏa một tuần cho việc xét nghiệm truy vết vào ngày 14-3. Nguyên nhân nào mà nước này vẫn kiên trì với chính sách “zero COVID năng động”, như cách gọi của nhà chức trách Bắc Kinh?

Giá thành thấp, hiệu quả cao

Tháng 12-2021, trong họp báo của Quốc vụ viện Trung Quốc về phòng chống dịch, ông Lương Vạn Niên - trưởng nhóm chuyên gia tổ lãnh đạo công tác xử lý ứng phó dịch bệnh trực thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc - đã giới thiệu về chiến lược zero covid năng động này. 

 
 Ngành y tế Trung Quốc vẫn đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm ở những vùng dịch. Ảnh chụp tại Thâm Quyến ngày 14-3. Ảnh: Reuters

Theo đó, mục tiêu không phải là không còn ca nhiễm. “Hiện giờ chúng ta không thể đảm bảo không còn một ca nhiễm cộng đồng nào nhưng chúng ta có thể phát hiện một ổ dịch và khống chế ngay ổ dịch đó - ông Niên giải thích - Khi một ca nhập cảnh lây lan cộng đồng, nếu chúng ta có thể khống chế trong thời gian ngắn, lây nhiễm sẽ không lan rộng, cắt đứt chuỗi lây nhiễm cũng gọi là zero COVID”. 

Ngày 25-2, ông Niên trả lời Tân Hoa xã về lý do tỉ lệ người dân hoàn thành tiêm chủng là 1,23 tỉ người và đang ngày càng tăng nhưng tại sao vẫn chưa nới lỏng biện pháp phòng chống dịch? 

Ông cho rằng việc nới lỏng phòng chống dịch quá sớm, quá vội vàng sẽ khiến Trung Quốc đánh mất thành quả chống dịch vất vả có được trước đó. 

Ông giải thích việc kiên trì biện pháp chống dịch nghiêm ngặt là vì: 

(1) có thể dập ngay ổ dịch vừa phát hiện; giảm thiểu ca lây nhiễm và ca bệnh nặng, tử vong; 

(2) tránh ca nhiễm tăng cao ảnh hưởng đến tài nguyên y tế, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh bình thường của người dân; 

(3) giảm thiểu khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch, giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch với kinh tế xã hội.    

Ông Niên cũng cho rằng phương pháp chống dịch của Trung Quốc là kiểm soát một số khu vực trong thời gian ngắn, hy sinh cuộc sống bình thường của một số ít người để đổi lấy cuộc sống sinh hoạt sản xuất bình thường của nhiều khu vực và đa số người dân. 

Nếu căn cứ giá thành chống dịch từng địa phương có dịch để tính hiệu quả thì sẽ không khách quan và toàn diện. Phải đánh giá một cách toàn diện sẽ thấy hiệu quả giá thành chống dịch ở Trung Quốc rất tốt.

Điều đó thể hiện rõ qua việc GDP năm 2021 của Trung Quốc tăng 8,1%; cao hơn mục tiêu và dự đoán của các cơ quan hồi đầu năm 2021. Do đó việc chống dịch một cách khoa học, chính xác là rất quan trọng. Ví dụ như việc điều tra dịch tễ chính xác là tiền đề rất quan trọng cho các việc tiếp theo. 

Sau đó thì có thể xác định F1 một cách chính xác, quản lý tốt những đối tượng bị nhiễm hoặc nghi nhiễm, xác định chính xác phạm vi cần giám sát, tránh cứng nhắc. Giờ việc phân loại khu vực rủi ro ở Trung Quốc đã thu hẹp đến phạm vi khu phố, khu dân cư, tòa nhà cụ thể, cho thấy đang ngày càng chính xác.

Gần đây nhất, ngày 18-3 trong cuộc họp báo Quốc vụ viện, ông Vương Hạ Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc - cho biết từ tháng 12-2021 đến nay nước này đã bước vào cao điểm của đợt dịch thứ 4 với biến chủng Omicron, liên tục 11 tuần số ca mới trên 1.000 ca/ngày. 

Ông cho biết chính sách zero năng động là biện pháp chống dịch được đúc kết trên kinh nghiệm từ việc phòng chống ca nhập cảnh từ bên ngoài, phòng chống dịch bùng phát trong nước. 

Mục tiêu của zero năng động là với kinh phí xã hội thấp nhất, khống chế dịch trong thời gian ngắn nhất, quan trọng là phản ứng nhanh, chống dịch một cách chính xác.

Ông Vương khẳng định chính sách zero năng động phù hợp với tình hình Trung Quốc, quy luật khoa học và hiệu quả cao, cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế, là điều Trung Quốc nên thực thi vào lúc này. 

Giới chức Trung Quốc cũng cho rằng quan hệ không tốt hiện giờ giữa các nước phương Tây và Trung Quốc khiến nhiều người lơ đi thành tựu và một số kinh nghiệm tốt của chính sách này, mà lẽ ra có thể nhân rộng.

Thâm Quyến sống chậm

Ngày 14-3, thành phố Thâm Quyến triển khai chiến dịch xét nghiệm PCR liên tục 3 lần cho toàn bộ người dân, khu phố, khu dân cư, khu công nghiệp thực hiện quản lý khép kín; nhà máy tạm dừng sản xuất, làm việc online; xe buýt, tàu điện ngầm dừng hoạt động trong vòng một tuần. 

Trước đó, ngày 12-3 thành phố này có 66 ca nhiễm mới, liên quan nhiều ngành nghề và nhiều địa điểm; ngày 13 lại có 86 ca mới. Đến 18-3, thành phố đã được nới lỏng phong tỏa, nối lại hoạt động sản xuất một số khu vực, theo Chinanews.

Một tuần đó, người dân Thâm Quyến không gọi là phong thành, mà là một tuần để sống chậm. Như cô Hứa San, khá bình thản khi nghe tin phong tỏa, cũng không đi siêu thị hay đi chợ gom hàng, mà chỉ lên mạng mua thực phẩm tươi và chỉ 2 giờ sau hàng đã được giao đến. 

Dân Thâm Quyến đã quá quen với việc xét nghiệm ngay từ hồi tháng 1 nên lần này cũng thấy bình thường, khi nào gọi thì xuống xếp hàng.

Cư dân chia sẻ mỗi việc kêu “Xuống làm xét nghiệm” mà ở Thâm Quyến dùng đến 4 thứ tiếng, tiếng Quan thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Hẹ và tiếng Triều Châu. 

Còn tờ Thâm Quyến thương báo còn cho biết một khu dân cư ở Phản Điền còn dùng 9 thứ tiếng để gọi người dân xuống làm xét nghiệm, thêm các tiếng Anh, Nhật, Pháp… Mục đích là không để sót một ai không làm xét nghiệm vì bất đồng ngôn ngữ.

Người dân Thâm Quyến xưa gặp nhau hay hỏi: Kiếm được tiền chưa? Ở đâu? Nhiều không? Còn giờ gặp nhau là hỏi xét nghiệm PCR chưa? Ở đâu? Đông không?

Cư dân mạng đúc kết ngày xưa việc mình làm mình chịu trách nhiệm, giờ một ca dương tính toàn dân chịu trách nhiệm. Ngày mai ngủ ở đâu là do hàng xóm của bạn quyết định. Không có việc gì thì đừng la cà, giờ chỉ cần quẹo cua lầm không chừng dính COVID. 

Cư dân mạng còn tổng hợp kinh nghiệm mà họ đúc kết khi thấy bóng dáng những bộ đồ bảo hộ. 

Ví dụ giăng dây là có ca F2; lập hàng rào là có ca F0; thấy toàn bác sĩ nữ tức là xét nghiệm diện rộng, nửa buổi là xong; toàn bác sĩ nam tức có F0, phong tỏa cách ly; bác sĩ đeo túi màu vàng và hộp dụng cụ y tế thì đừng lo, là đến lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly tại nhà thôi…

Nếu không có dịch bệnh, chắc rất nhiều người chỉ biết Thâm Quyến thích kiếm tiền, chứ không biết người lao động ở Thâm Quyến còn có một biệt hiệu là “bán mạng”, bán mạng cho công việc. 

Có câu Quảng Châu bán quần áo, Đông Quản bán hàng điện tử, Chu Hải bán máy lạnh, Trung Sơn bán đèn trang trí, Sán Đầu bán đồ chơi… còn Thâm Quyến thì “bán mạng”.

Trong đợt dịch lần này, dân Thâm Quyến đi làm thường mang theo hành lý, tan ca mang theo máy tính để khi cách ly ở công ty thì có quần áo thay, cách ly ở nhà có máy tính làm việc. 

Các thành phố khác khi nghe tin phong tỏa mọi người chen nhau đi mua thực phẩm, còn ở đây họ vội vàng quay về công ty khiêng máy tính về nhà hay mua ngay máy tính mới. 

Ngay cả cô nhân viên văn phòng cũng ôm cục CPU mà chạy đua với thời gian, xét nghiệm không sao, phong tỏa không sao, miễn là đừng cản đường tôi kiếm tiền.

Chính quyền Thâm Quyến đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn 6 loại thuế, giảm 2 loại phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, loại hình doanh nghiệp chủ yếu ở đây, theo Thâm Quyến thương báo. 

Cục Quản lý giám sát tài chính Thâm Quyến ra thông báo yêu cầu các cơ quan tài chính nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ sản phẩm tài chính phòng chống dịch, làm tốt việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thời gian phong tỏa, 99,29% thủ tục hành chính người dân đều có thể giải quyết qua mạng. Công ty dịch vụ truyền hình cho người dân miễn phí xem 12 kênh truyền hình thu phí trong những ngày sống chậm. 

Các địa phương còn tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho người dân. Như khu Bình Hồ thì tổ chức thi viết nhật ký nhưng chưa thấy ai viết hấp dẫn như nhà văn Phương Phương hồi phong thành Vũ Hán. 

Ý kiến trái chiều

Ngoài việc đồng tình với chính sách chung của đa số người dân, vẫn còn một số ý kiến khác.

Như cô Mộng Mộng (43 tuổi) cho rằng Trung Quốc áp dụng biện pháp quá nghiêm ngặt trong phòng chống dịch. 

Tết Nguyên đán vừa qua gia đình cô bị cách ly tại nhà 20 ngày vì trong khu phố có ca F0. Cô đã 3 năm không về quê thăm bố mẹ vì yêu cầu cách ly và thủ tục đăng ký phiền phức. Ước mơ lớn nhất của cô hiện nay là được đi ra khỏi Bắc Kinh.

Một tài khoản trên WeChat thì cho rằng chính quyền đang sợ mang tiếng quyết định sai, tài khoản này viết: “Rất nhiều người cho rằng làm gì cũng phải kiên trì đến cùng, cứ như là việc gì đã quyết rồi thì không được thay đổi, nếu thay đổi chứng minh những quyết định trước đó là sai". 

"Như chính sách phòng chống dịch, nếu giờ thay đổi chiến lược tức là chiến lược trước đó là sai… Thật ra không nên có suy nghĩ như vậy. Mọi việc đều đang phát triển, bây giờ điều chỉnh chính sách không có nghĩa chính sách trước đó là sai". 

"Hoặc là sau khi chấp hành một thời gian, cảm thấy không phù hợp, quyết định điều chỉnh là việc rất bình thường và hợp lý. Cho phép thí điểm, cho phép phạm sai lầm mới có thể cải tiến”.

Ở Thượng Hải, một nhân văn phòng chia sẻ câu chuyện phải quay về cách ly 48 tiếng tại công ty để chờ xét nghiệm ngay trong đêm do phát hiện ca F1. Nếu may mắn thì 48 tiếng cho về, còn không thì chuyển khu cách ly. 

Họ thậm chí còn chia sẻ kinh nghiệm nên mang sẵn chăn mềm hay tấm nệm trong công ty. Đa số cư dân mạng xem xong thông tin này đều thắc mắc sao không cho cách ly tại nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận