Vì Việt Nam, và những mối quan hệ lâu bền...

THÁI LỘC 29/04/2012 20:04 GMT+7

TTCT - “Mỗi lần tới Việt Nam là mỗi lần tôi bị thay đổi theo cách mà tôi không dự đoán trước được. Tới đây tôi như được sống lại, được tiếp sức, được hấp thụ sinh khí mới, được thay đổi nội tại với những điều mà tôi không lường trước được”. Nhà văn Kevin Bowen, cựu giám đốc Trung tâm William Joiner (Mỹ), mở đầu như thế trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhân dịp ông sang Việt Nam dự Diễn đàn văn học Việt - Mỹ (tổ chức tại Huế tháng 3-2012).

Các nhà văn Mỹ trở lại Quảng Trị thăm nghĩa trang Trường Sơn vào chiều 10-3 - Ảnh: Quốc Nam

* Thưa ông, đã có rất nhiều ngạc nhiên về tình yêu mà ông và những người bạn ở William Joiner Center (WJC) dành cho Việt Nam?

- Vì sao ư? Bởi vì đó là Việt Nam! Việt Nam là đất nước có một nền văn hóa rất phong phú, con người rất nhân ái, tôi bị hấp dẫn bởi những điều đó. Nhất là về lịch sử, tôi gốc người Ireland, quê của tôi cũng bị phân cách bởi cuộc chiến tranh. Chính sự phân cách đó làm tôi hiểu về Việt Nam hơn.

* Hàng trăm nhà văn, nhà thơ Mỹ đã tới Việt Nam qua những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh của WJC. Những nhà văn Việt Nam được dịp làm việc với WJC đã nhận xét về những nỗ lực bền bỉ khó thấy. Ðiều gì thôi thúc các ông?

- Hồi còn đi lính, chính tôi đã cảm thấy cuộc chiến là hoàn toàn sai lầm. Rất nhiều bạn tôi đã bỏ mạng trong chiến tranh. Tôi nghĩ giá họ được tiếp tục sống, có lẽ họ sẽ làm những việc mà tôi đang làm. Điều đó thúc hối tôi làm nhiều nhất để thực hiện điều mà tôi nghĩ những người bạn của tôi sẽ mong muốn. Vấn đề này rất khó có thể diễn tả hết được bằng lời... Tôi cảm thấy có một mối liên hệ có tính tâm linh với người Việt Nam, sự liên hệ mà không phụ thuộc bởi bất cứ điều gì cả, chính sự liên hệ đó thôi thúc tôi. 

* Ông nghĩ gì về những tháng năm ông và WJC thầm lặng bắc nhịp cầu Việt - Mỹ?

- Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng, rất cần thiết phải làm, bởi có cảm tưởng nếu chúng tôi không làm thì sẽ không ai làm cả. Nó trở thành điều mà chúng tôi phải dấn thân thực hiện để đem lại hòa bình, sửa đổi sai lầm. Chúng tôi đang thiết lập nên các mối liên hệ và nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng và ảnh hưởng lâu bền, chứ không như một số mối liên hệ chỉ trên bề mặt rất dễ mất đi.

* Ðể làm những điều mà các ông đang phải dấn thân, có lúc ông đã ở tình thế "đi giữa hai làn đạn", khi không được sự tin tưởng tuyệt đối ở đất nước mình lẫn ở đất nước ông đang muốn hàn gắn...

- Người ta khó có thể tin được việc làm của một người thuần túy xuất phát từ trái tim. Xin mượn lời của nhà văn vĩ đại Ireland Oscar Wilde, nói rằng sự vĩ đại của con người là có thể giữ hai tư tưởng hoàn toàn trái ngược nhau ở trong đầu. Có những người không tin có thể làm được điều đó, và họ nhất định nghĩ con người ta phải là thế này, phải là thế khác, và họ là người Mỹ.

 “Nghịch lý của đời tôi luôn là việc chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ của tôi, làm tổn thương linh hồn tôi vĩnh viễn, nhưng cùng lúc đó nó dành tặng tôi Việt Nam với tất cả sự bí ẩn và huy hoàng của nó. Tôi không biết tại sao tôi không phải là người Việt Nam. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của một người Việt.

Trong cuộc sống đó tôi nhớ mình đã chạy băng qua những cánh đồng lúa xanh thẳm trong sự chín muồi của chúng, cùng với những người bạn của tôi, giữa những tiếng thơ cất lên từ sau con đê làng, những bài hát về công việc và tình yêu, bài hát về quả khế và cái giếng sâu đầy nước mát”.

* Nhận xét về thơ ông, tác giả Nguyễn Bá Chung từng nói: "Ðọc thơ ông với rất nhiều địa danh tiếng Việt và hàng chục tên riêng của người Việt, chứng tỏ Việt Nam đi vào tâm khảm của ông một cách rất sâu sắc". Thông qua tiếp cận, tổ chức dịch thuật để quảng bá đến công chúng Mỹ, ông hẳn có nhiều trải nghiệm về văn học Việt theo cách của mình? 

- Làm những công việc cho văn học Việt Nam trong thời gian qua, tôi nhận thấy văn học Việt Nam rất gần với thiên nhiên, có những liên hệ giữa con người với nhau trong tiểu gia đình với một đại gia đình, rất độc đáo. 

Ngôn ngữ của các bạn rất phong phú, tạo cho con người thấy được các mặt, nhất là sự liên tưởng mà khi dịch ra tiếng Anh không thấy được. Thông qua tiếp cận và dịch thuật tôi mới hiểu được phần nào. Chính điều đó đã giúp những người sử dụng ngôn ngữ khác như chúng tôi nhìn thấy được thế giới qua một lăng kính khác, hoàn toàn mới.

Có rất nhiều điểm khác nữa mà tôi thấy không dễ gì có thể mô tả được bằng lời. Nói chung, được sống trong ngôn ngữ như tiếng Việt là điều gì đó rất đặc biệt, bởi vì nó chuộng sự mơ hồ, không có tính chất khẳng định tuyệt đối, cho nên cuộc sống cũng sẽ rất thú vị.

Kevin Bowen thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn - Ảnh: Quốc Nam

* Ông có thể ví dụ?

- Dịch tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu đã đem lại cho tôi những kinh nghiệm rất độc đáo. Ngôn ngữ rất phong phú và mối liên hệ giữa các nhân vật trong đó với nhau và với cả thế giới rất đặc biệt. Tiếng nói, giọng nói của nhân vật chính trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chẳng hạn, vô cùng mạnh mẽ và cho đến giờ này nó vẫn còn tồn tại. Sự mạnh mẽ tương tự đối với giọng nói của các nhân vật chính trong truyện ngắn của Lý Lan thích ứng với xã hội sau chiến tranh.

Ngoài ra, ngôn ngữ hình ảnh trong văn chương của các bạn cũng là một điều thú vị. Trong đó thơ Nguyễn Duy là một trường hợp rất đặc biệt. Những hương vị, hình dáng thơ của ông ấy vẽ lên, tạo những cảm giác rất riêng biệt, khó tả. Lâm Thị Mỹ Dạ cũng thế. Điều đặc biệt lớn nhất của họ là họ đều nói về một địa điểm, nơi chốn nào đó như là quê hương của họ vậy.

* Cho đến bây giờ ông có bằng lòng những gì đã làm được hay chưa? 

- Tôi cảm thấy hạnh phúc vì xung quanh có rất nhiều bạn bè. Mặc dù có nhiều điều cần phải tiếp tục thực hiện nữa, nhưng đến bây giờ đạt một số kết quả nhất định, tôi cảm thấy khá đầy đủ.

* Xin cảm ơn ông!

”Trung tâm William Joiner trong quá khứ đã chú ý tới các tác giả viết về chiến tranh Việt Nam vì đó là một lỗ hổng hoàn toàn trống vắng trong văn học Mỹ. Với 12 tác phẩm giai đoạn sơ khởi đó đã qua rồi, bây giờ Trung tâm William Joiner có thể nhìn lại vấn đề một cách toàn diện hơn - giới thiệu bất cứ tác phẩm nào được coi là xuất sắc của các tác giả Việt Nam, từ cổ đại, trung đại tới hiện đại.

Trung tâm đang thực hiện nhiều tác phẩm văn học đương đại của các tác giả điển hình như thơ Bùi Giáng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khoa Điềm và một tác phẩm trung đại - thơ Thiền Lê Nguyễn. Dự định sẽ dịch thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha... và sắp tới sẽ thực hiện tác phẩm của nhiều gương mặt mới trong văn học Việt Nam đương đại thuộc lĩnh vực văn xuôi”.

 WJC được thành lập năm 1982 lấy theo tên của giám đốc Cựu binh vụ, một cơ quan trực thuộc ĐH Massachusetts (Mỹ) được thành lập để chăm lo quyền lợi những cựu binh của Mỹ. Bản thân William Joiner cũng là một cựu binh, qua đời năm 1981 bởi bệnh ung thư gan do phơi nhiễm chất độc da cam. Sau khi ông qua đời, các giáo sư và sinh viên ĐH Massachusetts đã biểu tình kêu gọi nhà trường thành lập tổ chức để chăm lo cho các cựu binh một cách đặc biệt hơn, nhờ đó WJC nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả xã hội ra đời. Phần lớn thành viên tham gia WJC là nhà văn, nhà thơ. 

Vào năm 1986, hơn 20 người trong số họ đã sang thăm Việt Nam và nhận ra tình trạng cực kỳ khó khăn của Việt Nam sau chiến tranh. Người dẫn đầu phái đoàn đồng thời là giám đốc lúc đó là Kevin Bowen đã nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó để hàn gắn vết thương chiến tranh, và khởi xướng việc dùng văn chương làm công cụ để người Mỹ hiểu một cách trung thực về Việt Nam, cũng như người Việt Nam hiểu thêm một khía cạnh khác của nước Mỹ, một khía cạnh không phải là kẻ gây chiến...


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận