Việt Nam: Hình mẫu chuyển dịch năng lượng

HỒNG VÂN 18/11/2020 02:11 GMT+7

TTCT - Sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo của VN đang thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực và thế giới, chủ yếu do tốc độ nhanh nhờ chính sách khuyến khích về giá của Chính phủ.

Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á Trung Nam - Thuận Nam. Ảnh: TNG

Tính đến ngày 17-11-2020, theo số liệu của EVN Solar, trang web chuyên cập nhật về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), cả nước có hơn 66.323 dự án ĐMTMN đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ký hợp đồng mua bán điện và đã đấu nối vào lưới điện, tổng công suất 2.237 MWp. Trong đó có 887,667MWh được phát lên lưới, giảm 810.440 tấn phát thải khí CO2.

Tại hội thảo quốc tế Cơ hội và thách thức đối với ĐMTMN nối lưới tại VN tổ chức ngày 9-9 ở Hà Nội, ông Tobias Cossen, giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), cho biết GIZ ấn tượng với thành tựu phát triển ĐMTMN tại VN. “Đây là thành quả rất ấn tượng của VN trong phát triển ĐMTMN”, ông nói. 

Theo bà Ngụy Thị Khanh - giám đốc điều hành của Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - cho rằng trên thực tế, người dân không cần Nhà nước hỗ trợ để lắp ĐMTMN vì họ nhìn thấy lợi ích của việc đầu tư này nên nhanh chóng ủng hộ.

Thủ phủ của điện tái tạo

Dưới cái nắng bán sa mạc trên công trường tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW ở xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), 5.000-8.000 công nhân làm việc ngày đêm để hoàn thành dự án trong 102 ngày, sớm 3 tháng so với kế hoạch. 

Đến cuối tháng 9-2020, nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á này đã cho đóng điện để vận hành thử và ngày 12-10 chính thức nối vào hệ thống điện quốc gia.

Trên dải đất ven biển nhiều nắng gió, chỉ xương rồng là thích hợp, người ta đã gọi nắng và gió là tài nguyên. Số giờ nắng trung bình cả năm ở Ninh Thuận vào khoảng 2.600-2.800 giờ (khoảng 200 ngày nắng trong năm). Tổng bức xạ nhiệt trung bình rất cao: 1.780-2.015 kWh/m2/năm (tức khoảng 5,221 kWh/m2). 

Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, từ 6,4-9,6m/s (trung bình 7,5m/s - lớn hơn trung bình cả nước, khoảng 6m/s), đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và gió thổi đều trong suốt 10 tháng, đảm bảo ổn định cho turbin gió hoạt động.

Tại các diễn đàn năng lượng tái tạo được tổ chức vào các tháng 6, tháng 7-2020, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết tổng công suất các dự án điện mặt trời được phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện trên địa bàn Ninh Thuận là 2.417 MW và đang triển khai 34 dự án, với tổng công suất 2.343 MW. 

Tới tháng 6-2020, tại Ninh Thuận đã đưa vào vận hành 1.339 MW điện mặt trời. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 37 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất 2.473,6MW, tạo ra 5.038 tỉ kWh/năm và trở thành địa phương có số dự án năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.

Đó là chưa kể điện gió. Ninh Thuận đã triển khai và đưa vào vận hành 181 MW và cuối năm 2020 sẽ lên khoảng 229 MW. Hiện cũng có 10 dự án điện gió với tổng công suất 447 MW đang triển khai và sẽ đi vào vận hành vào năm 2021. 

Tổng số dự án đưa vào vận hành trước ngày 1-11-2021 là 13 dự án, tổng công suất 678 MW. Tại Diễn đàn cấp cao năng lượng VN tổ chức tháng 7-2020, ông Dương Quang Thành, chủ tịch hội đồng thành viên EVN, cho biết đến cuối năm nay tất cả các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất, không còn tình trạng quá tải.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu đang hoạt động với công suất 99,9 MW. Ảnh: CHÍ QUỐC

Chuyển đổi nhanh nhất Đông Nam Á

Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ GIZ, nhận định: “Việc chuyển dịch năng lượng ở VN đang theo xu hướng rất tốt và nên duy trì trong tầm nhìn dài hạn vì sẽ hỗ trợ nhiều cho quá trình tăng trưởng xanh”. 

Sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời của VN thuộc hàng đầu thế giới, chủ yếu do tốc độ nhanh nhờ chính sách khuyến khích về giá của Chính phủ. 

Theo báo cáo Renewables 2020 Global Status report, VN đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về năng lượng mặt trời năm 2019.

Hiện nay cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) ở Thái Lan là 12,5%, ở VN là 13%. VN hiện có khoảng 6.000 MW năng lượng tái tạo đang vận hành trong khi Thái Lan có 8.300 MW và mục tiêu đến năm 2037 của Thái Lan là năng lượng tái tạo chiếm 35%, còn VN là 37% đến năm 2040.

 Ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết: từ năm 2016 bắt đầu thời kỳ của năng lượng tái tạo. 

Theo EVN, tính đến cuối tháng 8-2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW.

Mặt khác công nghệ, kỹ thuật, trình độ thi công đã thay đổi. Nếu những năm 1980, VN xây dựng nhà máy thủy điện Trị An (công suất 400 MW) mất 10 năm để hoàn thiện đồng bộ thì năm 2020, nhà máy điện mặt trời 450MW lớn nhất Đông Nam Á chỉ xây trong 102 ngày.

Trên thị trường toàn cầu, công nghệ hỗ trợ điện tái tạo thay đổi theo hướng hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn. Công suất tấm pin mặt trời từ 250W lên 460W rồi 500W, có thể phát điện cả hai mặt. Với điện gió, công suất cánh quạt cũng tăng, từ 1MW lên 2MW rồi 5,5MW...

Đối với điện mặt trời trang trại, do cần sử dụng diện tích đất lớn và không thể chuyển đổi đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng nhà máy lớn, sắp tới đây điện mặt trời trên đất sẽ tới hạn. 

Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn để phát triển điện gió trên cao (núi), điện gió gần bờ (near shore) và xa bờ (off shore). Trong vòng 10 năm tới, các nhà đầu tư sẽ tìm hiểu khai thác điện thủy triều.

Báo cáo Cập nhật về năng lượng VN năm 2020, báo cáo thường niên của Chương trình phát triển bền vững thuộc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI), nhận định năm 2020 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng của VN. 

Từ chỗ bị coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch (điện mặt trời và điện gió) đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của VN. 

Trong khi đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu tiên phát triển ở VN. Ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh này do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh - cái nôi của ngành than VN. 

Các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang cũng muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.

Tại hội thảo lần 1 bàn về Quy hoạch Điện VIII ngày 8-7-2020, ông Matthew Heling, Công ty Afry, tư vấn năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: VN cùng với Malaysia trong tương lai gần là những nước hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

Bà Laurence Tubiana - tổng giám đốc Quỹ khí hậu châu Âu (ECF), cựu đại sứ về biến đổi khí hậu của Pháp - nhận xét với TTCT: “Trong năm qua, VN đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. 

Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến VN trở thành tấm gương cho các nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này”.■

Bà Nguyễn Thị Huyền Chi, chủ nhà hàng bún bò huế tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), vừa hoàn tất việc lắp đặt thêm 30kWh điện trên toàn bộ diện tích còn lại của mái nhà trong tháng 9-2020. 

Trả lời TTCT, bà Huyền Chi cho biết: năm 2016, gia đình bà lắp 9,2 KWh điện trên một phần diện tích mái nhà với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Sau chưa đến 4 năm, mỗi tháng hộ kinh doanh này tiết kiệm được từ 3-3,5 triệu đồng tiền điện, họ đã thu hồi lại tiền vốn đầu tư ban đầu.

“Một năm trước, chúng tôi chuẩn bị khoản tiền 440 triệu đồng để phủ kín phần còn lại của mái nhà bằng tấm pin năng lượng. Hi vọng sắp tới đây chúng tôi sẽ gần như không phải trả tiền điện, khoảng 15 triệu mỗi tháng” - bà Huyền Chi nói.

Hạn chế phát triển nhiệt điện than

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Viện Năng lượng VN, những quan điểm trên sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng xác nhận một trong những quan điểm trong xây dựng Quy hoạch Điện VIII là hạn chế phát triển nhiệt điện than.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận