TTCT - Những năm tới sẽ là khoảng thời gian tất cả chúng ta loay hoay tìm cách thích ứng với những đổi thay trong đời sống mà COVID-19 mang lại, từ ăn uống, giải trí đến học hành, kinh doanh. Minh họa: Ana Kova/NatureDịch COVID-19 đã buộc chúng ta cài và sử dụng các ứng dụng thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền ngay trên chiếc điện thoại di động; không ra rạp xem phim mà ở yên trong nhà, mở máy tính coi phim trên Netflix hay nghe nhạc bằng Spotify. Nói cách khác, tỉ lệ số hóa các hoạt động trong đời sống một người bình thường đã tăng vọt trong năm vừa rồi, một phần vì hoàn cảnh bắt buộc, nhưng sau đó là do sự thuận tiện, nhanh chóng và tránh các giao tiếp phiền phức.Với người tiêu dùng, sự thay đổi có thể khó nhận biết nhưng với những nơi cung cấp dịch vụ, sự thay đổi lớn hơn mọi biến động họ từng chứng kiến trong mấy chục năm qua. Chủ nhà mặt tiền cho thuê đang yên tâm với khoản thu nhập đều đặn hàng tháng bỗng thấy người thuê trả mặt bằng hàng loạt vì họ có thể vào hẻm nhỏ nhưng sự hiện diện vẫn hoành tráng trên không gian ảo để buôn bán, làm ăn.Ở rất nhiều quốc gia, người ta dự đoán làm việc từ nhà sẽ vẫn là cách làm việc chủ yếu sau này, ngay cả khi dịch đã bị dập tắt. Ở Việt Nam, sự luyện tập cho cách thức từ xa này đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực thiết yếu mà trước tiên chính là giáo dục. Bao nhiêu năm hô hào dạy và học trực tuyến mà không đi đến đâu, nay chỉ trong vài tháng, ai cũng nói tới Zoom, tới dạy online. Cả giáo viên và học trò đều cật lực để thích ứng với tình huống mới.Với doanh nghiệp, hiện tại là thời điểm mang tính quyết định, ai thích ứng được với hoàn cảnh mới sẽ tồn tại và phát triển mạnh, ai chậm chân và hi vọng quay hoàn toàn về một “bình thường cũ”, coi như Covid-19 chỉ là ác mộng nhất thời sẽ bị đào thải. Thích ứng không chỉ là làm ra các ứng dụng để đưa dịch vụ của mình lên không gian ảo, mà còn là giải quyết các vấn đề do sự chuyển dịch này đặt ra. Chẳng hạn với giới ngân hàng, làm sao giải quyết hàng chục ngàn nhân viên có nguy cơ thừa ra khi khách hàng ngồi ở nhà giao dịch, không ra chi nhánh nữa?Nhưng cái lớn nhất vẫn là sự thay đổi trong phân phối thu nhập của xã hội. Các mô hình kinh doanh hay cung ứng dịch vụ mới chia miếng bánh thu nhập lớn hơn cho vốn tư bản và công nghệ; phần lớn này lấy từ việc rút bớt của phần chia trước đây vẫn dành cho lao động. Những mô hình mới như AirBnB, Uber quyết cắt đứt mối quan hệ người sử dụng lao động với người lao động, gọi tên họ là “đối tác” để dễ dàng cắt sạch mọi trách nhiệm mà người sử dụng lao động thường phải đảm nhận đối với người làm công cho mình.Những thay đổi lớn lao ấy, giờ đây đã không thể tránh được, càng không thể đảo ngược. Nó tạo ra những sức ép mới mẻ và rất lớn. Chẳng hạn trước sau gì giới quản lý cũng phải tính đến chuyện cấp phép cho ngân hàng kỹ thuật số, cho dịch vụ gọi xe công nghệ, cho cung ứng dịch vụ nghe nhìn giải trí xuyên biên giới. Không thể áp dụng phương thức quản không được thì cấm của thời xưa.Vấn đề là với tư cách một quốc gia, phải xác định rõ chúng ta muốn cái gì, muốn bảo vệ ai, muốn thu thuế của ai để từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Hiện nay chính sách của các nước đang dần hình thành là phá vỡ thế độc quyền của các công ty công nghệ, không để họ lợi dụng vị thế “một mình một chợ” để tối đa hóa lợi nhuận, chèn ép các đối thủ cạnh tranh. Với các công ty công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ, nguyên tắc mà rất nhiều quốc gia đang theo đuổi là buộc bên cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm chăm lo cho nhân viên của mình, không thể ngó lơ hay thoái thác các khoản phải chi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - những thứ là nền tảng cho một xã hội bền vững mà ở đó, con người là một tương quan bình đẳng, ai cũng cần được bảo vệ. Và lẽ công bằng vẫn cứ sẽ là điều giúp một xã hội thịnh vượng vững bền.Cũng không thể không lưu tâm tới những nghịch lý mà COVID-19 thúc đẩy, rõ ràng nhất là nghịch lý người giàu càng giàu thêm trong khi người nghèo ngày càng kiệt quệ. Bởi thế, các chính sách phải được thiết kế tốt để khoảng cách giàu - nghèo ghê gớm đó không lan rộng hơn nữa. Ví dụ, chuyện tận thu 10% thuế giá trị gia tăng của người chạy xe ôm công nghệ là một chính sách bất cập vì cả họ lẫn người sử dụng dịch vụ này đều là người có thu nhập tương đối thấp. Miễn, giảm hay hoãn thu trong trường hợp này là một sự hỗ trợ trực tiếp và trúng đích. Ngược lại, giảm lệ phí trước bạ xe ôtô sản xuất trong nước là tặng tiền cho người có điều kiện, và là sự hỗ trợ trật đích. Đôi khi, mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy thôi. ■ Tags: Tương laiCOVID-192021Đứt gãy
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.