Vụ đào tẩu ly kỳ của Carlos Ghosn: Đứa con cưng hay tên kẻ cắp?

SÁNG ÁNH 14/01/2020 17:01 GMT+7

TTCT - Anh bán cá kết luận về việc Ghosn trở về nước: “Đất nước này đã có đầy ra rồi. Lại thêm một thằng ăn cắp nữa cũng chẳng sao!

Carlos Ghosn (Ảnh: Financial Times)

Carlos Ghosn, sinh năm 1954 tại Brazil, là đứa con cưng của Lebanon. Cuối năm 2019, để ăn mừng tết tây, đứa con xưa đã trở về nhà trong hoàn cảnh vô cùng kỳ bí. Bị cấm xuất cảnh ở Nhật Bản bởi đang tại ngoại hầu tra, cựu chủ tịch của liên minh xe con Nissan-Renault-Mitsubishi, tập đoàn sản xuất số 1 thế giới vào năm 2017, đột nhiên xuất hiện tại nhà ông ở khu Achrafieh, thành phố Beirut, cách Tokyo 9.000km.

Ghosn phát biểu: “Tôi không né tránh công lý mà chỉ tránh bất công”.

Riêng phần “vượt ngục” đã đậm màu tiểu thuyết hình sự.

Thục nữ nhà Huawei đang bị điều tra tại Canada cũng không sánh nổi. Nhà hoạt động Wikileaks, ông Julian Assange (người Úc) đang ở Anh và bị Thụy Điển đòi dẫn độ, chỉ kịp chạy vào sứ quán Ecuador xin tị nạn và ở trong đó bảy năm, thiếu điều phá kỷ lục Guinness, sau cùng cũng bị đuổi ra và bị Anh bắt giữ.

Trường hợp Ghosn, chưa biết diễn tiến sẽ ra sao, nhưng hẳn sẽ tốt đẹp hơn. Ông là công dân Lebanon và nước này không ký kết thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản. Ông cũng có thể tự do đi lại các nước không có hiệp ước như vậy với Nhật. Nếu Nhật quyết dùng Interpol để truy nã thì Ghosn sẽ phải ở lì tại Lebanon, nơi cũng có núi để trượt tuyết mùa đông, biển để tắm mùa hè và khu mua sắm ABC ngay gần nhà, đi bộ ra cũng đến, không cần dùng đến xe con hiệu Nissan, Renault hay Mitsubishi.

Ông là ai?

Carlos Ghosn là ai? Nếu mới nhìn khi ông ở tù ra, chỉ được cho ăn có sushi dưa leo và sút 5-10kg, thì ông rất giống diễn viên Anh Quốc Rowan Atkinson, tức Mr Bean huyền thoại. Đây là một lợi điểm của Ghosn trên thương trường, không phải là vì ông giống diễn viên hài đã nói, mà vì vẻ kỳ quái của ông gây ấn tượng ngay.

Khi làm tổng giám đốc Nissan và là nhà lãnh đạo Tây phương hiếm hoi của một công ty Nhật, Ghosn rất được quần chúng Nhật ưa chuộng. Tại Nhật, ông là một người nổi tiếng, dạng siêu sao và Idol vượt ngoài phạm vi kỹ nghệ và công nghiệp xe con của ông. Có cả truyện manga thuật lại cuộc đời ông, và theo BBC, trong một thăm dò năm 2011 có tên “Bạn muốn ai lãnh đạo nước Nhật”, ông Ghosn về hạng 7, trên ông Obama chỉ hạng 9.

Ông được cho là người cứu sống Công ty Nissan đang hấp hối và cải cách tinh thần cho lề lối lao động kỹ nghệ Nhật. Trên thế giới, ông là người hiếm hoi lãnh đạo cùng lúc hai công ty lớn quốc tế, có lúc làm luôn chủ tịch của Công ty Autovaz (với thương hiệu Lada) ở Nga. Những việc này Ghosn làm mướn ăn lương; ông không phải tỉ phú sở hữu, tiếng tăm của ông là trong vai trò lãnh đạo điều hành và quản lý, nơi nào xe con gặp khó nơi đó có Ghosn. Người Nhật là giống người chăm chỉ, gọi ông là tổng giám đốc “7-11” theo tên của chuỗi cửa hàng tạp hóa nổi tiếng, lúc nào cũng mở cửa.

Carlos Ghosn, ảnh chụp năm  2000, khi tới Nhật đảm nhận trọng trách ông chủ của Nissan (ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP/GETTY IMAGES)

Ghosn sinh ở Brazil, là thế hệ thứ ba di dân từ Lebanon sang, tức là từ đời ông bà nội ngoại. Dưới thời Đế quốc Ottoman ở Trung Đông, rất nhiều người trong khu vực Syria, Lebanon và Palestine ngày nay sang châu Mỹ sinh sống. Họ thường buôn bán lặt vặt vào đầu thế kỷ 20, khiến nghề đánh xe buôn hàng xén từ thôn này sang bản khác ở Colombia chẳng hạn, được gọi là “Turco” vì toàn do dân “Thổ” đảm nhiệm. Họ chuyên cần và dễ hội nhập, kể cả mặt chính trị. Ecuador từng có tới ba tổng thống gốc Lebanon, Brazil thì có một ông (Michel Temer), với khoảng 10% đại biểu quốc hội nước này là gốc Ả Rập. Họ còn thành công trong nhiều lĩnh vực ngoài chính trị và kinh tế, ở giải hạng cao nhất của bóng đá Chile có một đội đại diện cho thủ đô Santiago tên là Palestino, trong khi ca múa thì có Shakira, và điện ảnh có Selma Hayek, tất cả đều là dân Nam Mỹ gốc Trung Đông.

Một số đông di dân vẫn lưu luyến với nguồn gốc và giữ liên hệ chặt chẽ với cố quốc. Đây là nguồn thịnh vượng của Lebanon: 20% GDP là từ du khách và 20% là từ kiều hối, trong phần du khách có không ít là người gốc Lebanon mang quốc tịch nước ngoài. Địa ốc tại Lebanon giá cao vô lý cũng vì chiếu cố đặc biệt của nhóm này với cố quốc: rất nhiều hộ bỏ trống để một năm chỉ dùng mấy tuần vì chủ không ở trong nước. Ghosn tất nhiên cũng có góp phần: ông mua một nhà riêng ba tầng, cách biển tới 500m, giá 8,7 triệu USD, bỏ thêm 6 triệu để tu bổ và sơn màu hồng, tất cả đâu đó 15 triệu đô.

Sự gắn bó “cố quốc” của Ghosn hơn hẳn người thường. Lên 6 tuổi, ông rời Brazil về Lebanon sống, học hết phổ thông rồi sang Pháp học dự bị các trường Grandes Ecoles. Ông đỗ bách khoa (Polytechnique) và vào Trường Mines (Hầm mỏ), sự nghiệp lao động là với Công ty Michelin (bánh xe). Như vậy, Ghosn sinh tại Brazil, lớn lên ở Lebanon, thành tài và trổ tài ở Pháp, nổi tiếng thế giới nhờ những đường kiếm ở Nhật. Ông mang ba quốc tịch: Lebanon, Pháp và Brazil.

Ăn cắp hạng sang?

Nhưng sao thì gốc của ông vẫn là Lebanon, tức là hay khoe mẽ chứ không kín đáo. Năm 60 tuổi (2014), Ghosn thuê Điện Versailles để mừng sinh nhật, tốn 700.000 USD. Năm 2016, ông cưới vợ mới, cũng mở tiệc tại điện này, không biết tốn bao nhiêu. Vấn đề là các buổi này đều do công ty chi trả, chứ không phải là từ lương ông lãnh và cất chặt trong túi. Chặt đến nỗi không biết là bao nhiêu nữa. Ông bị Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) phạt về tội khai gian lương bổng hòng trốn thuế, khai thấp hơn khoảng 140 triệu đô.

Nhật đang truy tố ông về tội cũng khai gian lương thấp đi đâu mất 40 triệu. Các căn hộ xinh xinh của ông tại Nhật, Pháp, đây đó cũng nguồn gốc lập lờ, từ tiền của công ty chứ không phải tiền túi. Căn nhà ở Beirut 15 triệu đôla đã nói là do một chi nhánh Nissan ở Trung Đông mua cho, hẳn là phải dùng một thủ thuật nào tài tình. Carlos Ghosn được biết như là một người rộng rãi, gặp ai cũng tặng quà, kiểu phí gia nhập câu lạc bộ sân golf hay du thuyền này kia. Ông là người Lebanon mà, ăn tiêu về nhiều và rơi vãi vung vít. Nhưng các phí này cũng từ quỹ công ty xe con do ông lãnh đạo và bạn bè cùng hưởng.

Các công ty này có cổ đông là chủ nhân của công ty. Họ thuê ông tài giỏi này quản lý điều hành và trả công ông hậu hĩnh vì ông làm việc tốt, như việc ông cứu Nissan khỏi phá sản. Nhưng vậy chưa đủ, và thay vì xin tăng lương thì ông mở két ra lấy một nắm mở tiệc lúc này lúc kia, một nắm phân phát tứ tán cho người quen; khi cần nhà ở nước này nước nọ, ông tự nhiên vốc thêm mấy nắm nữa cho đủ. Cái này thì đi tù, và tòa Nhật chưa xử mới giam ông lại để điều tra. Biết đâu khi ra án ông được tha bổng, nhưng chuyện đó chưa xảy ra thì bị cáo đã dùng bài tẩu mã.

Vợ chồng Carlos và Carole Ghosn. Ảnh: AFP
Vợ chồng Carlos và Carole Ghosn. Ảnh: AFP

Lệ tự do tạm của Nhật đối với bị cáo Ghosn rất khắt khe. Ông bị giám sát bằng camera, đi đâu vắng nhà ở Tokyo phải khai báo và cấm nói chuyện với vợ từ bốn tháng nay. Ông không được dùng máy vi tính và không được lên mạng. Khi dùng máy vi tính (không nối mạng) là phải ở văn phòng của luật sư, như vậy không có chuyện ông xem phim Idol Nhật Bản. Cả ba hộ chiếu của ông (Pháp, Brazil và Lebanon) do luật sư giữ. 

Vậy ông ra đi bằng cách nào mà không ai phát hiện? Khi có tin ông trở về Lebanon thì đại sứ Nhật tại đây đang dự tiệc cuối năm ở một tư gia tại Beirut. Vị này nhấc máy rồi tái mặt rời tiệc thẳng, không kịp cảm ơn hay từ giã gia chủ!

Kế hoạch hoàn hảo

Nghe đồn (chưa ai rõ) là dịp cuối năm, Ghosn đã mời một ban nhạc đến nhà ông tại Tokyo. Đây là một ban nhạc cổ điển (Gregorian) và ông ra khỏi nhà nấp trong thùng đàn bass to tướng. Xe chở ông đến phi trường Kansai Osaka, cách những 500km, đưa ông lên một chuyên cơ lớn. Khi hải quan hỏi “nhạc công” đây là đàn gì thì Ghosn ngồi bên trong chu miệng ra “đàn”, Bùng-Bùng-Bùng. Hải quan: À, “xo-đè-sự-né” (vậy đó hả) và không bắt mở ra xem. 8.500km sau thì đến phi cảng Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ đây, không biết thế nào mà ông chuyển được sang một chuyên cơ nhỏ, bay tiếp 1.500km về Beirut mà không cần đàn địch gì nữa. Tại đây, theo Bộ Ngoại giao Lebanon, ông nhập cảnh chính thức bằng thông hành Pháp(?) và chứng minh nhân dân Lebanon. Nếu có quốc tịch Lebanon thì không ai cấm được nhập cảnh nước mình cả, dùng hộ chiếu đã hết hạn cũng được.

Dư luận tại Lebanon trước đây, và có lẽ đến giờ, vẫn chuộng nhân vật này. Thậm chí khi các phe phái quốc hội Lebanon không dàn xếp với nhau được để đề cử tổng thống, người ta đã nghĩ đến Ghosn. Ông là người không có nguồn gốc phe phái và không ràng buộc chính trị, một biểu tượng xuất sắc của thành công nhờ tài năng. Nhưng ông lúc đó cho biết ông không có ý muốn làm tổng thống hay bộ trưởng, và ông bận nhiều việc lắm rồi. Trong những bận bịu đó, tuy ông không nói ra, hẳn là có việc xào nấu biên lai để sắm nhà đây kia đó thôi. Giờ khi đã đổ bể, không biết quần chúng nghĩ thế nào.

Một anh bán cá ở Beirut, được nhà báo nước ngoài thăm dò ý kiến, cho biết là anh không quan tâm. Lebanon đang trải qua cải cách và khủng hoảng tài chính, đến nỗi hiện chỉ được rút ngoại tệ từ 200-300 USD/tuần từ tài khoản, và đúng hôm 1-1-2020, tất cả các tài khoản bằng ngoại tệ phải chuyển sang tiền địa phương theo hối đoái chính thức. Anh bán cá chỉ quan tâm đến hoàn cảnh của anh. Anh kết luận về việc Ghosn trở về nước: “Đất nước này đã có đầy ra rồi. Lại thêm một thằng ăn cắp nữa cũng chẳng sao!”.■

Chuyện kỳ thần của ông Ghosn đầu đuôi được dàn xếp bởi bà vợ mới Carole, cũng người Lebanon và 50 tuổi, để cảm ơn ông đã làm đám cưới tại Điện Versailles. Nếu ông Ghosn lấy phải cô người mẫu nào, chắc giờ ông còn ở Tokyo mà nhớ về vòng eo 56. Bà Carole là người không ngừng vận động đủ các giới, kể cả giới bình dân, để chồng được thả về tổ ấm. Hồi tháng 8, bà từng kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại hội nghị Biarritz để thả chồng bà. Mấy ngày trước khi ông xổng khỏi Nhật Bản, Beirut xuất hiện các bảng quảng cáo điện trương hình Ghosn với hàng chữ “Tất cả chúng ta đều là Carlos Ghosn”, ý là người con của dân tộc đang bị Nhật giữ làm con tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận