Vụ nổ Dòng phương Bắc: Vẫn đầy bí ẩn

TƯỜNG ANH 25/08/2024 07:07 GMT+7

TTCT - Cuối cùng, thủ phạm gây ra vụ nổ hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng phương Bắc 1 và 2 đã được truyền thông phương Tây xác quyết hôm 14-8: "một nhóm người Ukraine". Tuy nhiên, phía sau kết quả này là rất nhiều thuyết âm mưu ly kỳ.

Vụ nổ Dòng phương Bắc: Vẫn đầy bí ẩn - Ảnh 1.

Vụ nổ DPB tới nay vẫn đầy bí ẩn. Ảnh: Reuters

26-9-2022, 3 trong 4 đường ống của hệ thống dẫn khí đốt Dòng phương Bắc 1 và Dòng phương Bắc 2 (DPB) đi qua biển Baltic từ Nga đến Đức đã nổ tung, vô hiệu hóa tuyến đường ống từng giúp Đức nhận 30% lượng khí đốt của Nga. 

Vụ phá hoại thổi bay 20 tỉ euro đầu tư, tước đi khả năng của Nga tác động lên việc cung ứng khí đốt với các nước châu Âu ủng hộ Ukraine.

Cuộc tấn công cũng là đòn hiểm với Tập đoàn Gazprom, trụ cột của chính sách ngoại giao khí đốt của Điện Kremlin. 

Nhưng đồng thời, việc phá hủy DPB cũng là hành động gây chiến với cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của NATO, khiến nền kinh tế Đức lâm vào khó khăn, với mức tăng trưởng dự kiến chỉ 0,1% năm 2024. 

Cuộc tấn công DPB vì vậy trở thành một trong những hoạt động phá hoại có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử hiện đại.

Tại sao là Ukraine?

Ngay sau khi vụ phá hoại diễn ra, Ukraine đã chỉ tên Nga, trong khi Nga kịch liệt bác bỏ và khẳng định sự dính líu không chỉ của Mỹ, mà cả Anh, điều cả Washington lẫn London phủ nhận. 

Nga yêu cầu cho Matxcơva tham gia cuộc điều tra quốc tế, nhưng không được chấp nhận. Nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh cũng công bố kết quả điều tra của mình, khẳng định các vụ nổ được thực hiện theo lệnh của chính quyền Joe Biden, do Hoa Kỳ sợ mất ảnh hưởng ở châu Âu, trên hết là ở Đức.

Sau hơn hai năm điều tra, cuối cùng, vào 14-8, truyền thông phương Tây - như các tờ ARD, Sueddeutsche Zeitung và Die Zeit (Đức), cùng The Wall Street Journal (WSJ, Mỹ) - đồng loạt khơi lại đề tài này. 

Cụ thể, theo WSJ, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phê duyệt kế hoạch phá hoại, nhưng khi tình báo Mỹ phát hiện và ngăn chặn, quyết định đã được thu hồi. 

Tuy vậy, những người thừa hành vẫn bất tuân và cho nổ tung đường ống theo mệnh lệnh từ tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine lúc bấy giờ là Valery Zaluzhnyi.

Chính phần này của câu chuyện gây ra nhiều nghi ngờ nhất. Cổng thông tin Ukraine Strana.ua viết: "Thật khó tưởng tượng rằng tổng tư lệnh Zaluzhnyi (những người thân cận với Zaluzhnyi mô tả ông là người "cực kỳ thận trọng") lại quyết định bất tuân mệnh lệnh từ Zelensky. Đặc biệt nếu Washington yêu cầu điều đó". 

Thế nhưng dựa trên các báo đã nêu, có vẻ như tình báo Mỹ biết nhưng không thể ngăn chặn, châu Âu có thể biết hoặc không, nhưng mọi chuyện dường như không liên quan đến họ.

Vụ nổ Dòng phương Bắc: Vẫn đầy bí ẩn - Ảnh 2.

Cựu tổng tư lệnh Zaluzhnyi. Ảnh: Reuters

Về phía Ukraine, truyền thông chỉ trích người lãnh đạo quân đội nay đã chuyển sang công tác khác. "Thanh gươm Damocles vì vậy cứ treo lơ lửng. Và không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau 5 hoặc 15 năm nữa. Văn phòng Tổng công tố Ukraine cần phải làm việc với các đồng nghiệp Đức về vụ án", cổng thông tin Strana.ua viết.

Nhà khoa học chính trị Ba Lan Mateusz Piskorski trên tờ Tin tức (Nga) nói ông không loại trừ khả năng "chính quyền Đức quyết định bảo vệ các đối tác cấp cao ở Washington… Sự liên quan của Ukraine, Ba Lan hay một số cá nhân nói chung mà văn phòng công tố Đức chấp nhận, đơn giản là hoạt động thông tin nhằm che đậy thủ phạm (thực) của vụ tấn công khủng bố". 

Ông Piskorski cũng chỉ ra việc truyền thông Đức nói không có bằng chứng cho thấy nghi phạm có liên hệ trực tiếp với chế độ Kiev và đại diện cho lợi ích của các cơ quan đặc biệt Ukraine.

Như một số chính trị gia Đức đã nói trên báo chí Đức, hành động phá hoại cơ sở hạ tầng chiến lược có thể coi là tuyên chiến, và có thể là lý do để Đức kêu gọi các đồng minh NATO thực thi điều 5 về phòng thủ chung. 

Tuy nhiên, các chính trị gia này cũng nói rõ điều này không áp dụng cho Ukraine, bởi nước này và NATO hiện đang "ở cùng chiến hào". 

Hơn nữa, chính quyền Đức đã nói rõ bất kỳ kết quả nào của cuộc điều tra sẽ không dẫn đến sự thay đổi quan điểm của Berlin trong hỗ trợ Ukraine. Không chỉ thế, thông tin rằng thủ phạm vụ tấn công là Ukraine đã được giữ bí mật và bảo vệ chặt chẽ vì sợ "gây ra phản ứng chống Kiev trong công chúng Đức", theo The Spectator.

Vụ nổ Dòng phương Bắc: Vẫn đầy bí ẩn - Ảnh 3.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt DPB. Ảnh: Euroactiv

Tính thời điểm

Sau vụ phá hoại DPB, Đức, với tư cách một nạn nhân chính, đã bắt đầu điều tra vào tháng 10-2022. Đan Mạch và Thụy Điển cũng mở điều tra vì vụ nổ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. 

Tuy nhiên, vào đầu năm 2024, hai nước Bắc Âu khép lại điều tra, chỉ thừa nhận thực tế là có hành vi phá hoại mà không đưa ra kết luận về thủ phạm. Copenhagen nói họ không có thẩm quyền cần thiết để khởi tố hình sự, còn Stockholm kết luận không có ai để buộc tội.

Trong khi đó, Đức vẫn tiếp tục điều tra. Lý do, theo nhà khoa học chính trị Ruslan Bortnik nói trên Strana.ua, là các cổ đông Tây Âu của liên doanh DPB không cho phép văn phòng Tổng công tố Đức để vụ việc "chìm xuồng". 

"Nhiều vấn đề về thanh toán bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, tương lai của những đường ống này… đã phát sinh. Tôi nghĩ các công ty đầu tư xây dựng đường ống đã tác động, nên Đức không thể hành xử như Thụy Điển và Đan Mạch".

Cần nhắc rằng các cổ đông của tập đoàn được thành lập năm 2005 để thiết kế, xây dựng và vận hành DPB, ngoài Gazprom của Nga, còn bao gồm các công ty năng lượng Wintershall Dea và PEG Infrastruktur (Đức), công ty hạ tầng N.V. Nederlandse Gasunie (Hà Lan) và công ty năng lượng ENGIE (Pháp). 

Tháng 7-2024, Chính phủ Đức, đáp lại yêu cầu của nhóm đại biểu quốc hội thuộc đảng cánh hữu Alternative for Germany (AfD), tuyên bố sẽ không công khai kết quả điều tra tạm thời, đồng thời nói Berlin không thể nêu tên thủ phạm do thiếu "bằng chứng không thể chối cãi". Đồng thời, chính quyền Đức vẫn từ chối hợp tác với Nga.

Tờ Tin tức chỉ ra: thông tin về thủ phạm phá hoại DPB xuất hiện trên truyền thông vài ngày sau khi Ukraine tấn công Kursk. Trong những ngày đầu của cuộc tấn công, phương Tây từng nhấn mạnh hành động của Kiev khiến họ "hoàn toàn bất ngờ", nói rõ rằng việc tấn công Nga là của Kiev. 

Tính đến việc lệnh bắt giữ một trong những nghi phạm trong vụ đánh bom đường ống đã được ban hành vào tháng 6, có thể đặt câu hỏi: tại sao những tin tức quan trọng như vậy lại không được truyền thông đưa tin ngay khi đó? 

Giờ đây, thông tin về việc Ukraine liên quan đến cuộc tấn công khủng bố DPB "rất khớp với thảo luận về sự tùy tiện của Kiev và sự độc lập của nước này trong mối quan hệ với các đối tác phương Tây".

Vụ nổ Dòng phương Bắc: Vẫn đầy bí ẩn - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters

Nhà khoa học chính trị người Hungary Gabor Stier bình luận trên báo Tin tức: 

"Một mặt, điều này có thể cho thấy Ukraine thực sự là lực lượng có khả năng thực hiện các hoạt động phức tạp như phá hủy đường ống dẫn khí đốt và đột phá khu vực Kursk. Nhưng điều này cũng có thể được sử dụng như công cụ để kiềm chế Ukraine, để nói với nước này vào đúng thời điểm rằng họ "đang làm không đúng những gì cần làm"". 

Ông nhấn mạnh những cáo buộc như vậy luôn có thể được sử dụng trong tương lai để gây áp lực với Kiev khi đàm phán với Nga.■

Theo WSJ, ý tưởng cho nổ DPB ra đời "trong một tiệc rượu say sưa của các quân nhân và doanh nhân Ukraine vào tháng 5-2022".

Các doanh nhân đã đồng ý tài trợ 300.000 USD cho dự án do một vị tướng có kinh nghiệm trong các chiến dịch đặc biệt tiến hành, và ông ta sẽ báo cáo trực tiếp với Zaluzhnyi. Hoạt động phá hoại do một nhóm sáu người Ukraine thực hiện.

Du thuyền Andromeda được sử dụng để vận chuyển thiết bị và chất nổ. Các thợ lặn đặt chất nổ ở độ sâu 80m. Con tàu rong ruổi hơn hai tuần trong tháng 9-2022 tại khu vực xảy ra vụ nổ, sau đó quay trở lại cảng Ba Lan.

Các phương tiện truyền thông nêu tên ba người mà Đức nghi ngờ có liên quan trực tiếp: Vladimir Zhuravlev, hai vợ chồng Evgeniy và Svetlana Uspenskye. Trò chuyện với báo giới, Svetlana phủ nhận việc tham gia chiến dịch và quen biết Zhuravlev, mặc dù báo chí đã tìm thấy "xác nhận gián tiếp". Zhuravlev sống ở Ba Lan một thời gian sau vụ việc.

Cảng Kolobrzeg (Ba Lan) được sử dụng làm căn cứ hậu cần, toàn bộ cảng được giám sát bằng video. Tuy nhiên, các quan chức Ba Lan khi bắt đầu cuộc điều tra đã từ chối giao video an ninh của cảng.

Năm 2024, họ nói với các đồng nghiệp người Đức rằng hồ sơ đã bị hủy ngay sau khi du thuyền Andromeda rời đi. Cơ quan an ninh nội bộ Ba Lan lại nói với WSJ rằng không có hồ sơ nào như vậy tồn tại.

Trong cuộc trò chuyện với truyền thông, Zhuravlev phủ nhận có liên quan. Văn phòng Tổng công tố Đức đã đưa Zhuravlev vào danh sách truy nã; nhưng chưa có lệnh truy nã nào với gia đình Uspenskye.

Sau khi WSJ đăng bài, cố vấn Văn phòng tổng thống Ukraine, Mikhail Podolyak, phủ nhận sự liên quan của Kiev. "Hành động như vậy chỉ có thể được thực hiện với nguồn lực tài chính và kỹ thuật dồi dào... Và ai đã có tất cả những thứ này vào thời điểm xảy ra vụ nổ? Chỉ có Nga thôi", Reuters dẫn lời ông Podolyak.

Nga cũng bác bỏ kết quả điều tra. Kênh 1 truyền hình Nga nhận định: 2 tấn thuốc nổ đã được sử dụng trong khi không thể nào đặt hết số hàng này lên một du thuyền nhỏ như vậy. Nga tin rằng chỉ có các cơ quan tầm cỡ quốc gia mới thực hiện được vụ phá hoại ở độ sâu lớn, với loại thuốc nổ đặc biệt và kỹ năng đặc biệt như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận