VŨ THÀNH AN - Mỗi bài hát là một câu chuyện tình:  Những bài không tên tặng em (Kỳ 1)

VŨ THÀNH AN 20/07/2017 17:07 GMT+7

TTCT - Tác giả của những bài Không tên làm say đắm lòng người sẽ lần đầu tiên hé lộ với bạn đọc những câu chuyện tình. “Đã đến lúc có thể kể lại tất cả” - ông nói vậy.

Vũ Thành An  -Ảnh: NVCC
Vũ Thành An -Ảnh: NVCC

 Nhưng Vũ Thành An có nhiều bài hát Không tên, sau từng bài hát lại có một câu chuyện, một bóng hình thiếu nữ. Những người đã đến rồi đi trong cuộc đời ông nhiều thăng trầm dông gió. Chỉ còn mối tình mang theo...

Nhớ đến ai, và ai hát, những tình ca u sầu, day dứt khôn nguôi...Những bài Không tên “vì muốn giấu tên người tình”, ngày xưa Vũ Thành An giải thích vậy. Nhưng sau mấy mươi năm, giờ kể lại ông vẫn chỉ gọi đó là “chuyện tình không tên”.

Dù hầu như mỗi bài Không tên đều gắn với một người cụ thể, một tâm tình rất riêng biệt thì với tác giả, họ đều được ông dịu dàng gọi là Em - một Em viết hoa, cũng không tên, thế thôi.

“Bây giờ các bạn đó đang sống bình yên” - ông nói vậy, nên viết rõ tên rõ tuổi một người có thể gây xáo trộn ít nhiều đến đời sống gia đình của người đã đi qua cuộc đời mình, là điều ông không muốn. Người nghệ sĩ nổi danh đã phải nhiều cân nhắc, đắn đo...

Để rồi, câu chuyện tình sau từng bài hát sẽ được ông kể lại dưới hình thức những tình thư “gửi cho từng người bạn có liên quan”.

Mỗi tình thư đều bắt đầu bằng ba chữ: Em yêu dấu! Em yêu dấu! Chỉ vậy thôi, mà bao nhớ thương âu yếm dội về...

Em yêu dấu,

Em từng hỏi anh: “Nguyên do nào khiến anh bước chân vào con đường nghệ thuật và tại sao anh viết ra những bản tình ca buồn đến thế?”.

Để trả lời câu hỏi của Em, anh xin nói thế này: “Anh nghĩ đó chính là tặng phẩm quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho anh!”. Anh không hề theo học ở trường âm nhạc chuyên nghiệp nào.

Gia đình anh cũng không phải gia đình làm nghệ thuật. Ông nội anh chỉ là một nông dân chất phác. Cậu anh (ở nhà anh gọi bố mẹ là cậu mợ) cũng không phải nghệ sĩ nhưng ông rất yêu nghệ thuật.

Ông biết làm thơ và đặc biệt rất mê âm nhạc. Giọng hát làm mê hoặc ông chính là của ca sĩ Thanh Thúy. Do vậy, khi anh chưa được 10 tuổi, ông đã mua cho anh cây đàn mandolin và anh đã mò mẫm tự học chơi chiếc đàn này từ hồi đó.

Gõ cửa nhà thần tượng

Khi còn nhỏ, tên anh là Vũ Thành. Đến khi vào Nam năm 1954, cậu anh đi làm giấy khai sinh lại và đã thêm vào chữ An. Sở dĩ ông đặt như thế là vì ông muốn tên anh có thể đứng đầu trong mọi danh sách.

Ông bảo: “Nếu con đi thi thì cậu muốn được nghe tên con đầu tiên khi công bố kết quả!”. Cậu anh cũng muốn có con trai làm nghệ thuật nên ông đã đặt tên cho cậu em trai kế anh là Vũ Xuân Bính.

Em có biết vì sao là Xuân Bính không? Xuân Bính là ghép từ Xuân Diệu và Nguyễn Bính (vì ông rất mê thơ của hai nhà thơ này).

Cậu anh ở trong quân ngũ nên thường xuyên phải xa nhà. Nhưng ông luôn mang theo quân trang một máy radio đèn điện tử hiệu Philips do Hà Lan sản xuất để nghe nhạc trên sóng phát thanh. Về sau này ông còn dùng thêm máy cassette băng từ để nghe nhạc nữa.

Hôm nào anh đi học về, chưa vào nhà mà nghe tiếng nhạc mở lớn từ bên trong vọng ra và đặc biệt là nghe giọng hát liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy thì anh biết ngay là cậu anh được về phép thăm nhà. Những hôm ấy nhà thật vui, thật hạnh phúc.

Không chỉ cậu anh thích giọng hát của ca sĩ Thanh Thúy mà hồi đó anh cũng rất mê Thanh Thúy. Tuy nhiên anh may mắn hơn những người khác, cũng có thể nói là “liều” hơn người khác là anh đã dám đến gõ cửa nhà thần tượng của mình để xin được gặp.

Năm 1960, ca sĩ Thanh Thúy đã là giọng hát ăn khách tại các phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi đó anh chỉ là cậu học trò 17 tuổi, mà lại dám đến gõ cửa nhà cô (lúc đó ở đường Cao Thắng) chỉ để tặng những ca khúc đơn sơ của mình.

Vậy mà chị Thúy cũng vui vẻ tiếp và nhận những bản thảo của anh cho dù chị chưa bao giờ hát. Dẫu vậy, anh rất quý đức tính khiêm nhượng và sự bình dị của chị. Nổi tiếng nhưng không xa cách với mọi người.

Và thật may mắn, sau này anh có dịp mời được ca sĩ Thanh Thúy cộng tác với anh trong các chương trình âm nhạc do anh thực hiện.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

 Lệ Thu, Thanh Thúy và ly trà đường

Đến năm 1965, anh đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng bài hát Tình khúc thứ nhất, lời thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát này đã được chính anh Toàn hát lần đầu tiên trong chương trình Văn học nghệ thuật của Đài phát thanh Sài Gòn, khi ấy nhạc sĩ Nhật Bằng là người đệm đàn guitar.

Bài hát đã được nhiều người thích ngay từ lần đầu tiên được phát thanh qua làn sóng điện. Sau đó anh Toàn đã bàn với anh là cùng nhau làm chương trình Nhạc chủ đề và phân công trách nhiệm.

Anh Toàn chịu trách nhiệm viết lời giới thiệu, còn anh đứng tên trưởng ban, có trách nhiệm mời ca sĩ, nhạc sĩ và điều hành việc thu âm chương trình cũng như làm bảng trả thù lao cho các anh em ca sĩ, nhạc sĩ tham gia.

Thù lao khi đó có thể gọi là khá lớn, mỗi lần thu thanh ca sĩ và nhạc sĩ được trả như nhau là 200 đồng (lúc đó một tô phở giá 10 đồng).

Ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên hát Tình khúc thứ nhất trên chương trình Nhạc chủ đề với phần đệm piano phóng túng của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (lúc đó ông đang là giám đốc Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn).

Giờ nhớ lại buổi thu âm hôm ấy, anh vẫn còn cảm nhận được sự xuất thần của ca sĩ Lệ Thu khi hát bài này. Chỉ với một lần thu âm duy nhất, Lệ Thu đã xuất sắc thể hiện được chất phiêu lãng của ca khúc bằng phong cách riêng rất độc đáo.

Chương trình Nhạc chủ đề được thu thanh vào trưa thứ hai hằng tuần để phát vào lúc 10h15 mỗi tối thứ sáu và phát lại vào 1h đêm chủ nhật.

Giữa năm 1965, anh có dịp lên Đà Lạt chơi và đã được nghe dòng nhạc tuyệt vời của một nhạc sĩ trẻ. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi đó anh Sơn đang sống tại thành phố thơ mộng này. Khi trở về Sài Gòn, anh đã bàn bạc với mọi người trong chương trình.

Sau đó, các anh đã liên tiếp giới thiệu các ca khúc Da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hai chương trình Nhạc chủ đề.

Anh còn nhớ một cảm giác thảng thốt khi nghe ca khúc Ca dao mẹ trong khi thu âm chương trình. Có thể nói sau khi phát thanh chương trình, nhiều thính giả tiếp nhận ca khúc Da vàng với thái độ khá rụt rè. Nhưng sau đó, Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng rất nhanh chóng như Em biết.

Cuối năm 1965, anh có dịp mời ca sĩ Thanh Thúy tham gia chương trình. Sau khi thu thanh xong cả nhóm đi ra quán trà gần đài phát thanh để giải khát. Anh gọi ly Hồng trà, bất ngờ thay, Thanh Thúy đã múc một thìa đường cho vào ly và khuấy cho anh.

Một cử chỉ rất thân thiện tự nhiên nhưng làm anh rất cảm động và nhớ mãi. Thần tượng của thời tuổi trẻ đã khuấy đường cho ly trà của mình.

Năm 1966, các anh tổ chức kỷ niệm một năm chương trình Nhạc chủ đề. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà hàng Ánh Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) sát đường ray xe lửa, chuyên bán bò bảy món.

Hôm ấy anh nhờ được ca sĩ Duy Trác lái chiếc xe Lambretta đi đón cậu anh đến cùng tham dự. Anh đã xếp chỗ cho ông được ngồi gần ngay thần tượng của mình là ca sĩ Thanh Thúy.

Anh nghĩ chắc hôm ấy ông vui lắm. Bây giờ ông đã lên Trời và chắc đang đợi anh nơi ấy. (Lúc đó anh mới 22 tuổi và cậu anh 44 tuổi).

a
 

 Cảm ơn tình yêu

Em yêu dấu,

Đến giữa năm 1968, anh may mắn được trở lại Đài phát thanh Sài Gòn làm việc. Bên cạnh đó, anh tiếp tục học và hoàn thành chương trình cử nhân luật tại Luật khoa Sài Gòn.

Lúc này anh đã hoàn thành bài Không tên số 2 và đang tìm ca sĩ để giới thiệu ca khúc này. Anh đã nghĩ đến nhiều người trong đó có ca sĩ Lệ Thu. Rồi bất chợt anh nhớ đến Thanh Lan.

Thật ra, anh đã để ý Thanh Lan từ năm 1965 hoặc năm 1966, khoảng đó. Lần ấy, Thanh Lan hát trong một buổi trình diễn của Đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống của Nghiêm Phú Phát (em nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi) tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó.

Do vậy, anh đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên và giới thiệu bài Không tên số 2 trên sóng phát thanh của Đài phát thanh Quân đội trong chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969.

Bài Không tên số 2 với tiếng hát trẻ trung của Thanh Lan đã được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt. Thế là anh mạnh dạn giới thiệu những bài Không tên kế tiếp (bài Không tên số 4, số 6...) cho đến tất cả 10 bài Không tên trong các chương trình sau đó.

Vậy là anh đã hoàn tất tuyển tập Những bài không tên - nhạc và lời Vũ Thành An, vào năm 1970. Sau đó ấn phẩm Những bài không tên đã ra mắt mọi người do Hiện Đại tổng phát hành (44/5 Công Lý - nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Sài Gòn).

Anh cảm ơn tạo hóa đã ban tặng tặng phẩm quý giá cho anh.

Anh cảm ơn Em đã cho anh những cảm xúc mạnh mẽ từ tình yêu chân thật để anh viết nên những bài tình ca này!■

Kì 2: Tình vui trong phút giây thôi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận