World Cup có chỗ cho nhà nghèo?

HUY ĐĂNG 07/07/2018 17:07 GMT+7

TTCT - World Cup 2018 trở thành giải đấu đáng buồn nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi: không đội nào trong 5 đại diện của lục địa đen vượt qua được vòng bảng.

Có rất ít CĐV Senegal đến sân cổ vũ đội nhà. Ảnh: H.Đ.
Có rất ít CĐV Senegal đến sân cổ vũ đội nhà. Ảnh: H.Đ.

 

Bị ép uổng?

Lần gần nhất điều tương tự xảy đến với châu Phi là ở World Cup 1982, nhưng khi đó họ chỉ mới có 2 đại diện tham dự là Algeria và Cameroon. Sau hơn 3 thập niên kể từ đó, các đội tuyển châu Phi ngày càng được đánh giá cao. World Cup 2018 cũng vậy, Ai Cập có Mohamed Salah, Senegal có Sadio Mane, Nigeria có Victor Moses, Morocco có một loạt hảo thủ như Mehdi Benatia, Achraf Hakimi... nhưng rồi không một đội nào lọt nổi vào top 16. Có phải vì họ đá dở?

Kết thúc lượt trận cuối của bảng H, cả thế giới bóng đá tranh cãi dữ dội về câu chuyện “đá ma” 15 phút cuối trận Ba Lan - Nhật Bản, qua đó Nhật bảo toàn tỉ số lẫn chỉ số fair-play để vượt mặt Senegal giành vé vào vòng 16 đội. Senegal đã bị loại tức tưởi.

Nhưng dư luận còn bỏ quên một chi tiết khác: tình huống VAR đảo ngược quyết định thổi phạt đền cho Senegal của trọng tài Milorad Mazic. Ban đầu ông Mazic đã chỉ tay vào chấm phạt đền khi Mane bị Davinson Sanchez đốn ngã trong vòng cấm, nhưng sau khi tham khảo VAR, quyết định này được rút lại. Rất nhiều chuyên gia khẳng định đó phải là một quả phạt đền.

Những gì diễn ra với Senegal y hệt câu chuyện của Nigeria, cũng bị VAR từ chối một quả phạt đền trong trận kịch chiến quyết định với Argentina. Và trước đó nữa là Morocco, đội bóng 2 lần bị VAR “ngó lơ” với những pha phạm lỗi trong vòng cấm của Bồ Đào Nha.

Các đội châu Phi gặp hết xui xẻo này đến xui xẻo khác, và phần đông liên quan đến trọng tài. Ai Cập, khi đã bị loại thậm chí còn bị thổi đến 2 quả phạt đền trong trận cuối cùng gặp Saudi Arabia. Đều là những tình huống gây tranh cãi nhưng không thấy VAR xuất hiện bênh vực họ, như đã từng với những đội lớn hơn là Argentina hay Colombia.

Những đội châu Phi chơi không hề dở ở World Cup 2018. Morocco, Senegal và Nigeria thậm chí còn chơi đôi công trong tất cả các trận, dù đối thủ của họ là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Colombia hay Argentina. Tunisia cũng suýt cầm hòa tuyển Anh, ghi được 2 bàn vào lưới Bỉ. Nhưng số phận đã không chọn họ, hay đúng hơn, phải nói là FIFA không chọn họ?

Một thuyết âm mưu

Thuyết âm mưu, không phải hoàn toàn vô căn cứ, nói rằng với ban tổ chức và FIFA, Nigeria không được ưu ái như Argentina cho một suất ở vòng 16 đội, bởi giá trị thương hiệu tương ứng của họ và lượng người hâm mộ với họ cả ở Nga lẫn qua truyền hình.

5 đội bóng châu Phi đều đến từ những quốc gia nghèo nhất góp mặt ở World Cup 2018. Trên bảng xếp hạng GDP đầu người, vị trí của Tunisia là 119, rồi đến Morocco (123), Ai Cập (131), Nigeria (137) và Senegal (158).

Quốc gia có thứ hạng thấp tiếp theo là Iran, hạng 94. Người hâm mộ châu Phi vẫn còn khoảng cách so với phần còn lại của World Cup. Họ ở trong nhóm những đội bóng ít CĐV đến sân nhất tại Nga. Trận Ba Lan - Senegal ghi nhận lượng CĐV thấp kỷ lục của một quốc gia góp mặt tại World Cup: chỉ có khoảng 500 CĐV Senegal trên khán đài.

Bên ngoài sân, khoảng 300 CĐV không có vé tụ tập cổ vũ cho Mane và đồng đội, phần nhiều không phải du khách, mà là người lao động sống ở Nga. Trong khi đó, đối thủ của Senegal ở trận đấu cuối cùng, Colombia, là 1 trong 5 đội tuyển có lượng CĐV sang Nga đông nhất, khoảng 50.000-70.000 người. Cặp Nigeria - Argentina cũng tương quan tương tự. Trong trận đấu giữa hai đội tại Petersburg, tỉ số CĐV là 6.000 - 30.000.

Còn về thương hiệu đội bóng? Anastasia, nhân viên bán hàng ở quầy đồ lưu niệm chính thức của FIFA tại khu Fan Fest Đồi Chim Sẻ (Moscow), cho biết các mặt hàng in logo những đội bóng châu Phi thực sự rất “ế”: “Sau mỗi ngày, chúng tôi hầu như phải nhập lại hàng in logo các nước Brazil, Argentina, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, khoảng một tuần đáo hàng một lần. Còn hàng của các đội châu Phi bán không đáng kể, chỉ có Ai Cập và Morocco là còn tương đối bán chạy; Senegal, Tunisia và Nigeria hầu như chẳng ai mua”.

Châu Phi tuy cũng có một số ngôi sao nhưng không có những đội tuyển thương hiệu. Salah và Mane chỉ vươn đến tầm cỡ siêu sao nhờ Liverpool chứ không phải Ai Cập hay Senegal. Điều tương tự cũng đúng với Moses của Chelsea, Benatia của Juventus... Nhật Bản có thể không sở hữu một cái tên nào tầm cỡ như thế nhưng thương hiệu của họ rất lớn. Đông đảo người hâm mộ châu Âu lẫn Nam Mỹ vẫn xếp hàng để mua một chiếc áo đấu tuyển Nhật.

Người hâm mộ thì không tiền, không thúc đẩy du lịch, đội bóng lại không tạo ra những hiệu ứng kinh doanh, hiển nhiên FIFA không có gì phải tiếc nuối khi các đội bóng châu Phi bị loại.■

Cả châu Phi chỉ bằng Colombia

Thống kê của ban tổ chức cho thấy chưa đầy 100.000 CĐV châu Phi đến Nga mùa hè này, nhiều nhất là Ai Cập, khoảng 20.000 người. Tổng lượng CĐV của toàn châu Phi chỉ tương đương với từng quốc gia như Colombia, Mexico hoặc Argentina. Đó là chưa kể CĐV châu Phi ở lại Nga cũng không lâu. Phần đông các CĐV Morocco hay Ai Cập đến Nga xem 1-2 trận của đội nhà rồi về.

Trái lại, những CĐV Nam Mỹ (châu Âu thì khỏi nói) nhiều người đặt khách sạn cả tháng trời. Hàng ngàn CĐV Peru chẳng hạn, vẫn tiếp tục ở lại Nga để du lịch và xem các trận đấu khác sau khi đội tuyển nước nhà bị loại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận