Xây dựng đô thị tương lai: Tìm đến nguyên liệu ánh sáng

HUNGTHUAT 27/02/2014 02:02 GMT+7

TTO - Theo nghiên cứu về thực trạng của các thành phố lớn trên thế giới do Liên Hiệp Quốc thực hiện, đến năm 2030, 60% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra rất nhanh.

Ánh sáng đánh thức
Một nơi sống đẹp

Đường Bạch Đằng của Đà Nẵng về đêm - Ảnh: Hồ Xuân Bổn

Việc xây dựng một môi trường sống chất lượng cao cho 45 triệu cư dân đô thị, tương đương 40% dân số nhưng đóng góp đến 70% GDP cả nước (dự báo đến năm 2020 của Bộ Xây dựng) là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Những đô thị đáng sống

Dự án chiếu sáng cầu Rồng tại Đà Nẵng là công trình chiếu sáng đầu tiên của Việt Nam do người Việt Nam thiết kế (TS.KTS Trần Văn Thành, giám đốc thiết kế ASA Lighting Design Studios) lọt vào vòng chung kết hai giải thưởng tôn vinh các công trình được chiếu sáng xuất sắc nhất thế giới. Đây là hai giải thưởng lớn về chuyên ngành chiếu sáng tại Anh là FX Design Award 2013 và Lighting Design Awards 2014.

Điều này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các đô thị chú ý ngày càng nhiều đến việc xây dựng “thương hiệu” (City Branding), cạnh tranh để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, các nhà đầu tư, tài năng thế giới đến sống và làm việc.

Những danh hiệu “thành phố đáng sống”, “đô thị sống tốt”, “đô thị bền vững” được khao khát hơn bao giờ hết. Và do vậy, đời sống đô thị cũng đang biến đổi với những yêu cầu cao hơn cả về chất lượng và số lượng, không gian và thời gian, với những tiếp cận mới mẻ hơn như việc xây dựng hình ảnh của đô thị về đêm để có một chốn sống tốt cả đêm lẫn ngày.

Ở các thành phố lớn như New York, London, Tokyo, Hong Kong, cuộc sống đô thị sôi động suốt 24 giờ trong 7 ngày. Khoảng thời gian từ 17g chiều đến 21g đêm là cao điểm của các hoạt động thương mại xã hội. Ở Singapore, các cửa hàng thời trang mở cửa đến 22g đêm. Ở Hong Kong, các khu phố mua sắm lúc 1g-2g sáng vẫn còn rất đông người.

Đêm xuống, ánh sáng dẫn dắt cuộc sống, đô thị một lần nữa hiện lên như một tập hợp những điểm sáng của các tòa nhà, công trình. Màn đêm chính là tấm toan, ánh sáng chính là bột màu, những người thiết kế đô thị ngày nay nhận lấy may mắn trở thành nghệ sĩ với cơ hội “vẽ lên” những đô thị đêm đặc sắc, khác lạ với chính nó trong ánh sáng ngày.

Từ đây, ta có những khái niệm được ưa chuộng tiếp theo: “thành phố ánh sáng”, “điểm đến ánh sáng”, “điểm nhấn ánh sáng” khi các chính quyền nghĩ về việc đưa nó thành các lợi thế “thương hiệu” của mình.

Trong đô thị, ánh sáng và âm thanh là hai yếu tố không bị giới hạn bởi không gian. Một công trình đô thị được chiếu sáng đẹp có thể được nhìn thấy từ rất xa. Một ý tưởng, thông điệp hay nội dung của ý tưởng công trình đô thị chiếu sáng có thể chuyển tải đến được rất nhiều người cùng lúc ở những vị trí khác nhau.

Tòa nhà Empire State ở New York là ví dụ, phần đỉnh của tòa nhà được chiếu sáng thay đổi theo từng sự kiện hay thông điệp của cả thành phố và quốc tế, thành “điểm tham chiếu đô thị” của New York trong những sự kiện lớn. Ngoài ra, chiếu sáng đô thị còn giúp chuyển tải cảm xúc, thông điệp giữa các cư dân đô thị, giữa cư dân đô thị và du khách, và ở tầm rộng hơn, thông điệp và cả nét văn hóa của thành phố muốn chuyển tải ra thế giới.

Công trình chiếu sáng cầu Rồng - “điểm đến ánh sáng” hấp dẫn của Đà Nẵng - Ảnh: Minh Phúc

Câu chuyện riêng của Đà Nẵng

Có lẽ thành phố này là nơi đầu tiên ở Việt Nam có những thành công ban đầu trong việc sử dụng ánh sáng xây dựng “thương hiệu” riêng, trên đường trở thành “điểm đến ánh sáng” của Việt Nam và khu vực, kết nối cộng đồng trong một không gian sống tốt hơn. Nhưng tất cả mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Chiếu sáng đô thị của Đà Nẵng chỉ mới tạo ra các “điểm nhấn” đô thị về đêm hơn là “điểm đến” đô thị về đêm. Để trở thành “điểm đến ánh sáng” thì ánh sáng đô thị không chỉ phục vụ mục đích “nhìn và ngắm” mà còn phải “dùng” được, phải là một phần của các sinh hoạt người dân.

Người dân có nhu cầu tập thể thao trong những công viên được chiếu sáng tốt, đi dạo dọc bờ sông buổi chiều theo những con đường được thiết kế chiếu sáng chú ý cho người đi bộ chứ không phải kiểu chiếu sáng hạ tầng cho xe cơ giới. Du khách muốn được dạo chơi trong các khu chợ đêm không chỉ an toàn mà còn trong một không gian cuốn hút. Các không gian đô thị đêm không chỉ “đẹp” mà còn phải “tiện nghi” phục vụ người dân và du khách.

Vì vậy, xây dựng “quy hoạch đô thị đêm” là một trong những việc rất cần. “Thành phố ánh sáng” không chỉ cần nhiều công trình chiếu sáng đẹp, mà các công trình này có sự hài hòa với nhau trong tổng thể cảnh quan đô thị chung.

Theo kinh nghiệm các đô thị ánh sáng thành công trên thế giới, chính quyền thành phố thành lập các bộ phận chuyên môn cố vấn, giúp thẩm định các thiết kế chiếu sáng công trình có ảnh hưởng cảnh quan đô thị, xây dựng định hướng, cơ chế quản lý, hướng dẫn về việc chiếu sáng các công trình trên địa bàn thành phố theo quy hoạch chiếu sáng chung, hài hòa, tiết kiệm.

Ở các đô thị lớn trên thế giới, trong hội đồng quy hoạch thành phố có sự tham gia của chuyên gia chiếu sáng, đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển các hoạt động sinh hoạt lành mạnh về đêm, xây dựng thêm nhiều “điểm nhấn” và “điểm đến” đô thị đêm đẹp.

Trong một đô thị đêm có bản sắc, ánh sáng là một nguyên liệu hữu hiệu. Về lâu dài, các thành phố khác ở Việt Nam cần xây dựng cho mình những chiến lược và kế hoạch phù hợp để phát triển thành công những đô thị có bản sắc, “sống tốt” cả ngày và đêm.

TS TRẦN VĂN THÀNH

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng là người được giao trọng trách trong khâu thiết kế mỹ thuật của cầu Rồng với đề bài rất khó từ chính quyền: “thực hiện con rồng bằng kỹ nghệ điêu khắc thép”. Ông cho hay đã mất đến 210 ngày nghiên cứu qua 10 phác thảo, mất 60 ngày triển khai kỹ thuật kết cấu chịu lực, 90 ngày thể hiện tại hai xưởng... để tạo ra đầu rồng nặng 45 tấn, đuôi rồng nặng 30 tấn, đầu rồng có thể phun nước hoặc phun lửa.

Đêm, cầu Rồng được thắp sáng với hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh, có thể chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội. Công trình này đã được Hiệp hội các công ty kỹ thuật New York (ACEC New York) trao giải kim cương trong danh mục các giải thưởng về hệ thống kết cấu.

Cầu Rồng có chiều dài toàn cầu 666m, rộng 6m, được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng. Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, tổng trọng lượng vòm thép để tạo dáng rồng bay là 1.063 tấn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận