Xem SEA Games, nghĩ về khoa học nước nhà

GS PHẠM DUY HIỂN 27/11/2011 19:11 GMT+7

TTCT - Hơn mười năm trước, thể thao nước mình còn lẹt đẹt lắm, luôn đội sổ sau năm nước ASEAN. Thế mà mấy năm nay ta đã qua mặt Malaysia, Singapore, Philippines để sánh vai với Thái Lan và Indonesia.

Dù còn yếu kém và bất cập, nhất là các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng chuyền... chưa bứt phá lên được, dù thể thao Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á, song cứ đà này sẽ ngày càng nhiều vận động viên Việt Nam tiến lên các đấu trường quốc tế danh giá hơn mang theo màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Phóng to
Dù bị trọng tài ép suốt trận, đô vật Cấn Tất Dự (trái) vẫn đè được đối thủ chủ nhà để đoạt HCV SEA Games 26 - Ảnh: Chí Bảo

Thành công này trước hết thể hiện tinh thần tự cường dân tộc. Chúng ta sẵn sàng vươn tới những sân chơi và chuẩn mực quốc tế cao hơn mình rất nhiều để qua đó cọ xát, biết từng vận động viên của mình đang ở thứ hạng nào trên thế giới mà phấn đấu vươn lên. Thể thao đã cho ta bài học mở toang cánh cửa ra bên ngoài để đất nước phát triển lành mạnh.

Nhưng nhìn các vận động viên Việt Nam hiên ngang tranh tài với đồng nghiệp các nước, ta không khỏi chạnh lòng nghĩ đến hiện trạng khoa học và đại học nước nhà. Cùng là người Việt Nam, sao giới khoa học lại khác các vận động viên trẻ tuổi, chỉ quanh quẩn với nhau ở sân nhà, chơi theo cách riêng của mình?

Trong khoa học không có các đấu trường để phân biệt vô địch với á quân, để xếp thứ hạng các hạt giống, nhưng lại có các diễn đàn quốc tế. Ở đó nhà khoa học trưng bày các kết quả nghiên cứu của mình và tranh luận với đồng nghiệp để tìm ra chân lý. Đó là các hội thảo khoa học chuyên sâu và ngót một vạn tạp chí uy tín thuộc hàng trăm chuyên ngành khác nhau từ khoa học tự nhiên, công nghệ đến xã hội và nghệ thuật, nhân văn.

Không một lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo nào lại thiếu các tạp chí học thuật đỉnh cao. Không một nhà nghiên cứu nào trên thế giới lại thiếu niềm khao khát có tên mình trong đó. Chúng lại được xếp hạng theo những tiêu chí minh bạch, dựa theo đó nhà khoa học có thể lượng định xem mình nên có mặt ở đâu thì vừa sức, biết những công trình của mình có giá trị đến đâu dưới con mắt các đồng nghiệp năm châu. Lọt vào đây chính là cách để lấy được dấu chất lượng nghiên cứu khoa học chính xác nhất.

Những cơ sở dữ liệu về công bố quốc tế nói trên hiện rất phổ cập. Chỉ cần vài cái nhấp chuột trên Google, ta có thể biết ngay nhà khoa học Việt Nam nào có bao nhiêu công bố quốc tế trong vòng vài chục năm gần đây, mỗi công trình được bao nhiêu người sử dụng. Với những nơi thanh thiên bạch nhật như thế, liệu còn ai nghĩ đến chuyện làm tù mù nền khoa học nước nhà bằng những trò ảo thuật?

Tiếc rằng mãi đến gần đây chúng ta mới chỉ nhìn nhận công bố quốc tế là tiêu chí để đánh giá chất lượng các nghiên cứu cơ bản vốn chiếm chưa đầy 5% về nhân lực và kinh phí hoạt động khoa học công nghệ cả nước. Đối với đại bộ phận còn lại, công bố quốc tế chưa được nhìn nhận như tiêu chí bảo đảm chất lượng. Mấy năm trước, Bộ Giáo dục - đào tạo có “dọa” bắt buộc tất cả luận án tiến sĩ phải kèm theo công bố quốc tế, nhưng bị phản đối mạnh nên việc này đã chìm trong quên lãng để lại nỗi thất vọng cho giới khoa học.

Người ta viện nhiều lý do để khước từ công bố quốc tế. Đâu đó có tiếng xì xầm “công bố quốc tế chỉ là chuyện của mấy vị nghiên cứu cơ bản (ý nói chẳng làm ra đồng tiền hạt gạo nào cho đất nước), chúng ta nghiên cứu ứng dụng việc gì phải phí thì giờ vô ích”! Vậy là ta cứ chơi theo kiểu của mình, có hội đồng đông người do bộ phận quản lý ngân sách dựng nên để phán xét chất lượng.

Gỡ bỏ chuẩn mực quốc tế trong khi bầu sữa ngân sách ngày càng phình lên chính là nguyên nhân bao nhiêu dự án, đề tài tiền tỉ thi nhau ra đời mà chẳng để lại mấy dấu vết cho khoa học công nghệ nước nhà. Có người làm giàu nhờ cách chơi này. Quan quyền nhấn chìm tinh hoa. Bằng dỏm, tệ nạn bịa kết quả nghiên cứu ngày càng lan tràn, người nghiên cứu nghiêm túc không có chỗ đứng. Thế hệ trẻ ngày càng xa lánh khoa học cũng dễ hiểu lắm!

Xin được nhắc lại một lần nữa nguyện vọng đã được nhiều người khẩn thiết nói ra nhiều lần. Đất nước ngót một trăm triệu dân này rất cần và có đủ điều kiện xây dựng một nền khoa học có vị thế trên thế giới. Thiếu nó, chúng ta sẽ không có giáo dục, văn hóa và dân trí, sẽ không định ra quyết sách đúng đắn để phát triển, sẽ không có công nghệ để sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt này. Xin đừng quên khoa học công nghệ đang kêu cứu. Hãy đặt nó vào phương trình tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận