Xóm vợt cào cào

NGỌC KHẢI - SƠN LÂM 12/02/2011 12:02 GMT+7

TTCT - Giữa trưa, hàng chục xe máy gắn lồng lớn nối đuôi nhau khởi hành từ hai ấp Cây Nính, Bàu Vừng (thuộc xã Phước Trạch, Gò Dầu, Tây Ninh) men theo quốc lộ 22 tỏa về các đồng cỏ Tây Ninh, Củ Chi (TP.HCM), Long An... săn cào cào. Đây là nghề mưu sinh của những gia đình không có ruộng đất canh tác.

Phóng to
Gia đình ông Nục quây quần quanh bóng đèn để lựa cào cào - Ảnh: Sơn Lâm

Trên đồng cỏ xanh mướt ven đường Cây Gõ (thuộc phường An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM), ông Trương Tấn Bửu (52 tuổi, ở ấp Cây Nính) cầm vợt nặng gần 3kg vừa quơ nhịp nhàng vừa nói: “Khoảng mười ngày tụi tui mới quay lại khu cỏ này một lần. Mùa mưa cào cào sinh sản nhiều lắm. Mùa nắng cào cào ít nên giá có nhỉnh hơn chút đỉnh”.

Nghề ngao du

Trên chiếc xe máy cũ kỹ vay 5 triệu đồng mua lúc mới hành nghề, ông Bửu rong ruổi khắp nơi. Bộ đồ nghề của thợ săn cào cào khá đơn giản: một xe máy, một chiếc thùng và một cây vợt. Dốc số cào cào vào túi lưới, ông cười: “Số tiền mua vợt và thùng đựng khoảng 300.000 đồng, còn chiếc xe vay mượn nay đã trả góp xong”. Mỗi trưa, ông cùng hai con trai quảy thùng xuống khu địa đạo nhưng phải đợi xế chiều mới bắt đầu quơ vợt. “Khi đó cào cào lên ăn sương nhiều, có khi cha con tui mải miết vợt đến trời tối mịt mới về, rồi lựa cào cào ra cũng phải đến 1g sáng mới xong việc” - ông giải thích.

Hơn 20 năm trong nghề, ông Phạm Văn Nục (56 tuổi) chia sẻ kinh nghiệm: “Trong xóm tôi nhiều người gắn bó cái nghiệp này hơn chục năm nay. Công việc mỗi ngày chỉ cần khoảng ba giờ. Có sức khỏe thôi chưa đủ, người làm nghề này cần siêng năng, khéo léo và am hiểu tính nết của cào cào. Khi trời mát mẻ, cào cào đất mới ngoi lên ngọn cỏ tìm thức ăn nên thời gian vợt phải là lúc chiều mát hoặc sáng sớm”.

Việc săn cào cào rộ lên ở xã Phước Trạch từ hơn mười năm trước. Ông Nục kể: “Hồi đó có một cặp vợ chồng từ Sài Gòn xuống đây bắt và thu gom cào cào, sau đó truyền nghề cho anh em ở đây. Thằng con tui thấy người ta quơ cào cào bán dễ quá, kêu vợ chồng tui đi mua sắt về làm vợt cho nó. Bữa đầu nó đem về được 11.000 đồng, hai vợ chồng mừng quá. Tôi thấy cũng dễ nên thôi làm mướn, chọn luôn nghề ngao du đây đó này”.

Đội săn cào cào thường tập trung tại quán cà phê ở ngã tư Phước Thạnh (Củ Chi, TP.HCM), sau đó tỏa ra nhiều hướng bắt đầu ngày mưu sinh. Anh Minh, một “tay vợt” có tay nghề cao, nói vui: “Vợ tôi giao chỉ tiêu chỉ 2kg cào cào mỗi ngày. Giờ mà có cuộc thi vợt cào cào nào là tôi đi thi liền à, thi nhanh mấy tôi cũng chơi!”. Tìm một đồng cỏ nhiều cào cào ngày càng khó khăn hơn, nhiều người phải sang tận Bình Dương, Long An... để kiếm “lãnh địa” mới. “Người lành nghề phải am hiểu từng vùng, từng chu kỳ sinh học của cào cào. Nếu không có kinh nghiệm coi như xôi hỏng bỏng không, có khi đi cả ngày đường không đủ bù lỗ tiền xăng xe. Nghề săn cào cào phải liên tục chinh phục những đồng cỏ mới” - anh Minh nói.

Những năm rộ lên dịch cúm gia cầm, chim chóc phải tiêu hủy, các “ấp cào cào” cũng lao đao theo. Giá cào cào lúc đó chỉ dao động dưới 20.000 đồng/kg, bà con trong ấp phải trở tay làm bất cứ việc gì xin được, từ phụ hồ, chặt mía thuê... “Giá cào cào thấp quá không đủ sống, anh em ai cũng kiếm việc khác. Nhưng chặt mía, phụ hồ gì thì mỗi người cũng đem theo đồ nghề săn cào cào để tranh thủ kiếm thêm dăm ba đồng. Làm nghề quen rồi, cứ thấy đồng cỏ và cào cào bay tán loạn là không chịu được” - ông Trương Tấn Lâm, nhà ở ấp Cây Nính, kể về thời kỳ khó khăn của nghề. Năm nay 46 tuổi mà ông Lâm trông già hơn tuổi nhiều. Tham gia chiến trường Campuchia đến năm 1991 trở về, không nghề nghiệp, ông Lâm theo luôn nghề vợt cào cào nuôi mẹ già và gia đình sáu miệng ăn từ đó đến nay. Con trai vừa đủ 16 tuổi hơn tháng nay cũng đã theo nghề vợt cào cào.

Phóng to
Ông Phạm Văn Nục đang hành nghề - Ảnh: Sơn Lâm

Thu nhập khá hơn đi làm thuê

Theo chân những người bắt cào cào về nhà thì trời đã tối mịt. “Nhà nào có ánh đèn là nhà đó theo nghề quơ cào cào. Cào cào được phân thành ba loại non, già và ngang. Hôm nay cũng phải được 2kg đó, trừ chi phí xăng xe, cà phê cũng kiếm chừng 200.000 đồng/ngày” - anh Phạm Hoài Giao, con ông Nục, niềm nở. Anh cho biết đặt bóng đèn tròn sát các thùng lưới sẽ dẫn dụ cào cào bu lên thành thùng, nhờ đó người ta mới lựa được.

Khu vực xã Phước Trạch có đến ba lái mua cào cào. Mỗi lái chuyển về Sài Gòn khoảng 20kg/ngày. Đa số các lái đều xuất thân từ nghề vợt cào cào. Ông Năm Dị (46 tuổi), đã có hai năm theo nghề lái và 15 năm trong nghề vợt cào cào, cho biết: “Mỗi đêm tôi thu gom cào cào của 15 người với khoảng 2 triệu đồng tiền vốn. Cứ 4-5g sáng tôi chở cào cào về An Sương cho các mối quen”. Các mối tiêu thụ của ông nằm rải rác khắp Sài Gòn, chủ yếu bán lại cho các đầu mối, các cửa hàng bán chim kiểng.

Cả nhà ông Nục quây quần quanh bóng đèn để lựa cào cào. Nghề này đã giúp ông nuôi được cả nhà, lập gia đình cho hai con trai. Ông tâm sự: “Dù có trúng số độc đắc chăng nữa, tôi vẫn coi đây là cái nghiệp mình mang theo đến lúc không còn sức”. Tối đến, em Phạm Hoài Phi phụ cha và các anh trong nhà phân loại cào cào. Bà Khoen, vợ ông Nục, góp lời: “Nó là thằng con út đang học lớp 9, ông nhà nói phải ráng quơ cào cào cho nó học hành tử tế”.

Nói chuyện theo nghề cào cào, cả ấp Cây Nính ai cũng kể về chị Huệ, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Dung. Năm nay 35 tuổi, chị là tay vợt chính nuôi chồng là anh Nhân bị bệnh đứt mạch máu phổi gần chục năm nay. Khuya nào trong căn nhà nhỏ vách đất cũng một hình ảnh: chị Huệ cùng chồng con vây quanh ánh đèn vàng, tẩn mẩn lựa số cào cào cả ngày chị bắt được để kịp giao cho lái mua. Ngồi giúp vợ xếp lại những túi nilông, cột lại bao cào cào mới lựa, anh Nhân nói: “Trước khi ngã bệnh, tôi thường cùng bà xã đi vợt cào cào. Đàn ông làm nghề này còn đỡ, đàn bà con gái đi vợt cào cào một mình ai cũng dòm ngó. Nhiều lúc nghĩ vợ phải trầm mình xuống những đồng cỏ ngập nước, bị ong đốt, rắn rít cắn, tôi không sao ngồi yên được”.

Dằn mạnh thùng cho cào cào rớt xuống, chị Huệ nói: “Mới đầu thân gái một mình cũng thấy ngại lắm, nhưng không đi không được”. Căn bệnh quái ác của chồng khiến chị phải gồng gánh thêm nỗi lo thuốc men và đành từ bỏ ước mơ tìm chữ cho con. Gần hai tháng nay, con gái chị phải ngưng đến trường để theo mẹ học nghề vợt cào cào.

Ông Nguyễn Văn Buôn, chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trạch, cho biết số người làm nghề vợt cào cào có xu hướng tăng. Người làm nghề này đa số không có ruộng đất canh tác, hoàn cảnh khó khăn. Họ bán cào cào cho các lái mua, một số người làm lâu năm đã tự tìm mối bán trực tiếp ở Sài Gòn. Ông Buôn cho biết: “Chúng tôi có tạo điều kiện để những người làm một số nghề sản xuất nông nghiệp (trồng nấm, rau mầm...), nhưng nhiều người vẫn chọn nghề vợt cào cào do đây là nghề mang lại thu nhập khá cao (khoảng 200.000 đồng/người/ngày), thậm chí cao gấp nhiều lần so với các nghề làm mướn. Vì đây là công việc phải di chuyển nhiều đồng cỏ, đồng lúa nên chúng tôi có khuyến cáo người hành nghề không vợt ở những nơi trồng lúa, tránh ảnh hưởng hoa màu của dân địa phương”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận