"Xốt hồng" chọc giận cộng đồng

XUÂN TÙNG 01/10/2022 05:43 GMT+7

TTCT - Tháng 8 vừa rồi, một loại nước xốt màu hồng chói mang tên Pink Sauce xuất hiện tràn ngập trên TikTok khu vực Bắc Mỹ. Thứ gia vị "nhà làm" này gây ồn ào nhờ hương vị thì ít, mà do các lùm xùm xung quanh tem nhãn, thành phần mập mờ, và thành phẩm bị ôi thiu khi đến tay người mua thì nhiều.

Xốt hồng chọc giận cộng đồng - Ảnh 1.

Chef Pii và món xốt thần thánh.

Câu chuyện Pink Sauce gợi nhắc đến các thảo luận chưa bao giờ hết nóng về thực phẩm "nhà làm" ở nước Mỹ. Một phía coi việc tự do mua bán đồ ăn "nhà làm" là một biểu hiện của tự do cá nhân, và đang tích cực vận động để hạn chế ảnh hưởng của chính quyền lên thị trường này. Tuy nhiên, việc thiếu quy định an toàn cũng đã và đang đặt người sản xuất - và cả người tiêu dùng - vào vòng nguy hiểm.

Tranh cãi

Cuộc hành trình kỳ khôi của món nước xốt hồng cánh sen bắt đầu từ tháng 6, khi TikToker có tên Chef Pii thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng với các video "nhá hàng" loại xốt hồng, được quảng cáo với các nguyên liệu như ớt, dầu hướng dương, cùng với thanh long đỏ tạo màu. "Nếu muốn thử thì hãy đặt mua ngay" - Chef Pii mời gọi. Dù gây nhiều phân vân khi tuyên bố sẽ làm và bán xốt từ căn bếp gia đình, cô vẫn nhận được hàng ngàn đơn đặt hàng chỉ trong tuần đầu mở bán với giá 20 USD/chai.

Thế nhưng, khi những hộp Pink Sauce - hầu hết đã ôi hỏng khi đến tay người tiêu dùng vào tháng 7, thậm chí phát nổ trong quá trình vận chuyển, căn bếp của Chef Pii nhanh chóng thành mục tiêu của những tranh cãi không hồi kết. Người đặt hàng dấy lên nhiều nghi ngại về các tiêu chuẩn an toàn của món nước xốt, đòi hoàn tiền khi sản phẩm có thể gây ra ngộ độc botulism (nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum) chết người.

Trên TikTok, tài khoản @sseaansvv nhanh chóng đưa ra hàng loạt video chất vấn nhãn mác dinh dưỡng của sản phẩm, cũng như những thông tin mập mờ được được ra trên website của Chef Pii. Tài khoản này cũng chỉ ra rằng Pink Sauce "không chứa đủ chất bảo quản" để tránh hỏng trong quá trình lưu kho và vận chuyển - đặc biệt khi sản phẩm có chứa thành phần sữa, cần được bảo quản lạnh cho đến khi tới tay người tiêu dùng.

"Tôi hy vọng [Chef Pii] có thể lấy được các giấy tờ cần thiết, sửa nhãn dinh dưỡng, điều chỉnh các lỗi công thức trước khi bán sản phẩm một cách hợp pháp" - @sseaansvv chia sẻ trong video TikTok của mình. Các tài khoản TikTok khác cũng nhanh chóng chỉ ra điểm bất hợp lý trong con số khẩu phần ăn in trên nhãn của Pink Sauce, đồng thời chỉ ra rằng bao bì sản phẩm không hề nhắc tới việc bảo quản lạnh.

Trước cơn bão chỉ trích, Chef Pii cũng dồn dập đưa ra phản hồi, trong đó có bài trả lời phỏng vấn trên Đài NBC và báo Washington Post, video hỏi - đáp dài gần một giờ đồng hồ trên YouTube, đồng thời trả lời trực tiếp câu hỏi của người tiêu dùng trên Instagram Live. 

"Bạn hỏi ‘sản phẩm được FDA công nhận’ ý là sao? Tôi có bán thuốc đâu. Pink Sauce không phải sản phẩm thuốc", Chef Pii trả lời có phần hớ hênh trong một lần lên sóng Instagram Live khi nhắc tới Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ - đơn vị ban hành và giám sát hầu hết quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và dược phẩm tại Mỹ.

Sau buổi hỏi đáp định mệnh này, Pink Sauce ngay lập tức trở thành tâm điểm của các trò đùa và meme (ảnh chế) của cộng đồng mạng. "Chữ F trong FDA nghĩa là Food [thực phẩm]" trở thành từ khóa xu hướng trên Twitter. TikTok cũng nhảy vào làn sóng châm biếm - một người dùng trên nền tảng này thậm chí còn lừa cộng đồng mạng rằng mình đã tử vong sau khi ăn thử món xốt (nhân vật này sau đó đã lên tiếng cho biết mình vẫn còn khỏe, và gọi trò đùa của mình là một "thí nghiệm xã hội").

Xốt hồng chọc giận cộng đồng - Ảnh 2.

Các thành phần của "xốt hồng".

Lội ngược dòng

Trong suốt thời gian dài, các hoạt động mua bán thực phẩm từ căn bếp gia đình bị cấm tiệt tại Mỹ, cho đến vài năm gần đây, khi "luật thực phẩm nhà làm" (cottage food law) bắt đầu được nhiều bang áp dụng.

Danh sách sản phẩm được phép bán, cùng các hình thức giao dịch (bán online, ở chợ nông sản hay gửi sang bang khác) tùy thuộc quy định riêng của từng bang. Dù vậy, hầu hết các bang đều cho phép đầu bếp tại gia bán các sản phẩm "ít nguy cơ gây hại" như bánh quy và mứt trong phạm vi bang mà không cần giấy phép.

Thật không may cho Pink Sauce, các món xốt và nước chấm không nằm trong danh sách đồ "nhà làm" được cho phép ở bang Florida - nơi Chef Pii sinh sống. Sau khi hứng chịu hàng loạt chỉ trích, Chef Pii cuối cùng cũng đã công nhận các thiếu sót trong sản phẩm của mình, đồng thời cam kết sẽ tuân thủ quy định của FDA trong các đợt hàng Pink Sauce tiếp theo.

Cô cũng nhanh chóng cho thấy mình không nói suông - giữa tháng 8 vừa rồi, Chef Pii tuyên bố hợp tác với hãng sản xuất thực phẩm Dave’s Gourmet để sản xuất Pink Sauce trên dây chuyền công nghiệp. "Chúng tôi mong muốn tạo ra một phiên bản ít phức tạp, không chứa sữa và cũng không có chất bảo quản, tạo mùi công nghiệp cho Pink Sauce" - Dave’s Gourmet tuyên bố với báo giới.

Thay vì trở thành một câu chuyện có phần cảnh tỉnh về độ an toàn của sản phẩm ăn uống trên TikTok, Pink Sauce đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục. Như thể chính các lùm xùm và tranh cãi không hồi kết trên TikTok chính là nguyên liệu đặc biệt khiến Pink Sauce đạt được thành công nhanh đến khó tin. 

Xốt hồng chọc giận cộng đồng - Ảnh 3.

Trong thông cáo báo chí, Dave’s Gourmet cho biết số lượt view ấn tượng của Pink Sauce trên TikTok (hơn 154 triệu) đã thu hút sự quan tâm của nhãn hàng, đồng thời đảm bảo một phần thành công đầu ra cho sản phẩm. 

"Người trẻ hiện nay rất nhạy về các xu hướng đương đại, tuy nhiên lại không đủ kiến thức, khả năng hoặc vốn để đưa ý tưởng sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả" - thương hiệu nước xốt với sản phẩm nằm trên kệ các nhà bán lẻ lớn như Walmart chia sẻ.

Tuy nhiên, độ lan truyền trên TikTok khó có thể được coi là bảo chứng cho thành công của một sản phẩm tiêu dùng. Vốn kiếm tiền dựa trên khả năng tập trung ngày càng thấp của giới trẻ, TikTok tưởng thưởng cho cái đẹp bề mặt, đồng thời khiến các thông tin về đồ hữu dụng và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm dễ bị lướt qua. 

Với một nền tảng đã có ít nhiều tai tiếng về dinh dưỡng - trong đó có cơn sốt trà giảm cân và các tiêu chuẩn độc hại về cơ thể - việc Pink Sauce tiếp tục phát triển nhờ tai tiếng có lẽ sẽ không mang lại nhiều đóng góp tích cực.■

"Tự do thực phẩm"

Từ nướng bánh sourdough, làm trà kombucha đến món Ý, món Tàu - trong suốt hai năm đại dịch căng thẳng, không ít người Mỹ đã quay vào bếp để tìm sự khuây khỏa cho tâm hồn.

Gần đây, với nhiều chuyển biến tích cực của quy định an toàn cho thực phẩm "nhà làm", các đầu bếp nghiệp dư nay còn có thể thu thêm nguồn lợi vật chất từ sở thích nấu nướng của mình.

Hiện nay, tất cả các bang tại Mỹ đã cho phép lực lượng đầu bếp gia đình bán thực phẩm "ít nguy cơ gây hại" như bánh quy, mứt và một số sản phẩm khác không yêu cầu bảo quản lạnh. Quy định cụ thể sẽ thay đổi theo từng bang, cụ thể là theo mức độ quan tâm đến quyền cá nhân - cũng như các lo ngại sức khỏe cộng đồng - của nhà lập pháp bang đó.

Tuy nhiên nhìn chung, quyền tự do buôn bán sản phẩm từ bếp gia đình đã mở rộng tương đối trong 5 năm qua, dẫn đến sự bùng nổ của thị trường tiêu thụ: Tổng doanh thu thực phẩm "nhà làm" tại Mỹ đã tăng gấp 4 lần chỉ sau 15 năm, đạt mức 20 tỉ USD năm 2019.

Các cơ quan liên bang như FDA cũng tham gia quản lý, nhưng chủ yếu chỉ giám sát việc buôn bán thực phẩm xuyên ranh giới bang. Ở các vùng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm như Washington DC, chủ cơ sở thực phẩm "nhà làm" phải hoàn thành chứng chỉ quản lý an toàn, đồng thời phải có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp của mình trước khi tiến hành buôn bán. Mỗi sản phẩm cũng phải được kiểm nghiệm kỹ càng; đồng thời các cơ sở có doanh thu trên 25.000 USD sẽ phải chịu những quy định còn ngặt nghèo hơn.

Trái lại, các bang như Maine, North Dakota hay Wyoming đã thông qua luật "tự do thực phẩm", giúp các cơ sở tại gia được miễn mọi quy định an toàn mà các nhà hàng, đơn vị lớn hơn phải chấp hành.

Những người ủng hộ coi quy định này như một thắng lợi cho các giá trị tự do cá nhân của nước Mỹ - tuy nhiên "drama" của Pink Sauce trước khi bị FDA "sờ gáy" có thể sẽ khiến họ phải nghĩ lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận