Xung đột Israel - Palestine: Từ đất hứa tới đất dữ

ASHRAF ABOUL-YAZID (*) 24/05/2021 01:00 GMT+7

TTCT - Bốn tấm bản đồ gắn kèm bài báo này là chìa khóa để hiểu được tình hình hiện tại ở Palestine.

Trước năm 1948, không có một đất nước tên là Israel. Tất cả bắt đầu với “Tuyên bố Balfour” của Anh quốc vào năm 1917 trong Thế chiến I khẳng định ủng hộ thành lập một “quê hương cho người Do Thái” ở Palestine.

Có vẻ những nạn nhân của chế độ Quốc xã muốn thế giới bảo đảm với họ một sự đền bù cho những đau khổ của họ. Palestine, khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Arthur Balfour đưa ra tuyên bố mang tên ông, là lãnh thổ thuộc Đế quốc Ottoman. 


Lãnh thổ Israel - Palestine từ 1947 đến nay.

 Tuyên bố đó thuộc một bức thư đề ngày 2-11-1917 gửi Lord Rothschild - lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Anh, để chuyển tiếp cho Hội Do Thái Anh quốc và Ireland. Toàn văn tuyên bố được đăng trên báo ngày 9-11-1917.

Chiến tranh không chỉ một lần

Ngay sau khi tuyên chiến với Đế quốc Ottoman vào tháng 11-1914, Anh đã bắt đầu cân nhắc tương lai của vùng đất Palestine và muốn tranh thủ sự ủng hộ của người Do Thái trong cuộc chiến lớn hơn.

Nhưng chiến tranh không chỉ nổ ra một lần!

Là một nước Ả Rập, xung đột của Palestine với Nhà nước Do Thái đã lôi kéo sự tham gia của nhiều láng giềng Ả Rập trong những cuộc xung đột trên mọi phương diện: chính trị, quân sự, lãnh thổ và ngoại giao. 

Những xung đột này leo thang trong thế kỷ 20 thành các cuộc chiến nóng nhưng đã giảm dần vào đầu thế kỷ 21, nhất là sau biến cố “Mùa xuân Ả Rập”.

Ngày 22-3-1945, ở Cairo (Ai Cập), Liên đoàn Ả Rập được thành lập và đã ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ với Palestine, vốn là một nước thành viên. Hiệp ước Phòng thủ chung và hợp tác kinh tế của liên đoàn được ký ngày 13-10-1950.

Hiệp ước này, một phần là hệ quả của cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ nhất (năm 1948), sau khi Anh kết thúc thời kỳ ủy trị Palestine (bắt đầu từ sau khi Đế quốc Ottoman thua trận và tan rã sau Thế chiến I). 

Nửa đêm ngày 14-5-1948, Israel chính thức tuyên bố độc lập vào buổi sáng ngày hôm đó - liên quân sự các nước Ả Rập tiến vào lãnh thổ Palestine thuộc Anh.

Suốt 73 năm kể từ đó, quân đội Israel đã liên tục tấn công các nước láng giềng Ả Rập. Máy bay phản lực của họ giết chết trẻ em ở trường học Ai Cập tại Bahr Al Baqar và công nhân Ai Cập ở các nhà máy tại Abu Zaabal. 

Họ cũng ném bom và phá hoại các cơ sở hạt nhân của Iraq, trong khi tình báo Israel đứng sau nhiều vụ ám sát những nhà khoa học Ả Rập. Quân đội Israel còn chiếm đóng miền nam Lebanon suốt nhiều năm.

Quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng không được bình thường hóa sau cuộc chiến năm 1948. Cuộc chiến lớn thứ hai giữa Ả Rập và Israel nổ ra năm 1967. 

Cuộc chiến sáu ngày (được bên Ả Rập gọi là “an-Naksah”, nghĩa là “bước thụt lùi”) diễn ra từ ngày 5 tới 10-6-1967 giữa một bên là Israel, còn bên kia là Jordan, Syria và Ai Cập. Israel đã đưa quân vào bán đảo Sinai của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria.

Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 22-11-1967 bày tỏ quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Trung Đông và nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc không chấp nhận việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng chiến tranh cũng như yêu cầu phải nỗ lực vì một nền hòa bình công chính và lâu dài để mọi nước trong khu vực được bảo đảm an ninh.

Nghị quyết, trở thành nền tảng quan trọng cho những tranh luận về tính chính danh của các tranh chấp sau này, yêu cầu: (i) rút quân Israel khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc xung đột mới đây; (ii) tôn trọng và thừa nhận chủ quyền, quyền toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của mọi nhà nước trong khu vực, cũng như quyền được sống trong hòa bình trong phạm vi biên giới được thừa nhận của họ mà không bị tấn công hay đe dọa tấn công.

Nhưng cho tới ngày nay, nghị quyết đó vẫn chưa được thực thi!

Cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973 (chiến tranh Yom Kippur, chiến tranh Ramadan, hay Chiến tranh tháng 10) diễn ra từ ngày 6 tới 25-10-1973, khi liên quân Ả Rập do Ai Cập và Syria dẫn đầu tấn công Israel. 

Cuộc chiến diễn ra chủ yếu ở Sinai và cao nguyên Golan - hai vùng bị Israel chiếm đóng hồi năm 1967. Mục tiêu ban đầu của Ai Cập là chiếm được một cứ địa ở bờ đông kênh Suez và dùng nơi này để thương lượng việc trao trả lại Sinai, điều họ đã được.

Sự nghi ngờ dễ hiểu

Trong khi một số nước Ả Rập khởi động lại quan hệ chính trị với Israel sau những hòa ước của cuộc chiến năm 1973, người dân Ả Rập đã không thể. 

Họ đi tới chỗ tin rằng Israel đứng đằng sau việc chia cắt Sudan, việc xây dựng đập nước của Ethiopia ở thượng nguồn sông Nile để ép buộc Ai Cập cung cấp nước ngọt cho Israel... 

Người dân Ả Rập cũng tin rằng kể từ khi thành lập, Israel đã là một căn cứ quân sự cho chủ nghĩa thực dân và tìm cách đạt được thế độc tôn ở khu vực cũng như để cướp bóc tài nguyên.

Nhiều thập niên sau khi chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của nước khác, Israel không ngừng xây các khu định cư trên đất Palestine. Nếu nhìn vào bốn tấm bản đồ, bạn sẽ thấy những khu định cư đó ăn dần vào đất đai của Palestine ra sao.

Giữa những căng thẳng ở Đông Jerusalem về việc trục xuất các gia đình người Palestine ở khu Sheikh Jarrah, các nước châu Âu đã kêu gọi Israel ngừng xây dựng những khu định cư mới ở Bờ Tây. 

Tuyên bố chung của Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh được đưa ra ở thời điểm căng thẳng leo thang tại Đông Jerusalem, trước một phiên tòa có thể dẫn tới việc trục xuất thêm các gia đình Palestine khỏi khu Sheikh Jarrah - nơi người định cư Do Thái, được trát tòa ủng hộ, thực sự chiếm cứ nhà cửa của người Palestine.

Tuyên bố trên nói: “Chúng tôi hối thúc chính quyền Israel đảo ngược quyết định xây thêm 540 căn nhà ở Har Homa E thuộc Bờ Tây bị chiếm đóng và ngừng chính sách mở rộng khu định cư vào lãnh thổ họ chiếm đóng của Palestine”.

Dựa trên biên giới của Vùng đất hứa được nhắc trong Sáng thế ký, người Palestine cho rằng tham vọng của Israel không dừng lại ở Bờ Tây. Nhiều người tin rằng hai vạch màu xanh trên quốc kỳ Israel tượng trưng cho hai dòng sông Nile và Euphrates, và Israel muốn chiếm đóng tất cả các đất đai giữa hai dòng sông đó.

Thực tế hiện giờ chúng ta đang quan sát được là Israel đã quen với việc liên tục mở rộng và không chấp nhận bất kỳ giải pháp quốc tế nào. 

Họ có vẻ tin rằng đất nước họ có thể giữ lấy những gì chiếm được bằng chiến tranh và vũ lực. Thử nghĩ mà xem, nếu điều đó đúng thì thế giới ngày nay còn lại bao nhiêu quốc gia độc lập?■

C.VĂN (lược dịch)

(*) Nhà báo người Ai Cập, tổng biên tập Silk Road Literature Series, chủ tịch Hiệp hội Phóng viên châu Á. Bài viết riêng cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần. 

 Ông Ashraf Aboul-Yazid

 

Các lực lượng chiếm đóng chưa bao giờ có thể chiến thắng. Nhật Bản đã chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới 1945. Đế quốc Anh chiếm đóng Ai Cập từ năm 1882 tới khi ra đi hẳn năm 1956. Cũng đế quốc Anh chiếm đóng Ấn Độ từ thời Công ty Đông Ấn Anh năm 1757, rồi nền cai trị của chế độ Raj năm 1858, cho tới khi Ấn Độ độc lập năm 1947. Dù cho các thế lực chiếm đóng có ở lại được bao lâu, cuối cùng họ sẽ phải ra đi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận