Yên Lạc làng tơi

THÁI LỘC - TIẾN LONG 20/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - Tơi này che nắng, che mưa/ Che cho già, trẻ sớm trưa đi về. Câu ca ấy đã dẫn chúng tôi về làng Yên Lạc (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) với rất nhiều sự ngạc nhiên như lạc vào không gian những năm đầu thế kỷ trước.

Đó là hình ảnh người dân mang tơi (*) từ đầu làng đến cuối ngõ, tơi gắn liền với phần lớn hoạt động của người dân.

Phóng to
Chiếc tơi gắn liền với hầu hết hoạt động của người dân làng Yên Lạc - Ảnh: Thái Lộc
Phóng to
Chiếc tơi gắn bó với nông dân - một hình ảnh quen thuộc ở làng Yên Lạc - Ảnh: Thái Lộc

Video clip "Yên Lạc làng tơi" - Nguồn: TVO

Bà Nguyễn Thị Dần, một nông dân 75 tuổi ở đây, cho biết tơi gắn liền với người dân Yên Lạc hàng trăm năm trước, kể từ ngày lập làng. “Hồi xưa đến chừ hễ có ngài (người) là có tơi, mưa thì đỡ lạnh ướt mà nắng thì đỡ hanh nóng.

Vì rứa tiếp tục đời cha, đời con, đời cháu, đời chắt, đời chiu người làng cứ mang tơi…” - bà Dần nói.

Trải qua bao đời đến nay, người dân Yên Lạc vẫn còn giữ được nghề chằm tơi truyền thống, và là một trong những làng hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, có nghề này đang “sống” trên khắp cả nước. Cũng chính nghề chằm tơi này mà làng Yên Lạc còn được nhiều người biết đến với cái tên “làng xỏ lá”. Giải thích về tên gọi lạ lùng này, ông Nguyễn Văn Đông, một người làm tơi, cho biết: “Không xỏ lá thì răng mà có tơi được, xỏ lá là một công đoạn chính của chằm tơi mà!”.

Phóng to
Bện mây, một công đoạn quan trọng để làm tơi - Ảnh: Thái Lộc

Nghề làm tơi vào mùa từ khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, và kết thúc khoảng dịp cuối hè khi trời vừa hết nắng gắt. Từ 4-5 giờ sáng, nhiều thanh niên nam nữ bới cơm gạo đạp xe vào rừng Truông Bát, thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cách đó chừng 20-30km hái lá tơi (có nơi gọi lá nón). Lá tơi được chặt và gom thành bó, sấy qua lửa ngọn đến khô rồi chở về làng. Lá này tiếp tục được phơi sương suốt đêm, phân thành từng loại để chằm trên từng đoạn của tơi.

Công việc chằm tơi bắt đầu từ căng dây thừng trên bàn gỗ. Trước tiên là chằm (xếp lá và khâu mây) lớp lá cổ bọc sợi thừng. Sau đó chằm các lớp lá thân kế tiếp để thành tấm hình vuông chừng 75x75cm. Chiếc tơi hoàn chỉnh sau khi bẻ cổ cho “khum” lại, buộc thừng cố định với độ rộng đủ tròng qua đầu.

Trước kia, người dân chằm tơi vào cả hai mùa nắng và mưa. Sự xuất hiện và phổ biến của áo mưa làm nghề tơi chỉ còn làm vào mùa nắng. Một người khéo tay có thể chằm 5-7 cái/ngày, với giá bán 35.000-40.000 đồng/cái. Phần lớn trong số 80 hộ đang chằm tơi ở Yên Lạc có thu nhập 25-30 triệu đồng mỗi mùa nhờ tơi.

Ông Đặng Văn Quang, trưởng thôn Yên Lạc, cho biết việc canh tác 34ha lúa về cơ bản đáp ứng cho 700 người dân trong thôn có cái ăn cái mặc. Dù không phải là nghề làm giàu, song chằm tơi trở thành nguồn chính giúp người dân sắm sửa các vật dụng máy móc, xe cộ, lo cho con cái học hành…

Phóng to

Vuốt lá - Ảnh: Thái Lộc

Phóng to
Tơi này che nắng che mưa… - Ảnh: Thái Lộc
Phóng to
Mỗi ngày, một người khéo tay như bà Nguyễn Thị Xí có thể chằm 5-7 cái tơi - Ảnh: Thái Lộc
Phóng to
Tơi ra đồng - Ảnh: Thái Lộc

__________

(*) Tơi: vật che mưa che nắng, được chằm bằng lá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận