2 năm đại dịch COVID-19: Chưa thể khui rượu mừng

YÊN LAM 21/03/2022 11:05 GMT+7

TTCT - Việc cuộc sống tiếp tục trở lại gần với bình thường hơn ở nhiều nơi không có nghĩa thế giới có thể nhìn lại 2 năm đại dịch với tâm trạng vui mừng.

 
 Ảnh: Getty Images Plus

Năm 1976, cựu binh Mỹ 2 lần tham chiến ở Việt Nam Ron Kovic viết quyển tự truyện Sinh ngày 4 tháng 7 (Quốc khánh Mỹ, sau này được đạo diễn Oliver Stone dựng thành phim). Thế giới biết đâu rồi sẽ có những tự truyện kiểu Sinh ngày 11 tháng 3, viết bởi những em bé sinh ra vào đúng ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, cách đây tròn 2 năm.

Gia đình của những em bé sinh ra vào ngày mọi thứ đổi thay đã vừa tổ chức sinh nhật cho các em trong một thế giới cũng đã đổi khác. Những ngày tháng tăm tối nhất với các lệnh phong tỏa, tiếng còi cứu thương, công sở vắng lặng còn bệnh viện thì quá tải đã tạm xa; các văn phòng đã dần đón nhân viên trở lại, trường học, nhà hàng, địa điểm giải trí, mua sắm cũng không còn cửa đóng then cài.

Nhiều nước đã nới lỏng các quy định phòng chống dịch gần như tối đa, nhưng thế giới chưa thể ăn mừng. Kể từ 11-3-2020, gần 500 triệu người ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhiễm COVID-19, và hơn 6 triệu người đã bỏ mạng vì virus SARS-CoV-2. Và quan trọng là nó vẫn chưa kết thúc.

Đại dịch trong đại dịch

Vắc xin góp phần giúp nhiều nơi đón “kỷ niệm” 2 năm COVID khi cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Tính đến 5-3-2022, tổng cộng 10.704.043.684 liều vắc xin đã được tiêm toàn cầu. Việt Nam cũng đã cán mốc 200 triệu mũi tiêm hôm 13-3. Nhưng tình trạng bất bình đẳng trong phân bổ vẫn còn, như lời nhắc của Tổng thư ký LHQ António Guterres hôm 11-3: “Các nhà sản xuất vắc xin tung ra 1,5 tỉ liều mỗi tháng, nhưng gần 3 tỉ người vẫn đang chờ tiêm mũi đầu tiên”. Mục tiêu của WHO là 70% người dân khắp thế giới chích đủ liều vắc xin vào giữa năm nay (tỉ lệ hiện tại là 56%, theo BBC).

Nhờ vắc xin, số ca tử vong và bệnh nặng đã giảm nhiều nơi. Nhiều chính phủ háo hức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Ở Mỹ, hơn 90% dân số đang sống trong các khu vực không còn bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian trong nhà. Nhưng ngay trong thông điệp kỷ niệm 2 năm ngày tuyên bố đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh đại dịch “còn xa mới kết thúc”.

Trong ngày 11-3-2022 đó, thế giới có 1,62 triệu ca nhiễm mới, hơn 6.500 người tử vong. Con số ở Mỹ lần lượt là trên 35.000 và hơn 1.200 người tử vong. Tại Việt Nam, bản tin của Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới là 169.114 và số ca tử vong là 71.

Mỹ cho rằng đã đạt miễn dịch cộng đồng rộng khắp nên không cần các biện pháp hạn chế nữa, nhưng các chuyên gia nhắc rằng miễn dịch đạt được từ việc tiêm ngừa và mắc bệnh sẽ giảm dần, và các biện pháp phòng chống dịch có thể sẽ lại phải được kích hoạt trong tương lai. Cũng cần nhớ thực tế là độ phủ vắc xin ở nhiều nơi đã cao nhưng trẻ em dưới 5 vẫn chưa được tiêm ngừa, và biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm mạnh khiến số ca mắc mới và tái nhiễm tiếp tục tăng. Nói như CNN: 3-11-2020 là “ngày bắt đầu”, nhưng sẽ chẳng bao giờ có “ngày kết thúc” tương ứng.

“Chúng ta vẫn không biết tương lai sẽ ra sao. Ngay cả với những gì đã biết (về đại dịch) sau hơn 2 năm, vẫn khó có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra” - David Wohl, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học North Carolina, nói với tạp chí National Geographic.

Trong tương lai bất định đó, lơ lửng trên đầu nhân loại là 2 mối lo: virus càng còn lưu lại với nhân gian càng lâu thì nguy cơ xuất hiện biến thể mới càng tăng, và hội chứng COVID kéo dài có thể sẽ dẫn đến nguy cơ “đại dịch trong đại dịch”, theo Katherine J. Wu, cây bút khoa học của The Atlantic.

Thế giới khẩn trương với COVID-19 bao nhiêu thì lại chậm chạp trong việc thừa nhận COVID kéo dài như là một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của virus corona bấy nhiêu. Sáu tháng sau khi virus lan khắp thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn còn được xem là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, kéo dài giỏi lắm là vài tuần; bất kỳ ai báo cáo có triệu chứng lâu hơn đều có thể bị bác sĩ bác bỏ.

Giờ thì thái độ đã khác - COVID kéo dài đã đi vào tài liệu của CDC Hoa Kỳ và WHO, và xuất hiện chớp nhoáng trong kế hoạch chuẩn bị ứng phó COVID-19 quốc gia dài 90 trang của Tổng thống Joe Biden. Nhưng chừng đó là chưa đủ.

Điều nguy hiểm ở đây là sau 2 năm người ta vẫn chưa biết nhiều về nó. “Thậm chí vẫn chưa có được sự thống nhất về định nghĩa thực sự COVID kéo dài là gì, huống hồ tìm ra cách hoàn toàn ngăn chặn, chữa trị hay định lượng nó” - Wu viết. Tác giả dẫn băn khoăn của một chuyên gia dịch rằng bệnh nhân COVID kéo dài “sẽ bị ngó lơ khi tất cả háo hức chuyển sang thế giới hậu đại dịch”.

Còn một lý do khác để không vội quẳng gánh lo đi: Mỗi tháng qua đi là lại có thêm nghiên cứu cho thấy virus làm thay đổi chức năng các cơ quan trọng yếu như tim và não. Thông tin trước giờ có thể khiến công chúng nghĩ rằng đa số ca nhiễm SARS-CoV-2 là không nghiêm trọng, hậu quả không kéo dài, nhất là với người trẻ, khỏe mạnh và có điều kiện. Nhưng với COVID kéo dài, không có chuyện rạch ròi giữa nhẹ và nặng.

“Nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi người, ngay cả những người không bị bệnh nặng trong giai đoạn cấp tính khi nhiễm COVID” - Michael Peluso, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hiện đang nghiên cứu COVID kéo dài tại Đại học California, San Francisco, nói với The Atlantic.

Lời cảnh báo không thừa trong giai đoạn mới, cho cả trường hợp Việt Nam.

Những gì diễn ra ở Trung Quốc, nơi SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện, hoàn toàn khác với thế giới. Nước này vẫn theo đuổi chính sách zero COVID và đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất trong hai năm, với 3.400 ca nhiễm trên toàn quốc ngày 13-3, gấp đôi ngày trước đó, khiến 17 triệu dân tiếp tục bị phong tỏa. 

Ngày mai của những đứa trẻ COVID

Trở lại những em bé sinh ngày 11-3-2020, và những đứa trẻ COVID khác (UNICEF ước tính khoảng 116 triệu em bé chào đời trong vòng 9 tháng tính từ lúc đại dịch được tuyên bố). Cuộc sống đã bị đại dịch đảo lộn thế nào là câu hỏi không quá khó để trả lời với người lớn, nhưng với trẻ em thì sao? Các em đã có trọn 2 năm đầu đời cùng đại dịch, giai đoạn não phát triển và mọi thứ từ ngôn ngữ đến quan hệ xã hội đến sức đề kháng được đặt nền móng. Khó mà nói không có ảnh hưởng gì.

Một đứa trẻ tròn 2 tuổi chưa hề biết thế giới không khẩu trang, nhiều khả năng chưa gặp được ông bà, cô dì chú bác, huống hồ biết đến cô giáo hay bạn bè ở nhà trẻ. Mất cơ hội tương tác xã hội có lẽ là ảnh hưởng lớn nhất, do lẽ điều này rất quan trọng trong năm thứ hai và thứ ba của cuộc đời, khi trẻ em học cách tách khỏi người lớn và xem bản thân như những cá nhân.

Kết quả bước đầu từ một số nghiên cứu cho thấy trẻ em sinh ra trong thời kỳ đại dịch có nguy cơ gặp vấn đề tinh thần hoặc chậm phát triển cao hơn bình thường, một phần có thể là do sự căng thẳng của cha mẹ, cả trong thời kỳ mang thai và sau khi trẻ được sinh ra. Một vài nghiên cứu thì chưa nói lên được điều gì, song các chuyên gia nhấn mạnh cần chuẩn bị tinh thần đón nhận những gì sắp tới.

Nhưng điều cần làm lúc này là tin tưởng và lạc quan. “Tôi thật lòng mong rằng khi đến sinh nhật thứ 3 của cháu, mọi thứ sẽ tốt hơn với chúng tôi” - mẹ của một em bé COVID người Mỹ nói với The Atlantic, sau khi quyết định không tổ chức sinh nhật lần 2 cho bé. Những mong mỏi tương tự hẳn đã được thầm thì khắp thế giới, chờ mong có thể mở tiệc mừng vào ngày 11-3-2023.

Đã có rất nhiều con số thống kê về hậu quả kinh hoàng của đại dịch. Chúng ta ở đâu trong những con số biết nói đó? Tờ Washington Post của Mỹ đưa ra bài trắc nghiệm có-không, giúp ta tìm câu trả lời.

Bạn đã từng mắc COVID-19? Nếu có, bạn là một trong 6.112.648 ca nhiễm được ghi nhận ở Việt Nam kể từ đầu dịch đến cuối tuần qua (13-3); nếu không, chúc mừng bạn đã may mắn tránh được con virus quái ác. Xét trên toàn cầu, tính đến 11-3-2022, đã có 452.052.304 ca nhiễm được xác nhận, theo WHO.

Bạn có triệu chứng COVID kéo dài không? Nếu không, hãy tiếp tục mừng vì sự may mắn. Nếu có, bạn nằm trong số hơn 40% số người khỏi bệnh nhưng vẫn bị ảnh hưởng lâu dài của virus, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 11-2021 của Đại học Michigan.

Bạn có người thân mất vì COVID-19? Những ngày tăm tối nhất đã qua đi, nhưng nỗi đau của mất mát thì ở lại. Theo Washington Post, một số ước tính cho thấy 9 triệu người Mỹ đã mất người thân trực hệ vì đại dịch; số người có bạn bè hay người quen mất vì COVID-19 dĩ nhiên sẽ nhiều hơn. 3 nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania còn thống kê được một thực tế đau lòng hơn: trung bình mỗi người mất vì COVID ở Mỹ sẽ có 9 người thân khóc thương, chẳng hạn người đã lên chức ông bà sẽ bỏ lại 4 người cháu; với cha mẹ là 2 người con... Số ca tử vong ở Việt Nam là 41.385, nhưng chưa có thống kê về người thân tương tự như ở Mỹ. Với số ca mất vì COVID trên toàn cầu tính đến 11-3-2022 là 6.027.059, di sản đau thương của đại dịch là quá lớn. Đó là chưa kể một số nghiên cứu cho rằng con số thực tế phải gấp 3 số liệu chính thức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận