TTCT - Kề ba ngôi tháp Chăm Khương Mỹ, bên cầu Tam Kỳ (Quảng Nam) có một mái nhà cổ kính nằm khuất giữa xóm làng đông đúc, rợp bóng cây vườn. Nơi đây lưu giữ 22 sắc phong ít người biết về một vị quan tuy chức quyền không lớn nhưng một đời làm quan mà lưu lại cho nhiều đời sau giá trị to lớn của đạo đức và nhân nghĩa...Ông Trần Nha cầm thanh kiếm dài được khảm bạc và cẩn xà cừ của vua ban cho cụ NhượngNhững người lớn tuổi ở làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vẫn gọi ngôi nhà cổ duy nhất còn lại trong làng này là “nhà quan án”.Bộ sắc phong độc đáo“Nhà quan án” là cách gọi theo danh vị của vị chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà: quan án sát Trần Hưng Nhượng - chức vụ cuối cùng mà cụ Nhượng đảm trách dưới thời vua Tự Đức. Ngồi lên bộ phản ngựa xưa ba tấm, mỗi tấm dài đến hơn 3m, ông Trần Nha, 68 tuổi, cháu tám đời của cụ Nhượng, mở chiếc tủ cổ lấy ra hòm gỗ xưa dùng đựng 22 đạo sắc phong mà các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức ban cho cụ Nhượng. Tính ra đạo sắc phong sớm nhất đến nay đã 180 năm, còn muộn nhất là 148 năm. “Bộ sắc phong của cụ tổ nhà tui còn được phần nhờ phước đức ông bà, phần do con cháu dốc lòng giữ gìn. Thời chiến tranh người trong gia đình tui lo giữ cái hòm sắc này như lo giữ thân mình, nhiều lúc phải mang cất trong hầm tránh đạn. Nhưng khó giữ nhất theo lời mẹ tui kể là thời đánh Pháp sau năm 1945, những gì liên quan đến chế độ phong kiến đều bị tìm kiếm để xóa bỏ...” - ông Nha nói. Được cuộn tròn để trong hai chiếc ống nứa có chạm khắc hình rồng, các sắc phong được viết trên loại giấy dày, có vẽ hoa văn và hình rồng màu ánh bạc, chiều dài đến 1,4m, chiều rộng 0,5m, tất cả đều còn nguyên vẹn.Ông Nha rời ngôi nhà cổ, đến một chỗ cất kín đáo khác mang ra một thanh trường kiếm dài khoảng 0,8m, được khảm bạc và cẩn xà cừ, cùng với một chiếc cốt mão (mũ) bằng gỗ - cái khuôn để may mũ quan của cụ Nhượng. “Vẫn còn một thanh đoản kiếm nữa. Đây là vật quý của vua ban cho cụ tổ, bởi vậy anh em tui phải cất giữ kỹ càng...”.Hòm gỗ và ống nứa đựng bộ sắc phong của cụ Nhượng - cả hai được chạm vẽ hình rồng, còn lại từ ngày xưa, cũng được bảo quản tốt - Ảnh: Huỳnh Văn MỹTừ trong những sắc phongÍt có trọn một bộ sắc phong của một ông quan trải 30 năm công vụ liên tục suốt ba đời vua kế tiếp còn được lưu giữ vẹn toàn như của án sát Trần Hưng Nhượng. Những sắc phong này đã phần nào cho thấy nền trị chính của triều Nguyễn ở thời kỳ gần gũi với thời vua Gia Long - thời kỳ hưng thịnh. Đó là việc bổ dụng, nuôi dưỡng và khích lệ người tàiBộ sắc phong của cụ Án sát Trần Hưng Nhượng ở Quảng Nam đã được gia tộc giữ gìn hết sức cẩn thận, quý ở sự đầy đủ và tính liên tục, có thể dùng làm tư liệu nghiên cứu về quan chế và cách dùng người thời nhà Nguyễn. Ngoài các bằng sắc còn lưu một số bài thơ ứng tác và tấu sớ có giá trị về mặt văn chương, người dịch đang tiếp tục khảo sát kỹ hơn về niên đại và xuất xứ của các bài thơ này, hi vọng sẽ có dịp giới thiệu tới bạn đọc.Coi trọng việc giáo dục để đào tạo nhân tài phục vụ nước nhà, những người đỗ đạt bước đầu được bổ dụng đến lo việc giáo dục ở các phủ, huyện xa xôi, cách trở. Trên sắc phong - một loại công vụ lệnh cấp cao được chính nhà vua phê chuẩn - không đơn giản là mệnh lệnh/sự vụ điều động, bổ nhiệm quan chức một cách khô khan, cứng nhắc mà còn kèm theo lời dặn dò, nhắc nhở người được nhận sắc chỉ.“Cần phải thông thạo đường lối sư phạm, chỉ bảo hướng dẫn cho học sinh đều cùng thành đạt, mở mang nền văn học...” (**) - lời trong sắc chỉ bổ dụng cụ Nhượng làm Huấn đạo huyện Long Thành (tỉnh Biên Hòa cũ) của vua Minh Mạng (1832). Coi kỷ cương, phép nước là trên hết, trong khá nhiều sắc phong của cụ Nhượng đều căn dặn “thượng tôn pháp luật”, hết lòng với công vụ với những câu: “Nếu bê trễ chức trách, ắt có quốc pháp/pháp chương nhà nước ngay trước mắt”, “Phải sao cho: Không để ty sở trống vắng bê trễ, cố gắng, chăm chỉ phụng sự. Tuân lệnh trên dạy mà hoàn thành sứ mệnh, chẳng bao giờ chán mỏi chỉ chực nghỉ” (**).Sự nhắc nhở, cảnh báo người thụ chức ngay trên sắc phong như vậy quả là điều hay: ân và uy đi kèm nhau chính là sự ngăn giữ điều sai trái có thể xảy ra về sau ở người được bổ dụng.Việc đề bạt của triều thần đối với chức vụ mới của một người là điều đáng nói của thể chế bổ nhiệm quan chức thời ấy. Nó thể hiện tính công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng quan chức phải sao cho phù hợp với năng lực, đức độ của người được đề cử.“Nay xét đình thần đồng thuận tuyển chọn, vậy chuẩn y thăng ngươi lên chức Hàn lâm tu soạn, sung chức Bạn đọc ở phủ Hoàng tử”, “Xét đình thần tuyển chọn đều cùng nhất trí đề cử. Vậy thăng ngươi lên chức Tri phủ phủ An Nhơn” (**) - lời trong các sắc phong của vua Thiệu Trị cho cụ Nhượng (vào những năm 1841, 1845) là những minh chứng. Rồi đến coi trọng năng lực, đức thanh liêm, công bằng, cần mẫn với những loại công vụ đặc biệt như các ngành khen thưởng, thanh tra.“Ta nghĩ rằng: Chọn người phục vụ chính quyền, hãy tra sổ sách chép công cán. Cân nhắc tài năng để đặt vào địa vị, nên xét cái năng lực xử việc. Xét ngươi Trần Hưng Nhượng: Văn học xem đủ; Tài khí đáng dùng; Vốn có mưu cơ, biết làm, biết giữ, thuật quyền chính nắm đà thật hợp. Thêm nết thanh liêm, cẩn thận, chăm chỉ, kẻ làm quan gương đáng nên soi. Làm việc mẫn cán, bao nhiêu công lao tích đọng. Thẻ bài xứng đáng cao giơ chốn sân đình. Vậy cho đặc thụ chức Phụng nghị đại phu Hộ bộ thưởng lộc Thanh lại ty, Viên ngoại lang” (**) (Tự Đức năm thứ 3 - 1850).Đến khi thăng Trung thuận đại phu, làm Lang trung ở Ty Thanh lại Nam kỳ thuộc bộ Hộ, những lời này vẫn được ghi lại y nguyên ở sắc phong (Tự Đức năm thứ 6 - 1852). Và ghi nhận, đúc kết năng lực, công lao của người làm quan khi thôi việc.“Xét ông Trần Hưng Nhượng vốn là quan Án sát tỉnh Lạng Sơn, phụ tá cho Tuần vũ, đã hưu trí: Văn chương bút mực quả nên tài; Áo mão nhà quan đà xứng giá. Bổ khuyết cho chỗ màn trướng; hỗ trợ những việc văn sách. Đóng giữ nơi biên giới với nhà Thanh, việc quan đều giữ gìn cẩn thận. Nhiều việc thức cả đêm, chẳng hề trễ nải phận sự của kẻ bề tôi. Trước sau như thế không thay đổi... Tưởng nhớ ngươi xưa nên ban tặng thêm một hiển trật...” (**), lời trong sắc phong cho cụ Nhượng lúc qua đời (1864) khiến cảm kích cả người còn đương quyền, khích lệ họ phải làm quan tốt!Các nhiệm sở cụ Nhượng trải qua khắp ba miền Trung - Nam - Bắc cũng là điều làm nổi bật sự điều chuyển quan lại mang tính lưu động cao của triều đình nhà Nguyễn. Một ông quan bất kể được điều chuyển đến đâu, xa xôi cách biệt quê nhà, kinh đô đến mấy cũng phải tuân thủ. Bởi là định chế, làm quan là phải luôn luân chuyển nhiệm sở, phục vụ ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước, khi cần dù có tuổi tác vẫn phải đến trấn nhiệm ở vùng biên địa.Sắc phong của vua Tự Đức phong tặng hàm Trung nghị đại phu Quang lộc tự khanh, tên thụy là Ôn Tĩnh cho cụ Trần Hưng Nhượng (1864). Như hầu hết sắc phong còn giữ ở đây, sắc phong này dài 1,4m, rộng 0,5m, có nhiều hoa văn và hình rồng màu bạc, đẹp và rõ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ“Của cải" còn lạiÔng Trần Nha kể đến đời ông nội của ông, gia sản cụ Án Nhượng để lại chỉ đủ ruộng cày để sống ở vùng nông thôn kham khó. Nhưng điều đáng quý là con cháu cụ Nhượng đã tiếp nối được gia phong, giữ gìn nguồn “của cải” quý là văn hóa, là cái chữ. Lớp thân sinh của ông Nha có người làm bác sĩ, giám đốc, còn lại đều có học vấn tương đối, không ai thất học. Thế hệ trẻ hơn cũng có cả trăm người học hành trọn vẹn, đa số có bằng đại học và cao học.Hai trụ nhà của cụ Nhượng có khắc hai câu đối: “Lễ môn nghĩa hộ thiên thu tại/Phúc chỉ nhơn cơ bách thế truyền” đã nhuốm rêu phong. Nhưng nhìn những gì trăm năm xưa lưu lại bên trong ngôi nhà, nhìn đàn hậu duệ đông đúc của vị án sát đã yên giấc từ 148 năm trước, thấy nguồn của cải văn hóa họ có được, mới hay cái tồn tại ở đời, đúng như lời hai câu đối chính là đạo đức, nghĩa nhân.Cụ Trần Hưng Nhượng sinh năm 1791, đỗ tú tài năm 1824, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) được bổ làm Huấn đạo huyện Long Thành (tỉnh Biên Hòa cũ) (*) rồi thăng làm Giáo thụ ở các phủ Tân An (thuộc tỉnh Gia Định cũ) (*), Kiến An (thuộc tỉnh Định Tường cũ) (*). Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), cụ được điều về kinh làm Hàn lâm tu soạn, sung chức Bạn đọc ở phủ Hoàng tử. Năm 1845, cụ được bổ quyền tri phủ phủ An Nhơn (thời đó gồm hai huyện Tuy Phước và Tuy Viễn, gồm cả thành Bình Định cũ, xưa là thành Đồ Bàn) (*), năm 1847 được bổ làm tri phủ phủ Hàm Thuận.Năm Tự Đức thứ 3 (1850), cụ được điều về kinh làm Viên ngoại lang ty Thưởng lộc (phó ty tiền lương) thuộc bộ Hộ, phẩm hàm là Phụng nghị đại phu. Năm 1851 cụ được phong làm Viên ngoại lang (phó ty) ty Thanh lại Nam kỳ thuộc bộ Hộ (Thanh lại là làm trong sạch quan lại, tức là ty thanh tra) (**), rồi được phong Lang trung (trưởng ty), phẩm hàm Trung thuận đại phu. Năm 1856 cụ được phong Án sát tỉnh Lạng Sơn. Năm 1862, cụ được hồi hưu, về lại quê nhà và mất năm 1864.___________(*): Những chú thích địa danh trong bài là của dịch giả Thuận Hóa Phan Anh Dũng (Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên - Huế)(**): Theo bản dịch các sắc phong của dịch giả Thuận Hóa Phan Anh Dũng Tags: Quảng NamĐời sống văn hóaSắc phong
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.