TTCT - "Cùng với quá trình biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình ở đây đã tăng, biên độ nhiệt cũng giãn ra. Bạn nghĩ xem, nếu nhà kính lan rộng nữa, cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Đà Lạt sẽ còn mất gì? Mất mát về khí hậu và cảnh quan đồng nghĩa với suy thoái ngành du lịch và phát sinh nhiều vấn đề xã hội" - Tiến sĩ LeeHyun Suk - Viện Tài nguyên sinh học quốc gia Hàn Quốc (NIBR) nói với TTCT về câu chuyện nhà kính của Đà Lạt. Đó là những bộ khung bằng sắt thép kiên cố, thường được dựng trên một khoảnh đất rộng từ 1.000 - 3.000m2 (do địa hình chịu nhiều giới hạn của Đà Lạt), mái phủ kín bằng những tấm màng nilông dày.Ánh sáng rực rỡ của khu vực nhà kính hằng đêm đã trở thành một biểu tượng cho sự thành công của nông nghiệp Đà Lạt. Cho đến khi những nhà kính đầu tiên bị hạ xuống, gợi ra một cuộc trở về với nông nghiệp thuận tự nhiên.Khi nói về việc tìm kiếm một giải pháp nhà kính thân thiện với môi trường, một kỹ sư của Dalat Hasfarm nói với tôi: “Không có nhà kính nào đạt được khái niệm thân thiện với môi trường. Bản chất của nhà kính là phủ nilông trên đất. Nếu có những cải tiến thì chỉ để giảm đi rất ít tác hại của nó đến môi trường. Còn đối với cảnh quan, sự xáo trộn là không tránh khỏi. Nếu quyết định dùng nhà kính như một phương pháp canh tác chủ lực thì chỉ còn cách quy hoạch vùng canh tác nhà kính dựa trên các yếu tố: mật độ, địa điểm, quy cách và đánh giá tác động môi trường”.Nỗi hân hoan nhà kínhCột mốc đầu tiên cho nhà kính tại Đà Lạt có lẽ là năm 1994, thời điểm Công ty hoa Dalat Hasfarm - một doanh nghiệp Hà Lan - chính thức đầu tư ở Đà Lạt. Lúc bấy giờ, Đà Lạt vẫn đang làm nông theo lối “trông trời trông đất trông mây”, triền miên lâm vào cảnh được mùa mất giá. Sự xuất hiện của một doanh nghiệp Hà Lan với kiểu trồng hoa chẳng ngại gì ông trời thất thường đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong hoạt động nông nghiệp. Những khu nhà lồng nhỏ thuở ban đầu lớn dần theo quy mô đầu tư của doanh nghiệp, quy trình trồng hoa rút ngắn, chỉ còn bằng 2/3 so với trồng giữa trời đất, rủi ro mất mùa hạ xuống gần bằng 0%. Có thể đó là lần đầu tiên, nông dân Đà Lạt thấy được một minh chứng rằng nhà nông không phải nhà nghèo.Từ những cụm đầu tiên ở thung lũng ven đường Nguyên Tử Lực, nhà kính lan dần khắp Đà Lạt và các vùng lân cận. Nơi nào chuyên canh rau, hoa, nơi đó có nhà kính.Ông Nguyễn Trung Dũng (48 tuổi, phường 8, Đà Lạt) đã có 20 năm trồng hoa trong nhà kính, từ những ngày dùng nhà kính khung tre nứa phải dỡ bỏ trong 2-3 năm cho đến giờ với những bộ nhà kính khung thép lắp ráp cực nhanh và bền như những nhà xưởng công nghiệp.“Làm hoa trong nhà kính là bắt nhà kính đẻ ra xe hơi nhà lầu - ông tổng kết - Từ chỗ lấy lãi mùa này bù lỗ cho mùa trước, giờ nếu không đánh đu với vụ hoa tết, cứ tèn tèn làm thì chắc chắn có lãi. Mưa, sương không chạm tới bông hoa. Phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm tới ba lần. Tính toán thuần làm ăn thì lợi đủ đường”.Làng hoa Thái Phiên (P.12, Đà Lạt) ken kín nhà kính không còn khoảng thở. Ảnh: M.VINHỞ Đà Lạt, nói đến những chủ nông trại đi làm vườn bằng xe hơi là nhắc đến hai làng hoa nổi danh: Vạn Thành (P.5) và Thái Phiên (P.12). Đây là vùng lấy nilông che trời đã hơn 15 năm qua. Toàn bộ khu vực phủ một màu trắng gắt gỏng của nilông này quả thực đã mang về rất nhiều tiền: chiếm gần 50% doanh thu từ nông nghiệp của Đà Lạt.Giai đoạn 2004 - 2010, khi Đà Lạt chính thức vào sản xuất nông nghiệp dùng nhà kính, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2019, giá trị này đã là 170 triệu đồng/ha/năm.“Gần như tất cả các loại cây đều trồng trong nhà kính” - ông Nguyễn Thanh Minh, tổng thư ký Hiệp hội Cây trồng Việt Nam, nhìn nhận việc người nông dân Đà Lạt nay có cuộc sống ổn định, nông sản Đà Lạt có chỗ đứng trên thị trường có công rất lớn của nhà kính trong 15 năm qua. Ổn định, an toàn là lý do chính khiến mỗi khi khởi sự làm nông, người Đà Lạt nghĩ ngay đến việc đầu tư nhà kính.Số liệu mà Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng ghi nhận năm 2019 cho biết Đà Lạt có khoảng 10.000ha đất nông nghiệp, trong đó 54% diện tích là nhà kính. Nghĩa là 5.400ha đất đang bị bao bọc bởi nilông. Đó là chưa thể tính hết những diện tích bị lấn chiếm hoặc những khu nhà lồng đã được dựng mà không báo cáo cơ quan chức năng địa phương. Đà Lạt lúc này, bất kể nội ô hay ngoại ô, ken kín nhà kính, trừ những khoảnh đất công trình công cộng và đất rừng.Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhà kính bắt đầu mọc lên nhiều từ năm 2004, khi Đà Lạt đưa ra chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tốc độ xây dựng nhà kính ở mức cao nhất là vào năm 2012, khi nhà kính không còn phải nhập khẩu mà đã được một số công ty Việt Nam sản xuất và phân phối.Làng hoa Thái Phiên nhìn từ trên cao, nhà kính đã phủ kín khu dân cư, bắt đầu xâm lấn những khu rừng. Ảnh: M.VINHNgười về đỉnh cao, người về vực sâuNhưng cũng chính từ lúc này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra cảnh báo “Đà Lạt bị hâm nóng bởi nhà kính”. Mà đấy là khi Đà Lạt chỉ mới có khoảng 2.700ha nhà kính và khoảng 1.300ha nhà lưới, bằng 1/2 tổng diện tích nhà kính của Đà Lạt hiện tại.Trên ảnh vệ tinh chụp Đà Lạt bây giờ từ Google Map, người ta thấy những mảng màu trắng nổi rõ của nhà kính, như một vành khăn trắng trên mảng xanh đặc biệt của Đà Lạt.Ảnh: Mai VinhSự vui mừng của người trồng hoa trước một vùng chuyên canh hoa lớn đã hình thành, đủ sức chi phối thị trường, “làng” nông nghiệp công nghệ cao đã giàu sẽ giàu hơn... là rất lớn, đến độ người ta không mảy may lo âu gì trước những trận ngập nước cục bộ ngay trong những khu nhà kính, cả những trận lũ ở hạ lưu suối Cam Ly đầy bất thường.Cũng dễ hiểu, những vùng nhà kính bạt ngàn không nằm ở vùng thấp. Hạ lưu con suối Cam Ly xuyên suốt Đà Lạt mới là nơi dân ở và nhận lấy những quả đắng từ nhà kính trồng rau, hoa.Bà Phạm Thị Nở là nông dân, sống ở làng hoa Thái Phiên từ lâu. Căn nhà nhỏ của bà nằm ngay ở khu vực trồng hoa. “Chỉ có dân nghèo mới phải sống giữa làng hoa thế này. Người trồng hoa có tiền lên phố sống rồi. Ai dại mà sống ở đây cho chết sớm - bà lấy tay phe phẩy trước mũi để làm bạt đi mùi phân thuốc đặc quánh trong không gian - Sống ở trong vùng toàn nhà kính mới thấy khổ thế nào. Tôi chịu hết xiết rồi. Anh ngồi ở đây đi rồi thấy, nóng hơn Sài Gòn. Hơi nóng hầm hập cả ngày, thêm mùi phân thuốc muốn ngộp thở. Chạy xe ra khỏi nhà khoảng 1km thì thấy đỡ hơn. Còn mưa nửa tiếng thôi là ngập tanh bành chỗ này”.Trong “công xưởng” sản xuất hoa “vĩ đại” này của Đà Lạt, những người phải ở lại sống đều là những công nhân của làng hoa. Những người chủ “công xưởng” hầu hết đã về phố ở, nơi có nhà lầu, có cây xanh. Hằng ngày, họ mang khẩu trang tạt qua rất nhanh những trang trại hôi nồng nóng nực này.“Đó là công nghiệp rồi, không còn là nông nghiệp nữa” - đấy là nhìn nhận của ông Nguyễn Thanh Minh. Mà “đã là công nghiệp thì tác động đến môi sinh không hề nhỏ. Do đó, phải quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà kính như quản lý công nghiệp. Những dự án “công nghiệp nhà kính” phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai” - ông nói.Vấn đề ở đây là chưa hề có một đánh giá nào như vậy.Những nông dân làm thuê trong khu nhà kính nóng bức, nhiệt độ cao hơn bên ngoài từ 30C. Ảnh: M.VINHKịch bản luẩn quẩnKỹ sư Shugo Hama, người tốt nghiệp ngành nông lâm tại Đại học Shizuoka, nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Đại học Nông nghiệp - công nghệ Tokyo (Nhật Bản), đang nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng, cho rằng nông nghiệp Đà Lạt định hướng đúng nhưng phương pháp sai.Shugo Hama đã có 15 năm gắn bó với Lâm Đồng, chứng kiến những cánh đồng nhà kính lan từ Đà Lạt đến những vùng nông nghiệp lân cận. “Đà Lạt định hướng phát triển xanh chú trọng nông sản chất lượng cao, đúng với xu hướng phát triển của thế giới, nhưng ngay từ đầu khuyến khích dựng nhà lưới, nhà kính là đã sai phương pháp. Nhà kính là hình ảnh của nông nghiệp chuyên canh để đạt năng suất cao. Nhưng nông sản chất lượng cao là loại nông sản phát triển hài hòa với môi trường xung quanh, đó là loại nông sản không dựa vào sự bao bọc của nhà kính và can thiệp thô bạo phân thuốc để phát triển” - anh nói.Shugo Hama giải thích chi tiết: Chất lượng nông sản hiện nay sẽ không tăng vì chỉ dừng ở mức kiểm soát được dư lượng thuốc theo quy định, chất lượng này sẽ giảm trong tương lai nếu không quy hoạch lại nhà kính ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận.Kịch bản sẽ diễn ra như sau: hệ vi sinh vật trong đất sẽ bị tổn thương đầu tiên, sau đó là côn trùng đất và động vật không xương sống trong đất, côn trùng trong tự nhiên. Những mắt xích đầu tiên trong hệ sinh thái bị đứt gãy.Dưới tác dụng nhiệt của nhà kính và lối sản xuất chuyên canh (không luân phiên cây trồng, không cho đất nghỉ) đất đai sẽ thoái hóa. Phân bón tồn dư mỗi lúc mỗi cao trong đất vì thiếu tác động cân bằng từ môi trường tự nhiên. Nấm bệnh phát triển nhiều hơn. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Rau, hoa sẽ bị bệnh nhiều hơn bình thường. Mà để khắc phục, người ta sẽ buộc phải dùng phân thuốc nhiều hơn khiến chất lượng nông sản suy giảm và càng ô nhiễm môi trường. “Đó là một vòng luẩn quẩn” - anh nói.Những mất mát âm thầmNhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái, nông nghiệp nói với TTCT nỗi lo ngại của họ về tốc độ phát triển nhà kính hiện nay ở Đà Lạt và vùng lân cận, điều mà họ cho rằng đang mở đường cho những vùng đất chết bởi những tác động khôn lường của nhà kính đến hệ sinh thái, đất đai, khí hậu.Tiến sĩ Lee Hyun Suk - Viện Tài nguyên sinh học quốc gia Hàn Quốc (NIBR), đang nghiên cứu đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang - giải thích về sự khác biệt của nhà kính ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel hay nhiều nước châu Âu. “Mùa đông ở Hàn Quốc, Nhật Bản rất lạnh, nông dân không còn cách nào khác phải chấp nhận dùng nhà kính để tăng cường khả năng giữ nhiệt sưởi ấm cho rau, hoa. Những quốc gia khác có khí hậu nóng hoặc lạnh quá ngưỡng chịu đựng của cây cối, quá giới hạn để can thiệp bằng các công nghệ khác nên đành phải dùng nhà kính. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng. Và nhà kính không phải là công nghệ cao. Đó chỉ là một phương án canh tác chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, tạo ra những hệ quả đáng lo ngại, không tạo ra được sự hài hòa, bền vững” - ông khẳng định.“Đà Lạt rất khác, nơi này có khí hậu ôn hòa để canh tác rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà không cần sử dụng nhà kính. Tôi chưa tìm thấy lý do nào thuyết phục rằng Đà Lạt nhất định phải dựng nhà kính để canh tác nông sản, ngoại trừ việc nông dân và các nhà quản lý nông nghiệp ở Đà Lạt quá mong muốn có sản lượng cao - ông nhấn mạnh - Đi cùng nhà kính là lối canh tác chuyên canh đang bị phản đối vì khiến đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước, tăng khả năng gây lũ cục bộ, tạo hiện tượng nóng, hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính và xung quanh”.Vùng nông nghiệp phường 11 (Đà Lạt) vào năm 2008 với ruộng cà rốt, hoa layơn. Hiện nay, toàn bộ khu này đã phủ nhà kính, những khu ruộng rau, hoa bậc thang bị xóa sổ. Ảnh: LÝ HOÀNG LONGĐã sống ở Đà Lạt 6 năm để làm những nghiên cứu chuyên sâu về hệ sinh thái nơi này, tiến sĩ Lee nói ông cảm nhận rất rõ sự nóng lên của Đà Lạt, các khu vực nhà kính đang khiến cảnh quan Đà Lạt như một vùng nông thôn không có quy hoạch.“Cùng với quá trình biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình ở đây đã tăng, biên độ nhiệt cũng giãn ra. Bạn nghĩ xem, nếu nhà kính lan rộng nữa, cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Đà Lạt sẽ còn mất gì? Mất mát về khí hậu và cảnh quan đồng nghĩa với suy thoái ngành du lịch và phát sinh nhiều vấn đề xã hội” - ông nhận xét.Cũng ở điểm này, kỹ sư Shugo Hama cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia có nông nghiệp phát triển dùng nhà kính đều có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những hậu quả của phương pháp này. Mục tiêu là để chủ động quản lý, theo nguyên tắc chung là quy hoạch vùng nông nghiệp dùng nhà kính không ở vùng du lịch trọng điểm.Điều này tránh xung đột về phát triển của ngành du lịch và nông nghiệp, môi trường và kinh tế. Nông dân những nơi đó khi lắp đặt nhà kính đều phải trải qua sự kiểm tra rất kỹ của giới chức có trách nhiệm, từ độ cao, rộng, vật liệu, mật độ đến mục đích canh tác. Các khu nhà kính lớn cần phải đánh giá tác động môi trường.Quan trọng hơn, vật liệu dùng làm nhà kính phải là loại vật liệu dễ tái chế. Khi làm nhà kính, nông dân Hàn Quốc phải đề xuất được phương án tái chế, những hộ nông dân muốn tiết kiệm mà đem đốt cháy những vật liệu nhà kính lén lút, khi bị bắt đều chịu phạt rất nặng.Với ông Lee, điều cốt lõi là quy hoạch vùng có nhà kính phải đi kèm chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, không coi nhà lưới - nhà kính là phương án sản xuất duy nhất. “Hệ sinh thái của các bạn tuyệt vời - tiến sĩ Lee nói - 6 năm qua, tôi đã tìm và định danh 150 loài côn trùng mới chưa được ghi nhận trên thế giới. Riêng côn trùng đã như thế, hẳn những lĩnh vực khác còn có nhiều điều tuyệt vời hơn. Do vậy phải giữ gìn hệ sinh thái Đà Lạt cho sau này, nhất là khi biến đổi khí hậu đang làm xấu đi môi sinh. Chính phủ và quốc gia nào cũng bị đặt trong sự lựa chọn giữa kinh tế và môi trường. Tôi tin Việt Nam nói chung, Đà Lạt nói riêng sẽ có lựa chọn đúng với định hướng luôn dành những điều tốt đẹp cho tương lai”. Hiểu sai về nhà kínhNhững người quản lý đã định nghĩa chưa đủ về nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo người dân hiểu sai. Khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới), trong khi công nghệ cao còn là những yếu tố quan trọng như công nghệ giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động, chăn nuôi và đồng cỏ, phát triển bền vững dựa trên canh tác hữu cơ...Vì bị hiểu sai nên nhà nhà làm nhà kính cho rau, hoa để tăng sinh khối và năng suất. Khi năng suất tăng, lợi nhuận tăng từ khoảng 100 triệu đồng/ha lên gấp 10 lần, ai còn nhớ đến việc hệ sinh thái đang bị đe dọa, cũng chẳng ai nghĩ nhiều đến việc đầu tư những công nghệ canh tác khác tiên tiến hơn nhưng đắt đỏ hơn.Tiến sĩ Vũ Ngọc Long (nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam)Đà Lạt một thuở nông nghiệp thuận tự nhiên (Ảnh: Mai Vinh)Những người có trách nhiệm nói gì?Theo ông Nguyễn Như Cường - quyền cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - Việt Nam đang khuyến khích sử dụng mô hình nhà kính để nâng cao chất lượng nông sản... Tuy nhiên, ông Cường cho biết hiện nay chưa có khảo sát chính thức về phát triển nhà kính ở Đà Lạt, lưu ý cơ quan chuyên môn của địa phương cần tư vấn, tham mưu cho tỉnh để tính toán, quy hoạch từng vùng xây dựng nhà kính, nhà lưới để đảm bảo phát triển sản xuất và giảm tác động đến môi trường.Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), việc Đà Lạt phát triển “nóng” nhà lưới, nhà kính là do quản lý của địa phương. “Một dự án đánh giá tổng thể về tác động của nhà kính ở Việt Nam hiện chưa có vì liên quan đến môi trường nên nếu làm phải rất kỳ công, ví dụ cần quan trắc 1ha nhà kính ở Việt Nam sẽ làm nóng lên bao nhiêu độ C chẳng hạn” - ông nói.Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết bộ cũng chỉ có định hướng chung cho các địa phương, việc phát triển nhà kính do cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt, cấp phép. “Quy hoạch và làm có phù hợp, đúng định hướng hay không là do tỉnh chịu trách nhiệm chứ bộ không thể đi hết để kiểm soát được việc này” - bà Thủy nói.Măng Đen - Hãy cẩn thận!Đến nay, diện tích dành cho nông nghiệp công nghệ cao của vùng nông nghiệp Măng Đen (tỉnh Kon Tum) chiếm khoảng 1.300ha, bằng 1/7 vùng nông nghiệp Đà Lạt.Năm 2018, Kon Tum đã thông qua quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, lối canh tác dùng nhà lưới, nhà kính để trồng rau, hoa được nhắc đến như một biểu thị của nông nghiệp công nghệ cao. Vùng nông nghiệp Măng Đen được định hướng “con đường Đà Lạt”.Định hướng này đã gây ra mối lo rằng Măng Đen sẽ lặp lại những bước chân sai trong hành trình phát triển nông nghiệp của Đà Lạt. Ông Dương Anh Hùng - trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen - nói về thế lưỡng nan ở đây: “Dùng nhà kính là rất cần vì Măng Đen sương nhiều, độ ẩm cao. Nhưng cảnh quan ở các khu nhà kính không còn tròn trịa như ban đầu. Đó là sự đánh đổi”.Nhà kính đang liên tục mọc lên ở Măng Đen (Ảnh: Mai Vinh)Tổng diện tích nhà kính của Măng Đen hiện tại là khoảng 200ha. Người dân được dựng nhà kính tự do ở những nơi mình canh tác. Cũng giống Đà Lạt, Măng Đen không có quy hoạch, đánh giá tác động môi trường đối với phương thức canh tác trong nhà kính. Và Kon Tum, trong định hướng phát triển của mình, cũng mong muốn phát triển nông nghiệp và du lịch song hành.Nhưng nếu tiếp tục để nhà kính tự do “nở nồi” như hiện nay, nhất là trong khu vực 1.200ha vùng có khí hậu ôn đới, nông nghiệp và du lịch khó mà chung nổi một con đường. ■ Những giải pháp ngắn hạn theo đề xuất của tiến sĩ Lee- Đưa ra nguyên tắc canh tác luân phiên đối với nhà kính. Có 10 cái thì canh tác trong 7 cái, còn 3 cái dành cho mùa sau. Sau vài mùa thì tháo trần nhà kính để canh tác mở.- Lựa chọn mật độ phù hợp: làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên hiện có mật độ nhà kính từ 50-70%. Ở Hàn Quốc chỉ có 30% dù địa hình 70% là đồi núi.- Trong lúc chờ đưa ra phương án quản lý nhà kính, Lâm Đồng và cơ quan quản lý trung ương phát triển công nghệ sinh học, cây giống... triển khai dần để người dân làm quen và chuyển đổi.- Siết chặt quản lý để người nông dân dần đi vào sản xuất tương tác tốt với môi trường. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản vào những mùa có thời tiết tốt, thiên địch của sâu bọ gây hại được đưa vào môi trường hàng loạt để bảo vệ nông sản của người dân.Rác nhà kính bỏ đi đâu?Rác nhà kính là những phế phẩm trong quá trình xây dựng và canh tác trong nhà kính, trong đó nhiều nhất là nilông (màng nhà kính, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, khay đựng giống).Theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, mỗi hecta nhà kính dùng khoảng 1,5 - 2 tấn màng nilông (tùy độ dày). Sau 5 năm, toàn bộ màng nilông cần được thay thế. Hiện nay, Đà Lạt có khoảng 5.400ha nhà kính, nghĩa là có khoảng 8.100 - 10.800 tấn nilông đang sử dụng. Ngoài ra, mỗi năm Lâm Đồng thải ra khoảng 800 tấn rác là vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, trong đó Đà Lạt chiếm đa số.Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ nilông từ nhà kính sau khi sử dụng không có cách xử lý nào chuyên biệt ngoài việc nông dân tự đốt hoặc bỏ thẳng ra bãi rác. Đối với vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, theo UBND TP Đà Lạt, nông dân phải tự gom bỏ vào thùng rác để rải rác tại các tuyến đường nhỏ gần vườn, sau đó sẽ được gom lại ở bãi tập kết. “Mỗi khi đủ 5 tấn, xe chuyên dùng sẽ chở đi TP.HCM để xử lý với chi phí là 100.000 đồng/kg” - ông Võ Ngọc Trình, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nói.Nhưng ông Trình cũng cho biết nông dân không tự giác thu gom rác theo khuyến cáo của TP mà chủ yếu vẫn bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Vì lý do này mà TP có hơn 300 thùng rác chuyên dùng chứa vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật nhưng không hoạt động hiệu quả. Tags: Ô nhiễmĐà LạtRácNhà kínhThuốc bảo vệ thực vật
Huỳnh Như ghi cú đúp ở giải AFC Champions League nữ QUANG THỊNH 06/10/2024 Tiền đạo Huỳnh Như tỏa sáng trong chiến thắng 3-1 của CLB nữ TP.HCM trước TXG Blue Whale (Đài Loan) ở lượt trận đầu tiên của bảng C AFC Champions League nữ 2024-2025.
Ban đại diện cha mẹ học sinh đại diện cho ai? VÕ VINH 07/10/2024 Nhiều người chán họp phụ huynh. Một phần vì chuyện tiền bạc, phần vì ban đại diện đại diện cha mẹ học sinh dường như không phải là đại diện cho phụ huynh lớp!
Đại giáo chủ Iran trao huân chương cho tư lệnh không quân tấn công Israel MINH KHÔI 06/10/2024 Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã trao tặng huân chương cho tư lệnh không quân Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) vì vai trò trong các cuộc tấn công tên lửa vào Israel.
'Ngắm' dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng NGỌC HIỂN 06/10/2024 Dự án Saigon Sports City (SSC) của Tập đoàn Keppel sau 4 năm khởi công đến nay vẫn là bãi đất trống. Keppel sẽ thoái 70% vốn và dự kiến thu về tới 7.500 tỉ đồng.