Amazon và triết lý rừng chạy

HOÀNG TIẾN ĐẠT 26/02/2024 16:39 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của anh Hoàng Tiến Đạt, sinh năm 1982, ở xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Anh Đạt và vợ đi thăm rừng

Anh Đạt và vợ đi thăm rừng

Chuyến đi định mệnh

Chuyến đi đến rừng mưa Amazon ở Brazil năm 2017 đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của vợ chồng tôi. Dự định ban đầu là đi để học hỏi về đời sống tâm linh của người bản địa, nhưng rồi chúng tôi lại được học về rừng, đời sống ở rừng.

Những ngày được sống trong rừng với thổ dân, nhìn vào đời sống tâm linh lẫn sức khỏe thể chất của những người sống nương tựa vào rừng này, chúng tôi băn khoăn về cái gọi là "cuộc sống hiện đại", về nơi chúng tôi đang sống. Nơi đó, bê tông đã ngăn con người với đất mẹ, cây cối không có đất để sống, nước ngầm rất khó bốc hơi, nước mưa khó ngấm xuống đất. Nơi đó có rất ít lương thực, thực phẩm, rất ít nước sạch - những thứ đó đều được vận chuyển từ xa tới. Nơi đó có rất ít chim thú. Với thổ dân, những điều kể trên là dấu hiệu của một "vùng đất chết" và họ phải nhanh chóng chuyển khỏi nơi đó.

Chuyến đi đó đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong tâm thức của tôi - sống nương tựa vào rừng là gốc rễ của đời sống tâm linh. Đời sống nương tựa tự nhiên như con chim bay trên trời, con cá bơi dưới nước, tự nó sẽ có những khả năng và sự nhận biết; không cần cố gắng. Cuộc sống xa rời sự nương tựa ấy giống như một con chim cánh cụt nghĩ mình có thể đập cánh và dạy cho người khác cách bay.

Sau chuyến đi, chúng tôi quyết định rời khỏi thành phố và thể nghiệm đời sống nương tựa thiên nhiên. Bắt đầu với một khu vườn nhỏ đã có cây ăn trái, chúng tôi trồng rau kết hợp chăn nuôi, trồng ít cây lấy gỗ. Sau 3 năm, chúng tôi nhận ra nhiều vấn đề. Đầu tiên, xử lý sâu bệnh cho vườn rau rất mất thời gian mà hiệu quả thấp, kế đó là phải hút nước ngầm lên tưới cây trong khi mực nước ngầm mỗi ngày mỗi cạn. Và sinh khối lấy đi nhiều (thông qua rau màu và trái cây) trong khi sinh khối hoàn trả thì ít nên để bù đắp lại cho đất, chúng tôi phải bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Nếu ta coi vườn rau là cái nhỏ, vườn cây ăn trái là cái lớn hơn, thì rừng là cái lớn hơn nữa bao trùm tất cả. Trong cái lớn luôn có những cái nhỏ, vì vậy chúng tôi thống nhất mục tiêu tái lập rừng và tin rằng trong cái lớn đó có mọi thứ chúng tôi cần.

Nhờ những trải nghiệm ở Amazon, chúng tôi tin rằng chỉ cần rừng được tái lập, sẽ không phải lo sâu bệnh; rừng được tái lập thì độ ẩm trong đất và trong không khí sẽ luôn duy trì, mạch nước ngầm được bổ sung; rừng được tái lập thì lượng sinh khối khổng lồ từ rừng sẽ nuôi dưỡng đất đai; rừng được tái lập thì chúng tôi sẽ có một kho dự trữ khổng lồ bao gồm không khí sạch, nước sạch, thức ăn sạch...

Một ví dụ về sự đa dạng của cây tái sinh tự nhiên.

Rừng chạy

Thổ dân ở rừng mưa Amazon xem rừng như một vị thần, có chân và có thể chạy. Ở Amazon, khi những kẻ khai thác tới phá rừng để trồng đậu nành, cà phê và nuôi bò… thì thổ dân rút vào rừng sâu. Khi mảnh đất đã cạn kiệt từ gỗ, khoáng sản đến dưỡng chất thì những kẻ khai thác sẽ bỏ đi, để lại những vùng đất trơ trụi rộng nhiều ngàn ha. Lúc này, thổ dân quay trở lại vùng đất ấy để hòa mình vào tiến trình "Rừng chạy". Những cánh rừng sẽ "chạy" tới và chả mấy chốc sẽ bao trùm vùng đất kiệt quệ đó. Rừng càng to, càng dày, càng già thì chạy càng nhanh.

Họ có một quy ước được tất cả thành viên của bộ lạc tuân thủ nghiêm ngặt: khi rừng đang tái lập thì không được bước vào, chỉ rất ít người trong bộ lạc được phép tiếp cận khu rừng đang tái sinh. Lâu lâu, nhóm nhỏ này sẽ đi thăm, nếu phát hiện khu vực nào tái sinh quá chậm thì họ sẽ trộn trái cây với rất nhiều loại hạt giống từ những khu rừng khác và mang tới đặt ở những khu vực ấy. Việc còn lại, họ nhường cho chim, thú và những cơn gió tiếp tục làm. Họ tôn trọng tất cả các loài cây tái sinh mà không phân biệt gỗ quý hay gỗ tạp.

Tháng 4-2021, ao mới đào, toàn đá là đá, chưa có nước

Tháng 4-2021, ao mới đào, toàn đá là đá, chưa có nước

Ba năm trước, chúng tôi tiếp quản mảnh đất gần 6ha này. Mảnh đất gồm phần đồi cao và dốc gần 5ha đang trồng tràm và điều. Điều đã chết gần hết. Tràm, sau khi thu hoạch, đang tái sinh từ gốc cũ. May mắn là khu này chưa bị xới xáo nhiều. Phần đất thứ hai rộng khoảng 1ha là phần đế đồi còn lại sau khi khai thác đá. Cỏ còn khó mọc. Hồi tôi mới chuyển về đó, mấy bác hàng xóm đang có đồi cao cũng tính bạt đồi cho bằng để dễ trồng cây. Sau một buổi cùng tôi trồng cây trên phần đế đồi toàn đá là đá, không thể dùng cuốc, chỉ dùng được xà beng, có những chỗ phải dùng máy múc để đào hố trồng chuối vì xà beng không ăn thua, thì các bác đã bỏ ý định bạt đồi. Cuối cùng là khu vườn quanh nhà, nằm ở chân đồi, khoảng hơn 1.000m2. Vườn này được bác chủ đất cũ trồng khá đa dạng.

Hai năm đầu, chúng tôi hạn chế đi tới những khu vực đang tái sinh. Nếu có thăm thì chỉ mình tôi đi vào, chậm rãi và quan sát tỉ mỉ. Sau năm thứ hai, tôi thấy rất nhiều loại cây tự tái sinh, kéo theo sự xuất hiện của ong, bướm, chim, thú... Có nhiều khu vực sự tái sinh đủ đầy đến mức chúng tôi không cần làm bất cứ việc gì ngoài ngắm nhìn. Chúng tôi thấy những cây bời lời tái sinh, đan xen là kơ-nia, dầu, re... và nhiều cây gỗ mà chúng tôi không biết tên. Có cây đã cao được 3m, có cây mới chừng 1m, có cả những cây non mới nảy mầm.

Ở một số khu vực, cây thân gỗ tái sinh chậm hơn hoặc bị đót, lồ ô, dương xỉ... chiếm ưu thế, chúng tôi can thiệp một chút bằng cách thả hạt giống trên một khoảnh nhỏ rồi cắt bớt các cây đang chiếm ưu thế ở đó. Đôi khi, chúng tôi ươm vài cây rồi trồng thêm vào những nơi đó. Chọn cách làm cùng với tự nhiên này, chúng tôi thấy thảm thực vật tái lập rất đa dạng mà tốn rất ít công sức và tiền bạc.

Tháng 12-2023, ao có nước ngay cả trong mùa khô, nhiều cây cỏ tái sinh

Tháng 12-2023, ao có nước ngay cả trong mùa khô, nhiều cây cỏ tái sinh

Sau 3 năm tiếp quản khu vườn, chúng tôi càng tin là rừng biết chạy. Từ mảnh đất dốc toàn điều và keo, nay số cây chúng tôi biết tên chỉ chiếm phần nhỏ so với những cây tự tái sinh mà chúng tôi không biết tên. Những cây dầu, sao đen, giáng hương, re, bời lời, gáo... được bác chủ cũ trồng quanh nhà đã thành cây mẹ phát tán hạt giống. Một khi có cây mẹ, sự tái sinh diễn ra nhanh và rõ rệt, không chỉ trong khu rừng của chúng tôi mà trong cả những vườn lân cận. Các cây kơ-nia, cẩm lai, căm xe, lim xanh, gõ đỏ, trắc đỏ, chò chỉ, chò lông... đang sinh trưởng tốt và cũng sẽ đến ngày thành cây mẹ. Ở phần đế đồi toàn đá, sự tái sinh khó hơn và chậm hơn nhưng cũng đã được bao phủ bởi nhiều loại cây, đa phần là cây tự mọc.

Khi chúng tôi mới tiếp quản, mặt đất lúc nào cũng khô nóng, các con suối ven đồi chỉ có một ít nước vào mùa mưa và cạn khô trong mùa khô, các giếng đào xung quanh cạn trơ đáy. Song song với việc hỗ trợ thảm thực vật tái lập như nói trên, chúng tôi đã đào nhiều bẫy nước và ao nhỏ để gom nước. Giờ đây, ngay cả giữa cao điểm mùa khô, các dòng suối và ao hồ trên mảnh đất này vẫn có nước, các giếng đào lân cận đã có nước trở lại và thu hút ngày càng nhiều chim thú về cư ngụ.

"Nếu chúng ta không tạo ra vấn đề thì chúng ta không phải đi giải quyết vấn đề" - thổ dân Amazon đã nói với chúng tôi như vậy. Mảnh đất mà chúng tôi tiếp quản minh chứng cho điều đó. Chỗ nào con người ít can thiệp, ít xới xáo thì rừng tái sinh rất nhanh. Chỗ nào con người can thiệp nhiều và xới xáo nhiều thì tái sinh chậm và tốn công sức. Một cuộc sống giản đơn, khiêm nhường, nương tựa vào rừng có thể là sự lựa chọn để chúng ta không tạo thêm các vấn đề, đồng thời có thể giải quyết rất nhiều vấn đề mà con người đang gặp phải, từ thể chất tới tinh thần.

Amazon và triết lý rừng chạy- Ảnh 4.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận