Chuyện một rừng keo "thuận dòng"

PHAN KHẮC HỒNG 26/02/2024 16:20 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của anh Phan Khắc Hồng, sinh năm 1991, ở thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa về những rừng keo quê nhà.

Hồng giữ lại và dưỡng tất cả cây rừng tự tái sinh trong vườn keo. 6 tháng sau khi trồng, keo bắt đầu khép tán, che bóng cho cây rừng. 6 tháng sau khi khai thác keo, thảm cây rừng đa loài, đa tầng phục hồi và sinh trưởng ngoạn mục

Hồng giữ lại và dưỡng tất cả cây rừng tự tái sinh trong vườn keo. 6 tháng sau khi trồng, keo bắt đầu khép tán, che bóng cho cây rừng. 6 tháng sau khi khai thác keo, thảm cây rừng đa loài, đa tầng phục hồi và sinh trưởng ngoạn mục

Sau 4 năm học ngành tài chính và 2 năm làm công việc yêu thích trong lĩnh vực đầu tư ở TP.HCM, tôi bắt đầu chán cái không gian chật chội, đường phố đông đúc, không khí ô nhiễm và cả những dòng kênh nín thở. Năm 2015, tôi về quê lập nghiệp với loại cây mà bố mẹ đã trồng để nuôi hai chị em tôi ăn học: keo nguyên liệu.

Vận dụng hiểu biết về tài chính và kinh doanh vào việc trồng keo lai giâm hom, tôi mua đất, thuê đất và hợp tác với người dân để mở rộng diện tích trồng keo.

Từ năm 2017 đến cuối 2022, tổng diện tích keo chúng tôi đã thu hoạch là 450ha, lợi nhuận trung bình đạt 10,4 triệu/ ha/luân kỳ (một vòng từ trồng tới chặt khoảng 4 - 5 năm), chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Tỉ suất sinh lời (IRR) ở mức 12%/năm, thấp hơn so với dự toán ban đầu là 20%/năm do không đánh giá đủ rủi ro ngoại cảnh và tốc độ tăng chi phí đầu tư.

Đó là vì trồng keo cần nhiều lao động. Chi phí nhân công tăng 5-10%/năm (từ 100.000 đồng/ngày hồi năm 2015 đã tăng lên 250.000 đồng/ngày vào năm 2023). Trong khi đó, giá thu mua keo nguyên liệu tại nhà máy gần như không thay đổi, dao động quanh mức 1,2 triệu đồng/tấn. Chi phí đầu tư luân kỳ sau cao hơn luân kỳ trước, trong khi năng suất lại giảm dần do thoái hóa đất.

Kế đó, do thiếu đầu tư, kiểm soát chất lượng cây giống, lại thêm diện tích trồng keo phát triển nóng và thiếu kiểm soát đã khiến nấm bệnh dễ lây lan, phát tán. Các bệnh hại phổ biến trên cây keo hiện nay là nấm hồng, xì mủ và cháy bìa lá đang có dấu hiệu lây lan khắp cả nước, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, thậm chí có thể mất trắng.

Trồng keo không còn hấp dẫn, tôi buộc phải tìm kiếm hướng đi mới.

CỦA TRỜI CHO

Tháng 10-2018, có khoảnh đất dốc rộng 2 ha khó canh tác keo, tôi đổi qua trồng cây lâu năm: chò chỉ, lim xanh, sao đen, lát hoa, gõ đỏ... Cây mình trồng thì chậm lớn mà cỏ dại, chồi rừng, dây leo tái sinh thì nhanh, phải chăm sóc liên tục. Đến hè 2019, cây trồng bắt đầu chết dần do khô hạn. Tính đến nay, 2.000 cây rừng được trồng đợt ấy chỉ còn sống lác đác vài cây.

Cũng trong năm này, tôi trồng thử nghiệm 3ha cây tầm vông (miếng A). Sau khi tầm vông đã sống, tôi để cỏ và chồi rừng mọc tự nhiên để "che mắt" thiên hạ khỏi vào chặt cây, lấy măng. Đến năm 2020, tôi thực sự bất ngờ khi thấy xen trong tầm vông có rất nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên. Trong đó có nhiều cây gỗ giá trị như giáng hương, chang chang, muồng đen, xoan ta... Đến nay sau 5 năm, vạt tầm vông của chúng tôi đã thành vạt rừng hỗn giao với đủ loại cây rừng lớn nhỏ thi nhau mọc.

Tôi mua thêm 1 lô đất trồng keo (miếng B) kế bên miếng A. Người chủ cũ thu keo xong, giao lại cho tôi mảnh đất trống trơn, ngổn ngang vỏ và cành keo. Mùa mưa đến, tôi phát hiện cây giáng hương tái sinh chồi dày đặc, có chỗ cứ cách 2-3m là có 1 cây, cùng với nhiều cây xoan con đang mọc từ hạt. Trong bán kính 500m quanh khu đất, chỉ có đúng một cây giáng hương và vài cây xoan trưởng thành. Tôi đồ rằng, hàng ngàn chồi giáng hương hiện hữu đều được phát tán hàng năm từ đúng một cây mẹ.

Hồng bên một gốc giáng hương tái sinh chồi trong vườn tầm vông, 5 năm sau khi phát dọn thực bì và đốt sạch sẽ

Hồng bên một gốc giáng hương tái sinh chồi trong vườn tầm vông, 5 năm sau khi phát dọn thực bì và đốt sạch sẽ

Quan sát của tôi cho thấy: Càng nhiều chồi rừng, càng đa loài thì thảm thực vật tái lập càng nhanh; Tốc độ tái lập thảm thực vật tùy thuộc rất nhiều vào lịch sử sử dụng đất; Hai yếu tố làm suy giảm số loài và số lượng chồi là cày xới đất và dùng thuốc diệt cỏ.

Cả 2 miếng A và B từng là đất trồng mía nhiều năm. Miếng A nhiều đá, không cày xới được mà chỉ phát đốt. Trước khi trồng tầm vông trên miếng A, tôi cũng đã phát dọn thực bì và đốt sạch sẽ, nhưng gốc rễ cây rừng vẫn còn đó và rừng chồi cứ thế tái sinh. Miếng B phẳng phiu nên bị cày xới nhiều. Người chủ cũ lại kỹ tính. Toàn bộ dây leo, chồi và cỏ trong vườn keo đều được phát dọn sạch sẽ, cho nên chỉ thấy 2 loài - giáng hương và xoan - tái sinh nhờ cây mẹ.

Chồi rừng và cây mẹ đúng là của trời cho. Vậy mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm đâu xa?

Giữa 2023, giá củi vườn tạp 800.000 - 1 triệu đồng/tấn chênh lệch không đáng kể so với giá keo nguyên liệu 1,2 triệu đồng/tấn lột vỏ (tương đương 1,05 trệu đồng/tấn cả vỏ). Sau khoảnh khắc nhận ra pha xử lý cồng kềnh trước đó, tốn công tốn của dọn củi trồng keo rồi bán keo giá củi, tôi không còn do dự về con đường tái lập rừng vì tình huống đơn giản nhất là để rừng tái sinh tự nhiên rồi bán củi vẫn hơn trồng keo tốn bao chi phí.

THUẬN DÒNG

Khi đã thấu hiểu rằng trồng keo độc canh là đi ngược tự nhiên, hệ quả tất yếu là đất đai bạc màu, nhiều loài tuyệt chủng và sụp đổ hệ sinh thái - một trò chơi mà tất cả đều thua - tôi biết mình chỉ còn một con đường: nương theo tự nhiên để từng bước chuyển đổi từ độc canh cây keo sang tái lập rừng đa loài, đa tầng.

Trên đất trồng keo hiện hữu, tôi giữ lại và dưỡng tất cả cây rừng tự tái sinh trong vườn keo, bởi cây lấy gỗ (những loại mọc trung bình và mọc chậm) không hề cản trở cây keo (mọc nhanh) mà còn giúp che phủ bề mặt, hạn chế cỏ dại khi keo còn nhỏ. Mặt khác, keo đóng vai trò cây tiên phong che bóng, giữ ẩm và thông thoáng tầng mặt cho cây rừng nảy mầm sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Những mảnh đất bị suy thoái độ phì và ô nhiễm hóa chất có thể bị mắc kẹt trong nhiều năm với các quần thể mật độ cao như cỏ dại, dây leo, lồ ô… thì ngoài việc trồng keo làm cây tiên phong và giữ lại cây rừng tái sinh tự nhiên, tôi trồng bổ sung cây lấy gỗ khi keo bắt đầu khép tán. Sau khi khai thác keo, thảm cây rừng đa loài, đa tầng còn lại phục hồi rất nhanh và sinh trưởng ngoạn mục. Khi tầng tán ổn định (1 - 3 năm sau khai thác keo) tôi mới trồng cây mục đích dưới tán.

Tôi chọn cây mục đích là những cây cho khai thác sớm như tầm vông, dó bầu và những loại dược liệu dưới tán rừng để có thu nhập ngắn và trung hạn. Những loài cây này che bóng, giữ ẩm và kiểm soát cỏ một cách tự nhiên nhờ tán rừng nên phát triển tốt mà lại tốn ít công chăm sóc.

Trên những mảnh đất sau canh tác nương rẫy, chưa trồng keo, tôi đánh giá mức độ tái sinh trên đất. Với những mảnh đất tái sinh tốt, chúng tôi cho đất nghỉ 5 - 7 năm để phần nào phục hồi độ phì. Khi cây rừng tái sinh khá đa loài và đa tầng (tuy còn sơ khai), chúng tôi mới tiến hành rong dọn bớt cây bụi, cây tiên phong thân xốp để có không gian trồng thêm cây mục đích dưới tán rừng. Nếu thấy tốc độ tái sinh chậm, tôi trồng thêm 1 luân kỳ keo làm cây tiên phong, và canh tác giống như đất keo hiện hữu nói trên.

Tái lập rừng là bài toán dài hạn. Của để dành của tôi là hệ cây rừng lấy gỗ tái sinh và phát tán tự nhiên, hầu như không tốn chi phí nhưng hứa hẹn sẽ cho thu nhập tốt khi đến tuổi khai thác. Vườn tầm vông 3ha tôi trồng năm 2018 hiện có hàng trăm cây giáng hương và chang chang tái sinh đang phát triển tốt, cây cao tới 10m, đường kính ngang ngực 15cm. 30 năm sau, khi cây cao tới 20-30m, đường kính ngang ngực 50-70cm, giá trị có thể nhiều tỉ đồng. So sánh với trồng keo, mỗi luân kỳ keo (5 năm) cho lợi nhuận 100-150 triệu/3ha, tổng thể chỉ cho thu nhập 600-750 triệu cho cùng thời gian 30 năm.

Nương theo dòng chảy tự nhiên để thấy mình bé nhỏ, đủ đầy và thảnh thơi. 

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận