Anna Lindh - "Một người trong chúng ta"

CAM LY 22/09/2003 00:09 GMT+7

TTCN - Hôm thứ sáu 19-9-2003, người dân Thụy Điển và không ít người dân trên thế giới đã hướng đến lễ an táng cố ngoại trưởng Anna Lindh bị sát hại chiều thứ tư và qua đời sáng thứ năm tuần trước. Những ký ức đẹp về “bông hồng Thụy Điển” 46 tuổi này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông qua những dòng tưởng niệm của những người từng quen biết và yêu mến bà…

Di ảnh của ngoại trưởng Thụy Điển Anna Lindh

"Cô gái bé bỏng” của thị trấn Enkoeping. Anna Lindh sinh năm 1957 tại vùng Enskede, ngoại ô thủ đô Stockholm. Khi Anna Lindh vừa tròn 8 tuổi thì gia đình dọn đến thị trấn nông nghiệp Enkoeping. Người dân thị trấn này giờ đây vẫn còn nhớ cô bé Anna năng động này. 

Năm 13 tuổi Anna đã lãnh đạo chi hội thiếu niên địa phương của Đảng Dân chủ xã hội, mạnh mẽ lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam. 

Bạn đồng lứa kể lại thời đó mọi người có lúc phát chán vì lòng nhiệt thành mà Anna dành cho chính trị, và từng nói với Anna: “Này thôi, đừng làm chúng tớ phát chán vì chuyện chính trị của cậu nữa. 20 năm nữa hãy quay lại đây, nói chuyện chính trị với chúng tớ”. 

Bước vào giảng đường đại học, Anna nhanh chóng trở thành một nhà hoạt động chính trị tên tuổi, thậm chí được xem là được nhiều người biết đến nhất trong số các đại diện cho thế hệ cô. 

Đến khi Anna Lindh bước vào chính trường ở Stockhom đầu những năm 1990, người dân Enkoeping không còn hồ nghi khả năng “cô gái bé bỏng” của họ sẽ vượt tầm cỡ của thi trấn nhỏ bé ấy. 

Maria Myrberg, 45 tuổi, bạn cùng lớp của Anna tại Enkeoping, nói: “Nơi đây đã trở nên quá nhỏ bé với Anna, hoặc là cô ấy đã quá lớn mạnh so với Enkeoping. Đó là một phụ nữ có nhiều kế hoạch lớn lao nhưng vẫn luôn biết sống vui, nên ở đây cô luôn được chúng tôi yêu mến“. 

Ngày bị sát hại (11-9-2003) cũng là ngày bà Anna Lindh định trở về Enkoeping vận động người dân ủng hộ đồng euro. Nhưng những lưỡi dao oan nghiệt đã không cho bà cơ hội cuối cùng để trở lại nơi mà bà đã bước những bước đầu tiên trên con đường chính trị. 

Mạnh mẽ và mềm yếu Năm 1991, Anna Lindh trở thành ủy viên của Ủy ban điều hành Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển. Năm 1994, bà trở thành thành viên nội các trong vai trò bộ trưởng môi trường. 

Năm 1998, bà được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. 

Người dân Thụy Điển mở rộng tay chào đón nữ chính khách duyên dáng này: bà được bình chọn là người phụ nữ Thụy Điển được kính trọng nhất (theo cuộc trưng cầu của Viện thăm dò dư luận Sifo), là một trong ba nhân vật quan trọng nhất của Đảng Dân chủ xã hội, và được coi là người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Goran Persson. 

Chính trường quốc gia Bắc Âu này có lý do để ưu ái Anna Lindh. Trong năm năm tại chức, nữ ngoại trưởng Lindh được giới ngoại giao toàn cầu biết đến như một nữ thuyết khách tài năng, một nhà ngoại giao năng động trong Cộng đồng châu Âu, và là nữ ngoại trưởng khẳng khái trong các vấn đề quốc tế. 

Anna Lindh và gia đình

Một ví dụ gần nhất, ngoại trưởng Anna Lindh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm bất đồng với Chính phủ Mỹ về cuộc chiến Iraq. Bà cũng rạch ròi phân tích sai lầm của chính quyền Bush và Chính phủ Israel trong đối sách với Palestine, và được người dân Palestine yêu quí vì đã thông hiểu với cuộc đấu tranh giành độc lập của họ. 

Trong Cộng đồng châu Âu, nữ ngoại trưởng Anna Lindh là người nhiệt thành đề cao vai trò của cởi mở, dân chủ, bình đẳng giới tính, là người quyết liệt trong các chính sách chống buôn bán phụ nữ. 

Ba ngày trước khi bị sát hại, trong một cuộc điện thoại cho người bạn thân Olle Svenning, một ký giả, bà đã tâm sự rằng bà rất buồn và đau lòng vì cuộc tranh cãi trong nội bộ Đảng Dân chủ xã hội của mình quanh đồng euro và vì cá nhân bà đã bị đem ra công kích…

 “Một người trong chúng ta” 

 Trong những bài viết về ngoại trưởng Anna Lindh, nhiều người so sánh bà với “bông hồng nước Anh” - công nương Diana. Cũng như Diana, Anna Lindh cố gắng hòa đồng với những người xung quanh. Như tờ Guardian (Anh) bình luận: bà đã là “một người trong chúng ta”. 

Trong những cuộc làm việc với Thủ tướng Israel Ariel Sharon hay Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, bà Lindh thường mặc những trang phục giản dị, đôi khi còn hơi nhàu nát, mang bên mình chiếc giỏ xách to. Trông giống như tất cả phụ nữ làm việc bằng đầu óc chứ không phải bằng hình dáng bên ngoài. 

Bà ngồi xếp bằng trên sàn tàu điện, làm việc cả trong những chuyến tàu dài 100km từ nhà đến văn phòng và ngược lại. Trừ khi có những việc chẳng đặng đừng, bao giờ bà cũng về nhà buổi tối với hai cậu con trai 13 và 8 tuổi, kèm con làm bài tập ở nhà.

Câu chuyện gần đây về ngoại trưởng Lindh mà nhiều người còn nhớ là khi bà xin phép bỏ ra ngoài trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Jack Straw để… chạy về nhà khi con trai của bà quên chìa khóa không vào nhà được. 

Anna Lindh cũng là người khước từ những đặc quyền ngoại giao và từ chối các biện pháp an ninh dành cho cương vị ngoại trưởng của mình. 

“Tôi không muốn được an ninh chìm kè kè bảo vệ. Tôi không thể chấp nhận được cách sống như thế” “chỉ mới cách đây vài tháng bà đã  tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn. Đi dạo, đi mua sắm, đi du lịch… bà đều muốn làm theo cách thông thường nhất mà một người dân Thụy Điển vẫn làm hằng ngày. 

Một trong những lý do để Anna Lindh mong muốn làm một người bình thường là vì hai con trai bà: David và Philip. Chỉ vì có lần những đứa trẻ nói: “Mẹ ơi, mẹ là người tuyệt vời nhất trên thế giới, nhưng đôi khi chúng con mong sao mẹ làm một công việc khác”… 

Hai tuần trước khi bị sát hại, văn phòng Bộ ngoại giao đã nhận được một lá thư điện tử có nội dung đe dọa. Không ai báo cho bà biết việc ấy, và công việc chuẩn bị cho kỳ trưng cầu dân ý về đồng euro cuốn bà đi… Cho đến khi bị đâm, bà cũng chỉ kịp nói thảng thốt: “Chúa ơi, người ấy đã đâm tôi”… 

Cuối tuần qua, toàn thể cư dân Enkoeping chỉ được nhìn thấy Anna lần cuối cùng qua di ảnh. Bức ảnh tươi cười của bà được đặt trong nhà thờ địa phương, bên cạnh là một ngọn nến nhỏ. 

Trong cuốn sổ tưởng niệm, ai đó đã ghi: “Tâm trí chúng tôi hướng về bạn, Anna. Xin cảm ơn vì đã chia sẻ cùng tôi những năm tháng đoàn kết chống lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam”. 

Nhật báo địa phương Bưu Điện Enkoeping, nơi Anna từng làm việc khi sống tại thị trấn này, chạy dòng chữ lớn: “Bà chưa từng quên cội nguồn của mình tại Enkoeping”… 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận