APEC 2017 có gì mới ?

DANH ĐỨC 07/11/2017 20:11 GMT+7

TTCT - Mỗi kỳ họp thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đều đem đến cho mỗi nền kinh tế thành viên những vận hội mới.

Tấm biển giới thiệu APEC phía đầu cầu Rồng, Đà Nẵng.-Ảnh: Đoàn Cường
Tấm biển giới thiệu APEC phía đầu cầu Rồng, Đà Nẵng.-Ảnh: Đoàn Cường


Những vận hội mới đó được giới thiệu trong văn bản gọi là tuyên bố của các lãnh đạo mà phần mào đầu luôn là những đánh giá tình hình năm đó từ vị trí của nơi đăng cai thượng đỉnh. Tất nhiên, mỗi tuyên bố của các lãnh đạo đều phản ánh những đánh giá tình hình khác nhau.

Tuyên bố của các lãnh đạo

Khi số báo này lên khuôn, Thượng đỉnh APEC lần thứ 25 vẫn chưa diễn ra, tuyên bố của các lãnh đạo APEC 2017 chưa có.

Tuy nhiên, vẫn có thể mường tượng ra đánh giá đó qua diễn văn của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, tại Hội nghị toàn thể của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) ngày 15-5-2017 ở Hà Nội.

Bài phát biểu với chủ đề “Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương cho thế kỷ 21”, có đoạn đánh giá: “Khu vực của chúng ta là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc”.

Có thể tạm hiểu đánh giá đó vừa là nhận định tình hình như đúng thực tế, vừa phản ánh khát vọng giữ vững được tình hình đáng mừng đó. Tất nhiên, cũng đã có những lúc tranh chấp ở đây, ở kia trong khu vực, song chưa đến nỗi trở thành “xung đột nóng”.

Đây là một thực tế vô cùng may mắn nếu so với các khu vực khác trên thế giới, thậm chí ngay cả ở châu Âu: xung đột nóng ở khu vực Balkan, Nam Tư cũ ở thập niên 1990 hay ở Ukraine - vẫn đang diễn ra, chưa nói tới khu vực Trung - Cận Đông và châu Phi không ngừng loạn lạc...

Tuy nhiên, sự yên bình mong mỏi đó cũng có thể bị đe dọa, như cảnh báo của Bộ trưởng ngoại giao chủ nhà Phạm Bình Minh trong diễn văn nêu trên, bởi “những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới...”.

Trong một đoạn khác của diễn văn, ông Phạm Bình Minh nhắc lại nhu cầu yên bình này: “Bài học ba thập kỷ vừa qua là không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh. Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau.

Trong môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, hơn lúc nào hết chúng ta cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và khả năng thích ứng.

Cấu trúc đó cần có khả năng bảo đảm sự bổ trợ giữa các tầng nấc hợp tác đa tầng và quản trị khu vực hiệu quả. Cấu trúc đó cũng cần tính đến và hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực”.

Đánh giá tình hình “êm ả” càng nổi bật trong Tuyên bố của các lãnh đạo ở APEC Manila 2015: “Trong bóng tối của các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, Beirut, và nhắm vào máy bay Nga ở Sinai cùng những nơi khác, chúng tôi mạnh mẽ lên án mọi hành vi, phương thức thực hiện khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện.

Chúng ta sẽ không cho phép chủ nghĩa khủng bố đe dọa các giá trị cơ bản nâng đỡ nền kinh tế tự do và cởi mở của chúng ta.

Tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng và các cơ hội mới là công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp bách của việc tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Phải công nhận là đánh giá tình hình này chính xác như một linh cảm dự báo, bởi một năm sau ở Philippines nổ ra cuộc tấn công khủng bố lớn tại thành phố Davao ngày 2-5-2016 và tháng 5-2017, cả thành phố Marawi bị khủng bố thân IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) chiếm giữ, mà mãi cuối tháng 10 rồi mới tạm yên.

Từ những gì đã xảy ra ở Philippines, càng thấm thía khát vọng an bình, do lẽ có an bình mới có thể tập trung cho phát triển. Khát vọng đó được bộc lộ lần nữa trong Tuyên bố của các lãnh đạo APEC Lima 2016 (Peru).

Các nhà lãnh đạo nhận xét: “Sự hồi phục kinh tế thế giới đang tiến triển, nhưng phải đối mặt với các thách thức ngày càng sâu rộng và liên quan đến nhau”.

Những thách thức đó là gì? Tuyên bố cho biết: “Tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong một số nền kinh tế và sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều cũng như sự suy thoái môi trường và những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra sẽ ảnh hưởng đến triển vọng phát triển bền vững và làm tăng thêm sự không chắc chắn ở tương lai gần.

Thêm vào đó, toàn cầu hóa và các quá trình hội nhập liên quan đang ngày càng bị đặt thành vấn đề, góp phần vào sự xuất hiện của các xu hướng bảo hộ”.

Những cảnh báo vĩ mô tỏ ra chính xác và thiết thực. Sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc với một số nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều và suy thoái của môi trường.

Các thách thức mà Tuyên bố APEC Lima 2016 cảnh báo được nhắc lại trong một quan sát của Tổ chức Oxfam (Anh) ngay trước Thượng đỉnh APEC Đà Nẵng 2017: “Hội nghị thượng đỉnh tại Đà Nẵng lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung.

Các chính sách này chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm nhỏ trong khi hàng triệu phụ nữ, công nhân và nông dân đang bị tụt lại phía sau”.

Thường thì cái nhìn của các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ (như Oxfam) hay đối chọi với cái nhìn của các nhà nước, và do đó ở các thượng đỉnh tột đỉnh như G7 hay G20 thường xảy ra xung đột mang tính ý thức hệ giữa hai góc nhìn, song những vấn đề như chênh lệch phát triển, bất bình đẳng thu nhập, tăng trưởng chậm lại... là điều được nhất trí từ cả hai phía.

Các nhà lãnh đạo APEC Đà Nẵng 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục cái nhìn trung thực của thượng đỉnh Lima 2016 và Manila 2015, đồng thời sẽ cụ thể hóa hơn nữa giải pháp cho vấn nạn kép đói nghèo và bất bình đẳng, diễn văn của ông Phạm Bình Minh ở hội nghị toàn thể của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho thấy mối quan tâm đó:

Triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba nhóm thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn”.

Ba nhóm thách thức đó là (1) sự trì trệ về năng suất, bất bình đẳng gia tăng, các thách thức dân số, đói nghèo, đô thị hóa, biến đổi khí hậu; (2) sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và (3) rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu cơ chế quản lý khu vực.

Lựa chọn của Việt Nam

Chủ đề quốc gia với Việt Nam của Thượng đỉnh APEC 2017 là “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”.

Tại hội nghị các thứ trưởng và phó thống đốc ngân hàng trung ương tháng 2-2017, các thứ trưởng và phó thống đốc đã thống nhất bốn chủ đề ưu tiên hợp tác do Việt Nam đề xuất: (1) Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; (2) chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; (3) tài chính bảo hiểm thiên tai và rủi ro thiên tai; cuối cùng là (4) tài chính bao trùm.

Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính ở Hội An khai mạc hôm 19-10 vừa qua, các chủ đề trên đã được bàn bạc lần chót trước khi được đề xuất lên các lãnh đạo APEC trong tuần tới.

Các bộ trưởng tài chính đã nhất trí cao nội dung từng đề mục, tỉ như: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) trong các nền kinh tế thành viên APEC, và nhu cầu tăng cường hợp tác khu vực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp và thực tiễn tốt về phát triển chính sách thuế, thiết kế pháp luật và quản lý thuế, thách thức của BEPS trong khu vực, đồng thời nâng cao tính chắc chắn, minh bạch và công bằng của hệ thống thuế”.

Nôm na mà nói,“xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận” là các sách lược tránh thuế nhằm khai thác các khoảng trống, kẽ hở, hoặc các điều khoản không tương thích trong luật thuế để chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường” thuế (thuế thấp hoặc không có thuế).

Những câu chuyện về các vụ chuyển giá của một số tập đoàn FDI năm nào cũng khai lỗ song cứ bình thản năm sau xây dựng nhà máy sản xuất mới hàng trăm triệu USD là những trường hợp “xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận” mà nay các nền kinh tế APEC sẽ tăng cường hợp tác giúp nhau giải quyết. Chỉ ở tầm mức đó mới có hi vọng đương đầu hiệu quả với các vấn nạn này.

Ở điểm thứ 2, trong bối cảnh năm 2017, mới tới tháng 10, Việt Nam đã trải qua 11 cơn bão và hàng loạt thiên tai gây tổn thất nặng nề - đồng thời nhiều nước khác trong khu vực cũng đối mặt vấn đề tương tự, APEC đã nhất trí vấn đề bảo hiểm thiên tai:

“Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho bảo hiểm rủi ro thiên tai với tác động ngày càng tăng của thiên tai và các khoản nợ tiềm ẩn của chúng trong các nền kinh tế trong khu vực.

Các chiến lược hiệu quả về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai bao gồm các giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công sẽ giúp giảm nhẹ và chuyển giao rủi ro, do đó hỗ trợ tốt hơn việc phục hồi và tái thiết kịp thời khi thiên tai xảy ra”.

Hi vọng từ hội nghị sẽ sớm có những biện pháp phòng ngừa cảnh “trắng tay” vì thiên tai với cả các tài sản công lẫn tư, mà đầu tiên phải kể đến là những hộ gia đình nghèo nhất, như e ngại của Oxfam mỗi khi thiên tai xảy đến.

Thay lời kết 

APEC chỉ là một diễn đàn với vai trò khuyến cáo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang phát triển.

Các khuyến cáo đó, được thể hiện trong tuyên bố của các lãnh đạo, sẽ là thiết thực nếu thực sự được các nước tham gia tiếp thu và điều chỉnh chính sách theo cho phù hợp, bắt đầu là giảm bớt bất bình đẳng, bằng không sẽ chỉ là những câu chữ “bóng loáng” mà thôi.■

Khu vực của chúng ta là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc

Phạm Bình Minh

(Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận