App sắp hết thời!

TRƯỜNG SƠN 28/05/2017 01:05 GMT+7

TTCT - Điện thoại thông minh có phải đã hết thời như tuyên bố gần đây của một kỹ sư công nghệ Microsoft, một “nhân vật” tưởng như không thể thiếu trong công nghệ di động hiện đại?

Ứng dụng nào hữu ích sẽ tồn tại
Ứng dụng nào hữu ích sẽ tồn tại

 

Ngày 3-5, Alex Kipman, "cha đẻ" thiết bị xem thực tại lẫn lộn (mixed reality) HoloLens của Microsoft, khẳng định chắc nịch với Bloomberg rằng “điện thoại thông minh đã chết, có điều người ta không nhận ra mà thôi”.

Kipman cho rằng thiết bị con cưng do chính anh sáng chế sẽ là “kẻ thừa kế của bất kỳ thiết bị nào có màn hình - từ điện thoại thông minh đến tivi”.

Tuyên bố này cũng giống như những gì Facebook công bố hồi tháng 4 về một tương lai người dùng trải nghiệm thế giới thật ảo lẫn lộn với các công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) thông qua thiết bị đeo (wearable).

CEO Apple, Tim Cook, hồi tháng 2 cũng thừa nhận AR sẽ là công nghệ đột phá trong tương lai và là “một ý tưởng lớn” - giống như cách Apple định nghĩa thế nào là điện thoại thông minh với phiên bản iPhone đầu tiên cách đây tròn 10 năm.

Không phải điện thoại thông minh, mà là app

Lời nói gây sốc của Kipman khiến nhiều trang tin công nghệ lập tức đăng đàn phản pháo, chỉ ra hàng loạt nguyên nhân chứng tỏ điện thoại thông minh chưa thể đến hồi quá vãng sớm như thế.

“Lẽ nào chúng ta phải tin rằng một thiết bị đa chức năng, nhỏ gọn, có thể lấy khỏi túi quần hay túi xách bất kỳ lúc nào lại sắp bị thay thế bằng một cặp kính mà ta phải đeo vào mắt hay sao?” - tác giả Adrian Kingsley-Hughes viết trên ZDNet ngày 12-5.

Tờ Huffington Post cũng chỉ ra điện thoại thông minh không thể dễ dàng “chết”, khi thiết bị được cho là sẽ thay thế nó - tức kính HoloLens - phải đến năm 2019 mới bán ra và giá thì “trên trời”: 3.000 USD.

Kipman là nhà sáng chế thiết bị xem VR, nên tuyên bố của anh chẳng khác nào người bán xe máy tuyên bố xe đạp đã hết thời. Thực tế thị trường điện thoại thông minh vẫn cực kỳ sôi động, tăng trưởng quý 1 năm nay đạt 6,1% so với cùng kỳ 2016, trên 353 triệu thiết bị bán ra, theo số liệu của Strategy Analytics.

Điện thoại thông minh chắc chắn không chết ngay, thay vào đó, giới phân tích công nghệ cho rằng các ứng dụng (app), một phần tưởng như không thể thiếu của điện thoại thông minh, mới lại là thứ đang có nguy cơ lùi vào quá khứ, mở ra “kỷ nguyên hậu ứng dụng” (post-app).

Hồi tháng 2-2017, Hãng nghiên cứu thị trường Gartner công bố kết quả khảo sát thói quen sử dụng app của hơn 3.000 người dùng Anh, Mỹ và Trung Quốc.

Tính đến hết năm 2016, chỉ 33% số người được hỏi cho rằng họ dùng 6-10 app thường xuyên mỗi tháng, giảm 6,2% so với năm trước đó. Gartner nhấn mạnh 3 nhóm app mạng xã hội, xem video và xem bản đồ đều ghi nhận số lượt dùng giảm, trong khi nhóm nhắn tin và mua sắm lại tăng.

Theo Gartner, các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, WeChat và WhatsApp “ngày càng “bám dính” người dùng hơn”, với 72% số người tham gia nói họ sử dụng các app này ít nhất 1 lần/ngày.

Một thông tin đáng chú ý khác từ khảo sát của Gartner: 35% người dùng di động có sử dụng trợ lý ảo như Siri của Apple hay Google Now tăng 4% so với cùng kỳ, “chứng tỏ các trợ lý với trí tuệ nhân tạo (AI) này có khả năng thay thế một số ứng dụng truyền thống”.

Các số liệu từ Gartner khớp hoàn toàn với những dự báo và nhận định về một thế giới “hậu ứng dụng” trước đó: chúng ta sẽ dùng ít app hơn nhưng vẫn thỏa mãn được nhu cầu, vì các “siêu app” có thể đáp ứng được nhiều tác vụ khác nhau và trợ lý ảo sẵn sàng làm giúp ta nhiều thứ.

Chuẩn bị gì cho thời kỳ hậu ứng dụng?
Chuẩn bị gì cho thời kỳ hậu ứng dụng?

 

Thế nào là hậu ứng dụng?

“Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của thời kỳ “hậu ứng dụng”, bằng chứng là người dùng đã bắt đầu sử dụng ít app trên điện thoại thông minh hơn - Jessica Ekholm, giám đốc nghiên cứu của Gartner, khẳng định - Điều quan trọng hơn là người dùng đang tìm kiếm các app có thể đáp ứng nhiều nhu cầu mà không cần phải thoát khỏi chính ứng dụng đó”.

Nhận định của Ekholm không khó hiểu với người quen dùng Google, Facebook hay trợ lý ảo Siri. Facebook là mạng xã hội, chia sẻ trao đổi thông tin nhưng người dùng có thể đọc tin tức, nghe nhạc, xem video từ các nguồn khác (báo mạng, YouTube, web chia sẻ nhạc) mà không cần phải thoát khỏi ứng dụng Facebook.

App đang dần thất thế vì “hóa ra chúng chỉ là lối tắt cho người dùng đến một trang web cung cấp dịch vụ nào đó mà thôi” - Jamie Turner, giám đốc phân tích dữ liệu thuộc Công ty PCA Predict, nhận định với trang TechRadar. Quả vậy, ứng dụng mua vé xem phim chẳng hạn chẳng qua chỉ là giúp bạn truy cập nhanh và thực hiện mua vé y hệt thao tác trên web.

Thậm chí các trang web ngày nay đều có phiên bản mobile, chức năng y hệt ứng dụng, vậy sao phải tải, cài đặt app rồi lại cập nhật, bao nhiêu là phiền toái và tốn dung lượng lưu trữ?

Những bất lợi khác của app ở chỗ mỗi thứ giúp ta làm chỉ một việc. Ta phải xài app A để nghe nhạc, còn muốn xem video lại phải cậy app B.

Muốn chat với bạn bè thì có Facebook Messenger, nhưng bố mẹ ở nhà chỉ quen xài Google Hangouts, còn thầy cô hay đồng nghiệp lớn tuổi không dùng gì khác ngoài Skype. Rốt cuộc để đạt được mục đích (nhắn tin cho ai đó), ta phải xem người đó dùng app nào thì mở app đó lên, tìm trong danh bạ mà chưa chắc họ có đang online không.

Một chỗ và nhiều thứ

Những ứng dụng “muốn gì cũng có” là thứ người dùng đang cần. Bản thân người dùng cũng không muốn cứ phải chuyển đổi qua lại mỗi app cho từng nhu cầu (đang mở app đọc báo phải tắt để chuyển sang mở app nghe nhạc), và nhà phát triển ứng dụng cũng muốn thời gian người dùng “ở lại” trên phần mềm của họ càng lâu càng tốt.

Giống như ông bán cà phê không muốn khách cứ đến quán mình rồi kêu tô phở ở đâu bưng đến bèn bán luôn cả điểm tâm, thuốc lá, thậm chí cả tạp hóa để khách đã đến với mình thì không phải đi đâu nữa cả. Các nền tảng (platform) nhắn tin và trợ lý ảo chính là “quán cà phê cái gì cũng có”.

“Trong thời kỳ mà (những nền tảng này) đang bùng nổ, có vẻ như app ngày càng không phải là giải pháp cho mọi nhu cầu của người dùng di động” - Tom Goodwin của trang công nghệ TechCrunch nhận định trong bài viết “Chào mừng đến thế giới hậu ứng dụng”.

Trang TechRadar cũng dẫn lời chuyên gia công nghệ Claus Jepsen của Công ty phần mềm Unit4 cho rằng app sẽ không biến mất hoàn toàn, mà chỉ có các app “đơn nhiệm”, không tích hợp được nhiều trải nghiệm vào một chỗ cho người dùng sẽ không còn đất dụng võ.

Quả vậy, một trong những “siêu ứng dụng”, gom tất cả về một mối và khiến người dùng một khi đã vào thì không cần/không thể đi đâu khác chính là Messenger, nền tảng nhắn tin qua Internet có hơn 1,2 tỉ người dùng thường xuyên.

Tháng 4-2014, Facebook khiến người dùng di động nổi giận khi buộc họ phải tải ứng dụng Messenger để liên lạc, thay vì chat trực tiếp trên app Facebook. Người dùng bực bội là thế, nhưng rốt cuộc vẫn phải cài thêm Messenger.

Nhưng không phải vô cớ mà Facebook lại tách chức năng chat thành một ứng dụng riêng: người dùng giờ đây không chỉ chat qua Messenger mà còn có thể gọi video call, chơi game, thêm ghi chú vào lịch, chia sẻ hình ảnh, đọc báo, tra cứu thông tin máy bay, đặt bánh pizza, tương tác với các nhãn hàng, doanh nghiệp... mà trước đây phải cài ít nhất 3-4 app mới có thể làm được. “(Mark Zuckerberg) muốn biến Messenger thành ứng dụng duy nhất mà bạn cần và là nơi duy nhất bạn cần vào để tương tác với người khác” - trang WIRED giải thích.

Có vẻ như Zuckerberg đã thành công, nếu nhìn vào tăng trưởng chóng mặt của Messenger: 200 triệu người dùng vào tháng 4-2014, vọt lên 1 tỉ vào tháng 6-2016 và bây giờ là hơn 1,2 tỉ - tăng trưởng 500% trong 3 năm!

Những “ứng dụng toàn năng” như Messenger dù sao vẫn buộc người dùng phải thao tác với thiết bị. Các trợ lý thông minh được trang bị AI và tương tác với con người bằng giọng nói được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giúp người dùng giảm hẳn việc dùng tay bấm điện thoại hoặc nhìn vào màn hình và khi đó, thời kỳ hậu ứng dụng sẽ chuyển mình sang giai đoạn hoàng kim và dựng nên “thế giới không màn hình”.

Một nghiên cứu khác của Gartner tiếp tục chứng minh nhận định trên: đến năm 2020, các trợ lý ảo được dự đoán chiếm 40% tương tác giữa người dùng và thiết bị di động. “Bạn sẽ không phải mở một ứng dụng cụ thể nào, các thuật toán sẽ hiểu bạn cần gì và đưa ra chính xác dữ liệu đó” - Gartner nhận xét.

Trong khi đó, cuộc đua của các trợ lý ảo dưới hình hài loa thông minh giữa Amazon Echo, Google Home vẫn đang tiếp diễn và còn mạnh mẽ hơn khi có tin đồn Apple sẽ nhảy vào lĩnh vực này.

Ở “thế giới không màn hình”, ta vẫn có thể check mail, xem dự báo thời tiết, lên lịch hẹn bằng giọng nói và nghe phản hồi từ “trợ lý”. “Khó mà đánh giá thấp tầm quan trọng của trợ lý ảo trong tương lai không màn hình” - chuyên gia Gene Munster của Loup Ventures nhận xét.

Frank Palermo, phó giám đốc điều hành Công ty công nghệ VirtuasaPolaris, cho rằng giọng nói sẽ là trung tâm của trải nghiệm người dùng trong tương lai.

Giọng nói sẽ giúp con người thực hiện được nhiều việc mà không cần cài đặt thật nhiều ứng dụng, cũng như không cần phải chạm tay vào điện thoại. Palermo cho rằng “bấm hết nút này đến phím nọ không phải là cử chỉ tự nhiên của con người” và hoàn toàn tin tưởng ở tương lai khi con người có thể tương tác tự nhiên với các thiết bị, như cách hai con người trò chuyện với nhau.

“Đó chính là lúc việc người dùng phải mở từng ứng dụng một trên điện thoại trở thành quá vãng” - Palermo kết luận. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận