Ba cấp độ của tích hợp

TTCT - Hầu hết các nền giáo dục tiên tiến hiện nay đều kiến tạo hệ thống giáo dục theo cách tiếp cận “phát triển năng lực”, chú trọng giúp học sinh “làm được gì” từ những điều đã học.



book
 

Cách tiếp cận cũ là “truyền thụ kiến thức” dựa trên giả định là nếu có nhiều kiến thức thì người học sẽ có năng lực, tức có khả năng giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trong học tập và cuộc sống. Nhưng cách tiếp cận đó dẫn đến chỗ không biết kiến thức nào cần phải đưa vào nhà trường khi mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng nhanh như vũ bão. Hậu quả là học sinh bị nhồi nhét kiến thức, trong đó có nhiều thứ vô dụng, nhưng khi vào đời lại rất lúng túng khi phải giải quyết những công việc thực tế.

Cách tiếp cận “phát triển năng lực” thiết kế quy trình dạy học bắt đầu từ những câu hỏi như: Học xong môn này, khóa học này, học sinh có thể làm được những gì? Để làm được điều đó, nhà trường cần cung cấp những kiến thức nào?

Theo cách đó, ngay trong quá trình giáo dục, học sinh cần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể gần với đời sống thực mà kiến thức, kỹ năng của mỗi môn học truyền thống không thể đáp ứng được.

Thay vì để học sinh tự “tích hợp” kiến thức, kỹ năng đã học trong những môn riêng biệt để giải quyết những vấn đề mà các em phải đối mặt khi vào đời thì nhà trường hiện đại nhận lãnh trách nhiệm “tích hợp” đó ngay trong quá trình dạy học. .

Có nhiều cách diễn giải và phân biệt các kiểu tích hợp. Có một cách khả dĩ và dễ hiểu là phân biệt tích hợp theo cấp độ: tích hợp trong từng bài học hay hoạt động dạy học; tích hợp ở sách giáo khoa; tích hợp ở chương trình.

Ở cấp độ dạy học trong lớp, giáo viên có thể tích hợp kiến thức và kỹ năng của bất kỳ môn học nào với nhau. Chẳng hạn, khi viết một bài nghị luận về bảo vệ môi trường, học sinh có thể sử dụng kiến thức về hóa học, sinh học, khả năng tính toán và cả khả năng tạo lập một văn bản nghị luận có thể thuyết phục người đọc.

Ở cấp độ sách giáo khoa và chương trình thì tích hợp đòi hỏi những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn. Trên cơ sở các chuyên ngành khoa học vốn có tiếp cận gần với các môn học trong nhà trường truyền thống như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý..., các môn học mới được tạo lập dựa trên những quan hệ mật thiết và hệ thống giữa các lĩnh vực tri thức và dựa trên mục tiêu giáo dục đối với học sinh từng cấp.

Môn Ngữ văn thực chất là kết quả của tích hợp. Hiện vẫn có một số nhà giáo dục chủ trương dạy Văn học và Ngôn ngữ (Tiếng Việt) trong nhà trường như hai môn học riêng biệt vì cho rằng đó là hai lĩnh vực khoa học có đối tượng, mục đích và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới, nhất là ở các nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, New Zealand,…Văn học và Ngôn ngữ đều được dạy học trong một môn mà nhiều nước gọi theo tên của tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ quốc gia.

Sự tích hợp ở môn Ngữ văn có cơ sở từ mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ và từ mối quan hệ hết sức mật thiết và hệ thống giữa kiến thức, kĩ năng của hai lĩnh vực. Trước đây từng có ba cuốn sách riêng biệt cho Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn thì nay chỉ có một cuốn tích hợp duy nhất. Trong chương trình theo mô hình phát triển năng lực, tất cả kiến thức và kĩ năng của ba phần này được tích hợp triệt để vào trung tâm của bài học là văn bản nhằm giúp học sinh phát triển khả năng đọc, viết, nói và nghe về nhiều thể loại văn bản đa dạng và cần thiết cho cuộc sống. Sự tích hợp này được thực hiện xuyên suốt ở cả ba cấp độ: hoạt động dạy học (trong từng bài học và bài tập), sách giáo khoa (một cuốn sách), chương trình (một chương trình) cho cả ba cấp học phổ thông.

Môn Khoa học là kết quả của sự tích hợp giữa ba môn học có tính độc lập cao hơn là Vật lí, Hóa học, Sinh học…, dựa trên mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên xoay quanh các phạm trù như vật chất, sự sống, năng lượng...

Các nước như Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand,… đều có một chương trình cho môn Khoa học ở tiểu học và trung học cơ sở, nhưng có thể có những cuốn sách giáo khoa riêng biệt (Physics, Chemistry, Biology) và sách giáo khoa tích hợp (Science) với hai cách tích hợp phổ biến: Xoay quanh một số chủ đề chung cho cả ba môn học; Lựa chọn một số nội dung gần nhau của ba môn đặt cạnh nhau và đan xen một số chủ đề chung cho cả ba môn. 

Lấy lại ví dụ về môn lịch sử và địa lý. Hai môn này có vẻ không gần gũi nhau bằng vật lý, hóa học và sinh học.

Tuy vậy, mối quan hệ giữa chiều kích thời gian và không gian khi phân tích các hiện tượng xã hội và trải nghiệm của con người cũng đặt cơ sở cho sự tích hợp hai môn học này trong môn khoa học xã hội/tìm hiểu xã hội ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand...

Nước Mỹ có một chương trình cho môn khoa học xã hội/tìm hiểu xã hội (hoặc tên ghép lịch sử - khoa học xã hội như ở bang California), trong đó có mạch riêng cho từng môn (lịch sử, địa lý...) và mạch chung yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng tích hợp, chẳng hạn phân tích ảnh hưởng của các yếu tố địa lý (vị trí, địa hình, khí hậu, dân số...) đến các sự kiện lịch sử.

book
book

Vẫn có thể có những cuốn sách giáo khoa riêng (history, geography...) và sách giáo khoa chung (social studies). Ngược lại, Úc có chương trình riêng cho lịch sử, địa lý nhưng vẫn có sách giáo khoa tích hợp, trong đó có những chương riêng cho lịch sử, địa lý, ví dụ cuốn Humanities & Social Studies (xem ảnh).

Như vậy, sự phân biệt giữa “môn” và “phân môn” trong “môn tích hợp” chỉ có tính tương đối. Việc tích hợp các môn học truyền thống thành một môn tích hợp có thể chỉ làm mất đi cái tên riêng biệt của từng môn, nhưng những giá trị cốt lõi (kiến thức, kỹ năng) của nó vẫn còn đó. 

Điều quan trọng là phải tích hợp sao cho có hiệu quả, vì cách tiếp cận này đòi hỏi khả năng kết nối kiến thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau của các nhà chuyên môn và giáo viên khi thiết kế và dạy học những mạch chung trong chương trình và sách giáo khoa tích hợp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận