Bác sĩ gia đình và "giấc mơ" của người bệnh

TTCT - Đi sau thế giới hơn 60 năm trong việc xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, Việt Nam liệu có tận dụng được những kinh nghiệm tốt để biến giấc mơ của hàng triệu người dân “được trở thành nhân vật trung tâm, được theo dõi, chăm sóc sức khỏe toàn diện từ khi còn là bào thai đến lúc từ giã cõi đời” thành hiện thực trong tương lai gần?


Bệnh nhân chờ khám tại phòng khám BSGĐ Bệnh viện Q.10 - Ảnh: Ngọc Nga

Tại TP.HCM, hiện có hai hình thức mà người ta quen gọi là “bác sĩ gia đình” (BSGĐ). Một là những bác sĩ nhận bệnh qua điện thoại, đến tận nhà bệnh nhân để khám bệnh, kê đơn thuốc. Bệnh nhân của họ có thể là người chỉ gọi bác sĩ đến khám bệnh một vài lần rồi thôi, nhưng cũng nhiều người đã theo điều trị một bác sĩ nhiều năm liền. Chi phí thường được tính từ 150.000-350.000 đồng cho mỗi lần khám, tùy địa điểm nhà bệnh nhân xa hay gần.

Hai là các công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ y tế có các “gói dịch vụ BSGĐ” để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân với giá dịch vụ vô cùng phong phú, phù hợp từng đối tượng bệnh nhân từ bình dân đến cao cấp.

Nhưng cả hai loại dịch vụ bác sĩ trên chưa thể gọi là BSGĐ. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - trưởng bộ môn BSGĐ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều người vẫn chưa hiểu chính xác khái niệm BSGĐ và y học gia đình. Có đến 90% người được hỏi (*) đều nghĩ BSGĐ là những bác sĩ đến tận nhà để khám và chữa bệnh cho bệnh nhân.

Nhưng trên thực tế 70% bệnh nhân phải đến phòng khám BSGĐ, việc tới nhà để khám cho bệnh nhân chỉ là một phần công việc của BSGĐ khi bệnh nhân không thể đến phòng khám. 

BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh nên biết rõ vấn đề sức khỏe của từng người bệnh trong hoàn cảnh, lối sống, gia đình và cộng đồng của họ.

Bắt đầu thu hút bệnh nhân

Tại TP.HCM, mô hình phòng khám BSGĐ xuất hiện cách đây không lâu tại một số bệnh viện (BV) tuyến quận huyện như BV quận 10, BV quận 2. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, các phòng khám này bắt đầu tạo được niềm tin cho bệnh nhân.

Tại phòng khám BSGĐ BV quận 10, chúng tôi thấy bác sĩ Chau Sóc Khim ân cần thông báo kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân Phùng Thị Mỹ Ngọc (65 tuổi). Sau khi thông báo kết quả xét nghiệm không có gì bất thường nhưng vẫn nghe bệnh nhân than đau đầu, bác sĩ Khim hỏi thêm: “Dạo này bác bán xe Vespa vẫn tốt chứ ạ?”.

Nghĩ ngợi một lát, bà Ngọc nói có thể việc buôn bán làm bà đau đầu. Bác sĩ Khim động viên bệnh nhân không nên quá lo lắng về bệnh tật, cố gắng giữ cho cuộc sống thoải mái, tránh để áp lực công việc căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhận đơn thuốc xong, bà Ngọc cười thật tươi chào bác sĩ rồi qua phòng bên cạnh nhận thuốc. Bên ngoài, chồng bà là ông Nguyễn Văn Đặng (85 tuổi) đang chờ đến lượt mình được khám.

Trước đây, mặc dù bà bị đau khớp, tim, còn ông thì cao huyết áp, khó ngủ nhưng vợ chồng ông Đặng ít khi đến BV để khám vì ngán cảnh chờ đợi lâu, bác sĩ khám qua loa. Lúc nào thấy mệt thì tới phòng khám tư, đôi khi ra luôn tiệm thuốc tây. 

Nhưng từ khi biết có phòng khám BSGĐ tại BV quận 10, hai ông bà quyết định sẽ theo dõi sức khỏe tại đây, cùng lựa chọn một bác sĩ thường xuyên theo dõi sức khỏe cho mình. Mỗi lần đi khám ông bà đều được hẹn giờ trước nên không phải chờ đợi lâu.

“Lần khám sau bác sĩ đều xem lại hồ sơ khám trước đó để cho loại thuốc, liều thuốc phù hợp. Chúng tôi đã có tuổi, sức khỏe như quả trứng mỏng nên yên tâm hơn khi có bác sĩ nắm rõ bệnh tình của mình” - ông Đặng cho biết. Tại phòng khám này, bệnh nhân được tự mình lựa chọn bác sĩ và có thể yêu cầu đổi bác sĩ nếu chưa thấy hài lòng.

Cũng là một trong những BV đầu tiên triển khai phòng khám BSGĐ, BV quận 2 đang tổ chức một phòng khám BSGĐ có khá đông bệnh nhân theo điều trị. Chị Hoàng Thị Thanh Lan (Q.9) từ phòng khám bước ra với nụ cười rất tươi: “Bác sĩ nói đã chuyển hồ sơ của tôi cho một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng xem xét. Bệnh thì chưa biết có khỏi hay không nhưng thấy bác sĩ tư vấn tận tình, vui vẻ tôi cũng thấy lạc quan phần nào cho căn bệnh lâu năm của mình”. Nhiều người khi tới khám thấy hài lòng nên đã đưa cả gia đình đến đây khám bệnh và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ Lê Thanh Hùng - phó giám đốc BV quận 10 - cho biết phòng khám BSGĐ tại BV quận 10 (được Sở Y tế cho phép thành lập tháng 6-2012) có năm buồng khám làm việc từ 7g-18g từ thứ hai đến thứ bảy, đón khoảng 250-300 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Khi hoàn thiện BV sẽ chuyển mô hình này cho trung tâm y tế dự phòng để triển khai xuống các trạm y tế phường.

Trong năm 2013, BV quận 10 sẽ triển khai mô hình này xuống sáu trạm y tế, dự kiến sang năm triển khai cho chín trạm y tế phường còn lại trong quận để mô hình BSGĐ thật sự gần dân hơn.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2, cho biết phòng khám BSGĐ ở đây (thành lập tháng 10-2012) có 18 bác sĩ, đón trung bình 40-45 bệnh nhân mỗi ngày. Ông hi vọng khi làm tốt mô hình phòng khám BSGĐ thì dân ở các vùng Nhơn Trạch, quận 9, quận 2 sẽ không phải lặn lội đường xa lên các BV khu trung tâm để chen chúc vạ vật chờ đợi nữa.

“Mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa bác sĩ về gần dân, vì vậy phòng khám BSGĐ nên nằm ở y tế cơ sở. Hiện nay chúng tôi đang khảo sát hai trạm y tế ở phường Thảo Điền và phường Thạnh Mỹ Lợi để triển khai phòng khám BSGĐ và sẽ nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng ra các phường khác trên địa bàn quận”.

Giai đoạn 2013-2015: xây dựng thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ, cả nước phải thành lập được tối thiểu 80 phòng khám BSGĐ (có 53 phòng khám BSGĐ tư nhân) ở tám tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Trong đó, TP.HCM có 30 phòng khám BSGĐ, Hà Nội có 20 phòng khám BSGĐ. Giai đoạn 2016-2020, mô hình phòng khám BSGĐ chuẩn sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Ba mô hình BSGĐ gồm phòng khám BSGĐ tư nhân; phòng khám BSGĐ phối hợp, lồng ghép chức năng trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của các BV, do các BV quản lý. Các phòng khám này có chức năng cơ bản là khám chữa bệnh; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tư vấn sức khỏe.

Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020 (phê duyệt tháng 3-2013) 

Hiểu rõ bệnh sử của bệnh nhân và tư vấn tận tình là những lợi thế rất lớn của BSGĐ. Trong ảnh: Phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Q.2 - Ảnh: Ngọc Nga

Vạn sự khởi đầu nan

Thiếu phần mềm quản lý bệnh án điện tử, chưa có mô hình thực tiễn đi trước ở trong nước để học hỏi, thiếu bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa BSGĐ, thiếu trang thiết bị liên kết giữa các bộ phận để có thể chẩn bệnh từ xa và kết nối thông tin... là những thách thức không nhỏ đối với việc phát triển rộng và hiệu quả mô hình BSGĐ.

Chưa kể, hiểu biết và tin cậy của người dân đối với mô hình này là chưa nhiều trong khi đã kịp có những nơi đăng ký là phòng khám BSGĐ để tính biểu giá dịch vụ theo tiêu chuẩn phòng khám BSGĐ nhưng thực chất chưa chăm sóc bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn này. Một trong những bất lợi đáng kể khác là việc bảo hiểm y tế chưa tham gia hệ thống phòng khám BSGĐ.

Mô hình BSGĐ phải gắn với hệ thống y tế cơ sở để giảm tải cho tuyến trên và ở một nơi có sẵn hệ thống trạm y tế phường xã như Việt Nam, đó là một lợi thế. Vấn đề là nâng chất lượng của hệ thống này để đảm đương được việc san sẻ gánh nặng cho tuyến trên. 

Không thể thiếu vai trò của bác sĩ phòng mạch tư

Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện mô hình BSGĐ và cũng có hẳn một đề án về vấn đề này nhằm giảm tải số lượng khám bệnh ở các bệnh viện tuyến trên, thông qua xác lập vai trò cơ bản của BSGĐ như một thành phần không thể thiếu trong mạng lưới y tế trong nước.

Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 255 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 5.700 phòng mạch tư. Tỉ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 63%. Số lượt bệnh nhân khám bệnh ngoại trú ở các bệnh viện trung bình 15.500 lượt/ngày, trong đó số lượt khám trú có BHYT khoảng 11.000 lượt/ngày, chiếm 60%. Tỉ lệ bệnh nhân cần nhập viện điều trị nội trú chỉ từ 10-20% số bệnh nhân khám ngoại trú.

Như vậy, số lượt bệnh nhân được theo dõi điều trị ngoại trú chiếm khoảng 12.000 lượt/ngày. Những bệnh mà bệnh nhân ngoại trú mắc đa số là bệnh mãn tính như tim mạch, nội tiết (tiểu đường), viêm phế quản, hen (suyễn), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, da liễu, viêm gan mãn, suy thận độ 1, bệnh lý khớp mãn, thần kinh...

Nếu mỗi phòng mạch tư đăng ký ngoài giờ 40 ca/buổi khám và phòng mạch đăng ký trong giờ là 60 ca/ngày khám, thì chỉ cần một nửa số phòng mạch tư tham gia hệ thống BSGĐ cũng đã giải quyết khám hết trong ngày hơn 10.000 số bệnh nhân ngoại trú đến khám hiện nay ở các bệnh viện.

Thực hiện mô hình BSGĐ thật ra là tái cơ cấu việc sử dụng nguồn lực thầy thuốc trong việc đáp ứng khám chữa bệnh cho người dân. Theo đó, mạng lưới y tế Việt Nam chỉ có hai cấp là BSGĐ và bệnh viện. Khi thực hiện được mô hình bác sĩ phòng mạch là BSGĐ thì Hội Hành nghề y tư nhân TP có nhiệm vụ tư vấn, giám sát hoạt động nghề nghiệp y tư nhân của các BSGĐ. Còn phạm vi hoạt động chuyên môn, điều kiện cấp phép hành nghề BSGĐ thì phải theo quy định.

Đề án này nếu thực hiện có hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội: tiết kiệm chi phí ngoài điều trị cho người bệnh; giảm áp lực - chi phí quản lý của bệnh viện công lập, giúp các bệnh viện có điều kiện, thời gian tập trung vào nghiên cứu khoa học và đào tạo; gầy dựng lại lòng tin cho người bệnh vào hệ thống y tế. Về phía người bệnh được hưởng lợi là được khám đúng nơi, đúng chuyên khoa, đúng bệnh, được chăm sóc tốt hơn bởi “bác sĩ của tôi”.

Bác sĩ NGUYỄN HỮU TÙNG (phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM

“Trạm y tế hiện nay chưa thu hút được người dân đến khám chữa bệnh nhiều nên khó bắt đầu từ đây. Cách làm hiện nay của TP.HCM là làm từ BV quận, huyện, tạo uy tín và sự tin tưởng cho bệnh nhân rồi dần triển khai xuống các trạm y tế phường xã. Bước trung chuyển này nhanh hay chậm là tùy thuộc vào sự tham gia của ngành y tế dự phòng” - TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp nói.

Theo Bộ Y tế, do còn khá mới nên mô hình BSGĐ chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, cũng chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý. VN đã có mạng lưới y tế tư nhân, đóng góp một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng nhưng hầu hết phòng khám tư nhân chưa được tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh.

Nếu hệ thống này tham gia hoạt động theo nguyên tắc phòng khám BSGĐ thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân sẽ cao hơn và góp phần giảm quá tải BV tốt hơn.

 Bác sĩ gia đình làm gì?

“BSGĐ là những bác sĩ đa khoa, tốt nghiệp chuyên khoa y học gia đình, có trình độ tương đối toàn diện, được đào tạo bài bản, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và tư vấn, hướng dẫn cho người dân chăm sóc sức khỏe của chính mình.

Ngoài ra, BSGĐ còn góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật bằng cách tư vấn, hướng dẫn người dân về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Bác sĩ hiện nay chủ yếu khám, chữa bệnh cho người dân mà không theo dõi sức khỏe toàn diện, liên tục cho họ và chưa làm được hoặc chỉ làm một phần nhỏ nhiệm vụ của BSGĐ kể trên”.

PGS.TS.BS NGUYỄN TẤN BỈNH (giám đốc Sở Y tế TP.HCM)


(*): Khảo sát riêng của TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp

____________

“Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế tài chính cho lồng ghép chính sách bảo hiểm y tế với hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình” - PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói về dự thảo “Đề án bác sĩ gia đình tại TP.HCM đến năm 2020” đang chuẩn bị trình UBND TP.HCM phê duyệt thực hiện.

Thực hiện tốt mô hình BSGĐ sẽ giúp tái cơ cấu nguồn lực thầy thuốc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh. Trong ảnh: Phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Q.10 - Ảnh: Thuận Thắng
PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: Ngọc Nga

Thưa PGS, bác sĩ gia đình (BSGĐ) là mô hình lý tưởng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Để có nguồn nhân lực thực hiện cũng như quản lý, vận hành tốt hệ thống phòng khám này, Sở Y tế TP chuẩn bị thế nào?

- Đúng là nhân lực BSGĐ hiện nay còn rất thiếu. Năm 2012, tại TP.HCM mới có 20 bác sĩ chuyên khoa, một BSGĐ và 60 bác sĩ định hướng chuyên khoa BSGĐ. Vì vậy, theo kế hoạch, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thuộc Sở Y tế TP.HCM) sẽ phối hợp với sở để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức y khoa liên tục cho 2.000 cán bộ quản lý, bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên tham gia phòng khám BSGĐ. Trong đó, tổ chức lớp dài hạn cho bác sĩ tham gia phòng khám BSGĐ, bao gồm bác sĩ chuyên khoa 1 và 2, bác sĩ chuyên khoa định hướng...

Về quản lý, các phòng nghiệp vụ của sở sẽ xây dựng các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh; xây dựng mạng quản lý thông tin và bệnh án (điện tử, giấy) và xây dựng hệ thống chuyển bệnh cũng như các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho người bệnh có thẻ BHYT.

Người dân tham gia BHYT có bệnh mãn tính ở giai đoạn ổn định mong được khám chữa bệnh BHYT ở phòng khám BSGĐ, nhưng họ chưa biết quyền lợi BHYT được giải quyết thế nào, việc chuyển viện ra sao?

- Sở sẽ xây dựng hướng dẫn thực hành khám chữa bệnh và chuyển bệnh của mạng lưới BSGĐ tại TP. Cụ thể sẽ có hệ thống phối hợp tuyến trên tuyến dưới: nhận bệnh, trả bệnh, trả kết quả điều trị cho tuyến dưới theo dõi tiếp, thanh toán BHYT. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng và đảm bảo hệ thống chuyển bệnh hợp lý, trước mắt sẽ tổ chức cho các bệnh viện: Nguyễn Tri Phương, Gia Định, 115 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tham gia mạng lưới BSGĐ để xây dựng cơ chế phối hợp - chuyển bệnh - chăm sóc bệnh nhân từ tuyến cơ sở đến tuyến thành phố. Năm 2014 sẽ triển khai đại trà cho các bệnh viện tuyến trên.

Về quyền lợi BHYT, sở sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP xây dựng cơ chế tài chính cho lồng ghép chính sách BHYT với hoạt động phòng khám BSGĐ. Cơ chế thu chi tài chính với bệnh nhân BHYT là bệnh nhân sẽ đóng thêm phần chênh lệch, các chế độ quyền lợi BHYT khác vẫn được hưởng đầy đủ theo quy định của Luật BHYT. 

Tại VN, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo BSGĐ ở VN với sự tài trợ của quỹ CMB (China Medical Board of New York) đã được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Thái Nguyên.

Tháng 3-2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 y học gia đình. Hiện có sáu trường là Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y dược Huế và Đại học Y dược Cần Thơ có trung tâm đào tạo BSGĐ.

Người dân đến phòng khám BSGĐ có lợi gì và được chăm sóc sức khỏe thế nào, thưa PGS?

- Bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn và điều trị, nếu cần thiết sẽ được BSGĐ cho chuyển viện lên đúng tuyến (các bệnh viện tuyến trên có chức năng và chuyên khoa sâu hơn). Sau đó, bệnh viện tuyến trên có nhiệm vụ phản hồi tình hình sức khỏe bệnh nhân trong thời gian điều trị ở tuyến trên về cho BSGĐ để tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin của người bệnh. Mỗi bệnh nhân quản lý tại BSGĐ sẽ được theo dõi một cách toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật. Như vậy, người dân bị bệnh nhẹ sẽ được điều trị, chăm sóc tại phòng khám BSGĐ chứ không phải đến bệnh viện chờ đợi khám bệnh vất vả như hiện nay vì tình trạng quá tải.

 Giai đoạn 1 (2013-2015), Sở Y tế đặt chỉ tiêu trong năm 2013 sẽ hoàn thành triển khai mô hình phòng khám BSGĐ ở 24 quận, huyện và khoảng 1-2 phòng khám BSGĐ tư nhân. Năm 2014 sẽ triển khai phòng khám BSGĐ ở 30% trạm y tế phường, xã và 3-5 phòng khám BSGĐ tư nhân. Năm 2015 triển khai phòng khám BSGĐ ở 50% trạm y tế và 30 phòng khám BSGĐ tư nhân.

Giai đoạn 2 (2016-2020), Sở Y tế TP sẽ có mô hình chuẩn phòng khám BSGĐ và mô hình này sẽ được triển khai đến 100% trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân.


 Chúng tôi ủng hộ

Bảo hiểm xã hội TP rất ủng hộ mô hình này và sẵn sàng tham gia, hỗ trợ Sở Y tế TP để mô hình này được sớm thực hiện, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.

Nhưng để thực hiện được quyền lợi của người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh tại phòng khám BSGĐ thì về mặt quản lý nhà nước phải có những quy định cụ thể. Ví dụ như BSGĐ khám những bệnh lý gì, khám bệnh ở mức độ nào? Ai quản lý hệ thống phòng khám này: bệnh viện, trạm y tế hay cơ quan nào khác? Vì về nguyên tắc, Bảo hiểm xã hội TP không thể ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT riêng lẻ với từng BSGĐ mà phải ký với đơn vị quản lý hệ thống này.

Hiện nay, theo quy định thì Bảo hiểm xã hội TP ký hợp đồng khám chữa bệnh với các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, phòng khám đa khoa tư nhân và tương đương. Việc ký kết hợp đồng như vậy để các cơ sở y tế này đứng ra tổ chức đấu thầu mua sắm và cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đây cũng là lý do phải có đơn vị quản lý hệ thống BSGĐ chứ không thể tự mỗi BSGĐ đi mua thuốc, vật tư.

Ngoài ra, phải có quy định về quản lý việc khám chữa bệnh của bệnh nhân giữa bác sĩ, bệnh viện và Bảo hiểm xã hội TP để có cách thức thanh toán, chi trả quyền lợi cho bệnh nhân. Khi có cơ sở pháp lý rồi thì có thể thí điểm triển khai ở một số địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai đại trà.

Do đó, mô hình BSGĐ phải gắn với trạm y tế phường, xã thì mới có thể triển khai thực hiện được việc thanh toán BHYT cho người bệnh, vì chỉ có thông qua hệ thống quản lý nhà nước là bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng quận huyện (trung tâm y tế dự phòng quận huyện quản lý các trạm y tế) mới có thể ký kết hợp đồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT.

Bà LƯU THỊ THANH HUYỀN(phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM

Ở Pháp, mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) xuất hiện từ thế kỷ 19 nhưng mãi đến năm 2004 luật cải cách số 2004-810 (được Hội đồng hiến pháp thông qua) mới bắt buộc những người trên 16 tuổi phải chọn cho mình một bác sĩ điều trị riêng (được gọi là BSGĐ) để được hưởng đúng quyền lợi của bảo hiểm y tế Pháp.

Các bác sĩ gia đình có vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống y tế nhiều nước - Ảnh: patientcostadvocates.com

Người bạn của bệnh nhân

Đây thường là các bác sĩ đa khoa, đảm bảo là người chăm sóc y tế đầu tiên cho bệnh nhân; chuyển bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa và thông báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho người có liên quan; tham gia việc xây dựng phác đồ điều trị; tóm tắt bệnh án để đưa vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khi cần nhập viện... Nhiều BSGĐ trở thành những người bạn thật sự của bệnh nhân.

Hiệp hội BSGĐ toàn cầu (WONCA) được thành lập năm 1972 và đến nay đã có gần 100 quốc gia thành viên. Mô hình BSGĐ không chỉ phát triển mạnh ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc mà ở cả các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia... Đặc biệt, Cuba là quốc gia được coi là một “hình mẫu” về phát triển mô hình BSGĐ.

Thường thì các BSGĐ chọn khám chữa bệnh ở phòng mạch riêng theo kiểu bác sĩ tự do. Lương của BSGĐ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân mà họ khám hằng ngày. Ngoài ở phòng mạch riêng, một số BSGĐ làm việc tự do nói trên cũng phải thay phiên trực cấp cứu và trực cuối tuần ở các bệnh viện, viện dưỡng lão, trung tâm kế hoạch hóa gia đình, trung tâm bảo vệ bà mẹ và trẻ em... Họ cũng có thể cấp một số loại giấy chứng nhận như giấy chống chỉ định hoạt động thể thao hoặc giấy khai tử.

Kể từ năm 2005, nếu người bệnh không chọn được BSGĐ để báo cho Bảo hiểm xã hội thì bị mất nhiều quyền lợi, cụ thể là chi phí hoàn trả cho việc thăm khám sẽ ít hơn những người có đăng ký tên của BSGĐ. Hiện nay, phí khám tại phòng mạch của BSGĐ ở Pháp là 23 euro/lần khám (29 USD) và được bảo hiểm y tế chi trả 70%, tức 16,10 euro (20 USD). 

Ngoài ra, phí khám tại nhà bệnh nhân sẽ là 33 euro/lần khám (42 USD) và tùy thuộc vào độ dài đoạn đường mà phí có thể được tính thêm theo từng kilômet.

Vai trò lớn dần

Ngày nay, BSGĐ đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống y tế ở nhiều nước. Theo báo cáo của WHO, tại một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cùng với Nepal, Sri Lanka đã coi y khoa gia đình là một chuyên khoa toàn diện, trong khi một số nước đang quan tâm đến việc phát triển bộ môn này.

Tại Thái Lan, hình thức BSGĐ bắt đầu xuất hiện từ tháng 8-1998. Trong thời điểm mà Thái Lan đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng kinh tế, đây được coi là nỗ lực cải tổ chăm sóc y tế cơ bản để giảm các chi phí trong chăm sóc y khoa. Những năm đầu Thái Lan cũng đối mặt với tình trạng khó khăn là thiếu BSGĐ, một điều được coi là hậu quả của việc có quá nhiều bác sĩ chuyên khoa từ những năm trước đó.

Còn tại Singapore, BSGĐ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế, cung cấp cho bệnh nhân sự chăm sóc toàn diện, riêng tư, liên tục và mang tính phòng ngừa ở cấp độ cao. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến sự thay đổi nhận thức và khuyến khích chăm lo cho sức khỏe. Bộ Y tế Singapore cho rằng mỗi người dân nước này nên có BSGĐ riêng - những người được đào tạo bài bản để có thể chăm sóc y tế ở cấp độ cao.

Báo cáo của phó giáo sư Wong Teek Kee thuộc Trường y khoa Yong Loo Lin của Singapore cho hay ước tính đến năm 2030, khoảng 20% dân số của Singapore trên 60 tuổi. Vì vậy, nhu cầu BSGĐ để chăm lo cho người già càng cao.

Tuy nhiên, một báo cáo của Tổ chức Mạng lưới quốc tế về cải cách và chính sách y tế cho biết Bộ Y tế Singapore đang quan tâm tới vấn đề tiêu chuẩn BSGĐ. Nhiều BSGĐ phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân một ngày và có thể không dành đủ thời gian cho các bệnh nhân mắc các chứng bệnh kinh niên. Và mặc dù các BSGĐ làm việc rất vất vả nhưng họ có thể thiếu kinh nghiệm, sự tự tin và ngay cả các kỹ năng giao tiếp để có thể lấy được thông tin từ bệnh nhân.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn, dù chương trình y khoa gia đình đầu tiên ở UAE bắt đầu năm 1994 và được hưởng lợi từ một mạng lưới trung tâm chăm sóc sức khỏe rộng lớn song nước này phải đối mặt với tỉ lệ bác sĩ - bệnh nhân quá cao, trong đó bác sĩ quá chú trọng vào số bệnh nhân hơn là chất lượng chăm sóc và nhất là sự thiếu vắng một hệ thống kiểm định y khoa (hay chương trình đảm bảo chất lượng BSGĐ).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận